
Ảnh: Lễ Ra Trường của các sinh viên sĩ quan năm Thứ 4 của trường OSU, ngày 02 tháng 03 năm 2025
Chiếc xe bus “Greyhound” lăn bánh chầm chậm vào bến ở Sacramento, miền Bắc của tiểu bang California vào một buổi chiều thu năm 1999 rồi từ từ dừng lại. Tôi bừng tỉnh khi đang ngồi quan sát cảnh vật bên ngoài, bởi mọi thứ, mọi người ở đây đều lạ lẫm đối với tôi vì tôi chỉ mới tới định cư tại quốc gia này có hai tháng thôi! Đứng dậy, vác chiếc ba lô đang để dưới gầm ghế lên vai tôi bước theo những người đi trước rời khỏi xe.
Vừa đặt chân xuống đất và ngó dáo dác xung quanh thì một người đàn ông trờ tới gần chỉ mặt tôi và ngoắc, đoạn quay lưng vội vã bước đi. Dù chỉ thoáng qua và xa nhau từ năm 1979 tới nay nhưng tôi vẫn nhận ra ngay người ấy là chú Tám của tôi, tôi lập tức lẽo đẽo theo sau.
Xa xa đằng kia, có hai người đàn ông nữa đang đứng đợi chờ mà nhìn sơ qua tôi biết đó là bác Hai và chú Bảy của tôi liền. Không vồn vã thông thường như đàn bà, những người đàn ông nhà tôi vẫn bình thản, chỉ mỉm cười như vài ngày chưa thấy nhau!
Chú Bảy nhìn tôi từ đầu đến chân, lắc đầu, vỗ vai, cười nụ:
- Mẹ… gì mà râu ria xồm xoàm, bụi đời dữ vậy nè?
Đoạn bốn người kéo nhau ra xe, về nhà. Chiều đó trong lúc ông anh, bà chị con bác Hai tôi lo nấu nướng đãi tôi ở dưới bếp thì bốn người đàn ông chúng tôi ngồi quây quần nơi phòng khách hàn huyên. Bác và mấy chú tôi chỉ lắc đầu nghe quãng đời gian truân với hành trình vượt biển tìm tự do của tôi mà chẳng biết nói sao hơn là thở dài ngán ngẫm!
Hai mươi lần vượt biên, ba lần bị bắt với gần sáu năm tù ở các trại cải tạo và hơn mười năm chết dí nơi trại tị nạn Phi Luật Tân đã khiến tôi từ một chú bé học trò Taberd thơ ngây ngày nào nay trở thành một tay lăn lộn giang hồ, bợm bãi!
Ngồi đối diện với chú Bảy, tôi phải nhìn kỹ lắm mới có thể nhận ra được ông nhờ các nét quen thuộc ngày xưa, vì đã gần 25 năm tính từ tháng Tư, 1975 chứ ít ỏi gì? Tôi vẫn nhớ…
… Một chiều của ngày 24 hay 25 tháng 04 năm ấy, trong lúc tôi đang đứng trước sân nhà bỗng thấy ba tôi hối hả chạy về, mặt mày vô cùng lo âu. Rồi ông kêu tôi leo lên ngồi sau chiếc xe Honda 67 đàn ông, màu đen của ông và đi lên Gò Vấp tới vòng đai tiếp giáp với phi trường Tân Sơn Nhứt. Đoạn ông giảm ga, cho xe chạy rề rề, men theo đường lộ và gấp gáp tắp vô lề khi thấy chú Bảy tôi đang đứng chờ sẵn bên trong.
Ba tôi bảo tôi đứng coi chừng xe, còn ông băng qua vườn rau cải mà dân chúng trồng ven đường để tới sát hàng rào kẽm gai. Tôi không biết ba tôi và chú tôi nói gì nhưng tôi nhớ là tôi chờ ba tôi lâu lắm. Khi hai anh em từ giã, chú tôi giơ tay vẫy vẫy về phía tôi lúc chú bước qua bãi cỏ rộng lớn để vô lại phi trường. Sau khi trở về, ba tôi nhờ một đứa cháu gái là con của người em thứ năm tới nhà của chú Bảy tôi ở gần chợ Thị Nghè để trông coi và giữ nhà. Đó là lần cuối tôi thấy chú Bảy tôi!
Năm tôi khoảng chừng hai mươi tuổi, ba tôi mới cho biết là chú tôi làm việc cho cơ quan DAO (The Defense Attache Office) nên được cơ quan này đưa vào phi trường đi di tản cùng vợ con từ mấy ngày trước nhưng chẳng hiểu vì sao đến hôm ấy vẫn còn kẹt lại do đó lúc ba tôi nhận được tin chú tôi nhắn muốn gặp ông qua người quen được ra vô phi trường thì ông lo lắng nhiều là thế. Ông còn cho biết thêm ngày đó chú tôi dặn ba tôi là nếu sau này có bất cứ ai hỏi về chú thì hãy trả lời là chú ấy đã mất tích trong lúc lộn xộn bởi chiến tranh rồi vì trong xóm tôi có một số Việt Cộng nằm vùng đã lộ diện và đang nỗ lực tìm tung tích chú. Đây là lý do chú biệt tăm vì sợ, không dám viết thư liên lạc về nhà suốt nhiều năm dài, nhưng điều này lại khiến cho nhà tôi thắc mắc, lo âu. Đôi khi mọi người lại nghĩ quẩn có thể gia đình chú đã mất trong các đợt pháo kích của cộng sản vào phi trường mấy ngày sau đó rồi cũng nên!
Riêng chú Tám tôi thì cũng có thay đổi chút đỉnh nhưng tôi có thể nhớ ra ngay nhờ khoảng thời gian xa cách ngắn hơn. Bởi sau buổi “tan đàn, xẻ nghé” đau thương kia thì độ chừng tối ngày 3 hoặc 4 tháng Năm, 1975 gì đó không nhớ rõ lắm, tôi đạp xe đạp về thăm nhà nội ở Ngã Ba Cây Thị thì thấy chú Tám tôi cùng bác Ba và bác Năm đang ngồi nơi chiếc bàn kê chỗ tấm thổ rộng lớn giữa nhà trên và nhà dưới nói chuyện rôm rả. Đây là hai người con của ông cậu Chín, anh ruột của bà nội tôi ở cạnh bên. Bác ba là Đại Úy, Trưởng Ban Lãnh Thổ Quân Đoàn, còn bác Năm là Trung Tá Không Ảnh của Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu, của Việt Nam Cộng Hòa.
Cả ba đang bàn luận lung tung, xem xét sự tình buổi giao thời và nhận định mọi việc trước hoàn cảnh mới một cách khá căng thẳng. Và đó là lần sau cùng tôi gặp vì sau đấy cả ba người ra trình diện “học tập cải tạo” rồi bị lừa đi tù suốt nhiều năm dài. Chú Tám tôi thì học trường Quốc Gia Thương Mại nên chỉ là Thiếu Úy Quân Tiếp Vụ do vậy nhờ có trình độ chuyên môn ông được thả về đầu năm 1978. Tính thời gian thì ông bị tù hơn hai năm nhưng cũng suýt mất mạng trong đợt dịch bệnh tiêu chảy bùng phát dữ dội ở các trại cải tạo trong Nam khiến nhiều sĩ quan bỏ mạng mà tới bây giờ sách sử vẫn còn lưu truyền!
Trở về xã hội, sống đời thường nhưng dù có chuyên môn chú Tám tôi vẫn phải chạy vạy khắp nơi mới xin được chân kế toán quèn cho Xí Nghiệp Dệt. Hằng đêm chú ngồi gầm đầu cho đám “Ba Mươi Tháng Tư” lên lớp sỉ vả, chửi bới nhiếc móc, kể lể tội ác với cách mạng, nợ máu với nhân dân. Chú phải nhẫn nhịn ngày bọn công an phường, khóm cùng mấy ông bà tổ trưởng thất học họp xét “trả quyền công dân” trong tủi nhục đắng cay.
Biết không sống nổi với tận cùng nỗi khốn nạn của chế độ, chú đã theo gia đình nhà vợ; vốn là người Hoa ở Biên Hòa, đóng tiền vượt biển ngay khi phong trào vượt biên bán chính thức của Hoa Kiều nổ ra. Nhà vợ của chú Tám tôi dù đã bị đánh “Tư Sản Mại Bản” tơi tả nhưng vẫn rất hay là còn giấu được một số vàng đủ để đóng cho hơn cả mười người trốn thoát.
Cuộc hải trình của chú vào tháng Năm, 1979, đầy gian nan. Theo lời chú viết trong thư gửi về kể lại thì ngày ấy vợ chú đau bụng dữ dội và sanh con ngay trên biển, may mắn là nhờ trên tàu có một ông Bác Sĩ Sản Khoa, giúp đỡ đẻ với dụng cụ chỉ có một chiếc dao lam mong manh như số phận mọi người lúc ấy mà thôi. Sau đó, tàu này vô tới Mã Lai thì bị đuổi ra, phải chạy lên Hồng Kông nhưng không được cho vào. Đang lúc còn lênh đênh giữa biển khơi chưa biết phải đi đâu thì tàu của chú được một tàu hàng cứu vớt gửi vô Mã Lai lại. Tính ra họ đã ở ngoài đại dương gần cả tháng trời mới được cập bến!
Vài tháng sau thì gia đình chú về Ý định cư vì theo luật hàng hải quốc tế thì trẻ em sanh trên biển phải lấy quốc tịch của vị thuyền trưởng của tàu nào cứu vớt.
Năm 1980, thì do hoàn cảnh tôi đã về nhà nội tôi ở và vào một buổi trưa hè nắng gắt, tôi ngồi trước hiên nhà hóng gió vì hôm ấy cúp điện, trong nhà nóng quá thì bất ngờ ông đưa thư ghé lại, đập cửa cổng la to:
- Trần Văn N. có thư. Có thư ngoại quốc đây!
Nghe gọi tên ba mình, tôi lật đật chạy ra. Tưởng là thư của chú Tám tôi, nhưng khi thấy thư ghi địa chỉ cũ trước 1975 với nhiều đường vẽ hướng dẫn tìm nhà chằng chịt trên phong thư, tôi ngạc nhiên lật ra mặt sau xem tên người gửi và mừng rỡ phóng vô nhà lấy tiền thưởng cho bác đưa thư, đồng thời miệng hét lớn:
- Chú Bảy! Thư chú Bảy ba ơi! Thư ở Mỹ, thư ở Mỹ!
Từ trong phòng ba tôi và cô Út tôi cũng hớt hải chạy ra. Ba tôi cầm lấy bức thư, nhắc nhỏ:
- Suỵt, nín! Thư ở Mỹ mà còn la um sùm, điên hả mậy?
Tôi nhìn hàng chữ chú tôi ghi bên dưới bản đồ chỉ dẫn mà phì cười và còn nhớ mãi tới bây giờ “Đây là địa chỉ cũ gần chợ Ngã Ba Cây Thị. Nhà ở trong con hẻm, sát sân banh Lê Văn Duyệt, mong anh chị đưa thư cố gắng giùm. Gia đình xin hậu tạ!”
Thế là nhờ vậy mà hai chú tôi liên lạc được với nhau. Rồi chú Bảy tôi làm giấy tờ cho chú Tám tôi sang Mỹ. Tuy nhiên dù là Dĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vì chú Tám tôi đã tái định cư ở đệ tam quốc gia nên Mỹ từ chối cho đi theo diện tị nạn và chú Bảy tôi buộc lòng phải làm hồ sơ bảo lãnh anh em do vậy mà tới cuối năm 1988 chú Tám tôi mới đặt chân lên đất Mỹ được!
Trong thời gian này thì hai bác của tôi bị đưa ra giam cầm ngoài miền Bắc. Bác Ba tôi bị nhốt ở trại Thanh Hóa tới giữa năm 1980 mới được tha về. Còn bác Năm thì ở Vĩnh Phú, sau đó được chuyển về Z 30D, Hàm Tân, Thuận Hải cho mãi tới gần cuối năm 1986 mới được thả ra.
Khi bang giao giữa hai chính phủ Việt Nam cộng sản với Mỹ được cải thiện và nhằm chấm dứt phong trào tị nạn bằng đường biển, họ đã đẩy mạnh chương trình gia đình đoàn tụ được biết như là ODP, nhân viên Sở Mỹ, tái định cư cựu tù cải tạo ở Hoa Kỳ qua con đường HO… thì bác Hai tôi nhờ làm việc cho hãng xăng Esso nhiều năm trước 1975 nên đã nộp đơn đi diện nhân viên Sở Mỹ và lên đường vào năm 1990. Bác Năm thì dẫn vợ con sang Hoa Kỳ, định cư ở Philadelphia, PA, theo diện HO vào năm 1991!
Giờ đây không ai phủ nhận được rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một “khúc chung lịch sử chiến tranh!” Khi nói tới Hoa Kỳ về chiến tranh cận đại là người ta nghĩ ngay đến Việt Nam; một quốc gia nhỏ bé bên kia bờ đại dương, đã khiến Mỹ gánh lấy sự thất bại nhục nhã, cay đắng phũ phàng. Và ngược lại, đối với người Việt yêu chuộng tự do thì mỗi lần nhắc tới Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là trong lòng người ta lại dấy lên mối oán hờn bị bỏ rơi, bị đồng minh phản bội đưa tới việc thua trận trong tan tác, ê chề!
Hôm nay, gần năm mươi năm ngày mất miền Nam Việt Nam lại sắp tới, biết bao bậc tiền bối, ông bà cha chú, hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ quê hương đất nước đã ra người thiên cổ. Tôi lúc này đã thành một ông già hơn sáu mươi lăm tuổi, tóc bạc lưng còng, trải qua bao dâu bể ngồi nhìn lại lịch sử, suy ngẫm về con đường để chấm dứt một đời ô nhục ngay chính trên quê hương mình mà người Việt lưu vong khắp nơi phải đi qua kiếp nạn với bao nhọc nhằn, hy sinh tất cả cũng chỉ là vì hai chữ tự do!
Tôi thấm thía nỗi uất nhục ấy bởi trong gia đình họ hàng nhà tôi đã có đầy đủ người kinh qua những giai đoạn bi thương của biến cố lịch sử oan nghiệt đó từ chuyện di tản, tù đày, đến vượt biên bán chính thức, vượt biển quên thân, rồi định cư diện nhân viên Sở Mỹ, HO…
Thời hậu vận, tôi may mắn được sống thanh bình ở đây với một gia đình yên ấm và có đứa con trai đang được đào tạo trong lực lượng Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị của binh chủng Không Quân Hoa Kỳ (AFROTC). Tương lai của nước Mỹ là tương lai của con tôi! Lịch sử của nước Mỹ ngày mai sẽ là lịch sử của con tôi! Đây là điều mà không ai có thể tranh cãi được nếu dõi theo dòng lịch sử! Thế hệ người Mỹ gốc Việt nơi này sẽ là nhịp cầu nối liền lịch sử của hai dân tộc để một mai hy vọng cả người Mỹ lẫn người Việt tự do không còn cắn đắng với nhau nữa mà có thể cảm thông với nhau trong nỗi mất mát chung và bước qua vũng tối lịch sử, hướng tới tương lai một cách tốt đẹp hơn!
Dù thế nào đi chăng nữa thì người Việt ở Hoa Kỳ cũng phải cám ơn đất nước Mỹ, nhân dân Mỹ, chính phủ Mỹ qua nhiều thời kỳ; trừ một vài người có tính khí thất thường, tinh thần bất ổn, tâm sinh lý rối loạn, đã cho họ một cơ hội sống còn!
Thank you America!
Thank you American people!
Thank you American government!
God bless you all !
Cám ơn Nước Mỹ!
Cám ơn con người và chính phủ Hoa Kỳ!
Chúc lành cho tất cả!
Triều Phong (TPN)
Ohio, Lập Xuân 2025 - Mùa Quốc Hận năm thứ năm mươi
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio.