User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

benxuan

Tết, Hoài và Sáu Được cùng mợ Bảy của nó về Việt Nam. Sáu rủ Hoài về quê chơi. Trùng dịp quê nó năm nay hội cúng miếu Bà có múa mâm vàng, rất vui, không coi sẽ uổng! Bởi mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân miếu Bà mở hội, nhưng múa mâm dâng cúng thì ba năm mới đáo lệ một lần. Để đội được cái mâm to nhẹ có tầng cao, ẻo lả cúng vái múa xoay thì phải thỉnh các vị “cõi trên”, đồng cô bóng cậu mới đảm nhiệm được nghi thức này. Khi chiêng trống vang lên theo nhịp xá, bước bộ tiến thối của các vị chức sắc ban tế trong áo thụng xanh đỏ, không gian chùng xuống nghiêm kính. Và văn tế đọc xong, tiếp là tục dâng mâm vàng, một nghi thức vừa trang trọng vừa có tính nghệ thuật… hài, bởi khi nhìn các vị nam nhân phục trang sặc sỡ, son phấn xinh tươi, nhịp nhàng ẻo lả trong điệu múa dâng mâm thì ai cũng phải bấm bụng ém tiếng cười vào ruột. Lại thêm những mục văn nghệ khác mà ban tế đã mời nhiều nghệ sĩ ở thành về. Thế là Hoài hăm hở khăn gói về quê theo tiếng gọi cuộc vui.

Miếu Bà ngự trên một doi đất giữa đồng ruộng bao la, bốn bề lộng gió. Con đường dẫn ra miếu là dải đê chỉ vừa một người đi bộ, nếu ai muốn đi xe đạp thì tay lái phải không kém cạnh so với xiếc đu dây, thế mà người ta vận chuyển ra miếu đủ mọi vật dụng cần thiết cho một buổi lễ hội suốt ba ngày với dự kiến hàng vài trăm người đến cầu tế, ăn uống, cho thấy lòng sùng bái thần thánh của con người đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Nghe Sáu nói miếu Bà ở đây rất thiêng, cầu gì được nấy, nhất là cầu duyên, Hoài bèn dốc sức khấn vái. Hoài vái năm nay Bà độ Hoài kiếm được tí tình duyên… tử tế. “Tử tế” đây nghĩa là phải nhiều hơn Hoài vài tuổi, hoặc bằng, hoặc tệ hại lắm cũng chỉ nhỏ hơn chút thôi, là mừng. Bởi trước nay Hoài toàn gặp các bậc “đàn em”, yêu đương nỗi gì khi chẳng biết xưng hô thế nào cho cam lòng! Rõ ràng Hoài biết mình “quá đát”, buổi chiều thu cần phải… “thôi về điểm phấn tô son lại” nhưng mấy cậu vẫn quyết rằng yêu.  Có lẽ các cậu nhầm lẫn mức độ quí giá giữa đồ cổ và người cổ chăng? Thật phiền não!

Thấy Hoài thành khẩn van vái mãi không thôi, Sáu chẳng dám thúc chớ nó sốt ruột lắm. Thức ăn bày la liệt trên bàn đủ loại món ngon, nhưng ưu tiên trước cho… ruồi. Các vị chức sắc trịnh trọng mời khách “khẩn trương” dùng bữa kẻo ruồi xơi hết. Người quê miền Tây lòng hào sảng bao đời, vốn bởi ruộng đồng sông nước trù phú, lại nữa là Tết. Khách tỉnh bụng căng tròn bởi những “đặc sản” gà vườn cá ao mỗi ngày. Cũng may Sáu thèm ăn mắm kho, “mắm dzà rau”, mắm chưng, Sáu thèm đủ các loại mắm bởi bên Mỹ không dám ăn sợ Mỹ nó chê người VN… hôi! Nhà mợ Bảy đông anh chị em dâu rể, nhân có người xa về bèn tụ họp một nhà đông vui, bà con chiều ý Sáu nên bữa cơm gia đình đa phần là mắm, nhờ vậy bớt được phần nào béo bổ gây thêm tăng trọng. Giờ nhìn mâm cỗ… ruồi ớn quá! Nhưng thân hào nhân sĩ trong ban càng trọng vọng khách xa, mời mọc thiết tha. Khách bấm bụng lùa!

Sáu, Hoài và Bảy cùng cầm tinh một con giáp, nhưng theo vai vế Sáu phải gọi Bảy là mợ, Hoài gọi “mợ Bảy” theo bạn Sáu cho phải đạo. Luôn tiện Hoài kính cẩn xưng hô với em út mợ là cậu dì cô dượng tuốt tuột, vì mợ Bảy là thứ Tư trong gia đình nên  “cậu dì” em mợ ít tuổi hơn Hoài xa lắc. Bởi thế nên Hoài được “cưng” lắm. Gia đình mợ Bảy có cao trào văn nghệ. Thay vì ngày Tết gầy sòng bài thì ở đây gầy sòng ca nhạc, lại nữa đám cưới con gái… cậu Đan anh  “ôi vui quá xá là vui” hồi trưa vẫn còn hừng hừng khí thế, cả “ban nhạc kẹo kéo” cũng  được mời ở lại. Nghệ sĩ nhà thi nhau tranh tài, từ giọng ngọt ngào êm dịu lẫn giọng giấm chua lanh lảnh trong giai điệu Boléro, tới những bài ca cổ mùi mẫn lâm ly. Hoài ngồi êm ru khép nép bên góc tường, sợ bị chiếu tướng rồi bị “đề cử” ra trình diễn góp vui thì khổ, vậy mà không thoát! Dù Hoài đã khẩn khoản van nài “cậu, dì, cô, dượng” tha cho, bởi cái giọng phập phều của Hoài thì hát xướng nỗi gì, xong mọi người quyết không tha, bảo với dáng vẻ và phong thái Hoài vậy phải là ca sĩ thứ thiệt mới đúng, lại nữa ở Sài Gòn (làm như nước Sài Gòn luyện ra giọng hát!). Bí quá Hoài phá bỉnh, bắt chước lời chế trong tiểu phẩm hài băng Thúy Nga, “nhả ngọc phun châu” bài hát… Xuân đã đến bên đây, đến luôn bên kia, xuân đã đến bên này, rồi lại sang bên kia… Chỉ với mỗi câu này, dễ quá, Hoài “nhai” như nhai kẹo kéo. Vừa nhai vừa nhảy nhót tung tẩy, Sáu Được hứng chí kéo “dì” bảy Lan ùa ra “sân khấu” ển mông phụ họa, loay hoay lỡ bộ thế nào mà Lan lăn cù chổng vó lên trời, bà con cười rần rần! Còn Lan phải chạy vào thay bộ đồ khác, vì cười quá… ướt hết! Màn diễn tấu hài bất đắc dĩ thành công bất ngờ, Hoài đột ngột trở thành ngôi sao “rạng ngời mà không chói lóa”, thu phục được cả tá fan, nhiều người ái mộ hết biết, cũng bởi cái vũ đạo nhí nhố mà nên! Cứ theo đà này mai mốt lại được phong “nghệ sĩ hài nhân dân” thì sốc chết! Trong bầu không khí vui nhộn quá cỡ, một trung niên bất giác phát ngôn:

- Tui mà chưa có vợ…

Hoài nhanh nhẩu hớt:

- Thì… ”tui cua chị”, phải không?

Cậu bẽn lẽn nhưng cũng hùng dũng gật đầu. Mọi người lại cười rân. Sở dĩ Hoài nói trúng ý cậu vì những câu đại loại vậy Hoài nghe đã nhiều... Thật chẳng biết trời cao đất dày là gì! Cậu này nhỏ bé hơn Hoài chí ít cũng cả con giáp!  

Đêm về, còn bần thần choáng váng với “danh vọng” mới bất ngờ thu được. Sao mà không choáng? Bởi Hoài cảm thấy mình như thay đổi thành con người khác hoàn toàn. Xưa giờ Hoài nhút nhát e thẹn, trước đông vài ba người đã ngậm tăm run rẩy, thế mà hôm nay không biết “cô cậu” nào nhập làm Hoài liều mạng quá hớp, “tài năng” bấy lâu ẩn dật bỗng xì ra bất ngờ! Hoài còn chắt lưỡi tiếc thầm, hồi tối tóc tai đuột quá, thiếu “phong cách”, bởi tóc mây sợi trắng sợi vàng phiêu du về nơi xa theo răng lược từng ngày, để lại từng khoảng rừng thu thưa lá. Và màn “trình diễn” cũng tửng quá, chân đá tứ phía như võ sinh mới nhập môn, mình mẩy lắc lư hệt lên đồng, chả khác kinh phong giựt là mấy, may người quê dễ dãi vui tính chứ ở tỉnh người ta cười banh bụng!

Có tin nhắn điện thoại. Dòng chữ hiện lên màn hình, là cậu Trần. Cậu này do bạn giới thiệu đã lâu, chưa lần gặp mặt cũng chưa điện đàm. Xem ảnh thấy cậu có vẻ “đàn em” lắm, lại lễ phép xưng hô một điều chị, hai điều chị, còn là gốc Quảng. Hoài rất nản dân miền Trung mà không biết duyên nợ kiếp nào gặp hoài, bởi mỗi lần “đàm thoại” phải hỉ hả vài lần mới nắm bắt được ý đối phương, tiêu hao những giây phút “lãng mạn” quí báu, nên đối với cậu Đà Nẵng này cũng không mặn lắm! Thôi cho cậu vào khuôn, khỏi giở trò cưa cẩm! Thế là Hoài xưng chị gọi em ngọt sớt, chưa thấy phản ứng, cậu này có vẻ dễ bảo đây, kệ, cứ “tìm hiểu” xem sao. Ngày vài lần sáng trưa cậu thăm hỏi, tối chúc. Để coi cậu nhắn gì:

- Chị ngủ chưa?

- Chị ngủ rồi em ạ. Muốn chúc chị ngủ ngon mà giờ này mới nhắn khác nào đánh thức chị dậy, còn gì là “ngủ ngon” nữa?

- Xin lỗi chị, hôm nay bận chút việc giờ này mới xong. Biết là muộn nhưng nếu không vấn an chị buổi tối thì… mình không ngủ được! Hôm nay chị có chuyện gì vui không?

Hoài “hồ hởi”:

- Có chứ. Hôm nay là ngày vui nhất trong đời từ trước đến nay…

- Ôi thế sao? Hèn gì không nhăn nhó khi bị quấy rầy. Kể nghe với được không?

- Không được. Lúc khác kể, giờ đi ngủ.

- Vậy chúc ngủ ngon nhé, chị… yêu.

Trời! Cậu này “bứt phá” rồi đây! Hèn gì cậu gọi Hoài là chị nhưng lại xưng “mình”, chừa đường bước tới. Hoài trách:

- Em nói nhăng gì vậy? Nói thế người ta tưởng em… yêu chị sao?

Hắn nhây:

- Kệ, ai muốn tưởng sao thì tưởng, cũng đâu đó thôi mà.

Hoài phủ đầu:

- Này em, nhìn em trẻ quá, không xứng với chị đâu đừng nói đùa bậy bạ thiên hạ cười cho…

- Cám ơn chị quá khen, nhưng không trẻ đâu, chị thấy ảnh đó là của… tám năm trước!

- Ối giời! Lừa nhau à?

- Không dám, nhưng giờ cũng chẳng khác là bao… hi.

Thân tình phát triển. Hắn ló mòi cưa cẩm. Cũng may giọng hắn không “Đòa Nẽng” mấy, Hoài hiểu được, chẳng phải học khóa luyện nghe. Hắn nói:

- Sẽ thương yêu lo lắng cho chị suốt đời không bao giờ thôi, chị tin… mình nhé.

Hoài trả giá:

- Vậy có bằng lòng mỗi ngày cơm bưng nước rót hầu hạ chị không?

Hắn sốt sắng:

- Có chứ, rất sẵn lòng. Không những cơm bưng mà còn đút chị ăn, cõng chị đi chơi nữa.

- Ấy chết! Không cần đâu, chị chưa tàn tật!

Lần đầu gặp, hắn ngây người nhìn. Hoài cũng choáng! Không choáng sao được? Hình dong hắn nho nhã trẻ trung, tóc bềnh bồng phủ ót hệt nghệ sĩ, mặt mày sáng láng đẹp… troai hết biết! Hoài nhủ thầm, không được rồi, gởi tình cho cái ngữ lãng tử này cầm bằng “gởi gió cho mây ngàn bay”... mới thiệt là lãng xẹt!

Thế nhưng hắn hiền như đất, nói năng lắp bắp không thuộc dạng “miệng trơn như bôi mỡ”. Hắn bảo, em thấy đó anh đâu có tài ăn nói, không biết tán gái, cũng chẳng trăng hoa ong bướm, xin em hãy yên lòng (hắn lên chức “anh” hồi nào vậy?). Hoài nghi hoặc, không tán ai nhưng ai tán lại cũng chịu phải không? Hắn cười. Nói gì hắn cũng cười. Nhưng lần này không biết là nụ cười cố hữu hay cười thú nhận bị nói trúng tẩy!?

Khi đã… ”nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu”. Và nói với nhau ngàn câu thương nhớ, chứ chả phải một câu! Thì đám cưới tất nhiên xảy ra, “Cô dâu xinh xinh, cô dâu non non…” đã thường. Cô dâu tóc vàng (bởi nhuộm) như Hoài mới lạ. Lại thêm chuyện lạ ly kỳ khác! Tên họ chồng Hoài y chang tên họ cúng cơm Sáu Được, nên Sáu giật mình thon thót mỗi khi MC nói đến tên chú rể trong tiệc cưới. Ngày phát thiệp mừng cũng vậy, bạn bè sửng sốt tưởng tiểu bang này hợp pháp luật hôn nhân đồng tính mà họ không hay biết, để còn thoải mái công khai “người yêu” và giới tính của mình. Sau mới vỡ lẽ Hoài lấy chồng là nam nhân thứ thiệt, không phải… lấy “nhỏ” Sáu.

Nào giờ Hoài tưởng chuyện chồng con của mình đã “final” thật sự, bởi qua mấy mươi năm “ế ẩm” quen rồi. Cứ nghĩ đến phải chia cho ai nửa cái giường, rồi hằng đêm ngủ trong hãng cưa với đủ loại tiếng ồn như sấm động, thì ớn lắm! Và ngày ngày tận dụng trí não nhiều giờ trên Internet, không phải để viết văn làm thơ, hay đọc sách báo mở mang kiến thức mà là sưu tầm món ngon vật lạ cho bữa cơm hàng ngày, để chồng đỡ chán, kẻo hắn lại thèm phở thì khổ đời cô Lựu. Vậy mà giờ đây Hoài vượt qua tâm trạng lo lắng bấy lâu, để chấp nhận hắn! Cũng may cuộc sống bớt phần khó khăn được một nửa, bởi trước bữa ăn chồng Hoài quen lệ ôm mặt vợ hôn tới tấp một hồi thay lời cám ơn công khó vợ nấu nướng (hoặc viện cớ?), cái phán… ”no choa rồi”, hoặc lầm bầm “thương lắm thương lắm”. Nên cơm ngon dở với chồng chẳng quan trọng, như thể mặt vợ là mâm cao lương mỹ vị ăn đã ”no choa rồi”. Nhưng với Hoài có chút không “đã” lắm, bởi ý tình thật dễ thương nhưng phát ra bằng giọng nói chẳng truyền cảm tí nào! Người ta tình Bắc duyên Nam, còn Hoài tình Bắc duyên… Quảng Nam hơi trật đường rầy chút! Thế nhưng hạnh phúc tràn trề. Tiếng cười nhộn cả ngày, chồng chiều chuộng yêu quí, cưng vợ như cưng… con! Lâu lâu lại thì thào… vợ yêu của anh, có thương chồng không? Như thể chưa tin vào hiện thực. Cầu hạnh phúc này được đến… tận thế, cho dzui!

Miếu Bà quê Sáu thiêng quá hớp, đầu xuân chỉ vái Bà một tấm người yêu nói chuyện cho vui, Bà hào phóng tặng ngay tấm chồng, nhưng Bà không thương cho trót, chẳng ban cho ông chồng “tử tế” hơn, bởi chồng Hoài còn kém vợ vài tuổi! Chạy trời không khỏi nắng kiếp làm “chị” và tình xứ Quảng. Thôi kệ, chẳng phải dân gian đã có câu… vợ già chồng trẻ là duyên ba đời đó sao?… Sau bấy nhiêu năm phiêu du bốn phương tám hướng, thuyền tình “nàng con gái tên Hoài” neo đậu bến xuân chàng Đòa Nẽng, ghét của nồ trời trô của nớ!.

Sang năm mợ Bảy lại rủ về Việt Nam. Hoài đắn đo suy nghĩ mãi, chồng còn bận đi làm không thể về nước chơi dài ngày. Một mình Hoài ham vui theo lời “rủ rê” của mợ Bảy và Sáu về quê. Rồi đầu xuân ra cúng miếu Bà, lỡ quen mồm van vái “linh tinh”, Bà lại tặng thêm cho… ông chồng nữa, là gây hậu quả nghiêm trọng ngay!

Vị nữ lưu nào phận duyên trắc trở, hồng nhan đa truân, thì liên lạc với Sáu hoặc mợ Bảy để được dẫn đường đến miếu Bà Gò Công Đông cầu duyên cầu phước đầu xuân, sẽ được toại nguyện mỹ mãn như Hoài.

Hoàng Thị Thanh Nga Oct 2017