User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
baorot
1-
 
Tháng Tư như siêu vi khuẩn gặm nhấm thể xác và nỗi đau mãn tính ray rứt lòng Quân Dân Cán Chính VNCH. Tháng Tư như niềm đau héo úa của cây cỏ, rụng lá vào mùa đông sau những tháng ngày cố vươn lên xanh màu lục diệp. Không có bài kinh hay câu bùa chú nào làm ta quên tháng Ba gãy súng và tháng Tư Quốc Hận. Cuối những tháng 3, người lính biết buồn. Mưa buồn đã đành, sao nắng cũng buồn!?. Thức buồn mà ngủ cũng buồn! Cứ đến tháng Tư là lòng người lính cũ bất an. Ăn không ngon và ngủ không yên giấc. Nỗi buồn hận của người “tức tưởi giã từ vũ khí”vẫn còn trí nhớ!
 
Trưa ngày 23 tháng 3, năm 1975. Hai Phi Hành Đoàn C130 túc trực hành quân của Phi Đoàn 435 do Trung Tá PĐT Mạc Mạnh Cầu vừa thay thế Trung Tá Lâm Văn Phiếu (bào đệ của Thiếu Tướng Phát) vừa giải ngũ, và Phi Đoàn 437 do Trung Tá Mạc Hữu Lộc làm Phi Đoàn Trưởng được điều động và nhận lệnh hành quân. Theo lời Chuẩn Tướng Sư Đoàn Trưởng Phan Phụng Tiên (SĐ5 KQ) thì ChuẩnTướng Sang (SĐ6KQ) yêu cầu cho C130 di tản gia đình binh sĩ SĐ6 KQ mà không qua Trung Tâm Hành Quân (TACC) trực thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân. Mãi về sau chúng ta mới biết các lệnh di tản trực tiếp, không theo hệ thống quân giai xảy ra khắp các đơn vị, quân binh chủng. Dù có mục đích bất ngờ nhưng vì thiếu điều nghiên, chuẩn bị, nên kết quả thiệt hại nhân mạng, vũ khí đến mức khủng khiếp. Vết thương đó sẽ không bao giờ lành trong lòng những người lính VNCH. Theo tình hình Quân báo thì thành phố Pleiku và Phi trường đang có nhiều lực lượng cộng sản với đủ loại vũ khí, xe tank, phòng không….
 
Phi trường Cù Hanh, cửa ngõ vùng Cao Nguyên, Bộ Tư Lệnh SĐ6KQ trong cảnh bát nháo chưa từng thấy. Nhiều Sĩ Quan các cấp tranh nhau đưa gia đình lên tàu bay. Thậm chí Sĩ Quan Quân Cảnh KQ bắn chỉ thiên để được ưu tiên đưa vợ con về Sài Gòn. Vì thời gian quá ngắn và hoàn toàn không có kế hoạch. Cũng có thể vì quá sợ hãi, phải bỏ Phi trường với kho xăng, kho vũ khí, kho quân trang quân dụng, kể cả các phi cơ hư hại đang nằm ụ… trong võn vẹn một buổi chiều! Ôi! Giã từ Phi Công anh hùng Phạm Văn Thặng năm 72 nằm ngoài vòng đai tỉnh lỵ Kontum. Giã từ Khánh “méo’, Độ “sữa”, hai người bạn cùng khóa Keesler nằm lại đâu đó trên đỉnh Trường Sơn. Giã từ Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng, Cà phê Dinh Điền, Bún bò “nhà xác” và những em Pleime má đỏ môi son. Câu Lạc Bộ của Đại Úy Sang, Trưởng Ty Thủy Lâm. Người từng cho Phi Đoàn 421, C123K do Trung Tá Nguyễn Quế Sơn làm PĐT những con dê, con bò nghé vào các dịp Liên Hoan ngày thành lập Phi Đoàn C123K đầu tiên. Khi cả Thầy lẫn trò cùng được bay và “check out” hành quân ở căn cứ Phan Rang do Không Quân Hoa Kỳ đồn trú. Rồi về Tân Sơn Nhất nhận bản doanh Phi Đoàn 421. Mặt tiền Phi Đoàn là Parking VIP Quân Đội và Đài kiểm soát Không Lưu (khi PTT Richard Nixon, Ngoại Trưởng Robert McNamera đến VN, chiếc AC 130 Gunship bị bắn khi oanh kích đường mòn Hồ Chí Minh, chết Trưởng Phi Cơ và hai máy bên phải. Phi Công phụ bay về đáp đều đậu ngay trước cửa của Phi Đoàn). Sáng hôm sau, 24 tháng 3, 1975 hai phi vụ C130 mang chất nổ, thả ở cao độ để phá hủy kho xăng, kho đạn trong phi trường Cù Hanh dưới lằn đạn phòng không dày đặc. Trong khi đó biết bao nhiêu chuyện hãi hùng, kinh thiên động địa, tệ hại gấp nhiều lần “Đại Lộ Kinh Hoàng” xảy ra cho binh lính và dân chúng Vùng 2 Chiến Thuật trên Liên Tỉnh Lộ 7B, từ lâu đã bất khiển dụng, cố tìm về tỉnh lỵ Phú Yên. Nhiều hình ảnh, bài viết đã là biển nước mắt cho những ai yêu Tự Do, chống cộng sản. Phải chăng sự thất bại di tản chiến thuật này cũng là nguyên nhân cho sự tuẫn tiết của Vị Tư Lệnh Quân Khu 2 Chiến Thuật Phạm Văn Phú?
 
Sáng ngày 28 tháng 3, năm 1975. Bốn phi vụ C130 bay ra Đà Nẵng di tản SĐ1 Không Quân. Tôi thấy có vài chiếc C119 cũng đáp khi chúng tôi sắp cất cánh. Thiếu Tướng Lành, Tư Lệnh Phó Không Quân đang có mặt tại Phi Trường Đà Nẵng trong khi Chuẩn Tương Tư Lệnh SĐ1 KQ đang họp với Quân Đoàn tại Sơn Trà. Cảnh tượng hỗn độn với đủ loại xe nhà binh, kể cả xe tank. Xe gắn máy vất tứ tung. Nhiều xe đậu sát mé phi đạo nên rất nguy hiểm cho phi cơ C130, có chiều ngang 122 feet giữa hai đầu cánh. Đại Úy C, người hàng xóm trong khu Gia Binh SĐ5 KQ, TSN đang ngồi trên xe Jeep với mớ tài sản vừa gom được trong căn nhà ngoài phố Đà Nẵng. Chỉ trong chừng 2,3 phút phi cơ đã đầy hành khách. Chúng tôi taxi nhanh trên phi đạo từ đầu Phi Đạo 35 đến cuối Phi Đạo 17, vừa thử xem hai đầu cánh có vướng xe cộ gì không (?) vừa cho Đại Úy C một dịp nhảy lên phi cơ bằng cửa Phi Hành Đoàn. Phải có đến cả vài chục xe chạy theo Đại Úy C. Sau 2 vòng lướt trên phi đạo, không đón được anh C. Chúng tôi cất cánh về hướng Nam. Sau khi cất cánh mới hay anh H, Y tá phi hành bị lính mình bắn. Viên đạn xuyên qua đùi trầy xước. Anh tự băng bó vết thương với sự giúp sức của Loadmaster.. Vừa lên cao vài ngàn bộ, chúng tôi thấy có một đường dài bất tận, đang vẽ hình rồng rắn. Hình ảnh lính của Trung Đoàn nào đó đang rời vị trí hành quân tìm về thành phố để chờ di tản, ám ảnh tôi nhiều ngày đêm sau đó. Không biết số phận của họ ra sao? Sáng sớm hôm sau, hai phi vụ C130 bay ra Đà Nẵng. Phi trường chưa bị giặc chiếm. Sĩ Quan Không Lưu khẩn thiết yêu cầu đáp, đón giùm gia đình và nhiều KQ còn kẹt lại. Nhưng phi cơ không đáp được vì quá nhiều xe quân đội nhẹ lẫn nặng đậu hai bên phi đạo.
 
Trong khi các Lữ Đoàn dù được lệnh rút về để bảo vệ Sài Gòn. Về sau Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Lương chỉ huy được điều động ra mặt trận Khánh Dương, rồi Phan Rang. Đường từ Huế về Đà Nẵng bị cắt đứt ở Truồi và đèo Phú Gia. Ngày 25 tháng 3, Tướng Trưởng cho lệnh SĐ Thủy Quân Lục Chiến lui binh ra cửa Thuận An. SĐ1 Bộ Binh và Biệt Động Quân ra cửa Tư Hiền, chờ tàu Hải Quân đến đón. Phần lớn các lực lượng này cùng rất nhiều thường dân vô tội đã bị đạn pháo của cộng sản tàn sát. Những ai chết vì sông núi sẽ ngàn năm ở lại với núi sông! Tro cốt của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được người nhà rải trên đèo Hải Vân và Cửa Biển Thuận An. Cũng vậy, tro cốt của Tướng Nguyễn Khoa Nam cũng được rải trên Sông Hậu, Sông Tiền… Linh hồn Ngũ Tướng và Linh hồn những người lính VNCH đã trở thành Hồn Thiêng Sông Núi.
 
Ngày 2 tháng 4, năm 1975. Phi trường Nha Trang cho lệnh “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐ2 KQ là môt trong những người di tản sau cùng nên có thể nói cuộc lui binh khỏi Phi Trường Nha Trang là khá nhất. Phi Hành Đoàn C130 của Đại Úy Hoàng Nam không đầy khách chở về Sài Gòn.
 
Phi Trường Phan Rang là Bộ Tư Lệnh tiền phương của Quân Đoàn 3 Chiến Thuật do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy. Bên cạnh đó có Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh SĐ6 KQ và Đại Tá Nguyễn Thu Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù luôn sát cánh. Chạng vạng tối 16 tháng Tư, 1975 Phi Hành Đoàn C130 chúng tôi chở ra Phan Rang Đại Đội BĐQ và di tản Phi Trường Phan Rang. Chúng tôi phải dùng phương pháp combat offload, vừa di chuyển chậm vừa cho lính xuống tàu bay và nhận người lên tàu. Phi cơ phải trong tư thế di chuyển để tránh bị xe nhà binh cản lối. Về sau chúng tôi biết được PHĐ C119 của Trung Úy Long, PĐ 720 taxi vào Phi cảng, đã phải bỏ tàu bay lại, chạy đường bộ về Phan Thiết vì không thể di chuyển phi cơ được, do quá nhiều chướng ngại vật. Chúng tôi cất cánh và bay về Tân Sơn Nhất khi tinh thần thật giao động. Phan Rang là nơi tụi tôi check out hành quân C123K và quá gần Sài Gòn. Khuya đêm 19 tháng 4, kho bom Phan Rang bị đặc công cộng sản phá hủy. Các phi cơ cánh liền và đa số trực thăng đành phải bỏ phi trường bay về Biên Hòa hay Tân Sơn Nhất.
 
Trên đây là những gì còn lại trong ký ức người phi công C130 (rất bình thường, luôn cố gắng hoàn tất trách nhiệm được thượng cấp giao phó). Đã có quá nhiều tác giả viết về cuộc di tản khỏi phi trường Tân Sơn Nhất trong những ngày hấp hối. Gia đình tôi cư ngụ trong Cư Xá Sĩ Quan có gia đình của SĐ5KQ, nên chúng tôi đến được Phi Trường Utapao, Thái Lan ngày 30 tháng Tư năm 75. Chúng tôi đếm được 318 hành khách cùng vượt thoát trong chuyến bay này. Phi Hành Đoàn và nhiều phi công của các loại phi cơ khác tháp tùng, đều ngậm ngùi rơi lệ nhìn lá Quốc Kỳ VNCH sơn nơi Vertical Stabilizer bị bôi xóa, khi chúng tôi còn chưa rời cánh phi cơ. “Vì hai chữ Tự Do ta thành người lưu vong (Nam Lộc)”
2-
 
Ngày 30 tháng 4 vài năm trước đây, tôi phải qua Toronto, Canada. Hãng Pump Arts, Inc. cần mấy cái Bowl castings và cái vỏ máy bơm nhiều tầng, nặng vài ngàn cân Anh. Hãng đúc Amit foundry nằm ở phía Bắc thành phố New Orlean có lò nung thép lớn nhưng không chuyên môn về các loại máy bơm ly tâm có nhiều cánh bên trong. Chúng tôi đặt hàng ở hãng đúc thép Canada Foundry nằm 30 dặm về hướng Đông của thành phố Toronto, mà tôi là Foundry Engineer và là người thực hiện hai “khuôn mẫu” này, nên được cử đi giám sát. Sẵn có chuyến công tác xa nên vợ yêu đi theo vì nghe nói Asian Town ở Toronto đẹp lắm. Chúng tôi check in khách sạn xong là gọi điên thoại ngay cho chú em hàng xóm cùng quê Quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long. Tháng 4, năm 1975 chú Thành là Thiếu Úy Biệt Động Quân nên cũng phải gỡ lịch trong trại cải tạo 6 năm. Chuyện tình của chú thì tôi biết rõ và nó rất ly kỳ… kỳ nhông lẫn kỳ đà! Chú Thành và Cô Thanh cùng học chung trường Trung Học Chợ Lách. Nhà hai người đều nghèo nên dù đẹp trai xinh gái, hai cô cậu phải giúp Ba Mẹ làm gạch, ngói nơi lò gạch của Ba tôi trong những ngày cuối tuần. Hai đứa nhỏ hơn tôi vài tuổi và xem chừng quý mến nhau lắm lắm. Tình học trò quê vừa đẹp vừa chơn chất, giản dị… Anh biết nhổ mạ cho em cấy lúa. Em cắt lúa chín vàng, anh cho trâu cộ lúa, đạp lúa, làm rơm… Chính tôi cũng bị rung động khi nhìn cô Thanh trổ mã thành thiếu nữ. Không chừng cô đẹp nhất xã Vĩnh Bình của chúng tôi! Đến hết năm Đệ Tứ thì cô Thanh thi rớt Trung Học Đệ Nhất Cấp, phải nghỉ học lo giúp đỡ Mẹ đang làm gạch trong tình trạng sức khỏe không mấy tốt. Chú Thành thi đậu nên lên tỉnh “du học”.
 
Không biết vì muốn theo chú Thành hay vì không muốn tay lấm chân bùn nơi quê nghèo mà Cô Thanh lên tỉnh bán nước mía kiếm sống và lo giúp Mẹ. Tôi cũng không biết chú Thành đẹp trai có lúc vô tình với cô Thanh xinh gái, vì cô chỉ là cô gái bán nước mía. Hay vì chú Thành ghen khi nhiều buổi chiều có ông Trung Úy thuộc Tiểu Đoàn 43 Biệt Động Quân đóng bên kia cầu Khưu Văn Ba lái xe Jeep đến “đóng đô” cạnh quầy nước mía ngọt lịm và thơm mùi thiếu nữ. Cảnh sắc hữu tình của sông nước miền Tây. Cây vườn sai oằn trái ngọt càng làm tăng thêm tính cách lãng mạn của “anh tiền tuyến, em hậu phương”. Một thời gian sau đó, Ông Trung Úy bận hành quân liên miên hay đổi đi đơn vị khác và cô thiếu nữ 16 tuổi mang ”bầu tâm sự”. Tin cô Thanh bán nước mía tự tử, được cứu sống truyền khẩu khắp phố, khiến nhiều người thương cảm. Nhiều người khác căm giận, lời ra tiếng vào với màu áo hoa rừng duy nhất thấy trong tỉnh lỵ. Cô Thanh bỏ phố thị Vĩnh Long và dòng Cổ Chiên lục bình trôi man mác, mang tâm sự u trầm về sống bên dòng sông Tiền, gần lò gạch của Ba tôi và những kỷ niệm thời thơ ấu. Những mùa nước rong không còn được chú Thành đẩy xuồng ba lá cùng cô Thanh cắm câu nơi các bờ đê xanh màu lúa mới. Nắng hè đổ mồ hôi không có chú Thành cầm nón lá quạt mát và nhìn nụ cười tươi của người yêu. Cô Thanh hạ sinh một bé gái xinh đẹp, trắng trẻo còn hơn cả Mẹ. Nhưng xã hội không tha cho cô. Cô sống đời khép kín, chăm chỉ làm việc, lo nuôi con và phụ giúp Mẹ trong sự gièm pha của hàng xóm và tiếng xấu miệng đời…
 
Cuộc đời cô Thanh, chú Thành có nhiều ngả rẽ. Cô Thanh tả tơi, vất vả với kiếp nghèo. Chú Thành mặc áo hoa rừng phiêu lưu bao mùa binh lửa. Rồi tháng Tư oan nghiệt ụp đến…
 
Tháng Tư năm 1981, chú Thành tốt nghiệp ”Đại Học Máu” của bên thắng cuộc với giấy chứng nhận ra trại nhỏ, về trại lớn Xã Nghĩa. Khi cả nước đều thiếu ăn và sinh hoạt ồn áo nhất là vượt biên, vượt biển tìm Tự Do. Cả Mẹ chú và Mẹ Cô Thanh đã mất vì thiếu ăn và bệnh không thuốc trị. Thuốc “xuyên tâm liên” trị bá bệnh không cứu mạng hai bà Mẹ đáng thương. Thấy tình trạng khốn khó của Mẹ con Cô Thanh. Vừa không có vườn đất vừa bị nhiều người chèn ép, lường công… có khi gạ ép tình dục nên chú Thành đón Mẹ con Thanh về nhà sống chung để dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau, như hai người bạn thời đi học…
 
Nhờ sự giúp đỡ của người bạn Mũ Nâu, gia đình có tàu đánh cá ở biển Ba Động, Trà Vinh chú Thành, cô Thanh và bé Kiều Nga đến được bến bờ Tự Do và định cư tại Toronto. Chú Thành mướn căn chung cư 2 phòng. Mẹ con cô Thanh ở một phòng, chú Thành ở một phòng. Chú Thành vừa đi học vừa đi làm cho đến khi tốt nghiệp. Được nhận vào làm cho hãng điện thoại AT&T. Chú chăm sóc Mẹ con cô Thanh như thể vợ con mình. Chú chỉ cười khi có nhiều bạn bè trong Cộng Đồng Việt nghi ngờ tính “quân tử Tàu” của chú. Chẳng bao giờ chú rủ rê ai về nhà ăn uống, sợ làm Cô Thanh thêm cực. Cô Thanh chuyên lãnh đồ về nhà may và lo nấu ăn. Chia bớt gánh nặng cho người bạn học “tốt bụng”, cũng là người tình xưa, người tình muôn thuở. Ở xứ lạnh lại làm việc trong nhà. Cô Thanh khôi phục phần nào nhan sắc. Có vài chàng Việt tộc gạ gẫm, ngỏ ý nhưng cô Thanh từ chối khéo. Viện lý do muốn lo cho con và còn lo cho bà con bên nhà. Chú Thành chưa bao giờ xem thường hay trách hờn cô Thanh. Khi nghe Thanh tự trách mình thì chú Thành tự nhận một nửa lỗi về phần mình. Nên hai người có duyên mà chưa nặng nợ tào khang… Khi cháu Kiều Nga sắp học xong Trung Học thì cô Thanh lâm trọng bệnh và qua đời. Cô Thanh vừa lao tâm vừa lao lực, thức khuya dậy sớm nên bị ung thư phổi. Chú Thành thêm một vết cắt trong tim khi biết cô Thanh lâm trong bệnh, nhưng cố giấu vì không muốn chú Thành phải lo lắng thêm. Cô Thanh vĩnh viễn ra đi mang theo khối tình ngang trái.
 
Kiều Nga lớn lên trong tình thương yêu của Mẹ và sự lo lắng tận tình của chú Thành. Có thể vì Mẹ kể nhiều về lòng tốt của chú Thành, đã hy sinh phần thời gian đẹp nhất của cuộc đời lo cho Mẹ con nàng được yên ấm, an toàn như mọi công dân Canada khác. Chú Thành cũng nhìn ra nét e ấp, bẽn lẽn của Kiều Nga đối với chú Kiều Nga chăm lo học hành vừa phụ nấu nướng cho chú đỡ vất vả. Nàng cũng để dành tiền chú cho ăn quà để mua tặng phẩm cho chú. Khi thì cái cà vạt, áo sơ mi. Lúc lại mua máy cạo râu, bàn chải đánh rang, nón lưỡi trai… Đến năm Đại Học thứ hai của Kiều Nga. Khi chú Thành phải vào phòng lấy quần áo tắm của Kiều Nga, mang qua nhà người bạn của nàng theo yêu cầu. Chú Thành ngạc nhiên đến tột cùng, chân muốn ngã, tay rung rung cảm xúc. Phải ngồi nơi bàn trang điểm của Kiều Nga đọc qua một số “thư tình” của nàng viết cho chú.
 
Tháng Tư năm đó chú Thành và Kiều Nga làm một tiệc cưới kỳ lạ nhất thế gian! Không chỉ vì chàng rể hơn cô dâu mười sáu tuổi.
 
Vợ chồng chú Thành đến khách sạn đón vợ chồng tôi. Chú Thành nói:
 
- Anh chị để xe mướn ở đây đi. Tụi em sẽ dành cho Anh chị sự ngạc nhiên thích thú.
 
- Gì ghê vậy! Lần trước qua đây anh có ăn dế, cào cào, châu chấu rồi! Có trùn đất chiên mà ghê quá. Anh không dám ăn.
 
- Anh chị có ăn phở, bún bò Huế do phụ nữ ngoại quốc nấu chưa? Và chuyện của Thanh nữa. Tiểu thuyết Quỳnh Dao hay Bà Tùng Long cũng không bằng đâu!
 
Chúng tôi vừa nhìn quang cảnh bông hoa mùa Xuân, vừa hỏi chuyện con cháu. Dĩ nhiên không thể thiếu chuyện buồn tháng Tư đen! Thấy chú Thành còn phong độ bên người đẹp Kiều Nga vui vẻ, tế nhị và có vẻ chu đáo nên vợ chồng tôi rất mừng. Kiều Nga có đôi mắt buồn của cô Thanh, dáng mảnh và cao hơn cả Biệt Động Quân “sát” một chút! Chừng 15, 20 mươi phút gì đó, chúng tôi ngừng xe trước môt căn nhà bề thế, gần như trang trại, cách biệt thị tứ khá xa. Đón chúng tôi là một người lính to con, mặc áo rằn ri và đội mũ nâu lính VNCH. Bên cạnh ông là người vợ Mễ hay Nam Mỹ với hai đưa bé, một trai một gái. Tất cả đang cười tươi như đón bạn bè quen nhau từ lâu rồi.
 
Chủ nhà bắt tay tôi. Cúi đầu chào vợ tôi. Tự giới thiệu:
 
- Anh là Hoàng, vợ anh tên Sylvia. Cháu Tom và Amy. Mời tất cả vào nhà, ăn tối kẻo nguội.
 
- Dạ chào Niên Trưởng. Coi oai phong lẫm liệt nha! Tụi em là T và Hoa từ Houston Texas.
 
- Biết rồi! Anh nghe Thành nói hồi đầu tuần. Chính anh đề nghị vợ chồng Thành mời hai em tới đây chơi và ăn tối. Ngày này không có bạn bè là buồn nẫu ruột.
 
Tôi đoán Anh nghĩ về thời khắc cuối tháng Tư đen!
 
Chúng tôi vừa an vị nơi bàn ăn có vẻ cổ xưa. Kiều Nga và hai cháu bé đang phụ chị Sylvia múc và mang những tô bún bò Huế bốc khói. Hương vị nồng nàn còn hơn hẳn ngoài tiệm. Ngửi mùi đã cảm thấy đói bụng.
 
Vợ tôi buột miệng:
 
- Anh Hoàng giỏi quá vậy. Bún bò Huế thơm lừng, rau đủ mọi thứ,,. Mở tiệm đi anh!
 
- Sylvia nấu đó em. Các con anh thích ăn món này lắm. Nhất là Kiều Nga!
 
Anh Hoàng đốt ba nén hương cắm vào cái lư hương đã đầy tro trên bàn thờ. Bên cạnh là chai Beer 33 và bao thuốc lá Capstan. Kiều Nga mang tô bún bò Huế đặt kề bên dĩa trái cây và bình hoa dại như thể đã quen phong cách cúng 30 tháng Tư này của nhà Anh Hoàng. Anh Hoàng rót Beer và đốt thuốc lá mời các chiến hữu đã “hy sinh vì Tổ quốc” của anh. Anh quay lại, ngồi vào bàn với đôi mắt mỏi u buồn…
 
Kiều Nga bưng tô bún thứ hai ra, đặt trước mặt anh Hoàng và thưa:
 
- Con mời Ba. Tô này đặc biệt nhiều ớt đó!
 
Vợ chồng tôi đang chưng hửng. Chưa hiểu rõ mọi chuyện thì anh Hoàng miệng hít hà, nét mặt vui tươi trở lại. Anh nhìn mọi người an vị với tô bún trước mặt. Anh dang hai cánh tay ra phía trước và mời:
 
- Nào! Chúng ta cùng nâng ly mừng đồng hương Vĩnh Long.
 
- Dạ mời Niên Trưởng, mời Sylvia, tiên chủ hậu khách mà!
 
- Mời hai em! Người nhà cả mà!
 
Anh Hoàng kể cho chúng tôi nghe thời anh đóng quân ở Vĩnh Long. Đơn vị anh là lực lượng trừ bị duy nhất trong vùng. Anh bận hành quân, nhưng khi về đến hậu cứ là mượn xe Jeep đến thăm cô hàng nước mía mà anh nghĩ là cô đẹp nhất phố. Gia đình anh bề thế ở Sài Gòn. Anh đang học nửa chừng bậc Đại Học Sư Phạm thì vào quân đội vì chán nghề Thầy Giáo tương lai. Khi biết người yêu có thai với mình, anh về thưa với cha mẹ để xin được cưới cô Thanh. Bị cha mẹ từ chối và dọa sẽ từ con nếu anh cãi lời. Buồn quá anh Hoàng xin đổi ra ngoài Cao Nguyên và trở thành Biệt Động Quân biên phòng. Nhờ tấm ảnh chụp chung anh và Thanh ngồi trên xe Jeep, mà Thanh rất hãnh diện kể cho con nghe khi đi dự tiệc hay xem trên TV tiếng Việt hình ảnh người lính Biệt Động. Nhờ chú Thành tận tình tìm kiếm và Đặc San Biệt Động Quân mà cha con anh đoàn tụ. Dù là gặp nhau nơi xứ người. Nhưng chắc hương linh của cô Thanh cũng toại nguyện và yên lòng về cõi vĩnh hằng. “Dòng Tiền Giang nước vẫn trôi. Hồn em siêu thóat thảnh thơi vô hình”
 
Ăn tối xong, quý phụ nữ quây quần bên TV nghe nhạc. Hai đứa nhỏ chăm chỉ với trò chơi gì đó. Anh Hoàng rủ tôi và Thành ra sau nhà uống trà, kể chuyện nhà binh. Trăng đêm treo chênh vênh. Vài áng mây phiêu lãng. Phía xa là cánh rừng. Xa nữa là dãy núi …
Anh Thành kể về những ngày sau cùng đời lính. Tiểu Đoàn Biệt Động của anh phải chia thành nhiều toán nhỏ xuyên rừng ngang Lâm Đồng, Bảo Lộc và về tới Xuân Lộc. Đơn vị của anh cùng Sư Đoàn 18 và Lữ Đoàn Dù đã gây tổn thất rất nặng cho các đại đơn vị cộng sản. Cuối cùng về tới Nhà Bè thì có lệnh buông súng. Anh và sáu Sĩ Quan Mũ Nâu khác ẩn núp vào rừng lá, tiếp tục chiến đấu. Khi có lệnh và nhiều Sĩ Quan QLVNCH đã phải trình diện học tập cải tạo. Anh và các bạn không còn chỗ nương thân, tiếp tế. Nhóm anh phục kính một toán 3 thằng lính thủy cộng sản, cướp súng đạn và vượt biển. Anh Hoàng và các bạn là một trong số những thuyền nhân đầu tiên đến Mã Lai. Anh nói:
 
Chúng ta hãnh diện là người Việt Nam. Nhưng sanh lầm thế kỷ. Sống nửa đời như qua cơn ác mộng. 30 tháng Tư sẽ mãi mãi là ngày “Quốc hận” của mọi người dân cả Nam lẫn Bắc.
 
Làm người Việt Nam hôm nay thật đáng thương. Anh em mình may mắn hơn nhiều người. Nhưng kiếp tha phương đeo hờn vong quốc. Những thường dân trong nước chịu quá nhiều áp bức. Mất quyền công dân. Môi trường sống cạn dần.
 
- Đất nước mình bị Tàu chiếm cứ “da beo” khắp nơi. Tài nguyên bị Tàu thu tóm. Biển đảo tôm cá bị chúng cướp hết. Chắc chắn tương lai đen tối đang chờ dân mình trước mặt.
 
Chú Thành đang ngồi im lắng nghe cũng buột miệng nói:
 
- Đúng là “Quốc hận”
 
Anh Hoàng thắc mắc:
 
- Không hiểu sao năm 75 binh lính VNCH mình còn hăng say chiến đấu đến thế mà phải đầu hàng. Nghĩ cho cùng các Tướng Lãnh của mình rất yếu về mặt ngoại giao. Không tìm thêm viện trợ từ các quốc gia yêu chuộng Tự Do ngoài Mỹ.
 
Tôi góp ý:
 
- Dương Văn Minh giết Tổng Thống Diệm. Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Dương Văn Minh có em là Sĩ Quan cấp Tá cộng sản. Phải chăng tay này là nội gián như các nội gián nguy hiểm khác. Phạm Xuân Ẩn chẳng hạn.
 
Anh Hoàng lắc đầu thở ra. Anh lớn tiếng quả quyết:
 
- Mấy chú biết lý do lớn nhất là gì không? Vì bọn đầu sỏ cộng sản Bắc Việt ngu xuẩn. Đem voi về giày mả tổ. Nghe theo Nga Tàu. Thí mạng người Việt cho Nga Tàu như Lê Duẩn thừa nhận. Vì lính cộng sản Bắc Việt là những con vẹt khờ dại. Bị lường gạt để chết oan cho một chủ nghĩa bất nhân tâm. Lịch sử nhân loại sẽ nguyền rủa Cộng sản như loài ác quỷ, mị dân. Bè phái phe nhóm hà hiếp nhân dân như người bị trị.
 
Đêm về khuya, sương giăng mờ ánh trăng. Chúng tôi không còn nhìn thấy dãy núi xa. Dãy sương đêm giăng ngang bìa rừng trông như giòng sông quê nhà mờ sương hay mưa bụi. Bờ vai lạnh được quý phu nhân phủ cho lớp áo khoác nhẹ và nhắc nhở chồng đêm đã muộn. Vợ con những người lính VNCH sẽ không bao giờ hiểu hết tâm trạng những người lính phải buông súng, dù từng chiến thắng trên nhiều trận địa. Nhất là hình ảnh đau thương của đồng đội chết trận.
 
Ấm trà nguội lạnh, ly tách lặng câm, bàn ghế trơ vơ gỗ đá mà nỗi niềm còn un khói trong lòng ba chàng lính cũ.
 
Vá cờ không khâu được lòng tôi
Những tháng Tư chết đứng lâu rồi
Khói hương bay chiêu Hồn Tử Sĩ
Đời tha phương tóc bạc như vôi.
 
 
Phạm Tương Như
25/04/ 2021