User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 

phonglinh

Nhân lúc hầu chuyện quí độc giả về cách bố trí cảnh vật theo quan niệm người Á Châu, tôi có nói qua tới chiếc linh phong. Chiếc linh phong đựơc bày bán khắp đó đây. Sự bày biện của chiếc linh phong có thể tạo nên một quang cảnh đẹp mắt. Sự bày biện cũng có mục đích tạo nên những âm thanh nghe cho vui tai trong một góc vườn. Những người ưa khoa phong thủy cũng dùng nó để treo vào những nơi nọ chỗ kia. Họ treo vào những nơi không thích nghi mà người ta không có cách gì để giải cản, hay những chỗ người ta nghĩ là xui xẻo.

Cũng nhân cái dư âm ây, tôi liên tưởng tới bài thơ của Tôn Thọ Tường, nó mang lại cho tôi một âm vang còn mạnh mẽ gấp trăm ngàn lần tiếng kêu của chiếc linh phong.

Vào khoảng đầu thập niên sáu mươi. Nhân sự quen biết với một vị Hiệu trưởng. Tôi cùng một số bạn bè đã phải thu xếp bỏ đi một số lớp học ở Sàigòn. Thứ Sáu và thứ Bảy chúng tôi đáp xe đò từ  Sàigòn  đi Trảng Bàng dạy học. Những năm tháng đó chiến tranh bắt đầu gay gắt. Bỏ một số lớp học của mình để giúp bạn hữu trong lúc mới  khai giảng một ngôi trường mới tại vùng bất an ninh. Việc này đòi hỏi một hi sinh thật lớn trong thiên chức giáo dục.

Phía trường bán công tại đây cũng có một số giáo sư có uy tín. Thế nhưng không hiểu tại sao học trò bên đó cứ ùn ùn sang học bên này cho tới khi trường bán công đóng cửa những lớp đệ Nhị cấp. Có thể là những vốn liếng mới mẻ giúp chúng tôi truyền lại những hiểu biết cho các học trò của mình, cũng có thể vì học trò quí thầy trẻ. Lũ chúng tôi, ngoài Hiệu trưởng và thầy giáo già dạy Pháp văn, tất cả đều dưới ba mươi.

Một buổi chiều thứ sáu, các học trò của chúng tôi dẫn mấy ông thầy đi thăm gia đình các em. Chúng tôi lần mò sâu vào trong những làng lân cận. Chúng tôi đi qua những lũy tre xanh tươi mát hai bên đường làng, Nhưng sau những lũy tre tôi thấy những hàng chông dầy san sát tạo nên một nghịch cảnh chua chát cho người dân hiền hòa sống tại đây. Tôi cảm thấy lạnh người. Thế nhưng nghĩ học trò của chúng tôi dù sao cũng là những bảo đảm để chúng tôi có thể tới thăm gia đình các em và cảm thông với những khó khăn của các em mà không bị nguy hại.

Trở về trường đêm đó, anh em chúng tôi gồm có Nguyễn Thế Linh, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Trí Thức cùng ngủ chung sàn gác trên lầu văn phòng của nhà trường. Chúng tôi ngủ ở đây các đêm thứ Sáu để ở lại dạy sáng thứ Bảy. Ngoài một số ít học trò, không ai biết chúng tôi ngủ trong trường vào ban đêm. Đêm hôm đó vì bị ám ảnh nhiều về chuyến đi, về những hình ảnh đầy chinh chiến đang hiện ra trong một dân làng sinh sống hiền hòa.  Một ý nghĩ thoáng hiện ra trong óc, ngày mai tôi phải giảng cho học trò của tôi bài “Đĩ Già Đi Tu” vì tôi cần chỉ dẫn cho các học trò của chúng tôi biết nghe theo tiếng gọi của lương tâm, tiếng gọi của chân lý nhắc nhở con người trở về với lẽ phải.

Đã gần bốn chục năm, từ những năm xa xưa ấy, hôm nay khi viết tới tiếng ngân vang của linh phong, tự đâu những hình ảnh quen thuộc của các bạn tôi với lũ học trò nó lại nổi dậy trong một cảnh ngộ mới, một chân trời mới.

Tôn Thọ Tường diễn tả một người đàn bà suốt đời buôn son bán phấn. Trong một lúc dừng lại trên quãng đường dài của cuộc đời, nàng cảm thấy đời trống rỗng và vô ý nghĩa quá. Nàng quyết tâm tìm cửa Phật đi tu. Trong lúc đang tụng niệm kinh kệ, mà lòng trí thì bay bổng tới những chuyện mây mưa. Tiếng chuông bỗng từ đâu vang lên làm nàng tỉnh thức:    

Chầy kình chợt tỉnh giấc Vu San,
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng.

Phải thực, khi đó tóc nàng đã điểm hoa râm, chẳng thèm soi gương đánh phấn, vì xuân sắc đã tàn tạ, không còn gì lựa chọn hơn là an thân nơi cửa Phật

Đài kiếng biếng soi màu phấn nhạt,
Cửa thiêng đành gửi cái xuân tàn.

Thế nhưng đâu đã yên phận!  vì lòng dạ vẫn còn tưởng nhớ tới thế trần. Người đàn bà đó phải nhờ tới kinh kệ để trấn tĩnh  tâm tư cho tròn kiếp tu:

Trạnh  niềm hoa liễu vài câu kệ,
An cảnh tang du một chữ nhàn.

Rồi nhìn lại trần thế, vẫn thấy bao nhiêu người còn trầm luân trong cảnh buôn son bán phấn nghĩ mà thương:

Ngoảnh lại trần gian thương những kẻ,
Trầm luân chưa hết sự hồng nhan!

Tiếng chuông hồi tỉnh đã làm thay đổi cả cuộc đời! Tôn Thọ Tường có những ẩn ý trong bài thơ nói trên, thế nhưng tôi chỉ muốn nhân cơ hội này để liên tưởng đến tiếng chuông thức tỉnh lòng người thực sự nguyên nghĩa của bài thơ mà thôi. Hằng ngày có lẽ chúng ta mỗi người ai cũng nghe thấy tiếng chuông thức tỉnh, nhưng có bao nhiêu người nghe theo và thực sự làm theo sự kêu gọi của tiếng chuông này.

Viết tới đây, tôi liên tưởng đến chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Kinh Thánh. Theo Tin Mừng Thánh Gioan: Vừa rạng đông, Ngài đã vào lại đền thờ và toàn dân đến với Ngài, và ngồi xuống. Ngài giảng dạy cho họ. Kỳ lục và Biệt phái dẫn đến một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, và bắt nàng đứng giữa. Họ nói với ngài:’ thưa Thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt quả tang. Trong lề luật Môisen truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như  thế, vậy Thầy dạy sao?’. Họ nói thế với chủ ý cho Ngài mắc bẫy, để làm sao có cớ mà cáo tội Ngài. Còn Chúa GiêSu, Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Bởi họ cố hỏi riết ngài, thì Ngài ngẩng lên và bảo họ: trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi. Rồi ngài lại cúi xuống viết trên đất. Họ nghe thế rồi, thì kẻ trước người sau rút lui hết, bắt đầu từ các kẻ cao niên, để lại một mình Ngài và phụ nữ kia đứng ở giữa. Ngẩng lên, Đức GiêSu nói với người ấy: bà kia, họ đâu rồi? không ai xử tội bà sao? Người đàn bà đáp: Thưa Ngài, không ai cả. Chúa GiêSu lại nói: Ta cũng không xử tội bà đâu! bà hãy về, từ nay đừng phạm tội nữa (John, 8: 2-11). (trích Tân ước, Nha Tuyên Úy Công Giáo, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phát hành  10.11.1969).

Trần gian là một chuỗi dài những vui buồn, thiện ác lẫn lộn. Biết bao nhiêu người đã nghe tiếng chuông tự đáy lòng mình như thúc giục làm điều thiện, tránh điều ác. Nhưng trái lại cũng có biết bao người không nghe theo tiếng chuông cảnh tỉnh ấy.

Thế nhưng những ai nghe theo tiếng chuông cảnh tỉnh, dù có nghe chậm trễ bao nhiêu cũng tìm được những an ủi lớn cho mình và cho đời. Phao Lô đã tìm thấy Chúa sau khi ngã ngựa. Sau Phao Lô còn có cả bao triệu người biết nghe theo lẽ phải, những người này đã tìm thấy ánh sáng chân lý, ánh sáng của chân thiện mỹ.

Trong sách Đại học thuộc bộ Tứ Thư, Thầy Tử Trình viết lại lời của Đức Khổng tử như sau: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện, ngụ ý: phương pháp học đạo của người trưởng thành như sau: trước hết mình phải suy xét mà làm cho cái đức tánh mình sáng tỏ ra  (minh minh đức). Cái đức tánh ấy, mỗi người  vẫn có nơi mình, nhưng đối với những kẻ chưa suy xét thì nó chưa ẩn hiện ra. Kế đó khi thấy cái đức tánh đã sáng tỏ nơi mình rồi, mình nên đứng ra mà cải cách cho mọi người, khiến họ bỏ điều cũ mà theo điều mới, lìa sự dở mà lấy sự hay (tân dân). Kế nữa mình nên nhắm mức trọn lành mà theo và ở yên nơi mức ấy (chỉ ư chí thiện). (trích Tứ Thư  Đại Học, trang 5-6, Trí Đức Tòng Thơ xuất bản kỳ thứ ba, do giấy phép sở Thông Tin Nam Việt  ngày 16/9/1950).

Cái Đức Sang chúng ta thấy trong sách Đại Học chính là cái lương tâm, nói cho chúng ta điều nên làm, việc nên tránh. Cái lương tâm chính là tiếng chuông thức tỉnh lòng người. Tiếng chuông khiến chúng ta khi làm một việc gì ngang trái, đương nhiên thúc bách chúng ta phải nghĩ lại, phải hối hận. Tiếng chuông đó giúp chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Tại sao có sự trùng giữa Đông và Tây khi chúng ta cùng nói đến cái đức sáng, cái tiếng lương tâm, nếu không do chính Thượng Đế, người Việt chúng ta kêu là Ông Trời, đã mặc khải  cho mỗi người chúng ta. Cái đức sáng khiến con người khao khát tìm về  một Đấng Tối Cao. Con người cầu xin, van lơn,  ao ước tìm thấy ánh sáng của chân lý. Họ lần mò trên các nẻo đường, trên các lối đi theo sự hướng dẫn của các triết gia, các tiên tri, các nhà khôn ngoan, các thánh nhân để cùng đi về một điểm: tìm tới chân thiện mỹ. Thế mà trên trần gian này, biết bao nhiêu người nghĩ rằng mình là những bậc thức giả, mình đại diện cho những tư tưởng lớn, vẫn chưa nghe thấy tiếng chuông thức tỉnh, vẫn còn cãi cọ nhau.

Ngoảnh lại trần gian thương những kẻ
Trầm luân chưa hết sự hồng nhan.         

Tới đây tôi nghĩ lại cảnh sống thanh bình của tuổi thơ ấu ở cửa Thần Phù, ngay đầu dãy Trường Sơn. Vì cái âm thanh của cái linh phong, vì tiếng chày kình gây âm vang từ một mái chùa, từ tiếng chuông nhà thờ vang dội trong buổi tối mở đầu cho buổi cầu kinh đưa người lữ khách vào giấc ngủ an lành đã gợi tôi nhớ lại những âm thanh tôi được nghe:

Khi trời ngả về thu, những lá bàng hoen ố lã chã rơi xuống mặt hồ hơi gợn sóng dập dình. Những hàng cây hồng, cây cậy đã bắt đầu trụi lá. Chúng tôi trèo lên cây cậy, hái trái. Vì những trái này có nhiều nhựa dùng để phất diều. Rồi ra bụi tre quanh nhà, chặt tre, chẻ và vót những khung diều thật lớn. Chúng tôi khoét những khúc tre để làm sáo, thường gọi là sáo diều. Sau đó chúng tôi uốn khung thành chiếc diều, lấy giấy bổi dán vào khung, chẳng mấy chốc đã hoàn thành. Chúng tôi lấy trái cậy đập nát, ngâm đặc trong nước, rồi lấy nước cậy quết vào diều, làm cho diều cứng, có thể  chịu được sức gió, bay lượn trên không cả mấy tháng. Trên trốc diều, chúng tôi gắn vào 3 chiếc sáo kích thước dài vắn khác nhau. Khi gặp gió chúng phát ra những âm thanh hòa điệu với nhau. Chúng tôi sắp sẵn cả mấy trăm thước dây để thả diều. Công việc chuẩn bị này kéo dài cả tháng.

Gió heo may đổ xuống vào những tháng mùa đông, ngay sau những ngày mùa gặt hái. Rơm rạ hãy còn xông mùi thơm mát. Những bụi tre trong làng rũ xuống, rồi chỗi dậy theo chiều gió từng hồi vờn lượn đuổi nhau hàng hàng lớp lớp. Anh em chúng tôi bắt đầu mang diều ra đường. Người cầm dây, kẻ tung diều. Con diều chao chao theo chiều gió từ từ bay lên và cứ thế bay lên cả mấy trăm thước. Tiếng sáo vọng những hòa âm êm dịu. Mỗi lần gió hơi nhẹ đổi tốc độ, con diều chao đi chao lại, rồi âm thanh lại theo đó biến đổi, lúc rít lên từng hồi, khi dịu xuống nhẹ nhàng như mơn trớn. Diều được cột lại và cứ bay lượn cả mấy tháng trong mùa gió heo may.

Chiều đổ xuống. Đàn trâu từng lũ theo nhau trên đường đê gập ghềnh bậc thang trở về chuồng. Ngọn đèn dầu được thắp lên leo lét một khoảng trống. Cánh rèm che cửa từ từ  khép lại.

Cảnh vật đi vào bóng tối. Một hồi chuông chiều vang lên, âm thanh vọng vào tận sâu dãy Trường Sơn, rồi dội ngược lại những dây núi đối diện như núi Bầu Tiền, núi Nhân Sơn, núi An Tiêm, núi Quan Lợn, núi Chắp chài... tạo thành những âm vang hòa điệu ngân khắp vùng cửa sông Thần Phù. Tiếng chuông từ từ thưa dần và tàn lụi trong đêm tối. Cả không gian phẳng lặng. Lâu lâu tiếng gió rít qua kẽ rèm trước nhà. Tiếng sáo diều nhịp nhàng hòa theo âm điệu của vũ trụ. Tiếng sáo diều êm ả còn thanh thoát hơn cả linh phong. Chúng tôi lẩm bẩm cầu kinh, rồi từ từ khép mắt đón nhận sự bình an của Thượng Đế đang bao trùm cả trái đất.

Trần Khánh Liễm