User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

pleiku xua

Suốt một tuần nay trời mưa liên miên, mưa dầm dề lê thê không để cho ai thấy được ánh nắng mặt trời, mà chỉ thấy một màu mây xám xịt đặc quánh, mọi thứ hầu như bị lên mốc. Người Phố Núi ưa ví von rằng “mưa Pleiku thúi cả đất, mốc cả người”, đúng quá đi thôi vì tôi cũng đang bị lên mốc rồi đây. 
Nhưng chiều hôm nay đột nhiên mưa lại tạnh, mây loãng ra, tuy thế vẫn chưa thấy được đôi chút nắng chiều, đơn giản là… ông mặt trời đã đi ngủ - nói theo cách của các cháu bé đang học trường mầm non - Ngày mai có nắng không nhỉ?

May quá chừng. Sáng hôm nay Chúa Nhật, trời Pleiku có nắng hồng tươi như lòng tôi mong ước, đây chính màu nắng tôi đã chờ đợi suốt tuần nay, tôi chờ nắng lên để được phơi mình, để làm khô hết những đốm mốc đang có. Và tôi cũng đang chờ ai đó “Alô” cho tôi để… mời tôi đi tắm nắng trên những con đường trong thành phố này; một Phố Núi ngày xưa nhỏ xíu chỉ cần “đi dăm phút đã về chốn cũ, nay thì đi mỏi chân vẫn còn ở đâu đó.
Đúng ra; theo lẽ thường thì tôi phải về Nha Trang để sống cùng với gia đình; có ba, có má có thằng em út năm nay cũng hơn ba chục rồi - nó cũng “ế” như tôi - và có cả ông bà nội, thế nhưng tâm hồn tôi cứ vương vấn với một Phô Núi, quê hương của bên ngoại mà tôi đã rất gắn bó với nhiều lý do.

Ngày xưa ấy; một thời mà ba tôi là anh Thiếu Úy Không Quân từ Nha Trang “bị” thuyên chuyển lên Pleiku, còn má là người sinh ra và lớn lên ở Phố Núi. Nhà ông bà ngoại có tiệm bán hủ tiếu, đi học về là má phụ với bà ngoại “bưng bê” hủ tiếu cho khách… Một chiều kia có anh chàng Thiếu Úy Không Quân đi lang thang trên phố, đói bụng quá liền “tấp đại” vô quán hủ tiếu bên đường, má tôi vừa đi học về chưa kịp thay chiếc áo dài trắng trên ngực gắn bảng hiệu trường Pleime, đã vội bưng tô hủ tiếu cho chàng. Thế là từ đó anh chàng Thiếu Úy Không Quân “đóng quân” thường xuyên ở tiệm hủ tiếu của ngoại mỗi lần chàng ra phố, và nàng luôn là người… bưng bê cho chàng, lần nào tô hủ tiếu vừa đặt trước mặt là chàng cúi xuống hít một hơi dài rồi nức nở khen: - “thơm quá”. Sau đó chàng ngước lên nhìn nàng và hát rằng “may mà có em đời còn dễ thương”… mỗi lần như thế má tôi đỏ mặt làm ba thấy… thương quá chừng.

Ba tôi kể lại… hình như ba đã ăn được đâu chừng hai trăm tô hủ tiếu mới “cưa đổ” má, cuối cùng ông bà ngoại đồng ý cho ba “bưng” luôn cô con gái của mình về “dinh”; đó là một căn phòng nhỏ trong cư xá của không quân… má bỏ học giữa chừng để lên xe hoa; má khoe: “vui quá trời luôn”. Ông ngoại tôi cũng là lính nên khoái chàng rể này lắm.
Chuyện tình của ba má dễ thương quá, nhưng bà ngoại mỗi khi nhắc đến thì ưa cười và nói đùa:
- Chuyện tình của người ta thơm lừng mùi hoa cỏ, chuyện tình của hai đứa bây toàn mùi nước lèo của hủ tiếu.
Ba tôi cười khoái chí:
- Nhờ vậy mà con được no bụng… má ơi.
Tôi là kết quả đầu tiên của câu chuyện tình đầy mùi nước lèo hủ tiếu đó.

Những ngày của tháng ba năm 75, tôi mới bốn tuổi. Ba đưa cả gia đình ngoại vô sân bay và may mắn kiếm được đủ chỗ cho cả nhà về tới Nha Trang là quê hương của ba, ông bà nội vui mừng đón đứa cháu nội đầu tiên. Cả nhà ngoại chen chúc ở nhờ trong nhà nội… chuyện gì xảy ra tiếp theo thì tôi không biết vì lúc đó tôi còn nhỏ xíu, nhưng có điều tôi biết là cả hai bên gia đình nội ngoại của tôi đều ngồi khóc với nhau.

***
Cuộc sống tiếp theo sau đó rất khó khăn khi ba tôi bị đi học tập cải tạo, má tôi ngày nào cũng khóc, ngồi đâu là khóc đó. Ngoại tôi đưa gia đình về lại Pleiku với hy vọng tiệm hủ tiếu không bị “chiếm”. Má tôi xin bà nội cho má được bồng tôi về Pleiku theo ngoại. Với má thì Pleiku vừa là quê hương, vừa là nơi chốn kỷ niệm của tình yêu đầu tiên và cũng là tình yêu cuối cùng.
Dần dà mọi sinh hoạt đi vào vòng quay của cổ máy mới với một loại bánh xe mới; vì cổ máy với bánh xe không có nhớt bôi trơn nên mọi người phải gò lưng rụt cổ mà lết theo đến hụt hơi, và dù muốn hay không muốn thì con người ta cũng phải sống vậy, bà ngoại mở lại tiệm hủ tiếu, má tôi trở về với công việc “bưng bê” phụ với ngoại. Bây giờ thì Phố Núi khác xưa nhiều lắm, ngày nào má cũng khóc, cũng dõi tìm những bóng dáng thân yêu quen thuộc của một thời…
Nón cối với dép râu đi đầy trên đường phố. Ông ngoại tôi thở dài than rằng:
- Không còn gì thật rồi. Mất hết thật rồi… vì tôi chỉ là lính quèn nên không bị đi học tập.
Bà ngoại thì tiếc rẻ:
- Ngày xưa đẹp biết bao nhiêu…

Mỗi lần đi thăm nuôi ba; má đưa tôi đi theo, tôi thường đưa hai bàn tay bé xíu của mình lên ôm mặt ba, xoa xoa vào hai gò má cóp rọp của ba mà hỏi:
- Uả… tại sao mặt ba toàn là xương không vậy?
Cả ba và má đều khóc, ba nói nhỏ:
- Vì ba bị đói quá đó mà.
Tôi ngây thơ hỏi tiếp:
- Sao ba không về nhà để má bán hủ tiếu cho ba ăn?

Rồi ba tôi cũng được thả về, tôi đã tám tuổi. Ba buồn rầu và khó chịu mỗi lần có nón cối, dép râu vô quán ăn hủ tiếu, những người này ăn to nói lớn, bô lô ba la chẳng có chút xíu thanh lịch nào. Ba ngỏ ý với ông bà ngoại xin đưa má và tôi về lại Nha Trang; bởi vì… xứ biển dễ “tìm đường ra khơi”. Ông bà ngoại khóc quá chừng.

“Đường ra khơi”??? Hình như cái số của ba má phải bị gắn liền với cái nơi chôn nhau cắt rốn hay sao ấy, đi mấy lần đều không thành công, trong khi một cô, hai chú và hai người dì của tôi đi trót lọt. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay…
Đường phố Nha Trang thanh lịch và người Nha Trang dễ thương lắm, ngày xưa dập dìu những chàng lính Không Quân, Hải Quân cùng với bao tà áo dài trắng của các nữ sinh càng tô điểm thêm nét xinh đẹp vốn có sẵn của Nha Trang, nay thì những nón cối với dép râu rảo đầy đường đã làm mất hết nét thanh lịch quý phái của một vùng biển nổi tiếng… Ba tôi lại thở dài khổ sở. Bà nội tôi an ủi:
- Cả nước bây giờ toàn là nón cối với dép râu… chạy đâu cho khỏi thấy? Đi vượt biên thì không xong… thôi thì cũng đành ai sao mình vậy… phải lo cho mấy đứa nhỏ.

Đúng như lời nội tôi nói “cũng đành vậy”… gia đình tôi bị cuốn vào vòng xoay của cuộc sống, nhất là bây giờ tôi có thêm hai đứa em nữa.

Tôi thi tốt nghiệp cấp ba, vì lý lịch là con của sĩ quan ngụy nên khó khăn trăm bề. Hai năm trời không lọt vô được Đại Học, ba năm không tìm được việc làm. Cuối cùng thì bà ngoại kêu tôi lên lại Pleiku, nhờ sự “quen biết” với khách ăn hủ tiếu nên ngoại xin được cho tôi một chân thư ký trong công ty chế biến cà phê. Bây giờ thì tiệm hủ tiếu ngoại giao lại cho cậu út vì “ngoại đã già rồi, cũng gần đất xa trời…”
Pleiku không còn lãng mạn như ngày xưa, thành phố thay đổi một cách kệch cỡm đã trở nên xấu xí. Ngày đó Pleiku của ba má tôi và những người năm cũ đẹp biết bao, nay thì khác quá chừng quá đỗi. Lúc tôi ở Nha Trang hầu như ngày nào ba má tôi cũng mở máy hát để nghe bài “còn chút gì để nhớ”, rồi nhắc mãi đến kỷ niệm của một thời trong một thành phố “không đâu sánh bằng”, đó là một thành phố nhỏ xíu chỉ mới “đi dăm phút đã về chốn cũ” rồi, và cho dù “phố xá không sang nhưng phố tình thân” nên tôi đâm ra thuộc lòng và đã rất yêu “Phố Núi cao” của ba má tôi ngày xưa ấy.

Đi làm việc trên này cũng vui, sống gần bà ngoại cũng vui. Ông ngoại thì mất ba năm nay rồi. Thỉnh thoảng thấy bà ngoại ngồi một mình trầm ngâm buồn bã, tôi mon men đến gần để gợi chuyện cho ngoại nói, và lúc nào thì ngoại cũng thở dài mà tâm sự:
- Cháu biết không… ngày xưa ấy à, thành phố này dễ thương lắm, thành phố của lính mà… đủ mọi binh chũng đẹp đẽ oai phong lắm kia… chiều lại là các anh lính túa ra đầy đường… thật là vui. Còn thành phố thì đầy bóng cây mát rượi… người ta sống rất hiền hòa thân thiện với nhau… nhiều lúc ngoại thấy nhớ bóng dáng của những anh lính ngày xưa…
Thật khổ cho cái thân tôi khi mà “bóng dáng những anh lính ngày xưa” qua lời kể của ba má, của ngoại và mấy cậu dì chú cô… đã in dấu thật đậm trong tâm trí tôi, để rồi tôi cứ mơ tưởng đến một “anh lính của ngày xưa”… một anh lính của cái thời ba má tôi gặp nhau và yêu nhau rồi cưới nhau… nên tôi đâm ra hờ hững với những anh chàng của hôm nay.

Vì tôi cứ mải mê tìm kiếm và chờ đợi một chàng trai không có thật ở vào cái thời đại này, và tôi đã sống trong ảo tưởng với số điểm mà tôi có: mọi thứ đều trên trung bình, nên tôi đưa ra một điểm chuẩn khá cao cho những anh chàng nào muốn “cưa đổ” tôi.

***

Một thời xuân sắc, một thời thấy hoa là bướm và bướm là hoa nay đã qua rồi. Cậu tôi cười nói mỗi khi tôi “lắc đầu từ chối” với ai đó:
- Bây giờ làm gì có các chàng lính hiên ngang như ngày xưa? Chỉ cần như cậu đây là cũng “trên cả tuyệt vời” rồi.
Thật là buồn khi mình đứng trên bậc thang cao nhất, thấy vũ trụ và thiên hạ là của mình, vì tôi có đủ: nhan sắc; công việc; tiền bạc… thỉnh thoảng lại có tiền của mấy dì từ bên kia gởi về; cũng có đôi lần gởi kèm theo những tờ trăm đô la là một anh chàng Việt Kiều bảnh bao. Nhưng lúc đó tôi chưa muốn bị trói buộc vào một sợi dây “thòng lọng” trách nhiệm của hôn nhân và gia đình, vì tôi còn chờ đợi “người của thời xưa ấy”… và trong lúc chờ đợi thì tôi chỉ muốn mình là bông hoa đẹp để mọi người nhìn ngắm mà khát khao.

Năm tháng vùn vụt trôi qua trong sự kiêu hãnh của tôi, đến lúc quay đầu nhìn lại phía sau lưng thì thấy không có ai leo nổi lên tới đỉnh với mình. Những anh chàng có điểm chuẩn bảng A hết người này đến người nọ “rơi rụng” dần giữa lưng chừng những bậc thang. Mỗi lần nhận một tấm thiệp mời đám cười của ai đó đã từng hì hụi leo thang vói cho tới mình; tôi hơi thoáng chút ngậm ngùi… mới ngộ ra một điều là mình ưa đứng trên cao chót vót mà hoài cổ, bởi vì làm sao mà quay trở lại được thời xưa ấy để có người trong mộng? bánh xe cuộc đời chỉ có số tới mà không có số lùi… 

Nhưng tuổi xuân của tôi ác lắm kia; nó luôn chạy trước tôi và lại còn chạy nhanh hơn tuổi trẻ của tôi mới đểu chứ. Khi giật mình nhìn lại thì chỉ còn “cái già sồng sộc nó nằm bên hông” bầu bạn cùng tôi… tôi đã tìm đủ mọi để cắt giảm tuổi già; nâng cao tuổi trẻ; thế nhưng… cái già nó chạy theo tôi rất nhanh và vù một cái qua mặt tôi luôn. Đếm tuổi xuân của mình thì sắp là sinh nhật “tứ tuần” rồi chớ ít sao, vậy mà vẫn phải “một mình một bóng dõi tìm ai…”.

Vẫn chưa có ai “alô em rảnh không”? cái điện thoại cũng bị mốc nữa sao?. Thôi thì đành phải chủ động tìm trong danh bạ theo tiêu chuẩn secour bảng B để gọi cho người ta vậy:
- Alô… anh Hậu ơi, em… Kiều nè… anh rảnh không?
Đầu dây bên kia là một giọng trả lời yếu xìu:
- Ờ…à… Kiều hả?... anh đang bịnh nên mệt quá.
Lọt vô trong điện thoại là một giọng nói ngọt ngào:
- “ăn cháo rồi thì uống thuốc nha anh…”

Trời lại không thương tôi rồi sao? Cái anh chàng đạt điểm sáu của secour bảng B từng thề ở vậy để cùng “rong chơi” với tôi cho hết quãng đời xuân còn sót lại… đang bị bịnh và đang có người chăm sóc. Tôi hơi có chút ngậm ngùi buồn; nhưng không muốn mất thì giờ với nỗi buồn đó, tôi tìm thêm một tên khác:
- Alô… Kiều nè… anh Trình đang làm gì vậy?
Có tiếng ậm ờ của Trình:
- Kiều hả? Khỏe không em? Anh đang ở Nha Trang…
- Thích nhỉ? Đi Nha Trang mà sao không rủ em đi với?
- À… có cô bạn ở bên Mỹ về thăm… cổ rủ anh đi ấy mà.

Buồn ghê chưa. Sáu người có điểm chuẩn secour bảng B từ cao xuống thấp trong danh bạ coi như bị “bận rộn” hết trơn, chỉ còn lại ba người hạng B1… cũng từ cao xuống thấp… nhưng không có ai rảnh để cùng tôi đi phơi nắng. Có lẽ hôm nay trời hửng nắng sau một tuần mưa dầm nên mọi người hối hả để được bận rộn và ai cũng đi “phơi nắng” với ai đó mà không phải là với tôi? vậy tôi là cái gì gì của họ trong bấy lâu nay nhỉ? Chỉ là người để họ than thở những ngày mưa? Còn những ngày có nắng thì người ta lại cùng đi phơi nắng với ai kia?

Pho nui 2

Thôi thì… đành một mình đi phơi nắng vậy. Buồn quá; người ta nói sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng sao với tôi lúc này thì… sau cơn mưa tôi lại càng buồn hơn. Nắng từ phía sau lưng tôi rọi tới, bóng của tôi trãi dài theo bóng nắng; một mình một bóng cô đơn. Tôi tìm một quán nước bên đường khá lịch sự với giàn cữa kiếng trong veo; ngồi bên trong thấy hết bên ngoài. Mặt trời lên cao tới đỉnh đầu, cây Bằng Lăng trước quán cà phê đang đứng bóng theo mặt trời, nếu tôi đứng ngoài trời có lẽ tôi cũng không thấy được bóng mình vì nó đã ở ngay chính giữa đầu tôi. Mặc dầu đã lang thang phơi nắng cho hết mốc người nhưng tâm hồn tôi thì vẫn cứ mốc meo…

Phố xá sau khi ngủ yên một tuần vì mưa dầm, nay thì nhộn nhịp ồn ào trở lại. Con đường Hoàng Diệu đông người qua lại, tôi yêu con đường này nhất trong cái thành phố này, từ xưa tới giờ đối với tôi thì nó vẫn là con đường chính của Phố Núi, và trong thành phố Pleiku này thì chỉ có nhà thờ Thăng Thiên là dễ thương nhất vì nơi đó vừa sang trọng mà cũng thật gần gũi, mỗi lần buồn tôi thích đến đó ngồi để trầm lắng tâm tư.
Năm ngoái ba má tôi từ Nha Trang lên thăm ngoại và tôi; má đã than thở rằng:
- Cái thời mà ba má yêu nhau thì “Phố Núi cao, phố núi đầy mây”, còn bây giờ… có lẽ do tầng ozon bị thủng nên chi phố núi vắng mây mù rồi.
Còn ba tôi thì buồn rầu nói:
- Ngày xưa “phố xá không sang nên phố tình thân”, bây giờ phố núi trở nên diêm dúa làm cho những “người Pleiku năm cũ” như ba má đây cảm thấy dè dặt, e ngại vì quá xa lạ.

Má tôi nói theo kiểu một nhà thơ:
- Chúng mình đã mất Pleiku từ dạo ấy rồi, bây giờ nó chỉ còn là một địa danh để nhớ đến mà thôi.
Má tôi nói rất đúng, Pleiku bây giờ chỉ còn là một địa danh để cha mẹ và những người cùng một thời xa xưa nhớ đến mà thôi. Bởi vì tôi không thấy ở đây có “em pleiku má đỏ môi hồng”,… và cũng không nghe ai nói rằng “nên em mềm như mây chiều trôi”… đó chỉ là một thời của ba má tôi; của những “người Pleiku năm cũ” mà mỗi khi nghe kể lại; tôi cứ ngỡ như là mình được nghe chuyện cổ tích với câu bắt đầu: “ngày xửa ngày xưa”

Có điện thoại gọi cho tôi với khúc nhạc chờ quen thuộc; không ai khác chính là má:
- Kiều à… con đang làm gì vậy?
Tôi thở ra:
- Con đang buồn quá nè má ơi, suốt tuần nay Pleiku mưa dầm dề, mưa lê thê làm người con nổi mốc rồi đây.
Má tôi chiêu dụ tôi với lời năn nỉ:
- Về Nha Trang ở với ba má đi con… má sẽ kiếm người “cạo mốc” cho con.
- Không được đâu má à, con còn công việc nữa mà.
- Thì con xin chuyển về đây.
- Trời ơi, má quên lý lịch của con “dính” với… Ngụy, dễ gì được chuyển tới thành phố lớn.
Tiếng của cha tôi nói lớn trong điện thoại:
- Ê; ba cấm con nói chữ Ngụy đó nghe, phải nói là con dính với ông Sĩ Quan Không Quân… một thời của ba đó…
Tôi bật cười và thương ba quá chừng

Tự nhiên lại nhớ lời của ba má nói về một thời mà Phố Núi là những cái “nhất”: dễ thương nhất, đẹp nhất, nên thơ nhất, lãng mạn nhất, oai hùng nhất với những sư đoàn thiện chiến nhất trấn đóng trên đó; mà ba tôi cũng là người lính của một trong những Sư Đoàn ấy, và nhờ có má tôi mà ba tôi thấy rằng “may mà có em đời còn dễ thương”
Ôi chao… ngày xưa Phố Núi Pleiku cái gì cũng nhất.

Tại sao tôi cứ lẩn thẩn suy nghỉ những gì đâu không mà quên mất lý do tôi ngồi đây, trong quán cà phê này sau khi phơi nắng và để cho bóng đổ một mình tôi? 
Ly cà phê đã nguội ngắt… hình ảnh của ba tôi: một chàng Sĩ Quan Không Quân hào hoa phải kiên nhẫn đến no nê khi ăn từ từ gần hai trăm tô hủ tiếu mới “cưa đổ” được má tôi đã in đậm trong tâm trí tôi, phải chăng vì vậy mà tôi cứ mãi hoài sống trong cái bóng ngày xưa của ông bà ngoại, của ba má, trong đó có một “Phố Núi cao, phố núi đầy mây”, và của một “Phố Núi cây xanh trời thấp thật gần”???
Tôi mãi hoài đợi chờ một “anh khách lạ đi lên đi xuống” để khi tình cờ gặp tôi mà nói với tôi rằng “may mà có em đời còn dễ thương”.
Tôi đã từng soi gương để xem mình có là “em Pleiku má đỏ môi hồng” không? buồn thật khi mà bây giờ nếu không đánh một tí phấn lên má thì má của tôi không hồng và nếu không có tô chút son lên môi thì môi tôi không đỏ như thời của ba má. Có lẽ vì bây giờ Pleiku không còn là “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” nữa chăng? Hay tôi đã… già rồi?
Ôi buồn quá. Tại sao tôi cứ sống mãi với quá khứ của những người Pleiku xưa và ngày xưa của họ nhỉ? Và vì tôi luôn mãi vọng theo một huyền thoại thuở xa xưa ấy mà hờ hững với những “ai đó” để tới khi tuổi xuân đi qua, tuổi già lấp ló đến… mới giật mình tỉnh giấc mộng hoài cổ…

Có lẽ điều tốt nhất tôi nên làm trong lúc này là phải “khăn gói quả mướp” về Nha Trang sống với ba má; đó là những người Pleiku năm cũ gần gũi với tôi nhất…
Ôi; quá khứ dù có đẹp bao nhiêu thì nó cũng đã ở đằng sau lưng rồi, ba má ơi, nhưng điều đáng buồn là trong hiện tại mà con lại cứ mải mê sống với những gì ở sau lưng: đó là quá khứ của ba má và những “người Pleiku năm cũ”. Làm sao để con thoát ra được cái thời “còn một chút gì để nhớ để thương” nhỉ? Khổ thay khi cái thời đó không phải là của con và cũng không có con trong đó; nhỉ ???... ba má nhỉ???

Hồ Thủy