User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
motlangapanh
1. Ảnh chụp trộm cảnh tù cải tạo ở trại K4 Long Khánh đi lao động, đăng trên Libération ngày 30-4-85. 2. Cảnh thăm nuôi tù. Nguồn Phùng Annie Kim.
 
Xa nhau bao nỗi nhớ thương
Xa nhau bao nỗi vấn vương trong lòng
Con đường thiên lý bão giông
Lẻ loi vạn dặm tìm chồng, bơ vơ 
​Cho dù cực khổ vô bờ
Núi mòn, sông cạn, vẫn chờ đợi nhau.
 
Phải nói là cái ngày mà miền Nam Việt Nam được gọi là giải phóng bởi chế độ Cộng sản, thì người dân miền Nam cũng được giải phóng luôn sự tự do, sự no ấm của mình. 
 
Chồng tôi là một sĩ quan trong quân lực VNCH. Anh cũng như bao nhiêu đồng đội của mình, đã bị lừa gạt bằng lời hứa mười ngày học tập để rồi bị bắt giam trong những trại tù, được mệnh danh bằng một danh từ hoa mỹ “Trại cải tạo”, và nơi giam cầm thì chẳng ai hay, mà ngày về cũng không ai biết. 
 
Trong những năm đầu, chị em chúng tôi còn ngược xuôi tìm chồng khắp nơi, vì lời hẹn mười ngày qua đã lâu mà người đi thì như bóng chim, tăm cá. Lâu dần, khả năng tài chánh không còn, chúng tôi đành chỉ biết đợi chờ và lời hẹn mười ngày của chồng như một lời thầm nhắn hẹn “chờ anh em nhé”, trong thâm tâm chúng tôi mà thôi. 
 
Đã hơn bốn năm rồi, bốn năm tôi chưa một lần được nhìn thấy anh, nhưng bằng giao cảm, tôi biết rằng anh vẫn còn tồn tại đó, vẫn là điểm tựa cho mẹ con tôi bám vào, để qua đi những ngày tháng khó khăn, khổ sở, rồi sau này, bằng những lần gửi quà cho anh tại bưu điện, bằng những lá thư mà chẳng cần mở ra, tôi cũng biết những gì anh đã viết. 
 
Hôm nay cũng như mọi ngày ngóng thư anh, dù chẳng phải ngày nào cũng có thư, nhưng cứ đúng giờ đó là tôi lại chờ để nghe tiếng gọi của bác phát thơ ngoài cổng mà hy vọng: “Số 5, có thư, số 9 có thư...” Sao bây giờ đã quá 10 giờ rồi mà chả thấy bác đâu. Còn đang buồn buồn thì nghe tiếng bác từ đầu ngõ: “Số 8, lấy thư”. Tôi chạy vội ra cửa đứng chờ: 
 
- Bác Tùng ơi, số 17 có thư không bác?
 
- Có, bác vừa đưa lá thư cho tôi vừa nhìn tôi cười hóm hỉnh, thơ học tập đấy. 
 
Tôi run run cầm lá thư, cám ơn bác rồi hấp tấp vào nhà. Không hiểu sao cứ mỗi lần nhận được thư anh là chân tay tôi run lẩy bẩy, trái tim đập liên hồi, vì vui hay vì sợ, tôi cũng không biết nữa, mặc dù lần nào cũng vậy, lời thư chỉ như những bài học mà tôi đã thuộc lòng dù không cần mở thư ra, nhưng khi nhìn thấy nét chữ của anh là lòng tôi lại xốn xang khó tả, và đọc nó cả ngày cũng không thấy chán, cứ có cảm giác như là anh đang ở bên cạnh mình. Lá thư hôm nay hình như hơi dầy hơn một chút, tôi nhìn vào địa chỉ bì thơ, vẫn là hòm thư 25A TD63/NH trại Ba Sao, Hà Nam Ninh. Tôi xé vội lá thư, bên trong, ngoài tờ thư nhỏ như mọi lần, lại rớt ra một tờ giấy giống như một tờ biên lai, tôi nhặt lên và đọc, thì ra đó là giấy báo thăm nuôi. Tôi ấp tờ giấy vào ngực và nước mắt tự đâu trào ra: “Anh ơi, rốt cuộc rồi em cũng sẽ được gặp lại anh. Chúng mình sắp lại được thấy nhau rồi, Sơn ơi, em thật mừng quá.” Đã bao năm rồi, kể từ ngày anh đi trình diện học tập, chung quanh tôi, chị em, họ hàng, bạn bè, họ đều có những lần được thăm nuôi chồng, chỉ riêng tôi, mong chờ có được một lần đi thăm anh mà cứ như đợi chờ một phép lạ chả bao giờ xảy đến. Những lo sợ, những nghi vấn về những gì bất trắc xảy ra cho anh, luôn luôn ám ảnh tâm trí tôi: Anh đang ở đâu, anh có khỏe không, có bị thương, có bị đau, có bị sao không, đói, rét như thế nào? Những nhớ thương về anh nhiều khi làm cho tôi thấy mình giống như người bị bệnh tâm thần, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. 
 
Hôm nay có lẽ là ngày vui độc nhất của tôi kể từ ngày anh đi xa vắng. Gạt những dòng nước mắt sung sướng vừa trào ra, tôi đọc lại một lần nữa tờ giấy phép thăm nuôi. Tôi chỉ có một thời gian ngắn lo mọi thứ để đi thăm anh. Biết bao việc phải làm, trước hết là phải lên phường xin giấy phép đi đường, sau đó phải tính toán tiền bạc cho những chi tiêu như sắm ít đồ dùng cần thiết, thuốc men, làm đồ ăn khô, mặn như lời dặn trong thư, lại còn phải dành một chút tiền cho anh tiêu, số tiền này sẽ dấu trong cái áo treilli mà tôi đã may lót thêm một lớp bông gòn bên trong, ở giữa hai lớp vải để anh mặc cho đỡ lạnh trong những ngày đông tháng giá. Ngoài ra còn phải có tiền để đăng ký đồ ăn thêm cho anh tại trại, tiền mua vé xe lửa khứ hồi và chút tiền để lại nhờ gia đình trông coi các cháu, cùng tiền cho mình phòng khi cơ nhỡ lúc dọc đường đi. Cái gì cũng phải cần đến tiền, để có được số tiền như vậy, không phải dễ, nói có là có, tôi đã phải chắt chiu dành dụm thật lâu để mong có ngày sẽ sử dụng đến nó. Và cái ngày hôm nay mà tôi chờ đợi từng giây, từng phút đã đến. Sau khi đã thu xếp ổn thỏa mọi việc, tôi chỉ còn phải đi mua vé xe lửa nữa là có thể an tâm cho chuyến ngược Bắc thăm anh lần đầu. 
 
Sáng ngày 6/1/1979, tôi cầm giấy tờ tới ga xe lửa Sóng Thần để mua vé. Tại nơi ghi tên đi Bắc mà họ gọi là quầy đăng ký, tôi không thấy có ai đứng đợi ở đây như những quầy khác. Tôi kiếm người hỏi thăm thì được biết, muốn ghi tên mua vé thì phải đến đây từ 12 giờ đêm để sắp hàng theo thứ tự. Quầy chỉ làm việc đến 9 giờ sáng là ngưng: 
 
- Cô đến bây giờ quá trễ, đã 9 giờ 10 rồi, ngày mai quay lại đi, đó cái quầy đằng kia kìa, cửa đã đóng rồi đó. 
 
Nhìn theo ngón tay anh ta chỉ, quả nhiên có một khung cửa nhỏ đã được đóng lại từ bao giờ. Cám ơn người con trai tốt bụng, tôi định ra về nhưng trong lòng còn phân vân và thật lo lắng vì chỉ còn có vài ngày nữa là đến ngày thăm nuôi rồi. Đã bao năm nay tôi chờ đợi cái ngày này, bây giờ tất cả đã sửa soạn xong hết, chỉ còn lấy vé nữa là đi, không lẽ bỏ sao? Tôi tính đi lang thang để hỏi thăm, nhưng không hiểu sao bàn chân tôi lại cứ đi dần về phía quầy; cánh cửa sổ ở quầy chợt mở ra, một người đàn bà đứng tuổi, ở phía trong đưa tay ngoắc tôi và gọi:
 
- Cưng ơi, lại đây.
 
Tôi ngơ ngác nhìn quanh mình, chẳng có ai ngoài tôi ở khu vực này cả, tôi quay lại chỉ vào mình ra dấu và hỏi: “Chị gọi em?” rồi tiến dần về phía bà. Người đàn bà cười: 
 
- Không gọi em thì gọi ai, đăng ký vé đi Bắc phải không? Sao giờ này mới đến? Thôi đưa giấy tờ đây chị làm cho.” 
 
Bà quay sang người đàn ông, đội nón cối đứng bên cạnh, đang cho một cuốn sổ vào cặp: 
 
- Ông anh, khoan đã, ghi cho cô em gái tôi một vé đi.
 
- Ô hay cái nhà bà lày, hết giờ rồi còn ghi ghi cái gì? Sao nộn xộn thế? 
 
- Một vé thôi mà, ông anh không muốn ghi thì để tôi ghi cho.
 
Vừa nói bà vừa lấy cuốn sổ trong tay tên nón cối và ghi giấy tờ của tôi vào mặc cho gã lải nhải cằn nhằn, sau đó bà trả giấy tờ đã đóng dấu cho tôi: 
 
- Xong rồi đó cưng, đi mua vé rồi còn về với con đi, để tụi nó chờ tội nghiệp.”
 
Bà với tay đóng cánh cửa sổ nhỏ lại, vừa cười vừa nháy mắt với tôi, không kịp để tôi nói tiếng cám ơn với bà, tôi đành phải nói to tiếng cám ơn sau cánh cửa đóng.
 
Cầm xấp giấy tờ trên tay mà tôi vẫn còn chưa hết ngơ ngác, chuyện xảy ra trong vòng năm phút, như một phép lạ. Người đàn bà người miền Nam này là ai? Sao bà biết tôi gặp khó khăn mà giúp đỡ? Bà đã nhận lầm tôi với một người quen nào đó của bà? Cho đến bây giờ cái thắc mắc này vẫn còn vương vấn trong tôi, nhưng dù sao tôi cũng vẫn mãi biết ơn bà, thật lòng cám ơn người thiếu phụ vô danh, nhưng tốt bụng đó. 
 
Có dấu trên giấy cho phép di chuyển của phường rồi thì mới được mua vé. Tôi tới khu vực bán vé đi Bắc đã thấy người ta đứng, ngồi la liệt khắp nơi. Tôi xà xuống bên cạnh một bà cụ vấn khăn theo kiểu người Bắc, ngồi có vẻ nhàn nhã, đang nhai trầu bỏm bẻm, hỏi thăm: 
 
- Xin phép cụ, cho con hỏi thăm, có phải mua vé đi Bắc ở đây không ạ? 
 
Bà cụ nhìn tôi, không trả lời câu tôi hỏi mà lại hỏi ngược lại: 
 
- Đã đăng ký mua vé chưa? Đăng ký hôm nào? 
 
- Dạ rồi, mới bữa nay thôi. 
 
Vừa nghe tôi nói vậy, Một chị, ngồi kế bà cụ, vọt miệng: 
 
- Trời ơi, mới bữa nay hả? Vậy thì còn khuya mới mua được vé, tụi này đăng ký mấy bữa rồi mà còn ngồi mãi dưới này lận. Tui nói thiệt, về nhà đi ngủ còn sướng hơn, chờ đây biết chừng nào tới lượt, đó chị thấy người ta ngồi chờ đông không? Tui đâu có nói láo.
 
Lại một lần nữa sự thất vọng và lo lắng lại trở lại với tôi. Tôi cám ơn mọi người, đứng lên và dợm bước đi, chợt có tiếng nói sau lưng: 
 
- Nếu cần thì chị mua vé tàu đêm mà đi, nhưng chị đi có một mình thì cũng nguy hiểm lắm, nên cẩn thận. 
 
Tôi quay lại cám ơn người mách nước. Lúc này thật tình tôi không hiểu tại sao lại phân biệt tàu đêm, tàu ngày. Và cũng không hiểu tại sao đi tàu đêm lại nguy hiểm hơn đi tàu ngày. Nhưng với tôi, đêm hay ngày không quan trọng, cái quan trọng là làm sao tôi có thể mua được vé, để đến được với anh mà thôi. Mãi sau này khi đi thăm anh lần thứ nhì, tôi mới hiểu đượcý nghĩa của hai chữ tàu đêm và tàu ngày. Tàu đêm là tàu đi ra tới Bắc phải mất hai ngày, ba đêm, và khi tàu chạy tới khu vực giáp ranh của miền Trung và Bắc thường vào ban đêm, nơi rất có nhiều bọn cướp, khi là dân đói, khi là công an, bộ đội giả dạng làm cướp, nhất là ở những ga vắng người. Còn tàu ngày đi ba ngày, hai đêm, an toàn hơn vì tàu đi qua khu vực này lúc ban ngày. Ở quầy bán vé tàu đêm thật vắng khách, do đó tôi đã mua được vé dễ dàng. 
 
Ngày 7/1/1979 tôi lên xe lửa tại ga Bình Triệu, rời Sài Gòn, rời những đứa con thơ dại thân yêu, để tìm đến với anh. Ngồi trên xe, nhìn thành phố Sài Gòn đang lùi dần sau lưng mà nghe trong lòng buồn, vui lẫn lộn. Vui vì sẽ gặp lại được người chồng sau bao tháng năm xa cách, buồn vì phải xa những đứa con thơ còn quá bé bỏng, thiếu thốn tình cha, đang cần sự ấp ủ thương yêu của người mẹ. Với tâm trạng đó, ngồi trên tàu, tôi nhìn thành phố xa dần trong tiếng còi vang lên não nuột. 
 
Con tàu cứ lầm lũi đi, Thủ Đức, Biên Hòa rồi Phan Thiết... Tới Nha Trang tàu dừng lại lấy thêm hành khách rồi lại tiếp tục đoạn đường.Tôi tựa đầu vào thành tàu, nhìn qua khung cửa sổ. Từng làng mạc, từng cánh đồng nối tiếp nhau vùn vụt trôi qua. Đất nước mình trông thật bình dị, cuộc sống trông thật êm ả vô cùng, thế nhưng có ai ngờ đâu, trong cái bình dị, êm ả kia đã bị một loài thú đội lốt người cai trị, mang lại cho người dân sống trong đó biết bao nhiêu khổ sở, cay đắng và điêu linh. 
 
Tôi nhắm mắt, cố gắng dỗ cho mình một giấc ngủ trong tiếng xình xịch của con tàu và tôi đã thiếp đi cho đến khi nghe được tiếng ồn ào, trầm trồ của những người bên cạnh: 
 
- Bãi biển Đại Lãnh đó, đẹp quá trời.
 
Tôi mở bừng mắt ra, tàu đang đi ngang Tuy Hòa, trước mắt tôi một phong cảnh đẹp tuyệt vời. Nước biển xanh, bờ cát trắng, những con sóng nhấp nhô, từng đợt, từng đợt xô nhau vào bờ, óng ánh như ngàn con rắn bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bầu trời thì xanh thẳm, một vài cụm mây trắng đang lững lờ trôi, xa xa một phần của rặng núi Trường Sơn biên biếc nằm dọc theo bờ biển càng tạo cho khung cảnh nơi đây một vẻ hùng vĩ lạ kỳ. Đất nước mình đẹp thiệt!
 
Nhìn biển xanh, mây trắng, tôi lại chợt nghĩ đến anh, nghĩ đến những lần hai đứa đi Vũng Tàu, cũng biển xanh, sóng bạc, vui biết bao nhiêu, mà giờ đây chỉ còn mình tôi bơ vơ đi tìm anh, chỉ còn mình tôi lẻ loi với nỗi nhớ thương anh rã rời. “Anh ơi, em thật nhớ anh quá.” Những giọt nước mắt lại âm thầm trào ra để lại nghe mằn mặn trên bờ môi. 
 
Qua vài ga nhỏ, tầu không ngừng lại, để khi tới Quảng Ngãi mới từ từ dừng bánh. Ga Quảng Ngãi còn gọi là ga gà, vì nơi đây đồ ăn bán cho khách phần lớn là gà: gà luộc, cháo gà, miến gà, phở gà, ngay cả mì cũng nấu bằng thịt gà. Tôi thường nghe nói vùng này là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối” là nơi sinh sống khó khăn, nhưng không hiểu sao gà lại nhiều và rẻ thế? Nhìn những con gà đã luộc rồi, họ mời mua trông mới thật hấp dẫn làm sao, tuy không béo tròn và vàng hườm như những con gà bán ở tiệm cơm gà Hồng Phát, Tân Định, hay trong những tiệm cơm Tàu, nhưng cũng vẫn làm cho tôi thấy thèm thuồng vô cùng. Mà thèm thì thèm cũng chả dám mua vì tài chánh không có khoản chi cho cá nhân mình một món hậu hĩ như thế. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày CS cưỡng chế miền Nam, danh từ thịt gà hình như đã biến mất trong thực đơn của người dân Sài Gòn thì phải. Nghĩ cho cùng, đến cơm gạo còn chả có mà ăn thì nói chi đến thịt, nhất lại là thịt gà. Những đồ ăn cao cấp như thế này và trong thời buổi này chỉ dành riêng cho đám quan ôn tham nhũng, đâu có phần cho người dân.
 
Đang suy nghĩ lung tung, tôi bỗng nghe có tiếng đàn ông sau lưng mình: 
 
- Bán cho chú một con gà đi, tàu sắp chạy rồi, nhanh lên. 
 
Tôi quay người lại, một anh bộ đội khoảng 40, 45 tuổi, đang cúi người ra ngoài cửa sổ để mua bán với một thanh niên cỡ tuổi 20. Anh thanh niên đưa con gà lên nhưng giữ một khoảng cách để anh bộ đội không thể lấy được: 
 
- Chú đưa tiền cho con trước đi, chú lấy gà rồi tàu chạy làm sao con lấy tiền?
 
- Tao đưa tiền mà mày không đưa gà cho tao thì sao? 
 
- Kìa tàu chạy rồi đó, thôi chú nắm cái đầu gà đi, rồi chú đưa tiền thì con buông con gà ra, lẹ lên.
 
Lúc đó tàu đã bắt đầu chầm chậm lăn bánh, Anh thanh niên vừa chạy theo tàu vừa nói. Anh bộ đội nghe lời cầm cái đầu gà và đưa tiền ra trả. Anh thanh niên đã lấy tiền rồi mà vẫn giữ khư khư con gà không chịu buông. Tàu đã bắt đầu chạy nhanh hơn mà hai người vẫn còn giằng co nhau với con gà: 
 
- Mày đã lấy tiền rồi sao còn không buông tay?
 
Anh bộ đội vừa la vừa cầm cái đầu gà, cố gắng giật mạnh về phía mình. Mọi người trên tầu đang quan sát hai người, bỗng “phịch” anh bộ đội ngã ngửa ra phía sau, trên tay còn lủng lẳng cái đầu gà đã có vết cắt nơi cổ tự bao giờ. Tất cả bật cười ồ lên. Anh bộ đội đứng dậy, nét mặt đầy vẻ sượng sùng, cầm cái đầu gà ném về phía anh thanh niên lúc đó đã cách khá xa con tàu, đang đứng cười với vẻ đểu cáng pha lẫn chế riễu. Buông một tiếng chửi thề tức giận, anh bộ đội quay về chỗ ngồi với vẻ hầm hầm. Nhìn màn hài kịch đó, tuy buồn cười nhưng tôi lại thấy tội nghiệp cho cả hai, cả người bị lừa lẫn kẻ đi lừa. Chung quy chỉ tại cuộc sống của người dân quá khốn khổ, quá đói rách dưới ách gông cùm CS mà con người đã đánh mất đi lương tâm, đã tìm mọi thủ đoạn để lừa đảo lẫn nhau hầu có thể sinh tồn. 
 
Con tàu cứ lầm lũi đi, từng ga lại từng ga, từng làng lại từng làng, con tàu cứ đi đi mãi để mang tôi lại gần anh hơn. Tới Huế, tàu ngừng lại khá lâu để lấy thêm nhiên liệu và để nhân viên nghỉ ngơi đôi phút. Rút kinh nghiệm từ sự kiện lừa đảo ở ga gà, tôi không dám mua bán gì, dù đã được những người bạn đi trước mách bảo nên mua ít quà khi ra tới Hà Nội bán lại sẽ có lời như sữa bột, đường phổi, mè xửng... tôi cũng chỉ dám mua vài bịch đường phổi và kẹo gương cho chồng mà thôi, lớ quớ không biết mà bị lừa thì chết, còn tiền đâu mà đi thăm chồng. 
 
Tàu lại tiếp tục lên đường, gần qua Thừa Thiên để vào địa phận Quảng Trị. Đột nhiên tôi thấy hai bên đường trắng xóa những vòm tròn tròn như những chiếc bát úp, nhiều thật nhiều.Tôi nghe có những tiếng nói ở chung quanh tôi: 
 
- Chỗ này là quốc lộ kinh hoàng, dân di tản vào Nam chết biết là bao nhiêu ở chỗ này. Những vòm trắng trắng là mồ đó!
 
Tôi nhìn những nấm mồ đó mà trong trí tưởng tượng ra một cảnh hãi hùng, cảnh người chết nằm la liệt khắp nơi. Tôi rùng mình, nhắm mắt lại và thầm khấn: 
 
- Xin quý vị hãy yên nghỉ, cầu mong hương hồn quý vị sớm về chốn an lành nơi Thiên đàng, nơi cõi Phật. 
 
Xa xa, cổ thành Quảng Trị, sừng sững trong không gian bao la như nhắc nhở với mọi người về những chiến tích oai hùng của những người chiến sĩ VNCH, đã quyết chiến và đã hy sinh một cách oanh liệt, hào hùng để bảo vệ tổ quốc khỏi rơi vào tay bọn quỷ đỏ bạo tàn, để ngọn cờ vàng mãi ngạo nghễ tung bay trên thành cổ, thế nhưng giờ đây, những chiến tích đó, những hy sinh đó đã chỉ còn là một dĩ vãng ngậm ngùi của người dân Việt mà thôi: 
Thành Cổ đó là chứng nhân ghi dấu
​Thành tích oai hùng Quân Lực Việt Nam
​Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù chiến đấu
​Bên Biệt Động Quân anh dũng vô vàn.
 
Con tàu vẫn đi, càng về miền Bắc, sự nghèo đói càng được thể hiện rõ nét hơn trên những lớp nhà tranh rách nát, trên những cánh đồng xơ xác, tiêu điều, và trên những con người gầy còm, cằn cỗi. Trời đã vào tối, tôi đang thiu thiu ngủ, chợt nghe có tiếng la to của một người đàn ông ngồi ở cuối toa: “Có cướp, đóng các cánh cửa sổ lại.”
 
Hai tiếng “có cướp” làm mọi người trong toa như bừng tỉnh, tiếng sầm sập rơi xuống của các cánh cửa gỗ đồng loạt vang lên. Tất cả những người đàn ông đều đứng bật dậy, họ với tay lấy ra những gậy gộc, xích sắt... không biết đã để sẵn tự bao giờ, rồi thì kẻ chạy ra canh ở hai đầu toa, người thì gác ở chỗ các cửa sổ, sẵn sàng trong tình trạng tác chiến. Còn nhóm đàn bà, người già và con nít thì nấp ở giữa hai hàng ghế, vừa lo giấu giếm chút tài sản, vừa đề phòng trường hợp bất trắc mà ứng phó. Vẻ mặt ai nấy đều căng thẳng và lo lắng. Vì là lần đầu tiên đi xa một mình nên tôi rất sợ, ngồi chúi bên đám hành khách mà người cứ run lên bần bật, lại nhớ đến lời cảnh cáo của người thanh niên trên sân ga lúc đi mua vé tàu.
 
Chuyện gì sẽ xảy ra đây? Rồi nghĩ đến chồng, đến lũ con thơ chờ mẹ ở nhà, nếu rủi có gì không may, tôi thật không dám suy nghĩ tiếp, chỉ còn biết run run những lời cầu xin ơn trên cho tai qua nạn khỏi mà thôi. Thật may mắn thay, toa tầu của tôi đã được an toàn ra khỏi vùng hắc ám đó và mọi người lại lục đục trở về chỗ ngồi. Tuy vậy mọi người vẫn còn bàn tán và chuyện đánh cướp của những lần trước lại được kể lại. Thì ra một số lớn khách trên tàu là dân buôn hàng chuyến Bắc Nam, thảo nào cách họ hành động và xử lý mọi việc thật thành thạo và lẹ làng vô cùng. Sau đó chúng tôi được biết toa tàu nằm cách chúng tôi bốn toa, vì ít khách nên đã bị bọn cướp nhảy lên, nhưng không thiệt hại gì, vì chỉ là những tên cướp lẻ, không phải là đám cướp có tổ chức, có súng ống như một vài lần nào trước đó. Nói đến súng ống là mọi người biết ngay là chỉ có bọn công an hoặc bộ đội mà thôi. Nhà nước CS nuôi chúng đói rách quá, chúng phải ăn cướp để mà sống. Nên “cướp đêm là bộ đội, cướp ngày là công an” dưới chế độ CS không phải là chuyện lạ lùng gì, chỉ khổ cho người dân đen thấp cổ, bé miệng phải chịu thiệt thòi.
 
Trong chuyến đi này, ngoài những việc xảy ra mà tôi đã được chứng kiến, còn một điều mà tôi cứ thắc mắc hoài là dọc đường đi đã nhiều lần tàu chúng tôi bị những đứa trẻ, có khi cả những thanh niên, đứng dọc hai bên đường ném đá lên tàu, những cục đá thật to, đập rào rào vào thành cửa sổ của toa tàu, họ ném đá một cách thích thú, vô tội vạ, không cần biết có ai vì những cục đá này mà bị thương hay không. Chắc do vì có kinh nghiệm của nhiều lần trước mà chúng tôi đã được khuyến cáo, là thời gian tàu chạy qua những khu vực này, tất cả các cửa sổ toa tàu đều phải kéo lên để bảo đảm an toàn cho hành khách. Mọi người trong tàu ai nấy đều bất mãn vì hành vi vô giáo dục của bọn người này. Nhưng nói cho cùng sống dưới một chế độ bị cai trị bởi một lũ mặt người dạ thú thì những hành động này chẳng đáng gì so với những việc làm vô nhân đạo của bọn đầu sỏ chế độ CS. Chúng còn tàn nhẫn, vô lương hơn nhiều. 
 
Tàu đã vào ga Thanh Hóa, hành khách lại mua mua, bán bán như chưa hề xảy ra chuyện gì. Cam Thanh nổi tiếng từ lâu, nhìn những trái cam họ mời mua thấy ngon lành quá, tôi đã tính lấy tiền ra mua đem vô cho chồng, nhưng lại nhớ hình như lúc ở ga gà, có ai đó đã nói chuyện về ga Thanh Hóa thì phải: “Mua bán ở ga này phải cẩn thận, họ dối trá lắm, cam họ mời mua, ăn tại chỗ thì ngon, mua về nhà thì toàn cam hư, ở trong khô như giấy. Giò lụa, bánh chưng ăn tại chỗ thì là thịt, là nếp thiệt, mua về lại là giò bột, bánh chưng gói bằng cát, thật dã man!” Thế là con bé lại nhát gan, nhịn thèm, nhịn thuồng để khỏi bị mắc lừa. 
 
Khi tàu đến ga Phủ Lý thì trời bắt đầu vào đêm. Một số chị có chồng cùng trại với anh, ngày mai được thăm nuôi nên đã xuống đây. Tôi còn phải chờ thêm một ngày nữa, vả lại tôi có hẹn với người nhà ở Hà Nội ra đón nên tôi theo tàu ra thẳng Hà ội. 
 
Khi tàu đỗ tại ga Hàng Cỏ thì đã quá khuya, tôi một mình hì hục vần hai bao tải lớn đồ ăn thăm nuôi, từng bước một, ra khỏi ga. Ngay ở bên ngoài cửa nhà ga, tôi đã thấy có một số người với hàng hóa chung quanh, kẻ ngồi, người nằm hỗn độn. Hỏi thăm mới biết là người mình, cũng đi thăm nuôi “cải tạo”. Ban đêm chờ ở đây “Khách sạn Hilton Hàng Cỏ”, sáng mai mới dám xuất phát, tối mà đi một mình mỗi người, mỗi ngả rất nguy hiểm. 
 
Thấy tôi chờ hoài mà người nhà không đến, một chị nói: 
 
- Thôi đừng chờ nữa, ở lại đây với tụi mình cho vui, chứ đi một mình bây giờ không tốt đâu, thủ đô Hà Nội cướp giựt như rươi đó. Còn chờ họ đón, chắc gì họ đến vào giờ này.
 
Tôi cám ơn chị và tự dọn cho mình một “phòng” trong khách sạn ngàn sao này. Ngồi tựa vào bờ tường nhà ga, tôi ngắm nhìn Hà Nội về đêm.
 
Cũng nơi này, hai mươi lăm năm về trước, gia đình tôi đã từng sống, tuổi thơ của tôi cũng đã từng trôi qua trong yên bình. Thế rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, gia đình tôi cũng như cả triệu người dân miền Bắc, đau lòng rời bỏ quê cha đất tổ, lên đường vào Nam tránh hiểm họa CS. Cứ tưởng cái họa CS sẽ ngừng ở vĩ tuyến 17, ai ngờ đâu nó đã vượt lằn ranh Bến Hải tiến về miền Nam khiến oán hờn dâng ngập trời, biển Đông hận sôi sóng. Và hôm nay đây, tôi đã phải lang thang nơi này, trở về cái thành phố ngày xưa, nơi đã từng ấp ủ, nuôi dưỡng cái tuổi thơ êm đềm của tôi ngày nào, với một tâm trạng nhung nhớ, lo âu cho thân phận của chồng tôi, người tôi yêu thương nhất trên đời: “Anh ơi, anh có biết em đang ngồi bên lề đường ga Hàng Cỏ mà nhớ về anh thật nhiều hay không? Sơn ơi, sao mà buồn thế này, sao mà nhớ anh thế này!” 
 
Biết bao giờ chúng mình không phải
Nhớ thương nhau đến rã rời tim
Và em anh không còn vất vả
Tìm kiếm anh chốn chẳng nên tìm
 
Mùa đông ngoài Bắc thật lạnh, những cơn gió cứ rít lên từng hồi trên mái nhà ga, trên các cành cây trơ lá. Tôi cuốn chặt chiếc áo len vào mình và nép người giữa hai bao tải đồ ăn cho đỡ lạnh. Dù mệt mỏi, chúng tôi cũng không ngủ được, chúng tôi thì thầm trò chuyện với nhau trong lúc đợi chờ thời gian trôi qua chầm chậm. Trời đã sáng dần, mọi người lục đục sửa soạn hành lý, để rồi lại bắt đầu một cuộc hành trình khác. 
 
Rời nhau trong bịn rịn, quyến luyến, chúng tôi chúc cho nhau mọi điều thuận lợi, tốt lành. Dù chỉ gặp nhau có một đêm, nhưng vì cùng hoàn cảnh, chúng tôi cũng thấy thân thiết và thương nhau vô cùng: “Hẹn gặp lại ở Sài Gòn nhe...” 
 
Tôi thuê một chiếc xích lô để về nhà người cô ở phố Hàng Bài, gần hồ Hoàn Kiếm. Xích lô ở miền Bắc cũng nghèo nàn như con người ở đây. Chỗ ngồi không có nệm, chỉ là một tấm ván cứng ngắc, mỗi khi qua ổ gà thì thật khổ cho người khách bị ê ẩm cả người. Bác xích lô bắt chuyện: 
 
- Cô ở trong Nam ra thăm học tập hả? Nhìn cách ăn mặc của các cô là biết ngay, trông đẹp hơn các bà các cô ở ngoài này nhiều. Ở đây ai trông cũng giống nhau cả, thấy chán cả mắt! Tôi cũng từng có chở mấy cô ở trong Nam ra đây thăm chồng, ai nấy đều lễ phép và lịch sự lắm. Cô ra đây mấy lần rồi? 
 
- Dạ, ba lần, họ hàng cháu ở ngoài này nhiều lắm. 
 
Tôi nói láo vì không muốn bị gạt như mấy người bạn đi trước. Họ dặn tôi: “Ra Bắc, đi xích lô thì phải coi chừng, thấy mình không biết đường họ bắt bí đòi giá cao, đôi khi còn đưa đến chỗ vắng để cướp đồ nữa đó.” 
 
Nhân nói đến cách ăn mặc của phụ nữ Hà Nội, tôi mới để ý. Quả nhiên không sai, người nào giống như người nấy, cũng có cái quần đen ngắn trên mắt cá chân thêm vào chiếc áo sơ mi trắng ngà, cùng với những cái bím tóc lủng lẳng phía sau lưng. Ngoại trừ những người già thì có chiếc khăn mỏ quạ màu nâu hoặc màu đen, chít đầu, trông thật nhàm chán và mất thẩm mỹ. Đã vậy phần lớn, thân hình con gái gì mà cứ tròn ủng ra, chả trách ở miền Nam đã có một câu vè tả chân cho gái Hà Nội: 
 
Gái Sàigòn như nhành dương liễu
Gái Hà Nội như củ khoai môn
Trai Sàigòn như chim oanh vũ
Trai Hà Nội như khỉ trên rừng
Chim oanh vũ đậu nhành dương liễu
Khỉ trên rừng gậm củ khoai môn.
 
Nghĩ tới đây tôi muốn bật cười vì hình ảnh ngộ nghĩnh của chú khỉ đang gậm củ khoai môn. 
 
Hà Nội của năm 1979 không có gì thay đổi lắm so với Hà Nội năm 1954, ngày mà gia đình chúng tôi ra Hải Phòng để lên tàu thủy vào Nam. Ngoại trừ một vài nơi như những trường học và tu viện của nhà dòng đã bị trưng thu để trở thành bệnh viện, như bệnh viện Việt-Đức, bệnh viện Việt-Xô... Còn lại thành phố hình như cũ kỹ hơn, nghèo nàn hơn, buồn nản hơn. Hình ảnh các cô gái tha thướt trong tà áo dài Lemur, khoác những chiếc khăn san đủ màu phất phơ trong chiều lộng gió, bên cầu Thê Húc, trên phố Godard hay những thiếu phụ đài các với bới tóc mượt mà trễ tràng sau lưng đã không còn nữa, mà Hà Nội bây giờ chỉ còn có “Dép quai râu giẫm nát đời son trẻ, mũ tai bèo che khuất cả tương lai” và khắp nơi nơi, đâu đâu cũng chỉ là nón cối, đuôi sam mà thôi. Hà Nội cái nôi của “đỉnh cao trí tuệ” là như vậy đó. 
 
Sau một ngày ở lại Hà Nội, đi mua sắm thêm chút đồ ăn và đồ dùng cho chồng, cùng đi thăm lại những nơi ngày xưa tôi đã từng sống, từng đi học, để kiếm tìm chút kỷ niệm xa xưa của thời thơ ấu, tôi đã được hai cha con người chú cho quá giang lên Phủ Lý nhân dịp họ đi lấy hàng về Hà Nội bán. Tại đây tôi lại phải kiếm phương tiện để lên Ba Sao mới tới được trại tù của chồng tôi. Còn đang tìm người hỏi thăm, thì thấy một chị nữa cũng đang kéo lê trên đường hai bao tải nặng nề, nhìn là biết ngay người cùng cảnh ngộ, tôi vội vàng chạy tới phụ chị: 
 
- Chị cũng đi thăm nuôi, anh ấy cũng ở Hà Nam Ninh?
 
- Dạ, ông xã tôi là thiếu tá Thủy quân Lục chiến, trước tù ở Vĩnh Phú, mới chuyển qua đây gần một năm... 
 
Hai chị em vừa nói chuyện, vừa kiếm người để vào Ba Sao, chợt một chiếc command car dừng ngay trước mặt, người tài xế bộ đội nghiêng người ra hỏi: 
 
- Các chị ơi, lên Ba Sao phải không, em chở cho.
 
Tôi ngơ ngác nhìn anh ta chưa kịp trả lời thì anh ta đã tiếp ngay: 
 
- Các chị cho em mỗi người một đồng nhớn, em sẽ chở các chị đến tận trại học tập, các chị đừng lo, em đã chở nhiều chị như thế này rồi, không sao đâu, chỉ có một đồng nhớn thôi mà.
 
- Một đồng nhớn là gì? 
 
- Là mười đồng ấy, em vào Ba Sao đón thủ trưởng, nhân tiện có xe đây, em kiếm thêm chút cháo, chị giúp em, chị em mình cùng có lợi. Em khuân đồ lên xe cho các chị nhé. 
 
Mới đầu tôi từ chối vì mười đồng với tôi quá đắt, nhưng sau nghĩ lại, đi xe hơi đỡ vất vả hơn xe thồ, lại nhanh nữa vả lại tôi nghĩ có hai người chắc an toàn hơn nên sau khi hội ý với nhau, chúng tôi bằng lòng. Lúc ngồi trên xe, tôi thấy lần thăm anh kỳ này tôi gặp được rất nhiều may mắn, có lẽ vì tôi là một đứa con gái khờ khạo như nhận xét của anh, mà được ông trời đãi ngộ chăng, rồi lại thấy mình ngồi chễm chệ trên xe jeep mà tự cười thầm :”Mình vợ tù mà oai thiệt, được đi xe của thủ trưởng Việt cộng lại còn có lính cung cung kính kính mới chết chứ.” Nghĩ đi rồi nghĩ lại, lại thấy buồn: “Nếu thời thế không thay đổi thì chuyện được ngồi xe jeep đối với bà như thế này có gì là lạ đâu, bây giờ thì cho chúng mày hầu bà cho bõ ghét.” 
 
Tới nơi xe ngừng ở chân núi, anh lính vừa khuân đồ của chúng tôi xuống vừa bảo: 
 
- Các chị xuống đây rồi thuê mấy người tù hình sự đang làm việc ở gần đây, họ chở đồ lên núi cho, em lên trên đó không được. 
 
Tôi cám ơn và trả tiền cho anh bộ đội. Nhớ lời những người bạn đi trước dặn dò, tôi hỏi thăm dân gần đó chỗ bán gạo để mua thêm cho chồng. Với chỗ gạo này hy vọng anh sẽ có được một khoảng thời gian không bị đói lòng, sau đó tôi thuê mấy người tù hình sự sắp mãn án được làm việc ở ngoài, chung với dân, chở đồ lên núi bằng xe cải tiến. 
 
Vì ghi tên thăm nuôi quá trễ nên chiều hôm đó chúng tôi và một vài chị nữa phải ngủ lại “nhà khách” qua đêm, sáng ngày mai mới được gặp chồng. Tôi trằn trọc mãi, không thể nào ngủ được, phần vì lạ chỗ, phần vì nhớ đến anh, đến ngày mai chúng mình mới gặp nhau, không biết bây giờ anh như thế nào nhỉ, gầy ốm hay già đi? Tôi ngồi dậy, quấn tấm chăn vào người đi ra đầu thềm nhà, ngồi xuống nhìn chung quanh. Trên cao ánh trăng chiếu những tia sáng nhợt nhạt xuống vùng thung lũng mù sương, ánh trăng thật lạnh và những ngọn gió đông cũng thật buốt. Tôi ngồi đó trong vùng tối nhạt nhòa để nhớ đến anh, nhớ thật nhiều, thương anh thật nhiều và cũng buồn cho thân phận hai đứa thật nhiều. 
 
Chợt nghe thấy mặn ở bờ môi
Chợt thấy bơ vơ giữa núi đồi
Ước gì, em ước gì anh đến
Ấp ủ vai gầy một chút thôi.
 
Vâng, đêm nay, chỉ mình em bên thềm nhà khách, đối bóng mình và bóng trăng trong cái giá lạnh thê lương của một mùa đông miền Bắc mà thấm thiết cái nỗi khổ anh đã phải chịu đựng trong bao nhiêu năm nay, em thật thương anh lắm, anh có biết không?  
 
Trăng không xanh, mà lạnh não nùng
Cái lạnh trong lòng kẻ nhớ mong
Một người yêu dấu, ngàn xa cách
Mà nhớ, mà thương đến nát lòng
Ngày mai hai đứa mới gặp nhau
Rồi lại chia tay, lại hẹn sầu
Em về, mang mảnh hồn tê tái
Anh ở, coi thường kiếp khổ đau.
 
Trời chưa sáng rõ, chúng tôi đã dậy để lo sửa soạn cho buổi thăm nuôi, sắp xếp lại các đồ ăn, đồ dùng cho thứ tự gọn ghẽ, để khi các anh mang vào trong trại sẽ dễ dàng hơn. Xong công việc tôi và cô bạn ra bên thềm “nhà khách” ngồi chờ các anh. Một nhóm bốn cô gái từ trong trại đi ra, thấy chúng tôi, các cô đến làm quen: 
 
- Mấy chị ngồi chờ các anh ấy hả, chưa tới giờ đâu, tám giờ các anh ấy mới được ra cơ. Chị ơi, chúng em nghe nói các chị trong Nam biết bói bài tú lơ khơ hay lắm, chị có biết bói không bói hộ chúng em với. 
 
- Bài Tú Lơ Khơ là bài gì tụi tôi đâu có biết.
 
Một cô chìa ra bộ bài tây trong tay: 
 
- Tú lơ khơ là bài này đây. 
 
- À, là bài tây, tôi...
 
- Chị biết bói bài hả, chị bói cho tụi em đi. 
 
Thế là họ rối rít đẩy tôi vào trong nhà. Một ý nghĩ chợt đến: “Tại sao mình không lợi dụng mấy người này để xin thăm thêm giờ, biết đâu được, đi từ Nam ra Bắc vất vả bao nhiêu, nếu được thăm thêm cũng bõ cho công chờ đợi hơn bốn năm không một lần gặp mặt.” Nghĩ vậy nên tôi xem bói cho họ. Chưa xem xong cho người thứ hai thì tôi nghe có tiếng lao xao ngoài cửa. Tôi ngó ra: 
 
- Có lẽ các anh ấy ra tới đó, thôi để khi khác... 
 
Vừa nói tôi vừa nhy xuống giường hấp tấp chạy ra cửa, quả nhiên các anh đang sắp hàng từ trong trại đi ra. Một cô chạy theo tôi: 
 
- Chúng em đợi chị sau buổi thăm nuôi, chị nhớ coi cho tụi em đấy.
 
Lúc này tôi đâu còn tâm trí mà hiểu cô ấy muốn nói gì, tôi ừ đại cho xong chuyện. Các anh đã tới gần, tôi lách người ra khỏi đám người đang nhốn nháo đợi người nhà, đưa mắt cố tìm anh. Anh kia rồi, nước mắt tôi trào ra. Anh của em đó ư? Cái người lính hào hoa ngày nào bây giờ như thế sao? Cái con người gầy gò hốc hác, đen đủi này là chồng em sao? Anh ơi!
 
Tôi nhào người ra ôm chặt lấy anh, nước mắt ràn rụa, vòng tay này, hơi ấm này đã bao năm nay tôi chờ đợi. Anh dìu tôi vào phòng thăm nuôi. Tôi ước muốn thời gian ngừng trôi để tôi mãi mãi được ở trong vòng tay anh. Nhưng tiếng nói của người nữ Trung úy Công an đã tách chúng tôi ra: “Các anh ngồi một bên, người nhà một bên, thời gian thăm là 30 phút.“
 
Ba mươi phút thăm nuôi này cho quãng thời gian chờ đợi hơn 4 năm quả là quá ít ỏi cho tôi, tôi cố gắng kể cho anh nghe thật nhanh, thật ngắn và đầy đủ tất cả những gì về các con, về gia đình, vì tôi biết nếu tôi không làm vậy thì những cảm xúc đang chất chứa trong lòng sẽ bị trào ra theo dòng nước mắt, và tôi sẽ không nói được gì. Anh ngồi nghe tôi với cặp mắt đỏ hoe, anh không khóc, nhưng tôi biết trái tim anh thật đau. Tôi muốn nắm lấy đôi bàn tay anh đang để trên bàn kia để trao tất cả tình yêu đậm đà nhất của tôi cho anh, nhưng không được, tôi đành nhìn anh để thu lấy tất cả hình ảnh yêu thương này vào trong trái tim mình. Rồi anh kể cho tôi nghe sơ đời anh sống, nước mắt tôi cứ ràn rụa như không thể ngừng. Anh bảo: 
 
- Nghe anh này, đừng khóc nữa, phải giữ gìn sức khỏe để còn lo cho các con, lo cho mẹ, cho bố thay anh vì anh không biết bao giờ anh sẽ trở về... và...
 
- Em biết rồi, và em sẽ đợi chờ anh trở về phải không? Vâng em sẽ chờ, em sẽ chờ mà, anh tin em đi, em sẽ chờ đến khi nào anh trở về mới thôi, anh sẽ về, nhất định thế, anh sẽ về với em, với các con, em tin thế anh ơi. 
 
Tôi đã cố gắng không khóc nữa, cố gắng nuốt vào tận trong lòng những giọt nước mắt đớn đau, đã nghe lời để anh đừng buồn. Thời gian qua thật mau, đã đến lúc anh phải vào trại, lợi dụng lúc ra cửa, đông người nhốn nháo, anh ôm tôi thật chặt, và kín đáo hôn nhanh lên môi tôi. Nụ hôn này đến chết tôi cũng không thể quên. Nhìn theo bóng anh đẩy chiếc xe cút kít, bước thấp bước cao, xa dần, tôi nghe trong tim một luồng buốt nhói dâng tràn, nhớ anh lắm anh ơi, thương anh lắm anh ơi. Sơn ơi. 
 
Quay vào phòng đóng thêm tiền ăn cho anh, sau đó khi tôi sửa soạn đi về, thì một cô trong đội văn hóa đến gần thì thầm: 
 
- Chị ơi, chị ở lại coi bói cho tụi em, em có xin với chị Trung Úy Trại trưởng cho chị sáng mai thăm anh thêm một lần nữa.
 
Nghe được thăm thêm tôi mừng quá: 
 
- Thật hả, được rồi tôi sẽ ở lại nhưng tôi còn người bạn đi cùng, cô có thể nói cho chị ấy cùng thăm thêm không? 
 
- Chắc được, chị Trung Úy còn ở bên kia, em qua nói ngay bây giờ. 
 
Nhờ tài coi bói cho mấy người trong ban văn hóa của trại, mà tôi có hạnh phúc được thăm anh thêm một lần nữa. Lần này chỉ có mấy người chúng tôi đó là vợ chồng chị bạn, và vợ chồng tôi. Có hợp rồi sẽ có tan, tôi nhìn theo bước anh quay vào mà tim như rã rời trăm mảnh, biết đến bao giờ mình lại có lại nhau đây. Sơn ơi, em yêu anh thật nhiều, anh có biết không? 
 
Hai đứa chúng tôi rời Ba Sao mà bước chân như ngập ngừng không muốn đi, như có gì níu kéo, như có gì cản ngăn. Anh ơi, có phải vì tình yêu, có phải vì thương nhớ mà bước chân em nghe nằng nặng, nghe vướng víu không nỡ rời hả anh? Nước mắt như đong đầy, tâm hồn như rạn nứt. Hai đứa đi bên nhau không đứa nào nói một câu, lòng nặng đầy tâm sự, bước từng bước thất thểu như những bóng ma vật vờ. 
 
Chúng tôi đi bộ từ Ba Sao ra bến xe lửa Phủ Lý. Trời đã về chiều, chỉ còn một chuyến xe chót để về Hà Nội nên người chờ rất đông. Tàu vừa tới, mọi người ùa nhau, chen lấn lên xe. Tôi và chị bạn nhờ nhỏ con và không có hành lý nên dễ len lỏi trong đám người cồng kềnh đồ đạc, tuy vậy cũng phải chật vật, vất vả lắm mới lọt được lên tầu. Dù đang trong mùa đông tháng giá, nhưng vì người trên tầu quá đông, ai nấy cũng chỉ đủ chỗ đặt được hai bàn chân để đứng mà thôi, nên người nào người nấy mồ hôi chảy đầm đìa, chợt trong không khí ngột ngạt ấy, một giọng đàn ông cất lên: 
 
- Trời ơi, ngạt thở quá, người gì mà đông thế này, cứ như lợn cả một lũ ấy.
 
Nghe câu nói có vẻ phỉ báng, mọi người nhao nhao lên: 
 
- Ăn nói kiểu gì mà mất dạy thế, người cả đây mà lại bảo là lợn, ai là lợn hả?” 
 
Một cụ già thấy không khí có vẻ căng, nói đỡ: 
 
- Thôi bỏ đi, chàng thanh niên lỡ lời mà.
 
- Cháu không lỡ lời, là lợn thì nói là lợn có gì phải sợ, nhìn xem, ai nấy đều bẩn thỉu, nhếch nhác, hôi hám, chen chúc nhau trong cái tàu cà khổ này. Không giống lợn thì giống cái gì, còn sĩ diện hão!
 
Có lẽ thấm thía cái thân phận sống dưới một chế độ phi nhân như thế này, con người mà không được giống người lại giống lợn như lời chàng thanh niên nói, nên không thấy ai trả lời lại hết. Nửa đêm thì tàu tới ga Hàng Cỏ, Hà Nội. 
 
Tôi còn thăm anh thêm một lần nữa thì đến cuối năm 1980, các anh được chuyển vào miền Nam ở tại Z30D Rừng Lá, Hàm Tân. Trong Nam, những chuyến thăm nuôi chồng cũng đỡ vất vả hơn và nhất là không phải chen chúc nhau trong những toa tàu chật hẹp, hôi hám và cũ kỹ để được ví như một bầy lợn nữa. Vào thời điểm của năm 1980, đã có lác đác người từ địa ngục trở về, vì thế niềm hy vọng anh cũng sẽ về đoàn tụ với mẹ con tôi đã bắt đầu nhen nhúm chút chút trong lòng. Và cuối cùng thì niềm hy vọng đã thành sự thật khi cầm trong tay tờ giấy báo anh được trả tự do. Niềm vui vỡ òa thành những dòng nước mắt tưởng đã cạn kiệt từ lâu, lại có dịp tuôn chảy: 
 
Anh trở về sau bao năm tù ngục
Để xóa đi những tủi cực ngày qua
Để em anh không còn phải xót xa
Và mơ ước một vòng tay ấm áp...
 
Tháng 7 năm 1982 anh từ nhà ngục nhỏ trở ra nhà ngục lớn. Cái hạnh phúc nhỏ bé ngỡ đã xa tầm tay, nay đã về đây, bao trùm lên căn nhà mà từ ngày anh đi, vốn đã trống vắng cả vật chất lẫn tình yêu, nay lại đầy ắp tiếng cười, dù nụ cười không tươi, không trọn vẹn trong cái địa ngục trần gian này. Nhưng có anh là có tất cả, anh có biết không, người lính VNCH ngày nào của miền Nam yêu dấu. 
 
 
Tường Thúy