User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tatinh
Hình trên net
 
Anh! Ngồi xuống đây bên em, em sẽ nói cho anh nghe bao nhiêu là chuyện đã và sẽ xảy ra. Café đây anh, em chỉ cho một muỗng đường như anh dặn, bánh này em mua ở tiệm Brodard anh thích, gì nữa nhỉ, cỏ tương tư của anh, anh xem em mua bằng được Pall Mall đỏ. Em chỉ cần anh ngồi im lặng nghe em nói. Anh đốt thuốc lên đi, mùi khói nồng nàn gợi nhớ những kỷ niệm xưa. Kỷ niệm xưa, một phần đời của em, phần đời đầy hoa mộng.
 
Ngày ấy anh gọi em là “bé”, lúc đầu em không chịu nhưng sau đó em quen đi, và thích thú khi được anh kêu “Bé ơi! Bé.” Anh nhớ tại sao mình yêu nhau không?
 
Lúc ấy em ngây ngô xấu ỉn như cô thiên nga con, khi chưa thay lông mới, anh thì tới nhà vì anh Đạt. Các anh có ba người nối khố cùng nhau, anh Đạt, anh Côn và anh, em chỉ để các anh sai vặt cà-phê thuốc lá. Xong Trung Học, các anh cùng vào trường quân sự, dù các anh đủ mọi điều kiện để được ở nhà không cần đi lính, các anh mải mê thế sự quên mất em vụt lớn, tuổi mười sáu biến em từ cô vịt thành cô thiên nga nhí nhảnh, mắt long lanh mắt, môi mọng mị môi, thêm mái tóc xõa dài óng ả. Các anh giật mình khi nghe em tâm sự:
 
– Bé muốn có bồ.
 
Anh Đạt gầm gừ:
 
– Nứt mắt bày đặt, học không lo bồ với bịch, lần sau anh về mà xuống hạng anh đét đít.
 
Em có làm gì sai đâu, bạn em đứa nào cũng có bồ, tụi nó kể em nghe rôm rả, nào là anh ấy học Chu Văn An, nào là anh ấy trưởng khối thể thao Võ Trường Toản, đến con nhỏ xấu òm hơn bé là nhỏ Lan mà còn kể có bồ học trường Bách Khoa Thủ Đức thì tại sao em lại không được có bồ. Anh ơi! Lúc ấy làm sao em đủ khôn ngoan để xét đoán tụi bạn em chỉ ba xạo, cho ra vẻ ta đây đã lớn.
 
Vậy mà anh đã đến bất ngờ không cho em biết. Hôm ấy cả lũ đang bu quanh hàng bò bía, trước cổng trường. Anh dừng xe, em nhận ra ngay bộ quân phục nhưng vờ vĩnh như không thấy, đến khi anh hiên ngang đến tìm, mặt em cứng lại, bừng lên, tay chân thừa thãi, ngay đến chiếc cặp để dưới chân cũng lăn kềnh ra đất, miếng bò bía vừa cắn không sao nuốt xuôi xuống cổ. Anh ơi! Tình huống anh gây ra ngày ấy đến chết em không thể nào quên, lũ bạn của em cũng không hơn gì, mắt tụi nó tròn xoe, miệng đứa nào cũng đầy bò bía, nhưng tụi nó tỉnh nhanh hơn, nhất là con Lan, nó nuốt ực một cái, và lí lắc hỏi:
 
– Chú tìm ai chú?
 
Anh trả lời:
 
– Chú đón em chú.
 
Nhỏ Quỳnh không vừa:
 
– Mà em của chú em là ai?
 
Lúc đó biết phải làm gì, em vội cứu nguy:
 
– Là tao.
 
Bao nhiêu ánh mắt của đám bán trời không mời thiên lôi cùng quay nhìn em, miệng tụi nó há ra, đồng thanh:
 
– Hả?
 
Lấy lại bình tĩnh, mặt em vênh lên, dù vẫn đỏ như ông mặt trời buổi sáng.
 
– Chứ sao.
 
Vừa cúi xuống lấy cặp, vừa nói vội với bà bán hàng:
 
– Mai con trả tiền nghe dì.
 
Rồi quày quả cùng đi với anh. Tiếng máy xe ròn rã, em điệu bộ vén vạt áo dài, để cặp lên yên sau tạo ranh giới giữa hai đứa, rồi mới ngồi lên vịn yên xe, để cùng anh chầm chậm nhập vào giòng phố. Em biết sau lưng, những ánh mắt dò hỏi, những câu chuyện bàn thảo đang nổ như bắp rang về chúng mình.
 
Sáng hôm sau, các bạn vây quanh em như thể em mọc tai lừa, hay mũi em dài ra trăm thước, tụi nó hỏi hỏi và hỏi, em tha hồ líu lo như khướu về anh. Thế là bồ của em chiếm hạng nhất vì là lính.
 
Từ hôm ấy, em được anh đến trường đón mỗi khi anh về phép, cũng không biết từ bao giờ chiếc cặp không làm ranh giới chia đôi bờ lưng vững chãi cùng bờ vai gầy guộc nhỏ, mà ngoan ngoãn nằm trên chiếc giỏ xe phía trước, tay em không nắm yên xe mà nhẹ nhàng vịn nhẹ lưng anh, cũng không biết tự bao giờ, anh có phép của Mẹ chở em đi chơi phố sau bữa ăn chiều. Nếu có anh Đạt ở nhà thế nào anh Đạt cũng bảo:
 
– Mày chiều nó, mai mốt đừng mách tao nó gấu.
 
Anh đâu biết em có biệt danh là gấu, vì có lần tức mình em cắn anh Đạt suýt tí rách da. Mà ai bảo khi có bồ là học dốt nhỉ, lần nào về anh cũng lo việc học hành của em, những bài Lý Hóa, những đạo hàm hóc búa làm em điên đầu ngày trước, tự dưng có anh tụi nó trở nên nhu mì, để em tha hồ đùa giỡn Cos Sin Tang. Thầy Lý Hóa, cô dạy Toán ngạc nhiên, không hiểu tại sao em đột nhiên học giỏi, nếu thầy cô biết lý do, chắc hẳn thầy cô sẽ khuyến khích lũ học trò có bồ như em hết.
 
Phần thưởng anh cho em, ngoài những viên ô mai Tân Định còn có cafe Hầm Gió, nhạc quán Văn, em gia nhập vào thế giới của anh cùng những giòng nhạc tình tiền chiến, có những khắc khoải lo âu và hào hùng trai trẻ, những điều ấy khiến em nể phục anh nhất trên đời, dĩ nhiên anh phải đứng sau bố của em.
 
Tâm hồn của em ngày càng tràn lấp bởi anh, từ những quyển sách anh bảo phải đọc, như “Cậu Hoàng Bé” của nhà văn Pháp Saint Exupéry, “Tâm Tình Hiến Dâng” thơ của Tagore, “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hermann Hesse, đến Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Trước đó bé chỉ biết Tự Lực Văn Đoàn, Tuổi Hoa Tím, hơn một chút là những chuyện tình lãng mạn nhẹ nhàng, “Kiều Giang”, “Đỉnh Gió Hú”, “Trà Hoa Nữ” là hết. Anh dạy em nhiều, nhiều lắm, anh dạy em nhiều hơn sách vở, anh cho em bao nhiêu là kiến thức, sách của anh ngày càng sang nhà em ở đông hơn, cũng như anh ở nhà em nhiều hơn ở nhà mình, không phải vì anh Đạt nữa, mà là vì em.
 
Bạn em bấy giờ chấp nhận cõi riêng của em, không còn níu kéo chờ mong em cùng nhập bọn phá phách, mà để mặc em ngơ ngẩn nhớ anh, yên lặng một mình viết thơ cho anh, mỗi khi anh không về được.
 
Rồi đến ngày anh mãn khóa, nhận đơn vị, anh thật sự đối diện với chiến tranh, hành quân miệt mài, không còn những lần về phép, để em tung tăng phố phường có anh bên cạnh, em theo dõi tin chiến sự nơi nào có đơn vị anh đến, khi nào đơn vị anh dời đi.
 
Em nhớ anh quay quắt nhớ, không có anh em lại càng chăm học. Với em, đó là chút quà dành cho anh những ngày anh về phép. Anh Đạt theo binh chủng Nhảy Dù, anh Côn và anh vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, ngày ngày em thêm vào thời khóa biểu của mình việc đợi thơ anh. Lá thứ nhất em đánh dấu một sao, lá thứ hai hai sao, mỗi lần nhận thơ là một lần em khóc, nhớ anh.
 
Em tìm mọi cách để lấp khoảng trống ấy, cuối tuần sau khi đi lễ sáng, em gia nhập Nghĩa Sinh Việt Nam công tác xã hội khắp nơi, từ viện dưỡng lão, viện mồ côi, đến trung tâm Chánh Hưng là nơi cải huấn trẻ em hư hỏng, bụi đời và những cô gái lỡ lầm bán thân nuôi miệng. Những nơi này đã cho em tầm nhìn rộng hơn về cuộc đời trước mặt, bao nhiêu mảnh đời đau khổ, bao nhiêu nạn nhân chiến tranh. Ai là người không thèm một cuộc đời tốt đẹp, có cô gái nào không thèm một mái ấm gia đình, có chú bé nào không thèm một ấp ủ yêu thương. Tại sao phải có nhà cải huấn?
 
Thơ viết cho anh ngoài tâm sự riêng tư, còn là bản tường trình, cho anh biết những gì em học được bên ngoài trường lớp, trong khi cạnh em bạn bè vẫn bon chen, đòi hỏi, đỏm dáng, đùa giỡn an vui, em lặng lẽ trưởng thành vì có người yêu lính chiến.
 
Đôi khi cũng có vài anh chàng thư sinh đẹp trai theo đuổi, em tự hỏi họ có biết ơn những người lính như anh. Còn bao nhiêu thắc mắc, tại sao có chia ly, tại sao có chiến tranh, tại sao có chết chóc, tại sao thiên hạ loài người không chỉ yêu thương nhau? Tại sao… tại sao? Những câu hỏi ấy luôn có trong đầu để khi anh về em kể cho anh nghe quên cả thở.
 
Anh chỉ ngồi im lặng thả những vòng khói thuốc, tan nhẹ như mây, khiến em cáu kỉnh:
 
– Sao anh không nói gì hết.
 
Anh bảo:
 
– Anh đang thâu những lời bé nói, khi nào buồn anh lấy ra nghe. Đừng hoài nghi nhiều quá không tốt bé ạ, hãy tin cuộc đời này, người tốt nhiều hơn kẻ xấu.
 
Anh biết từ lúc nào em yêu anh không? Từ khi em luôn cầu xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho em được làm vợ anh. Tâm sự với mẹ, mẹ bảo:
 
– Lấy chồng lính khổ lắm con ạ, nay đây mai đó sống chết không biết đâu mà lần.
 
Em đã cãi:
 
– Sao bố cũng là lính.
 
Anh ơi trong đầu em lúc nào cũng ước ao rằng, mình có một cái đám cưới thật đẹp, mình sẽ có hai đứa con trai, hai đứa con gái, không như mẹ chỉ có mỗi anh Đạt và em. Gia đình mình êm ấm, anh là chồng em là vợ, bà Trung Úy vừa là cô giáo, dạy con mình dạy cả con người ta, mà anh đã nói gì với em đâu, anh chỉ đóng vai “anh bồ” để hù cho lũ bạn em sợ thôi mà.
 
Nhớ lần anh Côn bị thương nằm ở Quân Y Viện đường Nguyễn Tri Phương hai đứa đến thăm, anh Côn chọc:
 
– Sao! Còn muốn có bồ nữa không cô?
 
Em đỏ mặt, anh Côn điềm đạm:
 
– Bé lớn thật đó nghe, mai mốt lấy chồng phải mời tụi anh ngồi bàn danh dự.
 
Em định nói sẽ mời anh Côn làm rể phụ cho anh, nhưng mắc cỡ lại thôi, phải để anh tỏ tình với em, chẳng lẽ em nói em muốn lấy anh làm chồng.
 
Sau đó em nhớ mình đi uống sinh tố Ngả Sáu, hai đứa vừa kêu nước uống xong, cả lũ bạn em từ đâu xuất hiện, thì ra em quên mất ngày trực tuần, tụi nó ồn ào chọc phá mà anh tỉnh bơ vui vẻ đãi tụi nó.
 
Bạn của em, đứa nào cũng thích anh vì anh người lớn, không như những anh chàng vớ vẩn thành phố, càng ra vẻ người lớn càng lộ ra mùi sữa của mình. Chiều ấy vì nhận hối lộ quá nhiều mà bạn em ký phép cho em đi chơi với anh khỏi bị trực trong trường. Hai đứa xem phim Doctor Jhivago, bé khóc mùi mẫn vì hai nhân vật chính yêu nhau mà không được bên nhau, anh đùa:
 
– Phim có đạo diễn bé ạ.
 
Tối ấy trên sân thượng nhà, nhìn sao đầy trời em hỏi:
 
– Sao nào của anh?
 
Anh chỉ:
 
– Ngôi sao sáng nhất.
 
– Còn sao bé đâu?
 
Anh nói:
 
– Anh cất trong túi anh rồi.
 
Nhìn anh chỉ vào túi áo bên tay trái, nơi có trái tim, em thấy hồn mình xao đi một nhịp, anh nói tiếp:
 
– Anh mong ngày nào không còn chiến tranh, anh có nhiều thời giờ hơn với bé, bạn bè anh cũng thế, tất cả đều mong một ngày hòa bình để có vợ có con, tạo một mái ấm cho chính mình. Bé xem bây giờ đến yêu mà anh không dám nghĩ đến nữa là.
 
Em hỏi:
 
– Tại sao?
 
Anh bảo:
 
– Lỡ chẳng may nằm xuống…
 
Em vội lấy tay bịt miệng anh la hoảng:
 
– Anh không được nói bậy, bé thương anh, anh không được nói bậy.
 
Anh kéo em vào lòng, vòng ôm của anh bảo bọc chở che, em ngước mặt nhìn anh, nụ hôn đầu anh cho em làm những vì sao hoảng hồn, và cô trăng lưỡi liềm cũng chui vào mây để trốn.
 
Anh ơi! Đốt thuốc thêm đi, mùi khói thuốc nồng nàn gợi cho em bao nhiêu kỷ niệm anh đã cho em thời mộng mơ thiếu nữ, anh cho em hành trang vào đời, anh cho em hiểu Yêu là gì, không phải chết trong lòng một ít, không phải chỉ là lòng bâng khuâng, mà là nhiều nhiều lắm.
 
Anh ơi! Bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu đớn đau oan trái, vì yêu anh mà em vượt qua tất cả, chỉ một nụ hôn của anh làm tín vật mà em của anh, bé của anh sống qua bao nhiêu bôn ba bão táp. Anh Đạt em trong trận đánh chiếm cổ thành Quảng Trị bị thương liệt nửa người, chị Ngọc người yêu của anh, vẫn tới lui săn sóc như vợ hiền, dù em biết gia đình chị nhiều lần muốn gả chị cho những người giàu có theo đuổi chị. Mẹ em có lần khóc mà nói với chị:
 
– Đạt đã có bác lo rồi, con phải lo cho đời con nữa chứ, lẽ nào cứ thế.
 
Chị chẳng nói gì. Sau khi gia đình chị đi Pháp, chị đến ở hẳn nhà em. Anh Đạt em nhiều lần hờ hững đuổi xua, chị chỉ khóc. Một lần em nghe chị nói với anh ấy:
 
– Em chỉ biết mỗi anh, em chỉ yêu mình anh, dù anh mạnh khoẻ lành lặn, hay anh cùi cụt đui mù, em chỉ yêu mình anh, đừng nghi ngờ tình em, nếu mình không thể có con với nhau, còn bao nhiêu em bé mồ côi, em chấp nhận anh, hãy chấp nhận em.
 
Em hiểu anh Đạt em yêu chị biết bao, muốn chị hạnh phúc, không muốn chị khổ thân bên anh chồng bại liệt, chỉ còn mỗi cái đầu, nhưng bây giờ anh em khá hơn rồi, với mối chân tình của chị, em thấy anh tìm lại nụ cười, nhiều khi chị ôm anh ấy vào lòng làm em hối hận, tại sao ngày ấy em không ghì anh một lần thật chặt. Bố em mất trong tù. Em bỏ học, giấc mộng thành cô giáo, có anh làm chồng, có bốn đứa con với anh thành chuyện cổ tích, anh đã hỏi cưới em đâu, ngoài một nụ hôn sẽ theo em suốt kiếp. Em vào đời với những mảnh kính vỡ màu hồng em từng đeo trên mắt, những mảnh vỡ nhỏ nhoi ấy lâu lâu lại làm đau thốn tim em.
 
Anh ơi! Em xin anh lần này là lần cuối, em đến gặp anh, ngồi bên anh như con sóc nhỏ gặm nhấm nỗi buồn riêng cùng anh. Anh ơi em sẽ lấy chồng, lấy người em định mời làm rể phụ cho đám cưới tụi mình, đã mười tám năm rồi anh ạ, ngày anh cùng em đi thăm anh Côn.
 
Anh ơi! Thời gian không làm em thay đổi, mọi việc em làm, em đều tính toán so đo với anh, anh đồng ý phải không?
 
Em và anh Côn đã làm giấy hôn thú ở phường ở quận, giấy tờ đi tị nạn ở Mỹ đã hoàn tất hết rồi, chỉ còn hai tuần nữa thôi em sẽ xa Việt Nam đi hút về phương Tây mịt mù lăng lắc, chúc phúc cho em anh yêu nhé, có ai như em yêu say đắm một người rồi làm vợ người khác.
 
Em tin anh Côn hiểu em mà không chấp, vả lại anh ấy vẫn là bạn tốt của anh mà phải không anh?
 
À! Anh xem bao nhiêu thơ anh viết cho em, những mười hai tờ thơ, mười hai ngôi sao em đánh dấu, trả lại anh đây, cả tập nhật ký này nữa, anh giữ hết cho em anh nhé. Em không muốn anh Côn buồn, vả lại đây là chuyện chỉ riêng hai đứa mình, em không muốn ai xen vào. Cũng như nụ hôn nhiệm màu của anh cũng chỉ mình em biết, nhớ lại một lần thầy em vào lớp trễ, nhỏ Quỳnh bạn em lên bảng giảng giải về nụ hôn, em nghe mà cười thầm vì em biết nó đang tưởng tượng, anh nhớ nhỏ Lan không? Nó gìn giữ cho em những lá thơ này đó, không có nhỏ Lan có lẽ anh chẳng được nhìn thấy những kỷ niệm cũ kỹ này, như những quyển sách hai đứa mình trân trọng gìn giữ, người ta lấy xe ba gác đến chở đi mất biệt, chả bao giờ em còn thấy lại.
 
Uống hết café đi anh, nguội thật rồi, còn điếu thuốc cuối cùng anh đốt lên nốt đi anh, em phải về đây kẻo mẹ mong, giờ này chuyến xe cuối cùng sắp đến, em phải về thôi.
 
Hôn em đi anh! Lần cuối cùng này.
����
Dáng nhỏ nhoi của cô bé khuất rồi, ngoài tầm mắt của tôi. Tôi biết cô đã lâu lắm. Ngày đó tôi còn trẻ chưa hiểu chuyện gì, tại sao quanh tôi im ắng lạnh lùng, nếu có nhiều người đến, thế nào cũng chỉ là những than khóc não lòng, cho đến một ngày, tôi biết nơi tôi ở là Nghiã Trang Quân Đội, chốn an nghỉ cuối cùng, của những người trai đã đền xong nợ nước.
 
Tôi hãnh diện được ở đây, tôi âm thầm chia sẻ những buồn đau mất mát của mọi người. Tôi thấy nhiều lắm, những linh hồn vương vấn trần gian không siêu thoát, những linh hồn than thở dưới đêm trăng, những linh hồn nhập vào pho tượng lính, lang thang đi vào nhà dân xin nước uống hay đón xe quá giang về Sài Gòn.
 
Năm 1972 mùa hè đỏ lửa, tang tóc, đớn đau, nhà vĩnh biệt không còn chỗ trống, những người lính ban chung sự gầm mặt làm nhiệm vụ, tôi khóc cùng họ, bao nhiêu người lính trẻ nằm xuống, bao nhiêu máu xương đã đổ thấm ướt mảnh đất nhỏ bé Việt Nam, khăn trắng như mây, nước mắt như mưa, đổ thêm cho tràn nỗi thống khổ loài người.
 
Tôi khóc cùng người vợ trẻ đang đợi ngày làm mẹ, tôi khóc cùng bà mẹ già tóc trắng phau ngất lịm trước ảnh con mờ khói và tôi đã khóc với cô bé học trò áo trắng.
 
Cô và bạn cô (tôi nghĩ thế) đã đến nơi này cùng một người lính Thủy Quân Lục Chiến, cả hai như lạc loài trong thế giới người lớn, không biết làm gì cho phải với cảnh tượng tôi tin lần đầu tiên các cô chứng kiến. Khuôn mặt cô tái xanh tìm kiếm, rồi gần như bay cô đến bên khung ảnh Trung Úy Hoàng Quốc Hiệp, cô phục xuống, vai run nức nở tôi nghe giọng cô nghẹn ngào kêu: “Anh ơi” rồi hết, không kể lể chỉ lịm đi.
 
Sau làn khói nhang nghi ngút, khuôn mặt người quá cố với nụ cười buồn như linh động, như sống lại, ánh mắt cũng chừng rưng rưng. Bạn cô dìu cô đứng dạy, cô lết đến bên chiếc hòm gỗ được lá Quốc Kỳ phủ kín, rồi ôm choàng, ve vuốt vỗ về, cô áp má, cô áp môi lên nó, chừng như muốn mở nắp áo quan, chừng như muốn nhìn anh lần nữa, cô muốn tin thân xác anh được liệm sau lần gỗ vô tri, cô muốn gào, muốn hét, nhưng chỉ những giòng lệ tuôn dài câm nín, vài sợi tóc bết thêm vào làm khuôn mặt hằn niềm thống khổ.
 
Không gian quanh tôi lúc ấy ngừng hẳn lại, tôi chỉ chú ý đến cô, nghe tiếng vỡ trong lồng ngực bé bỏng và điếng ngất cùng cô. Bạn cô cố xốc cô lên, hai tay cô ghì chặt áo quan, bạn cô thảng thốt: “Thương ơi tỉnh lại đi, anh Hiệp ơi! Để Thương về, anh Hiệp ơi!”.
 
Tự dưng cô như tỉnh hẳn, không vướng víu, cùng bạn đi ra khỏi Nhà Vĩnh Biệt, không cần ai dìu bước, cô đi vững vàng, thanh thản, không ai thấy Trung Úy Hiệp dìu cô, chỉ mình tôi thấy được.
 
Từ đó cô đến thăm mộ rất thường, vài lần với người lính đã đưa cô đến lần đầu, nay tôi biết anh tên Côn. Mỗi khi đến cô thường ngồi trò chuyên rất lâu, khi về Trung Úy Hiệp luôn theo cô đến cổng mới quay vào, ông không siêu thoát có lẽ vì tình cô dành cho ông quá nặng.
 
Sau tháng 4-1975, bẵng đi một thời gian dài không thấy cô, tôi cứ nghĩ cô như một số người đã thoát đi, nhưng rồi bất ngờ cô trở lại, mái tóc không xõa dài mà búi cao trên ót, không còn tà áo thướt tha, mà là chiếc áo bà ba màu tối, da cô xạm đen, nét dáng kiêu sa thay bằng dáng tất bật gánh gồng.
 
Thời gian ấy nghĩa trang bị đào bới lung tung, một số mộ bia bị gỡ mang đi, tôi nghe nói họ dùng đá này để lót nền nhà. Cô vẫn tìm đến ngồi nói chuyện với người đã khuất, nhiều lần cô bật khóc, người lính trẻ không nói được nhưng anh vỗ về cô trìu mến. Tôi thương họ biết bao, ước gì tôi có thể cho anh sức sống của tôi.
 
Pho tượng Tiếc Thương ngoài cổng cũng bị kéo đi, những oan hồn tử sĩ thường mượn bức tượng này, làm xác nhập vào đi lang thang đây đó những đêm trăng, nay chẳng còn nơi dựa đỡ, tiếng rền rĩ nhiều hơn, những ngôi mộ bị bỏ phế nhiều hơn, những oan hồn không siêu thoát nhiều hơn, và tôi cũng tàn tạ theo nỗi buồn của họ.
 
Hôm nay cô lại đến, cô mặc áo tơ vàng óng ả, tóc cô xõa dài, cô ngồi rất lâu, châm từng điếu thuốc, đổ từng giọt café, và đốt bao nhiêu là giấy, cô không khóc, khuôn mặt cô an nhiên, người lính ngồi nghe cô nói, tôi thấy anh không bồn chồn khổ sở như bao lần trước, anh nhẹ nhàng thanh thản.
 
Khi cô về rồi anh tan thành làn khói mỏng bay thẳng lên cao, tôi biết, sẽ không bao giờ tôi còn thấy anh nữa. Anh thật sự đi sang thế giới khác.
 
Tôi, cây liễu được trồng trong Nghĩa Trang Quân Đội đã chứng kiến mối tình này.
����
Thế là xong, Thương xa tôi rồi. Dáng áo tím nhỏ nhoi khuất hẳn vào lòng chiếc máy bay ồn ào phun khói. Tôi đứng trên “sân từ biệt” sân bay Tân Sơn Nhất hơn hai tiếng đồng hồ, dưới ánh nắng mặt trời nóng gắt, để chỉ nhìn thấy tà áo Thương phất bay như vẫy chào từ biệt. Người ta như nêm đông nghẹt trong khoảng sân thượng nhỏ xíu, phải chen lấn cật lực tôi mới được đứng sát cạnh lan can, may ra Thương nhận thấy tôi còn lẩn quẩn bên Thương đến phút cuối cùng, trước giờ xa cách, đứa vẫn đàng Đông, đứa hút đàng Tây.
 
Tôi với Thương cùng chia với nhau bao kỷ niệm, những ngày vui như chim, những năm buồn như đá. Ngày còn đi học, trong trường ít ai biết hai đứa là bạn nhau, giờ chơi Thương đứng nhìn tôi nghịch, chỉ khi về nhà Thương mới đến tìm tôi.
 
Thương dịu dàng nhỏ nhẹ, tôi trái lại ồn ào phá phách, vậy mà không hiểu điều gì ràng buộc Thương gởi gấm tôi tất cả nỗi niềm, từ tình yêu đối với anh Hiệp, đến chuyện quyết định làm vợ anh Côn. Tôi đã cho Thương ngoại lệ là không rêu rao, chọc phá chuyện tình của nó, điều này với tôi ngày còn đi học là một ưu đãi, tôi không thể tưởng tượng ra được tại sao con gái phải cần có bồ, có người yêu.
 
Ngày anh Hiệp tử trận, là ngày nhỏ bạn tôi thành người lớn thật sự, thay vì u buồn ủ rũ nó lại cứng chắc như đồng, tôi thấy mình con nít hẳn đi dưới mắt nó, tôi chưa hề có mảnh tình nào vắt vai, thì Thương đã đau đớn vì người yêu bỗng nhiên hoá thành thiên cổ.
 
Mối tình đang thắm thiết bỗng hóa thiên thu. Hình ảnh nó rũ ra trước tin anh Hiệp mất, khuôn mặt nó đanh lại khi ra khỏi nhà quàn, khiến tôi và anh Côn cùng ái ngại. Đang ở trường, anh Côn tới, hai đứa thót lên xe Jeep khi anh bảo anh Hiệp đang ở trong nhà thương, rồi chỗ đến là Nghĩa Trang Quân Đội, rồi Nhà Vĩnh Biệt, tôi không tưởng tượng nổi tôi sẽ thế nào trong tình huống như thế.
 
Biến cố 30 tháng Tư 1975, cô học trò của trường lớp ngày xưa trở thành con nai ngơ ngác trường đời, Thương buôn bán, xốc vác cùng mẹ chăm sóc anh Đạt bị liệt nửa người vì đạn hủy hoại dây thần kinh cột sống. Biết anh ngày xưa đẹp trai, hoạt bát yêu đời, đến khi nhìn anh bó tay lệ thuộc vào mẹ và em mới thấy sự tàn nhẫn, phi lý của chiến tranh.
 
Thương còn phụ mẹ bới xách thăm nuôi ba của Thương bị tù không án trong trại học tập cải tạo, cho đến ngày nghe tin bác mất, bỏ thây ngoài Bắc. Thương, bạn tôi càng lúc càng cứng cỏi hơn, nhưng cũng có những hôm Thương ngồi cạnh tôi nước mắt lăn dài, hỏi mãi mới kể lể, chỉ trong tơ tóc là tiêu đời con gái vì thằng đàn ông đáng tuổi cha chú, bao lâu gia đình Thương tin tưởng. Tôi nghe và xót xa, chỉ biết siết tay bạn thật chặt chia sẻ, bạn tôi đẹp quá dưới mắt tôi.
 
Xã hội Việt Nam sau tháng Tư 1975 trở thành bát nháo, con người như sống trong cái hộp nhỏ nhoi, phải tự thay đổi chính mình để thích hợp với chế độ mới, tôi và Thương bị sống trong xã hội “cắc kè” này, xanh xanh đỏ đỏ, mạnh ai nấy tìm cách sống còn dưới quyền cai trị điều khiển của một thể chế kỳ lạ. Nếu dùng chữ ngu dốt thì cũng tội, mà không dùng những từ này tôi chẳng biết dùng chữ gì để diễn tả. Có một cô bạn cùng lớp, đi dạy học, một hôm sấn sổ đến nhà, kéo tôi lên gác, đóng cửa lại và bảo:
 
– Mày để tao chửi thề cho đỡ tức.
 
Và đôi môi xinh xinh của nó chửi thật, nó dùng chữ “ĐM” hẳn hoi, không phải những câu thông thường hoa mỹ mà người có văn hoá thường nói xa gần, như thế đủ biết cô nàng điên đến mức độ nào.
 
Thì ra anh chàng Hiệu Trưởng chưa học xong Tiểu Học, ép uổng, ra lệnh, xuống chỉ thị cho cô giáo đã trải qua bao đoạn trường khổ ải sử kinh để lấy được mảnh bằng đi dạy học, phải dạy học sinh theo đường lối, giáo án của chàng. Như thế văn hóa xã hội có suy tàn cũng không là điều ngạc nhiên.
 
Khi mọi người phải sắp hàng đi mua từng kilogram gạo, từng phân vải tám, tính theo tỉ lệ đầu người, con người bỗng lệ thuộc vào miếng ăn, manh áo đến nỗi quên mất ngoài những nhu cầu thường nhật nuôi sống xác thân, người ta còn cần một nhu cầu khác nữa là tinh thần, không có đời sống tinh thần, loài người khác chi loài thú, nên nhà nhà tìm đường vượt biên, người người tìm đường vượt biển bằng mọi giá, ngay đến cái giá trinh tiết ngàn vàng cũng rẻ mạt khi ấy. Ai cũng muốn thoát, không hiểu rõ muốn thoát cái gì, thoát nghèo đói, hay thoát dốt nát, thoát cộng sản hay thoát định mệnh, có lẽ vì quá ngột ngạt, con người Việt Nam trong thời điểm ấy muốn ngoi lên, hớp không khí như đàn cá mắc cạn và người ta đi.
 
Lường gạt nhau để đi, giành giật nhau để đi, những gia đình ngày xưa có tiền, có vàng giao con gái cưng cho những tên đàn ông không quen biết dẫn đi, hỏi đi đâu? Đi vượt biên, thoát thì ít, bị dở dang nhục nhã thì nhiều.
 
Tôi cũng vài lần đi, tiền bạc mất, lơ ngơ lớ ngớ như lạc vào bát quái trận đồ, tự dưng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cha mẹ bạn bè theo một người lạ hoắc lạ huơ, nó bảo mua vé xe đò xuống Sóc Trăng, thì đi Sóc Trăng, bảo đi Rạch Giá, thì đi Rạch Giá, không biết nó đưa đi đâu đến đâu, rồi như dân ăn lường ăn giật, mặt lúc nào cũng cúi gầm, sợ sệt, lén lén lút lút, lẻn vào nhà này, chui vào nhà nọ trốn chui nhủi để đợi đến ngày lên tàu đi biệt xứ. Cũng may tôi chưa từng bị bắt vô tù, vì nhanh tay, đút cho mấy tên yêu tinh du kích xã vùng Rạch Giá vài trăm, để chúng làm lơ cho tôi lủi trốn.
 
Có lần nằm trong đám cỏ cao gần “bãi” (nơi cho người xuống tàu tam bản hay còn gọi là taxi để ra tàu lớn) tôi chứng kiến cảnh cô gái dễ thương thành phố Sài Gòn đi vượt biên, bị lũ trâu ngựa đưa đường, thay nhau hãm hiếp mà không sao làm gì được, nó mà biết có tôi, chắc gì nó tha, không ai binh vực chúng tôi vì đàn ông đã bị chia thành từng nhóm nhỏ đưa đến địa điểm khác.
 
Đời nào buồn hơn đời Thương, đời tôi và các bạn tôi vào thời điểm ấy, chúng tôi, những chứng nhân đau thương sau tháng Tư năm 1975, bao thiếu nữ mơn mởn đào tơ, mộng đẹp tương lai đầy trước mắt, bỗng mất phương hướng sống trong đám sương mù dày đặc. Đứa bị lấy chồng cho xong đời con gái, đứa có con mà không biết của thằng nào trong đám giày vò xác thân mình sau lần vượt biên thất bại. Đứa về kinh tế mới, đào đất bị đạn đứt hẳn một chân, chống nạng đi bán vé số. Đứa lang thang không nơi nương tựa vì mái ấm đã bị “nhà nước chủ nghĩa” tịch thu. Đứa đi vượt biên mất tích. Đứa cùng đường bán thân nuôi gia đình. Có đứa bị bắt khi đang đi ăn cướp! Trời ơi là Trời! Trăm lần tôi kêu thảm thiết, hình như Trời cũng trốn đâu mất, không đáp lại tiếng tôi.
 
May mắn sao Thương của tôi lướt qua nhẹ nhàng, tôi vẫn tin vong hồn anh Hiệp luôn bên cạnh phù hộ cho Thương. Ngày anh Côn được thả về, Thương mừng như chính người thân quen trở lại, khuôn mặt khắc khổ sau bao năm tháng đọa đày, làm anh khác hẳn, không còn nụ cười rạng rỡ, chỉ những cau mày lo lắng, anh bị theo dõi bởi công an khu vực, nên khó lòng mà bỏ nhà vượt biên, anh bỗng trở thành ông đạp xích lô, và cô khách thường nhật là Thương. Có anh Côn, Thương đỡ khổ nhiều về tinh thần, anh Đạt của Thương cũng vui hẳn lên, khi chiều đến anh Côn bồng anh Đạt lên xe chở vòng vòng hóng mát. Hình ảnh này không hiểu sao cứ làm tôi rưng rưng khi nghĩ đến.
 
Ngày Thương hỏi tôi nghĩ gì khi anh Côn xin bảo bọc đời Thương? Tôi nhìn vào mắt nó và hiểu sâu trong đáy tim nó vẫn còn hình dáng người xưa. Con nhỏ khó nghĩ cũng đúng nhưng tôi khuyên nó rằng: “Khi một người chết đi, thì người kia vẫn còn phải sống cuộc đời của họ,” dĩ nhiên nếu được như chim Loan Phượng thì tuyệt đẹp, con trống chết con mái bay đập đầu vào núi chết theo, nhưng mình là người không phải là chim, còn Mẹ, còn anh, còn bạn bè còn xã hội.
 
Tình yêu nếu có, sự thương yêu nếu còn dành cho người đã khuất, phải thể hiện bằng đời sống của mình. Chuyện ở vậy suốt đời để tang cho người tình đã chết vì chiến tranh, theo thơ văn thì có vẻ đẹp, lãng mạn, tình tứ, nhưng với đời thường thì không hợp lý chút nào, nhất là trường hợp của Thương, đã là vợ chồng chi đâu ngoài nụ hôn đối với Thương là lời đính ước. Vả lại để tang cho người yêu, hơn mười năm với tôi đã là quá đủ. Tôi thành nhà hùng biện, dùng hết mọi lý lẽ tôi biết để thuyết phục bạn tôi, nghĩ cũng ấm ức, nó thì anh Hiệp, anh Côn, tôi thì chả có ai để mà khó nghĩ, nhiều lúc Mẹ tôi cũng buồn vì chưa ai đem rượu đến nhà xin tôi đi để bà đỡ ngại ngùng, khi bạn bè có hỏi bao giờ gả con gái.
 
Tôi chợt nhớ những lá thơ anh Hiệp gởi Thương, tôi còn giữ, cả quyển nhật ký Thương ép đầy hoa khô xương lá, suýt tí Thương đốt hồi anh Hiệp tử trận. Tôi không cho Thương đốt đi, tôi bọc lại cất kỹ, để dành cho nó. Rủ Thương ra bến sông Bạch Đằng nhìn nước cuốn hoa trôi, tưởng tượng hoa cho đỡ buồn chứ thật ra toàn là rác, đưa lại cho nó. Thôi thì nước mắt vắn dài, tôi biết trước như thế nên cứ im lặng để nàng trút cạn mạch sầu.
 
Lại có sự lạ lùng, tôi không thể tin mà có thật, lá thư dở dang cuối cùng anh Hiệp viết cho Thương có đoạn: “Nếu chẳng may anh có mệnh hệ nào, anh Côn sẽ thay anh săn sóc cho em.”
 
Thương khóc ngất, lá thơ này Thương chưa đọc. Đây là kỷ vật cuối cùng của anh Hiệp, anh Côn đã đưa khi đón Thương và tôi từ trường học đến Nghĩa Trang Quân Đội, buồn quá Thương ép vào nhật ký và không dám mở ra nữa.
 
Tôi không ngờ kiến thức tâm lý phổ thông của tôi lại có kết quả lạ lùng như thế, tôi được làm phù dâu trong lễ cưới đơn giản của nó.
 
Có một điều tôi trách Thương mà chưa thèm nói, là Thương không cho tôi hay nó sẽ đi Mỹ với anh Côn, chương trình H.O. sau khi cưới. Tôi chỉ biết hai tuần trước khi nó đi, mà trách Thương làm gì, tôi luôn cầu cho nó hạnh phúc, thì điều này làm tôi mừng hơn mới phải.
 
Trước ngày Thương xuất ngoại, hai đứa đạp xe rong ruổi bên nhau khắp nơi như ngày còn đi học. Thả dốc Tự Do hai hàng cây xoài cổ thụ, vài trái vàng tươi còn lúc lắc, ít người biết điều này ngoài hai đứa tôi, rẽ trái ngang qua Hải Quân Công Xưởng, đạp miết đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, gò lưng lên dốc, quẹo sang Phan Đình Phùng đến ngả tư Đinh Tiên Hoàng ghé ăn gỏi khô bò, đi tiếp quẹo trái Duy Tân uống ly dừa tươi Hồ Con Rùa, thả dài Trần Quý Cáp hai hàng me “lá xanh gần với nhau” quẹo phải sang đường Trương Minh Giảng, đến Tú Xương dắt xe đi bộ ngắm lại từng gốc ngọc lan, những ngày mưa cánh hoa phủ đầy mặt đất. Tóc Thương dài, nó hay cột hoa ngọc lan trong tóc, đây là lý do tại sao, hương hoa thoảng nhẹ khi đứng gần nó.
 
Dây hoa cát đằng lá to bằng trái tim thật, có những bông tím e ấp, gốc ỷ lan hương thơm nhẹ như phấn phải tinh mắt lắm mới thấy vài đoá ẩn kín trong lá, ngang Nguyễn Thông ghé chùa Xá Lợi, ngồi lại bực thềm ngày xưa ngồi học thi mờ mắt, phóng mắt nhìn sang trường Gia Long mà ngậm ngùi.
 
Tôi len lén nhìn Thương, ráng đọc trong mắt nó xem nó nghĩ gì, nhưng hình như nó đã ở thế giới khác rồi, chẳng còn là Thương của tôi ngày xưa.
 
Tôi hiểu chúng tôi đã thật sự lớn, những sợi dây ràng buộc chỉ còn là tình bạn. Dù Sài Gòn thay đổi thật nhiều sau năm 1975, nhưng với tôi và Thương, tất cả kỷ niệm xưa vẫn đầy trong tâm tưởng. Hai đứa chỉ im lặng bên nhau, tôi nghĩ chẳng cần phải nói gì hết, còn bên nhau đã là một hạnh phúc không cùng. Tôi hát khe khẽ:
 
* Ngày còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu.
 
Chấm đen trên nền trời nhỏ dần mất hút, những đám mây vẫn lặng lẽ trôi, tôi đạp xe ra Công Lý, qua Hiền Vương, đến Tú Xương đi lại con đường có nhà nguyện Mân Côi, có lẽ tôi nên ghé vào nhà nguyện cầu xin cho bạn tôi luôn được bình an trong đời sống mới.
 
Người Yêu Tôi Bệnh – Nguyễn Đức Quang
 
Cuối Xuân 2001
Như Hoa