User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
30 4 A
 
Những ngọn gió đầu hè năm Nhâm Dần cũng vừa chạm cửa cuối tháng Tư máu lệ thuở nào, gió chưa thổi ngả nghiêng khi trời cuối xuân chớm hạ trước những đóa hoa hồng vừa  nở sau những ngày xuân kết nụ theo quy luật “xuân sanh hạ trưởng” của đất trời. Những làn gió heo may lung lay giàn hoa tường vi nở rộ dọc theo bờ rào sau nhà như những bước luân vũ dìu tôi về một vùng dĩ vãng xa xôi nào đó cứ mỗi độ tháng Tư về. 
 
Dĩ vãng đời tôi mang nhiều kỷ niệm sâu đậm buồn nhiều hơn vui, xót xa đau đớn nhiều hơn yên bình và hạnh phúc. Cũng một buổi trưa tháng Tư năm đó, một tháng Tư mang một cái tên định mệnh oan khiên nghiệt ngã "Tháng Tư Đen", buổi trưa tuân lệnh buông súng để rồi từ đó bị “đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ, nón tai bèo che khuất nẻo tương lai”.
 
Ba Mươi tháng Tư... ta ôm mặt khóc
Trên cầu Sài Gòn, cạnh phố Hiền Vương
Mười năm binh đao... mười ngày kết thúc
Ta còn nguyên, mà... mất cả Quê Hương
(Trạch Gầm)
 
Để rồi sau đó là những ngày dài như thế kỷ trong bàng hoàng lo âu hồi hộp đợi chờ một thảm họa bất hạnh ập tới. Nhưng cuộc chiến chưa kết thúc, số phận chúng tôi chưa kết thúc, may mắn là không bị trói tay bịt mắt đứng trước một hố chôn tập thể được đào sẵn.
 
Thế rồi bỗng chốc bao đổi thay
Ta mang thân phận kẻ lưu đày
Đếm tháng ngày trôi trong ngục tối
Nhục nhằn vạn nỗi đắng cay.
(Dương Thượng Trúc)
 
Rồi những hình ảnh nhạt nhòa của tháng Tư đen năm cũ lại chợt ùa về như một cơn bão quay cuồng trong đầu óc nhảy múa với những ngày chinh chiến cùng những người bạn đồng đội như thủ túc ngày nào đó, hình như xa lắm nhưng cứ tưởng như mới hôm qua.
 
Bao năm rong ruổi chiến trường xa
Sinh tử xem như chuyện cợt đùa.
Núi thẳm rừng sâu, lòng chẳng ngại,
Thì có xá gì chuyện gió mưa.
(Mũ Nâu 11)
 
Đã bao nhiêu mùa mưa gió bất chấp không gian và thời gian đã trải qua mòn gót giày chinh chiến, nhưng không có mùa mưa gió nào xé nát tâm can, làm não nhừ trí tuệ như cơn giông bão tháng Tư đen năm 1975. 
 
Ngày ấy
 
Khi dòng sông ngưng chảy
Không phải vì nước hạn đồng khô
Không phải vì gió mùa nghịch hướng
Không phải vì người ngăn đập be sông
Mà vì nước nghẽn dòng theo vận nước
Từ lệnh đầu hàng ngày cuối tháng Tư
(Túy Hà)
 
Và ngày ấy chính là dấu chấm hết không những cho cuộc đời binh nghiệp của riêng tôi, mà của hàng vạn người lính đồng ngũ đã một thời tử sinh treo đầu súng, nhìn trăng sao qua cành lá, rồi hôn nhẹ người yêu ở một nơi xa xăm nào đó bởi một đóa hoa sim tím, vừa ngắt được trong buổi chiều hanh nắng khi băng qua những lũng đồi. Để rồi:
 
Những đêm chờ giặc dưới trăng mơ
Chợt hồn thanh thản dậy nguồn thơ
Thấp thoáng bóng người em gái nhỏ
Tựa cánh song thưa héo hắt chờ.
(Huy Tâm)
 
Tôi không còn nhớ đã mấy mùa tháng Tư đen đã trôi qua. Làm sao nhớ được khi thời gian rượt đuổi tôi, khi tôi vất vả tìm cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người với thân phận vong quốc chất ngất oán hờn, có khác chi Việt Vương Câu Tiễn đã bao nhiêu năm nếm mật nằm gai trong chuồng ngựa, có khác chi đâu người Champa vì hận Đồ Bàn mà cất tiếng "Người xưa đâu, lầu các đâu nay đã thành hào". 
 
Thời gian nào có chờ đợi ai, cứ thản nhiên bay qua khung cửa sổ, đã bao nhiêu lần tôi muốn níu kéo thời gian, nhưng thời gian cứ hững hờ cuốn theo giấc mơ hồi hương của tôi nay đã trở thành cội mai già với mùa xuân đã chết... khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười! 
 
Ta đứng giữa trời cơn giông bão
Mà nghe máu lệ ứa trong lòng
Súng gươm hờn tủi đời chinh chiến
Hoài bão một thời có như không.
(Dương Thượng Trúc)
 
Tháng Ba gãy súng, để rồi tháng Tư cởi áo chinh y khoác lên mình bộ quần áo lao tù với những "Giọt Lệ Hồng" của Cao Nguyên.
 
"Giọt lệ - hồng?
 Những giọt lệ pha máu. 
Từ tim.
Chảy xuyên qua mắt.
Buốt đau theo dòng chảy.
Cay đắng suốt trăm năm.
Tại sao có giọt lệ hồng?
Nó kết tụ bởi máu và nước mắt.
Từ những cái chết vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại.
Vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám.
Vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận." 
 
Ai bảo thời gian là thần dược, nhưng đối với tôi thì "vô dược khả y ưu quốc bệnh". Căn bệnh của tôi là căn bệnh trầm kha hờn vong quốc như một dấu ấn ăn sâu vào tiềm thức khoắc khoải canh thâu cứ mỗi độ tháng Tư về. Cứ mỗi năm tháng Tư lại cứ về đã gần nửa thế kỷ nay rồi còn gì, gặm nhấm xoi mòn thân xác lẫn tâm hồn như một vết thương tưởng đã lành theo thời gian nhưng đến nay vẫn còn mưng mủ vì "hữu quan nan trở mộng gia hồi". 
 
Hơn nửa đời người vô tích sự trong khi quê hương mình vẫn còn đắm chìm trong bất công và áp bức vì lực bất tòng tâm thì thôi đành cùng với một “cọp ba đầu rằng” đã cùng tôi sinh tử trong mặt trận Charlie, nơi mà người ở lại sử sách ghi danh qua giòng nhạc của Trần Thiện Thanh. "Người Ở Lại Charlie". Mũ Nâu 11 Dương Thượng Trúc đã một thời "đời lính chiến trường, đời thường biệt xứ", ngày xưa cầm súng ngày nay cầm bút đã viết:
 
"Bốn mươi sáu năm đã trôi qua, từ dạo tháng Tư đau buồn ấy. Thời gian hầu như bào mòn sức lực bao lớp người trẻ tuổi trưởng thành trong ba thập niên ba mươi, bốn mươi và năm mươi của thế kỷ trước. Thời gian cũng nhuộm trắng những mái đầu xanh với bao hoài bão, ước mơ cao vời. Và thời gian cũng đã làm nhạt nhòa những tia mắt rực sáng niềm tin yêu, tràn đầy nhựa sống. Nhưng có một điều mà đến nay thời gian vẫn hoàn toàn bất lực đó là xóa mờ nỗi đau trong lòng những người dân miền Nam nói chung và những người đã một thời cầm súng bảo vệ quê hương nói riêng, mỗi độ tháng Tư về. Như một ai đó đã nhận định: “Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ” quả không ngoa. Chỉ cần vài ba câu với cách kết hợp vần điệu đã quá quen thuộc trong ca dao tục ngữ, người viết đã phần nào nói lên được cảm xúc của mình. Và thơ thì thiên hình vạn trạng, chất chứa đầy cảm xúc. Mỗi bài thơ mang một tâm tư..."
 
Như người phi công Phạm Tương Như mới vừa hôm qua đã xuất khẩu thành thơ;
 
Còn nguyên nghĩa khí ngất trời 
Chờ ngày nối lại nhịp đời lính xưa
 
Hay như cô em văn nghệ Song Thy an ủi:
 
Không thất trận, những anh hùng khí phách
“Giọt lệ hồng”... cười khóc những nát tan
Khi nghe lệnh. Lệnh buông súng đầu hàng
Cười kẻ phản bội, khóc tàn binh cuộc…
 
Đất khách quê người xa lạ, vạn người quen có mấy người thân? Thân thì kẻ Nam người Bắc, kẻ Đông người Tây nghìn trùng xa cách. Gặp gỡ thăm viếng nhau là một điều hiếm hoi. Ở đây người ta chạy đua với thời gian, đeo đuổi gia tốc theo cuộc sống vật chất xô bồ thiếu tình người. Còn tôi? Tôi vẫn là tôi, vẫn là “người lính đa tình, tình non sông rất nặng”. Có những buổi chiều ngồi lặng im một mình dưới bóng râm cây anh đào vườn sau, tôi vẫn mong một tiếng gì như tiếng ầm vang của bể, tôi vẫn mong ngọn gió đông phong ào ạt thổi vào sông Xích Bích, thiêu rụi lũ giặc Hán Gian, kẻ đã làm cho
 
Tháng Tư Tổ Quốc phủ màu tang
Dân Tộc thương đau oán hận tràn
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ
Vời trông quê mẹ lệ chứa chan.
(DTT)
 
Tháng Tư năm nay rồi cũng như 46 tháng tư đã trôi qua, cũng như dòng sông cứ lặng lờ trôi xuôi ra biển. Dòng sông oan khiên đó sẽ chảy mãi thành dòng sử đen, như vết chém mãi còn rỉ máu, như vành khăn tang mãi trắng theo dòng lệ nức nở trên đầu con cháu Lạc Hồng. Dòng chảy oan khiên không bao giờ ngưng tụ, đóng băng, hóa đá hay cản ngăn bởi vô tri vô giác. 
 
Tháng Tư với những ngọn gió đầu hè hay cuối đông tôi không biết nữa. Ngồi lặng nhìn ngọn gió cùng lá hát khúc ca xào xạc "Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời...".
Hờn Vong Quốc - Nhóm Thân Hữu UBL
 
 
Tôi thả hồn lang thang trong ký ức, mà ký ức thì mãi là ký ức chẳng thể nào quên đi cho được, có chăng nó chỉ tạm lắng yên. Trong mớ ký ức ngổn ngang đó có một vết thương lòng không bao giờ khép miệng. Vết thương "Tháng Tư Đen"! Tôi lần mò về lối cũ để tìm còn một chút gì để nhớ để thương, nhớ thân phận mất nước của mình, thương cho dân tộc mình, rồi tự ru mình, ru người cho vết thương khép miệng đi, và để cố ru cho giấc ngủ được yên bình.
 
Này đồng đội, này đồng hương, chiến hữu
Nâng ly đi, cạn men đắng Tháng Tư
Uống thật say để quên đời lữ thứ
Quên nỗi ngậm ngùi, uất hận ngàn thu.
(Mũ Nâu 11)
 
Quên để sống hay sống để quên nhưng nhất thiết không thể quên khúc quanh lịch sử trước thực tế vẫn bày ra trước mắt 
 
Và hôm nay
Ngước nhìn lên
Cờ vàng căn cước mới
Của những người tị nạn năm nào
Vẫn còn bay nhưng ai nhớ ai quên
Nước mắt vẫn tràn
Tháng Tư vẫn tới
Những áo gấm về làng có nhớ gì không.
(Túy Hà)
 
Từ đó:
 
Tháng Tư, tháng Tư lại về trong uất nghẹn, vết thương chưa lành vẫn ứa máu tươi. Những người lính cũ một thời xanh tóc biếc nay lưu lạc bên trời, kẻ nhớ người quên, có khi nào quên tháng Tư không nhỉ!  Với tôi thì không thể nào quên. Thời gian qua người người thay màu tóc nhưng trong tim nhiệt huyết vẫn đầy. Dòng máu lính vẫn còn lên tiếng gọi dù tháng Tư đen bi uất đã xa.
Út Bạch Lan
Houston - TX Tháng 4 Năm 2022