Người bạn đi du lịch qua Campuchia và Thái Lan về khen. Tuy hai nước này vẫn chưa phát triển nhiều như Nhật hay Đại Hàn nhưng so với nước mình vẫn tân tiến nhiều và điều nổi bật nhất là tính hiền hoà và thành thật của người dân. Du khách đi mua sắm, ăn uống ở những nơi này, dù trong siêu thị hay các quán vỉa hè đều rất yên tâm là không bị "chặt, chém" và lừa gạt. Bạn nhấn mạnh” ngay cả Campuchia là một nước còn nghèo và lạc hậu nhưng họ vẫn tự hào về nền văn hoá, vẫn giữ gìn và bảo tồn những đi tích lịch sử của đất nước...khiến du khách phải trầm trồ ngưỡng mộ”
Tôi chưa đi Campuchia nên không có ý kiến về những nhận xét trên, nhưng đã từng đi Thái Lan – dù chỉ là chuyến đi tour ngắn ngày - cũng phải công nhận rằng " quả thiệt dân Thái Lan hiền lành thật thà hơn Việt Nam mình"
Chắc hẳn ai cũng còn nhớ, những năm sau 1975, hải tặc Thái Lan đã là nỗi lo sợ lớn lao cho những người Việt đi vượt biên đường biển, vì đã có biết bao nhiêu nạn nhân và gia đình đã chịu đau khổ, đã gánh những thương tích từ thể xác cho đến tinh thần do bọn này gây ra, thậm chí số người đã mất mạng trên biển Đông vì nạn cướp biển cũng không ít và có những người khi đến bến bờ tự do đã bị ám ảnh bởi những hình ảnh đau thương mà mình hay gia đình đã gặp phải trong một thời gian dài (trong đó không thể không kể đến người đã bị bệnh tâm thần suốt cuộc đời) và thề rằng không bao giờ quên và tha thứ cho tội ác của hải tặc Thái Lan. Với những suy nghĩ còn đọng lại qua hình ảnh ghê rợn, không tình người của hải tặc mà tôi được đọc và nghe, khi đi du lịch Thái Lan đã tạo cho tôi một bất ngờ và ngạc nhiên rất nhiều khi dược tiếp xúc và quan sát về văn hoá và bản chất dân tộc của họ. Với dân số khoảng 90% theo đạo Phật, lối tín ngưỡng dạy cho con người ăn ngay ở lành, tu thân tích đức nên đa số họ có cái tâm hiền lành. Là một nước theo chế độ quân chủ lập hiến, họ lại kính trọng vua và hoàng gia một cách tuyệt đối, hình ảnh của vua được treo nhiều nơi trên đường phố, cho nên sự thiếu tôn trọng hoàng gia được xem như phạm luật. Sinh hoạt đời thường của dân thành phố và dân quê đều tôn trọng luật lệ, tôn trọng lẫn nhau với nụ cười dễ mến và cái vái chào Wai truyền thống khiến du khách có cảm giác an toàn và thân thiện cũng như tin rằng con người họ đôn hậu. Còn nhớ trong chuyến tour đi chơi năm đó, khi được dừng lại một trị trấn để nghỉ đêm và tự do dạo phố mới thấy cách tiếp thị cũng như bản chất của người Thái Lan rõ ràng hơn . Là thị trấn ăn chơi, họ cũng vồn vã mời chào nhưng không hề níu kéo và giá cả trong các cửa tiệm là fixed price, để bảng giá rõ ràng không có giá tiền phân biệt giữa du khách và dân địa phương và nếu mình thích trả giá rồi không mua thì nét mặt họ vẫn bình thường chứ không nguýt háy hay "tặng" thêm câu chửi rủa với theo...Ra chợ, những nông dân đem sản phẩm của mình ra bán, giá rẻ hơn trong tiệm và có những loại trái cây, hoa quả còn rẻ hơn Việt Nam, vậy mà một số người Việt đi tour không những trả giá mà còn "ma le" tính toán nhanh lẹ cho có lợi về phần mình, không kịp cho đầu óc người bán tính toán thiệt hơn, để rồi đi về chỗ ở cười hể hả lên mặt " sao tụi nó ngu thế!" khi kể lại "thành quả khôn ngoan" của mình!
Nói thật lòng, đi du lịch đã nhiều nước nhưng không khi nào tôi có cảm giác lo sợ bị gạt gẫm khi tự mình đi mua sắm, thế mà về đến "quê hương là chùm khế ngọt" của mình thì lúc nào cũng phải rủ bà con hay bạn bè đi cùng để nhờ xem hàng và trả giá giùm, trong khi mình cũng nói tiếng Việt được mà phải giữ im lặng chỉ có nhiệm vụ trả tiền khi hai bên đã ngã giá xong xuôi! Kỳ vậy ta! Xin thưa, không lạ ạ, bởi tôi đã bị một trải nghiệm khá "vui" khi tự tin đi mua hàng, trả giá cũng ..."tự khen" là ngon lành lắm, thế mà khi về nhà xem lại thì rõ ràng đã trả tiền 3 món hàng nhưng trong bọc chỉ còn 2. Ra tiệm hỏi lại thì người bán hàng trở mặt nhanh chóng với những từ rất ư là "văn hoá". Thế là cạch mặt chẳng bao giờ dám đi một mình! Sợ quá chừng! Nghĩ cũng ngộ, mình đã được sinh ra và sống tại quê hương hơn hai mươi năm vậy mà khi trở về lại không dám tự tin giao tiếp nơi phố chợ một mình. Xã hội và con người đã thay đổi nhiều đến thế sao? Nhưng lạ thay, các con tôi thì ngược lại, tuy sinh ra ở nước người, tiếng Việt chỉ đủ nói và hiểu những câu đơn giản, nhưng khi về Việt Nam lại thích tự mình đi mua sắm. Các cháu rất thích thú khi được trả giá, dù lúc nào cũng bị mua ...hớ khá nặng! Ở Việt Nam giá nào cũng có thể mua được hay đúng hơn là “chỉ có người mua lầm chứ người bán không lầm bao giờ”! Chắc đây là cách thực tập học nói tiếng Việt với giá rất hời nên các con tôi vui vẻ chấp nhận chăng?
Quốc Văn Giáo Khoa Thư và những bài học Công Dân Giáo Dục thời xưa chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của những cụ già tuổi 60 trở lên thì phải! Và không lẽ tính lương thiện hình như rất hiếm quý ở nước ta trong thời buổi này?
Hồ Diệu Thảo