User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
caiguiNguồn: Internet
 
Hành trang của chuyến đăng trình nhẹ tênh Tường Linh
 
Cái gùi qua bao thế hệ
 
Gùi là vật dụng để vận chuyển bằng cách mang sau lưng với đôi quai trên hai vai, thường gặp ở miền núi và cao nguyên, bởi nó thuận tiện khi qua đường quanh, ngõ nhỏ, lội dòng suối cạn, vượt ngọn đồi thấp. Tiếng gùi cũng biến thành động từ, người ta nói “đi gùi lúa” có nghĩa là đi mang lúa bằng gùi. Ở đồng bằng không dùng gùi, mà gánh, vì đường bằng, thẳng, rộng, dễ xoay trở và gánh ít tốn sức lực hơn.
 
Gùi làm bằng tre và dây mây chẻ nhỏ, vót láng, miệng hình tròn, xuống dưới nhỏ dần, đáy hình vuông, có chân bằng gỗ mỏng theo chu vi đáy, có hai quai thắt bằng dây mây. Khi đan gùi, trước hết dùng nan tre cật, tức là nan chỉ lấy phần mặt ngoài vỏ, bỏ phần ruột, vót làm nan chính, gọi là nan công, gầy thành hình vuông đáy. Sau đó uốn lên, chêm thêm nan công, dùng dây mây đan các nan công lại thành vòng tròn, càng lúc càng lớn dần. Đủ độ cao rồi, dùng hai nan tre uốn theo miệng gùi, dùng dây mây buộc dính vào gọi là nức, cứ mỗi nuột mây tạo ra một hình con ốc nhỏ, gọi là nức khu ốc, thành hàng hoa văn trang trí cho miệng gùi. Hai quai gùi được thắt riêng, cũng bằng dây mây chẻ nhỏ vót láng, đoạn trên dẹp để mang cho êm vai, đính vào gần miệng gùi, đoạn dưới tròn, đính vào đáy gùi. Cuối cùng là tra chân gùi.
 
Người ta dùng gùi trên những đoạn đường từ ruộng, rẫy, đất thổ, sông suối… về nhà, mang lúa bó, bắp trái, lá thuốc, đậu phụng, sắn khoai và cả củi cành nữa. Khi thơm trổ, để cho trái dễ lớn, người ta mang gùi dạo vườn, lặt đầu thơm bỏ vào gùi, đem bỏ đi. Đến mùa thu hoạch cũng mang gùi dạo vườn, theo từng lối, bẻ trái thơm chín, đưa ra sau bỏ vào gùi mang về. Trong xóm, khi vận chuyển lúa gạo, nông sản, hoa quả đều dùng gùi, tiện hơn bưng đội bằng thúng, rổ. Cá tát được từ vũng, từ suối, đựng trong gùi. Cả những khi từ xóm này sang xóm khác, đem theo đủ thứ đồ đạc lặt vặt cái gùi cũng đắc dụng.
 
Đường xa, mang nhẹ thì dùng loại gùi nhỏ hơn. Như khi đi chợ phiên mua thức ăn đủ năm ba ngày, và đi hái trái rừng, bỏ chung sim, ổi vào, về lựa sau, chim chim, múi dẻ ít hơn thì đựng trong rổ đặt vừa lọt vào miệng gùi.
 
Nếu chỉ mang ít vật không sợ đổ vỡ, người ta xách một quai gùi cho vào vai rồi quàng tiếp quai thứ hai, một cách thong thả. Mang vừa sức thì ngồi xuống, cho hai quai gùi vào hai vai một lượt rồi đứng lên. Nếu nặng quá, phải lựa một chỗ cao đặt gùi, rồi từ chỗ cao ấy lấy thế bước tới, hoặc nhờ một người nâng lên giúp. Biết bao nhiêu thế hệ, ở miền núi, miền cao nguyên, cái gùi đã ngự trị trên vai con người, chất chứa biết bao loại hành trang.
 
Đồng bào thiểu số cũng mang gùi. Thường ngày họ đi đường dốc hơn nên cái gùi nhỏ hơn của người Kinh, chân gùi cao hơn, gần gấp đôi, và quai gùi xuyên qua chân gùi chứ không phải đặt ngay dưới đáy gùi. Họ còn có loại gùi đựng của, coi như cái va-li của người Kinh, có nắp đậy, trang trí hoa văn đẹp, dùng đựng vật quý giá. Đây cũng là hành trang mỗi khi dời chỗ buôn làng.
 
Hơn 60 năm chiếc ba lô
 
Ở miền Nam Trung Bộ chiếc ba lô xuất hiện sau tháng 8 năm 1945. Tây viết ballot, nguyên nghĩa như một gói, một kiện hàng nhỏ. Ba lô phần nhiều làm bằng da thuộc, hình chữ nhật, có thể chia ra hai ngăn, thêm vài túi nhỏ, cài khuy như dây nịt. Nó giống cái gùi ở các điểm: mang sau lưng bằng hai quai, và của giới bình dân, tức là của người thường, người lính, người cán bộ cấp nhỏ. Thời ấy, người cán bộ cấp lớn mang xắc cốt (sacoche) là loại túi bằng da hay vải dày cứng, có một quai và mang quàng qua một vai. Cỡi ngựa, mang xắc cốt, thêm khẩu súng ngắn trễ xuống bên hông… đó là một nhân vật quan trọng, một ông chỉ huy.
 
Ba lô hơn gùi ở chỗ vừa gọn trên lưng, mang đi được rất xa, rất nhiều ngày, trèo đèo lội suối, nhưng nó là vật dụng công nghiệp nên không thể chứa những thứ hầm bà lằng như mắm muối bánh trái. Cho nên mỗi gia đình miền núi vẫn luôn có cái gùi, không ít nhà thêm cái ba lô cho những chuyến đi dài hơn về thời gian và rộng hơn về không gian, cần một phong cách lịch sự hơn. Thanh thiếu niên đi cắm trại mang ba lô, học trò cũng dùng ba lô. Nhiều khi người ta gói vật dụng thành khối chữ nhật gọn gàng, cột dây làm hai quai thành cái ba lô, tiện hơn cái khăn gói rất nhiều, trông hình thức cũng đẹp hơn. Từ thời điểm này, cái khăn gói dần dần biến mất, không nhớ chính xác vào năm tháng nào.
 
Cuối năm 1954 chiếc ba lô rớt thang giá trị. Nhiều khi, nó bị coi là tàn tích của một thời, người ta chỉ dùng trong nhà, không đem ra khỏi cửa. Đi xa thì hành trang là chiếc va-li. Tài tử, văn nhân lại ca ngợi chiếc va-li rách, một chứng tích giang hồ qua nhiều phi trường, hải cảng, kiểu như ngày xưa là bầu rượu túi thơ. Ở các thị xã, thị trấn, công chức xách cặp-táp (cartable) đến công sở, thầy giáo đi xe đạp đặt cặp-táp trên tay lái, thong thả chuyện trò, trông rất hào hoa phong nhã.
 
Nhóm người còn dùng ba lô là hướng đạo sinh, phật tử, thanh sinh công. Có con tem in hình hướng đạo sinh đội mũ chóp nhọn, mang ba lô, chống gậy trèo núi khá đẹp. Và dĩ nhiên vẫn luôn dùng ba lô là những người lính. Ba lô của lính may bằng loại vải đặc biệt, dày và chắc, có các túi nhỏ bên ngoài, có một dây buộc trên miệng. Khi không đựng đầy, trông chiếc ba lô trên nhỏ dưới lớn giống như con cóc ngồi, có người gọi là ba lô con cóc, có người ra vẻ làm sang, theo chức năng “cái túi mang trên vai” gọi là cái “xắc ô đô” (sac au dos). Nơi quân trường ba lô đặt trên đầu giường, sinh viên, khóa sinh phải giữ cho thật ngay ngắn, thẳng nếp. Những người lính trẻ, ngoài tên và số quân thường viết lên ba lô câu: Xa quê hương, nhớ mẹ hiền, hoặc như trong một bài hát: Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu…
 
linhvnch1973 peterbregg
 
Tháng 4/1975, những gia đình có liên hệ với lính tráng Miền Nam đem quăng hết ba lô, giày bốt, quần áo trận. Len lén đem quăng, lỡ có người nhìn thấy, đi báo cáo, sẽ bị quy tội. Không ai nói ra nhưng chiếc ba lô nhà binh bị coi là tàn tích một thời. Có người sợ, quăng thì có người không sợ ra lượm, sau dùng khi về làng quê kiếm tô nếp, ký đường, ít củ khoai, nải chuối. Công dụng của nó vẫn được âm thầm chấp nhận.
 
Thế rồi một ngày… chiếc ba lô lại xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Mấy anh Tây du lịch, mang danh là Tây ba lô, cứ tưởng nhẹ nhàng, nhưng thấy bọn họ cúi đầu khom cổ trông thiếu khí thế anh hùng quá! Ba lô của ta đẹp hơn, đủ kiểu dáng và đủ màu sắc. Lớp trẻ rất chuộng ba lô. Những thiếu nữ mang chiếc ba lô xinh xắn, chạy xe Chaly nhanh nhẹn trên đường phố, thật dễ thương. Và tội nghiệp thay, những em bé lớp một lớp hai ngày ngày đến trường phải còng lưng mang chiếc ba lô đầy sách giáo khoa với học cụ lỉnh kỉnh.
 
Những ngả đường đời
 
Chiếc ba lô ở quê tôi là kẻ hậu sinh…
 
Nó đã nhanh chóng hạ gục cái khăn gói, rồi phải trải nhiều thăng trầm, bao phen lên bờ xuống ruộng, đến nay vẫn đắc dụng. Cái gùi thì không tranh giành địa vị với vật dụng nào hết, tuy không phát triển lên nữa, số người dùng ít đi, nó cứ an phận nơi núi non hẻo lánh, âm thầm bên cạnh nhiều người. Vậy là hai hình thức, hai thế hệ, đóng vai trò gần giống nhau, gùi và ba lô nếu không hẳn là song song cũng đồng thời tồn tại.
 
Nghĩ cho cùng thì dùng cái gùi thô kệch hay chiếc ba lô thời thượng, trong đó đều chứa đựng hành trang mỗi con người phải mang trên đôi vai, tùy trường hợp nặng trĩu hay nhẹ tênh, và mỗi ngả đường, xa hay gần, ở nơi thành phố phồn hoa hay chốn sơn khê cùng tịch, đều là những ngả đường đời.
 
Trần Huiền Ân
Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2022/11/13/tu-cai-gui-den-chiec-ba-lo/