User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ha noi nam 1979 0
 
Đã từ lâu trong lòng vẫn luôn ấp ủ sẽ viết một bài về chuyến ra Bắc đầu tiên sau năm 1975 và cũng là dịp đi thăm ba tại trại tập trung ở tỉnh Vĩnh Phú, miền Bắc Việt Nam, mà không hiểu sao vẫn chưa có cơ hội viết, dù mỗi lần đến ngày giỗ ba và ngày lễ của Cha thì hình ảnh đó vẫn còn in đậm trong trí tôi.
 
Gần đây, khi kể sơ về chuyến đi đó với cô bạn thân, bạn náo nức thúc giục tôi viết… Thôi thì  cứ viết lại xem thử mình có còn đủ sức để chuyển đến quý bạn những cảm xúc ngày đó không nhé!
 
(Xin được mở ngoặc một chút để nhắc lại sơ lược về những sinh hoạt sau tháng 4 năm1975, khi miền Nam Việt Nam đã bị xóa tên thì những ai làm việc cho chính quyền miền Nam đã bị đưa vào các trại học tập cải tạo tư tưởng mà thực chất là trại giam, tùy theo cấp bậc và nhiệm vụ mà những người này ở từ 3 ngày cho đến vô hạn định. Những tháng ngày này, gia đình rất hoang mang vì không hề biết tin tức của họ. Đầu năm 1976 thì thân nhân mới nhận được thư báo tin bình an, và vài tháng sau đó thì mới có chính sách cho gửi quà, rồi lần lần mới được phép đi thăm nuôi. Lúc chưa được biết tin tức gì thì tôi vẫn còn nhớ là những người vợ, mẹ của các vị này, tìm cách dò la tìm hiểu, hỏi thăm để may ra biết được người thân mình đang bị tập trung nơi đâu, rồi sau đó truyền tai nhau, để rồi từng nhóm người lặng lẽ, lén lút tới các trại, giả vờ làm việc gần đó để tìm cách nhắn tin hoặc gửi quà cho người thân của mình nếu có thể) 
  
Vài năm sau, những sĩ quan cấp Tướng, Tá bị chuyển trại ra tận đất Bắc, và lúc này chưa có giấy phép ra thăm nuôi ngoài Bắc nên gia đình trong Nam gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi muốn ra Bắc. Gia đình bên nội tôi có người chị ruột của ba theo chồng tập kết ra Bắc, bên ngoại thì có anh ruột của má ra Hà Nội học Đại Học rồi kẹt luôn ngoài đó. Thế là má tôi tìm cách liên lạc để nhờ giúp đỡ, cô tôi hứa sẽ xin phép đi thăm, tiếp tế lương thực, còn cậu thì cũng hứa sẽ tìm cách giúp khi có dịp. Vậy cũng đỡ lo phần nào, tuy nhiên qua những lần nhận thư ba gửi về, tuy không hề than van, nhắn nhủ chi cả, nhưng với lòng thương chồng, má tôi vẫn muốn ra thăm để tận mắt nhìn xem cuộc sống ba trong trại ra sao. Thế nhưng chưa được phép ra thăm thì làm thế nào đây?
 
Năm 1979, tôi ra trường nhưng chưa được phân công như các bạn, năm đó có xin được tờ giấy phép đi đường ra Đà Nẵng thăm bà nội, không hiểu do ai chỉ vẽ, tôi bàn với má sẽ sửa lại giấy phép để ra tới Hà Nội xem sao. Với giấy phép của sinh viên Đại Học, chỉnh sửa nơi đến một cách ẩu tả, sơ sài vì đâu phải chuyên nghiệp, chỉ cần để ý một tí là biết ngay đã cạo sửa, thế nhưng tôi vẫn đi trót lọt, có thể thời đó vẫn còn kiểm soát lỏng lẻo hay có lẽ nữ sinh cũng được dễ dàng cho qua hơn chăng?
 
Thế là tôi ra Đà Nẵng trước, đón bà nội đi cùng, nghĩ mà thương bà nội mắt bị đục tinh thể nặng nhưng thời đó chưa có giải phẫu như hiện nay, nên đành cam chịu mù lòa. Bà theo con gái đi tập kết từ năm 1954 cho nên các con trai đều ở miền Nam chưa hề thấy mặt mẹ kể từ ngày đó. Khi đất nước thống nhất, bà từ Hải Phòng - ở cùng con gái từ lâu nay- vô Sài gòn tìm ba tôi thì mới biết con trai trưởng và út đã mất từ lâu, chỉ còn mình ba tôi thì lại đang thân tù tội. Bà ở với chúng tôi vài tháng, thấy mẹ con chúng tôi cũng ổn, bèn muốn ra Đà Nẵng để xem tình hình gia đình chú út tôi ra sao khi con mất, con dâu cũng mất, chỉ còn đám cháu nội bơ vơ tội nghiệp nơi ấy. Bà hay nói ước gì có dịp gặp ba tôi một lần rồi có chết cũng yên lòng, vì bà chỉ còn duy nhất một đứa con còn sống mà đã xa nhau từ năm 1954, cho nên đó là lý do tôi ra Đà Nẵng đón bà để cùng đi thăm ba tôi. 
 
Nhớ lại lần ấy, khi ra Đà Nẵng ở chơi vài hôm với bà con bên nội ngoại, một chuyện làm tôi bất ngờ khi tiếp xúc với một thanh niên miền Bắc về cách cư xử và lối suy nghĩ của họ. Số là bà nội ở nhà của người cháu ngoại (con cô ruột tôi), là những người từ miền Bắc chuyển vào Nam làm việc, có một ông anh họ đi bộ đội, vừa phục viên, ra Đà Nẵng thăm ngoại và các anh chị đang làm việc tại đó. Khi gặp mặt tôi, anh chỉ hờ hững gật đầu chào đứa em họ lần đầu tiên gặp mặt, trong khi ôm hôn bà ngoại thắm thiết “bà ơi, cháu nhớ bà lắm v.v..”, tỏ ra là người có tình cảm vô cùng. Khi biết ngày tôi sẽ đưa bà ra Hà Nội, anh ta bật nói “ô, cô cũng đi ngày ấy à, thôi tôi phải ra xe lửa đổi vé đi ngày khác mới được” ngạc nhiên tôi hỏi ”sao thế, đi cùng ngày cho vui và cũng cùng nhau chăm sóc bà” Anh trả lời tỉnh bơ “không thích đi chung với dân ngụy” Tôi khựng luôn!
 
Đến Hà Nội, thì cô tôi đã có mặt để đón chúng tôi cùng về Kiến An thuộc thành phố Hải Phòng là nơi cô làm việc và sinh sống. Trên đường về, xe chạy trên chiếc cầu Long Biên, là một chiếc cầu lịch sử và cũng là một trong những biểu tượng của Hà Nội, tuy nhiên với chuyến đi thời đó của tôi không phải là một chuyến du lịch, cho nên tôi đã không có một cảm giác nào. Ở Kiến An vài ngày vì cô tôi bảo để cô sắp xếp xe đưa đi thăm ba cho tiện vì có cả bà nội đi nữa, và thế là tôi được biết một ít cuộc sống ở miền quê xứ Bắc  và chao ôi thật là lắm chuyện lạ cho tôi trong những ngày ấy…
 
Trước tiên là việc đi chợ, vì chỉ có tôi ở nhà lo cho bà nội, còn vợ chồng cô tôi đều đi làm, cô làm tại thị xã, hằng ngày đạp xe đạp đi làm, dù là Giám Đốc của Sở Y Tế; chồng cô làm chủ tịch hợp tác xã ở gần nhà nhưng chỉ ghé tạt qua nhà vào buổi trưa để ăn và đến chiều mới về, hai người con gái của cô nhỏ tuổi hơn tôi, còn đi học Trung Học nên cũng chẳng thấy mặt, ngoại trừ đến bữa ăn, nhưng luôn bới bát cơm rồi đi đâu đó ăn, chứ không ngồi chung bàn. Có thể nói, buổi sáng khi xách giỏ đi chợ (là chợ chồm hổm ở gần nhà) khiến tôi ngạc nhiên không ít, vì theo thói quen lúc ở nhà, tôi luôn đi một vòng chợ để xem chỗ nào bán đồ ngon, giá rẻ v.v rồi mới quyết định ghé đến sạp nào, cho nên ở đây tôi cũng làm vậy, thì lạ chưa, sau khi quay lại nơi mà mình ưng ý thì thức ăn đã hết và hầu như nơi nhóm chợ này chấm dứt quá nhanh, gọn, lẹ nếu mình không ngừng lại mua liền lúc vừa đến. Điều này không hề có ở miền Nam, dù chỉ là chợ nhóm họp trên lề đường, trong con hẻm. Bởi thế ngày đầu tiên đi chợ, tôi xách giỏ về với mớ rau không tươi, mớ cá, thịt không ưng ý. Phàn nàn với cô vào buổi tối, cô cười bảo chợ quê là vậy đó, cũng may là tôi còn có cái để mua!
 
Kế đến là việc nhóm lửa nấu ăn, vào thời mà ở miền Nam đã có những bếp ga, điện hay tệ lắm cũng có than, củi thì ở nhà cô tôi vẫn nấu với rơm rạ. Thử tưởng tượng, cả một đống rơm rạ to tướng (khoảng 1, 2 mét khối) mà chỉ nấu có nồi cơm nhỏ, món canh và đồ xào thì đã sạch bách rơm, đã vậy mặt mũi còn lấm lem lọ nồi và rơm rạ vướng đầy trên tóc nữa chứ. Cũng may là cơm không sống và thức ăn không khét khi chưa biết điều chỉnh lửa như thế nào cho đều thì cũng là một thành quả nấu ăn không tệ cho người thành phố ở miền Nam này rồi đấy! Tôi còn nhớ, ngày nào cũng phải nhắc bác (chồng cô) cho người đem rơm rạ tới để nấu ăn, nhưng có một hôm chờ hoài vẫn chưa thấy, mà thời đó làm gì có điện thoại hoặc di động mà bấm nút gọi cho bác, thế là tôi đi một vòng nhà ở của khu tập thể, cứ thấy rơm rạ nhà nào ‘chướng” mắt lòi ra trên lối đi là tôi tiện tay kéo ra, vậy mà cũng gom được một mớ nấu được nồi cơm và canh chua cá nấu với trái sấu ngon tuyệt vời! (cũng mở ngoặc nói thêm là lần đầu tiên tôi biết trái sấu ra sao, và hương vị của nó hợp với món canh chua cỡ nào vì miền Nam vào thời đó không có trái này) Chiều đó, “tường thuật thành quả” rút rơm rạ nhà người để nấu ăn, bác tôi kêu lên “chết, chết, sao lại làm thế, nhỡ tối nay trời mưa thì người ta phải xoay sở thế nào đây?”. Và bác tức tốc đi thông báo cho mọi người xem lại rơm rạ nhà mình có bị ảnh hưởng gì khi bị con cháu của ông “phá hoại” không. 
 
Còn nói về nhà vệ sinh thì… eo ôi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng nỗi nhà vệ sinh ở đây, phải nói là khủng khiếp đối với tôi. Tôi từng nghe nói toilet ngoài cánh đồng, đi cầu cá tra…, ít ra cũng thoáng mát, nhưng chưa bao giờ hình dung được lại có những nhà vệ sinh khiếp đảm như thế này ở đất nước mình, cứ mỗi lần vào thì xúc một lớp rơm rạ phủ lên trước, bước lên có cảm giác nhèm nhẹp, ghê ghê… và mùi tỏa ra thì… khiến tôi chỉ vô một lần mà bị ám ảnh mãi đến nỗi sau đó phải giới hạn tối đa việc ăn uống để khỏi phải “thăm” nó nhiều, chỉ khi chẳng đặng đừng phải sử dụng thì đành ráng nín thở và nhắm mắt lại. Nghe nói những đống rơm rạ này sau khi chất khá cao, đã phân hủy ít nhiều  thì sẽ xúc ra làm phân bón cho cây cối… Ôi chao, giờ nhắc lại tôi vẫn còn thấy rùng mình kinh hoàng! Còn tắm rửa thì phải canh giờ để không cần phải chờ đợi, cho nên thường là thức dậy thật sớm hoặc thật khuya để dễ dàng cho việc làm vệ sinh này, thiệt là nghèo nàn và lạc hậu quá xa so với lối sống ở miền Nam, không biết nhận xét của tôi có quá đáng không nhỉ? 
 
Thức ăn ở miền Bắc - cũng có thể chỉ ở Kiến An, Hải Phòng mà thôi - lúc đó rất đơn điệu, chỉ có “chè đỗ đen có đá” thì đã là một món rất ư là đặc biệt rồi, trong khi miền Nam mình có biết bao nhiêu loại chè, món ăn hấp dẫn, ngon lành khác. Đậu đen (mà ngoài đó gọi là đỗ đen) hình như rất thông dụng, phổ biến. Nhớ sáng đầu tiên thức dậy ở nhà cô, được cô nói là có cháo để điểm tâm, mở lồng bàn ra, món cháo trắng điểm đậu đen cứ như có mấy con ruồi đậu vào, không thể nào hấp dẫn nỗi cho buổi ăn sáng của một người quen sống tại miền Nam lâu nay rồi. 
 
Thế là tuy chỉ ở có mấy ngày để chờ cô sắp xếp xe cho chuyến thăm ba là mục đích chính của chuyến ra Bắc của tôi, nhưng có thể nói là tôi chán vô cùng, khi không có người trò chuyện, ra đường mọi người  ăn nói vô cùng bổ bã, thiếu văn hóa không phải chỉ vì tôi là “ngụy” mà hầu như đó là cách cư xử đối với hết thảy mọi người và đáng nói hơn hết là hai người chị họ nhìn tôi như kẻ thù, chưa một lần chào hỏi. Có lần tôi đang lui cui nấu ăn, hai người này dẫn thêm mấy đứa bạn về trò chuyện, cố ý khích bác, chửi rủa người miền Nam, tôi chỉ lẳng lặng mỉm cười… Hình như tức khí khi không thấy phản ứng của tôi, thế là họ bắt đầu nói lớn tiếng hơn, chê bai nền giáo dục miền Nam, mà phải chi có lý luận cơ sở đàng hoàng thì cũng được đi, đằng này chỉ đưa ra một lý luận như sau “phải công nhận dân miền Bắc mình học giỏi thật, xong Trung Học chỉ có 10 năm, còn dân miền Nam ngu quá phải học đến 12 năm” và hùa nhau cười hể hả. Lúc này thì không im lặng được nữa, tôi nói khơi khơi “biết thì thưa thốt, còn không biết thì dựa cột mà nghe nhé, kiến thức của con người mà đo bằng năm học để kết luận ngu giỏi thì đúng là ếch ngồi đáy giếng, đã ngu mà còn ưa nổ! Có muốn nghe bà chị này phân tích vì sao hệ thống giáo dục của hai miền khác nhau hay không?” Cả bọn im bặt.
 
Rồi cô tôi cũng mượn được xe cơ quan chở chúng tôi đến tỉnh Vĩnh Phú, nơi ba đang “học tập”. Hình như lúc đó khoảng tháng 7, trời tuy âm u nhưng tạnh ráo ở Hải Phòng, thế nhưng xe càng chạy gần đến Vĩnh Phú thì trời bắt đầu mưa nặng hạt và gió thổi mạnh. Nơi ba ở, không lái xe đến thẳng được mà phải đi bộ vào, chắc khoảng vài cây số gì đó, trời lại mưa gió nên cô tôi bảo chú tài xế ngồi chờ ngoài xe với bà nội, còn hai cô cháu đến trại dò hỏi trước xem có thể được thăm không. Chờ khoảng nửa tiếng vì mấy người canh giữ ở đó phải bàn bạc, cuối cùng họ lắc đầu bảo vì mưa to quá nên không thể vào trại ở tận chân núi để gọi ba ra thăm thân nhân được. Năn nỉ mãi không được, thế là đành buồn bã quay về nhà. Đợi thêm một ngày nữa, mưa gió đã ngưng, nhưng cô bảo ráng chờ để mượn xe đi lại lần nữa, nóng ruột tôi xin tự mình đi thăm, rồi tùy cơ ứng biến nếu như không được thăm như lần trước, chứ chờ hoài thì biết đến bao giờ, mà ở lại cứ cơm nước cho cả nhà với rơm rạ, lại thêm nhìn bộ mặt “hình sự” của mấy chị họ  thì nản quá! Cô tôi đành đồng ý và bảo sẽ đưa tôi lên chợ tỉnh để mua được nhiều loại thức ăn  chuẩn bị cho việc tiếp tế được phong phú hơn. Nghe vậy nên buổi sáng tôi chỉ sắm một ít thức ăn cho ba, và đợi trưa cô về sẽ cùng ra chợ tỉnh để mua thêm thức ăn. Nhớ lại mà không khỏi bực mình và giận mấy đứa con của cô. Vì phải đạp xe  lên chợ tỉnh, không biết xa bao nhiêu cây số nữa nên cô tôi biểu một đứa con để lại chiếc xe đạp cho tôi mượn trước khi đi học. Thế là tôi có chiếc xe đạp để cùng đi và trong lòng có chút vui vui vì nghĩ rằng mấy đứa con cô cũng không tệ. Buổi trưa cô về, tôi vui vẻ đạp xe cùng cô lên đường, ai ngờ cứ đạp vài chục thước thì xe đạp sút sên, lại nhảy xuống ráp vô, dọc đường lại không có nơi nào sửa xe cả, thế nên tay tôi dính đầy dầu nhớt mà đường đến chợ hình như còn xa thẳm… Cuối cùng, cô tôi đành lắc đầu bảo quay về, không thể nào đến chợ để mua thứ gì được nữa vì cũng sắp tan chợ rồi! Về nhà, vừa nấu ăn cho cả nhà và một ít thức ăn cho ba- cũng may là tôi đã làm môt hũ thịt ruốc sả khá lớn lúc còn ở Đà Nẵng - vừa mệt vừa giận đám con của cô không sao kể xiết.
 
Cô chỉ cho tôi cách đón xe lửa theo tuyến đường Cao Bằng-Lạng Sơn, vào lúc 5giờ sáng. Xe lửa chạy chậm rì và cứ mỗi trạm lại ngừng để đỗ và đón khách, nên đến nơi thì cũng đã trưa rồi. Mà khi xuống trạm thì còn phải đi bộ thêm cả chục cây số nữa mới đến được trại của ba (đường này khác với đường xe đi với cô hôm trước). Nhờ hỏi thăm mọi người lúc còn ngồi trên xe nên cũng đỡ bối rối và lo sợ, vì khi lúc xuống mới biết chỉ có một mình đi thăm nuôi mà thôi, và đường trong xóm khá vắng vẻ, tuy nhiên dân quê làng này có vẻ hiền lành, thật thà qua cách nói chuyện. Hôm đó trời không mưa, nhưng phải băng qua những con lạch, mà nước lũ chảy rất mạnh, nhắm mình không thể tự khiêng đồ nên phải thuê xe đạp thồ thôi. Con đường vào trại vừa quanh co vừa khó đi, người xe thồ khiêng chiếc xe đạp và những đồ vật tôi mang theo, bước qua con lạch thật gọn gàng dễ dàng, đến phiên tôi bước qua, trời ạ nước cuốn mạnh khiến tôi lảo đảo, anh chàng xe thồ nhìn thấy dáng dấp “tiểu thư” của tôi, lắc đầu ngán ngẩm và bảo để giúp cho, anh ta nắm cánh tay tôi  để dẫn qua, nhưng tôi không thể nào giữ thăng bằng để bước tới được, suýt té mấy lần… thế là chẳng nói chẳng rằng, anh ta nhấc bổng tôi lên như nhấc chiếc xe đạp để bước qua cho lẹ! Còn tôi thì quê quá, ngượng chín cả người!.... Dọc đường, chỉ có lác đác vài người đội thúng bán rong, nhưng chỉ duy nhất là trái hồng… thôi kệ, mua thêm một ít trái cây này đem vô cho ba chắc cũng không phí.
 
Đến nhà khách của trại thì đã xế chiều, sương mù đã bắt đầu bao phủ, khí trời se lạnh, khiến lòng người như chùng xuống buồn theo cảnh vật… cũng may là mấy người bộ đội đồng ý cho tôi gặp mặt ba, và còn tử tế nói nếu ở lại thì ngày mai sẽ cho gặp ba thêm lần nữa. Ngồi chờ khoảng nửa tiếng thì thấy bóng vài người xa xa nơi chân núi từ từ lố dạng, lòng nôn nao không biết ba mình ra sao, rồi bóng người hiện rõ hơn… nhưng tôi vẫn chưa nhận ra được ai là ba trong mấy người này, nếu như không có nụ cười quen thuộc và lời hỏi “Thảo đó hả con?” Nước mắt tôi ràn rụa, ba tôi đây sao, một người dáng dấp oai hùng phong độ hồi xưa đâu mất rồi? Trước mặt tôi là một người dáng nhỏ thó, ốm nhom, làn da đen thui, mái tóc lưa thưa và bạc trắng. Thấy tôi nhìn chăm chăm, mắt mũi nhòe nhoẹt nước mắt, ba cười buồn “không nhận ra ba sao con?” Tôi nghẹn ngào, chẳng nói nên lời, muốn ôm ba nhưng người bộ đội đi cạnh cản ngay, và dẫn chúng tôi vào bàn tiếp khách. Đó là một chiếc bàn gỗ khá dài, có hai dãy ghế hai bên bàn, khoảng cách khá xa khi ngồi đối diện… Người bộ đội nhắc nhở “không được khóc, nhớ động viên…v.v..” rồi cầm súng đứng xa xa. Nén nỗi xúc động, tôi soạn thức ăn ra và kể sơ những sinh hoạt gia đình, cũng như hỏi thăm sức khỏe của ba, đồng thời nói cho ba biết là ở trại có cho tôi ở lại thăm ba thêm lần nữa vào ngày mai. Ba dứt khoát trả lời ngay “không được, ba rất mừng vì con đến thăm nhưng thân gái một mình không nên ở lại đêm, nên đón xe về thành phố ngay con ạ” Thế là chỉ thăm ba vỏn vẹn chưa đến một tiếng đồng hồ, biết bao điều chưa nói hết, nhưng tôi phải đành từ giã khi ba giục giã hãy đi về vì trời đã chuẩn bị tối rồi. Nhìn dáng ba buồn rầu, đầy vẻ cam chịu lầm lũi cúi đầu bước ngược về phía chân núi, lòng tôi thật xót xa… Biết ba có còn đủ sức khỏe để vượt qua những đau khổ về thể xác và tinh thần của những tháng ngày trong trại tù? Và trên hết, có thể nào có ngày ba được trở về đoàn tụ với chúng tôi không hay đây là lần cuối? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập xuất hiện trong đầu mà không có một giải đáp lạc quan nào cả, nước mắt cứ thế mà tuôn rơi trên đường về…
 
Tôi đón xe lửa về Hà Nội, để thăm các bà con nội ngoại và cũng mong ngắm được phần nào những danh lam thắng cảnh được biết đến qua sách vở trong khi chờ đợi ngày mua được vé về lại Sài Gòn. 
 
Có thể nói ngay rằng cách đối xử của bà con tôi ở Hà Nội khác hẳn ở Hải Phòng, hiểu biết và thông thoáng hơn nhiều và hình như chính trị không xen lẫn vào tình cảm gia đình, nên không bao giờ đề cập đến người miền Bắc, miền Nam hay phe thắng cuộc, thua cuộc chi cả, đối xử với tôi chân tình và thương yêu lắm. (Nói nào ngay, cô và bác (chồng cô) ở Kiến An cũng rất thương tôi, vẫn nhớ hoài những chăm sóc thương yêu của cô bác, chỉ có mấy đứa con cô thì thù hận vô lý quá mà thôi, có lẽ thấm đượm những tuyên truyền kỹ quá trong học đường nên thế chăng?) Lối sống của họ vẫn còn giữ được phong cách thanh lịch, của nền nếp gia phong dù là gặp khó khăn không ít với nguồn gốc gia đình trong chế độ và xã hội ở đó. Và tuy các bác, cậu cũng ở nhà tập thể nhưng có cuộc sống văn minh hơn, ăn uống tuy đạm bạc, chỗ ở thiếu tiện nghi cần thiết nhưng không có cảnh vệ sinh khiếp đảm như ở chỗ cô tôi ở Kiến An. 
 
Tôi ghé thăm nhà anh họ của ba tôi (anh em chú bác ruột) trước vì bác trai lúc nhỏ rất thân với ba, hai bác có một cô con gái bằng tuổi tôi, chị rất vui vẻ và thân thiện, nhưng vì phải đi làm nên chỉ chiều tối mới dắt tôi đi chơi được, bác trai vẫn còn đi làm, vì thế cả ngày tôi lẩn quẩn bên bác gái, bác là người Huế, nữ công gia chánh rất khéo và vẫn còn giữ nguyên chất gia đình nề nếp, dòng dõi quan lại nên nói chuyện với bác rất vui, hai bác cháu tha hồ rôm rả, cùng nhau đi chợ, nấu ăn… để chờ đến chiều đi chơi với chị họ. Thường thì hai đứa đạp xe rong ruổi qua các con đường trong thành phố, chị chỉ cho biết đâu là Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa đẹp lung linh in bóng xuống mặt hồ vào buổi xế chiều, Nhà Thờ Chính Toà với nét kiến trúc cổ kính Châu Âu cũng ở gần đó, thăm 36 phố phường mà tôi vẫn đọc trong sách với vẻ ngỡ ngàng vì không tưởng tượng nổi Hà Nội 36 phố phường được các nhà văn nhắc nhở, ca tụng, chỉ là những con phố còn thua xa mấy con hẻm ở Sài gòn vì ngắn ngủn, lèo tèo vài ba căn nhà nhỏ xíu… tuy cũng khá đặc biệt vì là nơi tập trung buôn bán những loại hàng hóa theo tên của phố. Xe điện vẫn còn tồn tại nhưng chạy chậm rì và cũng ít người lên xuống, chỉ có đám trẻ con chạy theo đu lên, nhảy xuống nhiều lần như một trò vui mà người soát vé cũng chẳng nói chi. Nói chung, cảnh ở Hà Nội đẹp, thơ mộng, cổ kính với nhiều công trình kiến trúc kiểu Châu Âu, nhưng hình như tâm tư tôi còn nặng trĩu hình ảnh người cha thân yêu gầy gò, ốm yếu đang còn “học tập” trong trại cải tạo, nên thật sự là không cảm nghiệm được hết cảnh quan nơi này, hơn thế nữa đa số các thanh niên ở Hà Nội cũng giống như Kiến An, có lối sống xô bồ, trêu chọc nhau rất lố bịch ở ngoài đường, nhất là khi gặp các thiếu nữ, ăn nói không chút lễ độ, lịch sự tí nào cả… cũng khiến tôi có ấn tượng xấu, nên không thoải mái khi đi ra ngoài dạo cảnh, xem hoa.  
 
Đến ở nhà cậu ruột, cậu mợ có 3 người con nhưng chị họ bằng tuổi đi du học ở Liên Xô chưa về, cô em út cũng đang đi chơi ở Saigon, bởi vậy chỉ còn anh họ rảnh rỗi đưa tôi đi chơi vài chỗ, nhưng anh này hình như có tính… e thẹn nên tôi cũng rất ngại ngùng khi đi chung, mặc dù ở nhà thì anh vẫn trò chuyện vui vẻ, dễ thương lắm, thế cho nên tôi thường lang thang một mình nhiều hơn. Thời đó là sinh viên vừa ra trường, tương lai bấp bênh vì chưa có công ăn việc làm, nên thật sự là tôi cũng chẳng thấy thú vị gì trong chuyến đi ra Bắc năm đó và chỉ mong về lại nhà mà thôi. 
 
Nhớ một ngày cậu chở tôi (chỉ bằng xe đạp, dù cậu là sĩ quan cao cấp, nhưng đi làm vẫn là xe đạp thôi) đi đến chỗ làm để cậu làm một chút việc trước khi dẫn tôi ra ga xe lửa mua vé về lại Sài Gòn. Cậu thả tôi ngay quảng trường Ba Đình, vì hình như chỗ cậu làm việc gần đó, thế là tôi cũng tò mò xếp hàng vào thăm lăng Bác, cho qua thì giờ. Xin được miễn bàn về cảm giác vào thăm lăng nhé, chắc chắn sẽ bị phán cho “phản động”, chỉ lạ là sao dòng người xếp hàng khá đông, dù mới sáng sớm, nhưng sau khi đi thăm xong tôi mới đoán ra được lý do, đó là ở cửa ra, người vừa vào thăm sẽ được phát cho ổ bánh mì thịt miễn phí. Vào năm 1979, dân chúng vẫn còn rất nghèo, cho nên được ổ bánh mì lót dạ mà chỉ cần đứng xếp hàng một lúc thì cũng đáng chứ nhỉ, bởi vậy không lạ gì có người xếp hàng vài ba lần trong ngày. Tôi cũng được nhận một ổ bánh mì, nhưng đã trao cho một em bé cạnh đấy, khi thấy em có vẻ đói khổ, và nhìn nét mặt hớn hở vui mừng của em thì thấy mình đã làm đúng. 
 
Vẫn chưa thấy cậu đến đón, thế là tôi lang thang đi thăm khắp nơi quanh đó. Chùa Một Cột đã làm tôi ngạc nhiên và thất vọng, khác với những gì tôi tưởng tượng, bởi ngày đó chùa nhỏ xíu, cũ kỹ, tiêu điều, không có dấu hiệu của chăm sóc, bảo tồn dù đây là một ngôi chùa lịch sử và được ca tụng là có lối kiến trúc độc đáo. Còn nhớ lúc đó, tôi cứ hỏi đi hỏi lại mấy người quanh đó là “chùa Một Cột phải không?” dù ai cũng gật đầu xác nhận, mà tôi vẫn cứ hoài nghi!
 
Mua vé về lại nhà cũng thật nhiêu khê, vì thời đó chỉ ưu tiên cho bộ đội hoặc công nhân viên nhà nước, chứ dân thường thì khó lòng chen chân vô mua được, ngoại trừ mua vé chợ đen. Cậu tôi tuy là sĩ quan, nhưng vì chỉ mua vé giùm cho tôi, chứ không phải cùng đi cho nên bị từ chối mấy lần. Nóng ruột, tôi nói cậu để tôi tự đi mua vậy, hôm ấy nhìn thấy một anh chàng bộ đôi đang ở trước quầy vé mà chỉ mua có một vé thôi, thế là tôi chìa thẻ sinh viên để nhờ mua hộ. Anh ta nhìn mặt mày tôi chắc thấy có vẻ hiền lành, thế là nhận lời mua giùm cho ngay. Về nhà, khoe với cậu mợ, cậu cứ ngỡ tôi đùa, vì cậu đi mấy lần cũng không có, thế mà tôi chỉ đi một lần là đem vé về ngay…
 
Ngày đi xe lửa về lại, gặp anh chàng bộ đội mua vé giùm, nhớ lại còn thấy buồn cười và một chút tội nghiệp, không hiểu anh chàng ta có hối hận khi mua giùm vé cho “ngụy” hay không mà ngày đó khi tôi tươi cười cám ơn anh ta lần nữa thì mặt anh lại quạu đeo, không nói tiếng nào mà cũng chẳng muốn nhìn mặt tôi, rồi cũng chẳng có chút galant chi cả, bước thẳng đến ngồi ghế ngay cửa sổ chứ không cần hỏi ý. Được thôi, “ân nhân” mua vé giùm mà, mình ngồi đâu mà chẳng được, có hề gì, dù là cũng thích ngồi cạnh cửa sổ để ngắm cảnh! Thế là mình tha hồ “tám“ chuyện với mấy người chung quanh, đa số là người miền Nam, vui vẻ phớt lờ anh chàng ta! 
 
Xe lửa chạy một quãng đường thì hàng loạt cục đá lớn nhỏ được ném vào cửa kính, do đám con nít ngoài đường hò hét cười đùa ném vào. Bốp, một cục đá làm bể cửa kính chui tọt vào trong, ui cha… trúng ngay anh bộ đội ngồi cạnh rồi! Anh ta hoảng hốt kêu lên, cục đá trúng ngay trán… Tôi cùng mọi người xúm xít tìm bông băng lo sơ cứu, rồi anh ta rời khỏi chỗ, đi đâu đó trong suốt chuyến đi không thấy trở lại… Ngồi im ắng một lúc, tôi nhẹ nhõm nghĩ thầm “may quá, nhờ anh chàng ta không biết galant, đòi ngồi gần cửa sổ mà mình… thoát nạn bị lỗ đầu!” Đúng là ở hiền sẽ gặp lành thôi!  
 
Đó là những ngày đầu tiên ra Bắc, sau khi Bắc Nam thống nhất, chỉ biết có mỗi hồ Hoàn Kiếm, nhà thờ Chính Tòa, cầu Long Biên, chùa Một Cột, một ít phố xá và dãy núi Hoàng Liên Sơn xa xa… nhưng hiểu thêm được ít nhiều về nếp sống, lối suy nghĩ của người miền Bắc. Người sống trong chế độ Tự Do và Cộng Sản khác nhau xa lắm lắm về mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần, và nghiệm ra rằng những gia đình có lối giáo dục “giấy rách phải giữ lấy lề” thì dù ở nơi đâu cũng giữ được bản chất của mình, không thẹn với lương tâm và chắc chắn là không một ai có thể coi thường, khinh dễ được!  
Hồ Diệu Thảo