
Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, kể từ thời ăn lông ở lỗ khi con người phải dùng đôi bàn tay và hàm răng để cắn xé miếng ăn nửa sống nửa chín cho tới khi biết dùng muỗng, nĩa, đôi đũa để gắp thức ăn là cả một cuộc hành trình dài. Có thể nói đến nay, với đa số người dân trên thế giới, thực phẩm không còn là một nhu cầu để tồn tại, hay nguồn nhiên liệu duy nhất cung cấp sức lực cho con người, mà thực phẩm còn nói lên phần nào địa vị và thân thế của người đó. Nhìn vào một bữa cơm gia đình người ta có thể ít nhiều đoán được gia đình đó có thuộc loại khá giả hay không. Và quan trọng hơn, thực phẩm còn mang lại cho con người ta ý thức về cộng đồng quanh mình.
Hơn thế nữa, có người còn cho rằng bữa cơm gia đình (hay bữa ăn tập thể) chính là phần tinh túy của cuộc sống loài người.
Mỗi năm vào cuối tháng 11, người Mỹ lại mừng Lễ Tạ ơn – là dịp để nhắc nhở nhau cảm ơn về những gì mà cuộc sống mang lại và cũng là cơ hội để gia đình xum họp qua hình ảnh bữa tiệc thịnh soạn và thân mật. Bữa tiệc Lễ Tạ ơn chính là bữa cơm tối quan trọng và đáng ghi nhớ nhất trong năm.
Trong sinh hoạt bình thường của mỗi gia đình, khi người mẹ vừa chuẩn bị xong bữa cơm tối liền lên tiếng gọi mọi người trong gia đình hãy ngưng hết thảy công việc dở dang để cùng ngồi vào bàn ăn. Đó chính là thời khắc quan trọng nhất trong ngày, nó xác định cuộc sống của gia đình đó, vai trò chăm sóc gia đình của người mẹ và uy quyền của người cha. Nề nếp sinh hoạt đó được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, quốc gia nào cũng thế, dân tộc nào cũng vậy.
Và cái bàn ăn chính là nơi ký ức của chúng ta để lại, cho dù sau này cuộc đời đưa đẩy tới chân trời góc biển, thì hình ảnh của ta và những người thân vẫn còn nơi đó. Quanh bàn ăn, tất cả những bữa cơm, với sự hiện diện của mọi người trở thành chuỗi kỷ niệm không dứt. Ở đó, chúng ta được sống lại thời tuổi trẻ với những món ăn mẹ nấu, có món ngon món dở – món ngon mang lại tiếng cười ròn rã, món dở mang không khí tẻ nhạt – nhưng hầu như món nào cũng nhớ để rồi sau này có tình cờ gặp lại món ăn đó ở một nơi nào sẽ làm ta hồi tưởng tới bữa cơm chung ngày ấy.
Ngồi ăn quanh bàn ăn cũng có nghĩa là những người có mặt ở đó làm cả hai động tác ăn và nói, cho dù chỉ là nói một hai câu vô thưởng vô phạt như khen thức ăn ngon, hay biểu lộ sự thích thú cái không khí đầm ấm. Ở đấy, chúng ta nhắc lại những bữa ăn trước và bàn về những bữa ăn sắp tới và đủ mọi câu chuyện xen kẽ. Cũng bằng cái miệng ấy chúng ta đã nếm, nhai, nuốt, rồi nói, cười quanh nơi bàn ăn.
Có lần bàn về chuyển ẩm thực, Tản Đà viết: “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon! Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon!” Để ăn một bữa ăn ngon khó thế sao? Có lẽ Tản Đà khó tính quá thôi. Nhưng quả thật, khung cảnh đóng một vai trò quan trọng đối với bữa ăn. Do đó, nhà hàng nào cũng cần phải trang hoàng từ bên ngoài vào đến bên trong để cố tạo một bầu không khí thân mật và ấm cúng. Bên ngoài sân thì phải trồng hoa và cây kiểng, bên trong thì bàn phải trải khăn thì mới gọi là sang, ly chén được lau sạch bóng. Thế nên, có người ví thức ăn là kịch bản, bàn là sân khấu, đầu bếp là người đóng kịch, còn khán giả chính là khách hàng. Người ta sẽ thấy ăn ngon hơn nếu món ăn được trình bày khéo léo mặc dù được nêm nếm như nhau – và nếu luôn miệng mời nhau thì lại còn thích thú hơn nữa.
Chiếc bàn ăn có thể tròn hoặc dài, bằng gỗ, bằng tre hay bằng nhựa, trải tấm khăn đẹp và trên đó đặt xấp giấy lau, lọ muối, lọ tiêu, và nếu là nhà Việt Nam thì có thêm chai nước mắm hay chai tương nhỏ. Đôi khi chiếc bàn để trống, không che đậy gì cả, và nếu đã cũ thì trên mặt trầy trụa những dấu vết cũ của những bữa ăn trước đây.
Khi tiếng gọi mọi người ăn cơm được cất lên thì không cần phải nói ăn ở đâu nhưng ai cũng đều hiểu là sẽ ăn ở chiếc bàn ăn quen thuộc. Người ngồi đối diện nhau thì phải nhìn mặt nhau, người ngồi cạnh nhau thì phải nói với nhau vài câu. Những cái nhìn nhau và những câu nói trao đổi với nhau đó làm cho mọi người gần lại với nhau hơn, thân mật hơn. Chiếc bàn ăn trở thành trung tâm mà quanh đó mỗi người tìm được cho mình một chỗ, như những hành tinh xoay quanh mặt trời, và sức hút chính là những bữa ăn và những buổi họp mặt thường xuyên ấy
Mỗi bữa ăn, dù đơn giản thế nào, luôn có sự bắt đầu và kết thúc. Những động tác bắt đầu cho một bữa ăn là lấy chén bát, muỗng, nĩa, dao, đũa ra xếp đều trên bàn, kế đến là lời cầu nguyện, rồi lời mời nhau, và kết thúc bằng động tác ngả lưng về phía sau biểu lộ sự thoả mãn sau một bữa ăn ngon miệng.
Loài người là giống động vật duy nhất vây quanh lấy bữa ăn của mình với những nghi thức. Chiếc bàn biến chúng ta thành con người. Theo một số nhà nghiên cứu, loài người chúng ta tách riêng với những loài động vật khác không phải vì chúng ta biết sử dụng những dụng cụ – một số loài khỉ biết dùng que để khều mật ra từ những ổ ong, những chiếc que chúng dùng đó nào có khác chi với chiếc muỗng, nĩa chúng ta thường dùng. Không, chúng ta được tách riêng ra là bởi vì chúng ta biết ngồi ăn ở chiếc bàn ấy, hay ít ra là ở một chỗ, một nơi riêng biệt dành cho bữa ăn, có thể là chiếc chiếu trải trên nền nhà, hoặc có thể là chiếc mâm đặt trên tấm phản. Và chúng ta không ăn ngay khi đã có thức ăn trên tay, dù cơn đói đang réo trong bụng; chúng ta thường ăn chung với nhau, dù nay có ít hơn trước. Chúng ta cũng thường chờ nhau cho tới khi mọi người đều có phần của mình thì mới bắt đầu ăn, và bữa ăn thật sự chưa kết thúc cho đến khi mọi người đều no đủ. Ở những gia đình sống tại thành thị ngày nay nơi mà mọi người đều bận bịu với công việc của mình, thì càng ngày càng có nhiều người ăn riêng một mình, hiếm khi thấy cả gia đình tụ họp nhau ở một giờ nhất định trong ngày.
Chiếc bàn ăn có vào lúc nào hay bắt đầu xuất hiện từ thời đại văn minh nào thì không rõ. Nhưng trong suốt cả hàng trăm ngàn năm của quá trình tiến hoá của loài người, chúng ta đã không hẳn hoàn toàn là ngồi ăn ở bàn. Các hoàng đế La Mã nằm ăn trên chiếc giường đặt cạnh chiếc bàn thấp, người nghèo thời Trung cổ không có gì khác ngoài chiếc máng bằng gỗ để đựng thức ăn, và ở Phi châu và Ấn Độ, người ta ngồi xổm hoặc ngồi xếp bằng trên nền nhà khi ăn. Tính ra trên thế giới có khoảng một phần tư dân số không ăn tại bàn ăn mà quây quần trên chiếc chiếu hoặc tấm thảm, hay đứng ăn dưới một mái nhà lụp xụp. Ở những quốc gia nghèo, phụ nữ và trẻ con ăn mâm riêng, thường là trong hoặc nơi gần với nhà bếp, không khác gì cảnh ở nhà quê Việt Nam trước đây. Cũng tại những quốc gia đó, và cả Việt Nam nữa, người ta thường chào hỏi nhau bằng câu “Ăn cơm chưa?” (Have you eaten yet?) Một trong những điểm tương đồng văn hóa.
Vậy ta có thể nói ăn chung với nhau tại bàn ăn là chúng ta đã đạt được mức độ văn minh cao rồi đấy. Loài người chúng ta không chỉ đơn giản là ăn cái gì mà còn là ăn thế nào và ăn ở đâu.

Nhưng giờ đây chiếc bàn ăn ở trong mỗi gia đình cứ dần biến mất đi. Ở những quốc gia giàu có, dường như cũng càng ngày càng ít người mua bàn ăn. Hiện tượng này nói lên rất nhiều ý nghĩa về thời đại chúng ta đang sống. Càng ngày chiếc bàn ăn càng không còn là trung tâm của những sinh hoạt trong gia đình. Chúng ta ăn ngay tại nơi đặt máy vi tính, hoặc đứng ăn ngay trong nhà bếp, ngồi trên ghế sofa vừa coi tivi vừa ăn, ăn trong xe, hoặc vừa đi vừa ăn ngấu nghiến ngoài đường. Chúng ta cứ thích vội vã, bận bịu suốt ngày. Mà nếu có ăn ở một chiếc bàn nào đó thì chiếc bàn đó không chỉ là bàn ăn mà còn là nơi để chiếc máy vi tính, chiếc tivi hay một xấp báo. Chén, đĩa, muỗng, nĩa cũng ít người mua hơn trước. Càng ngày, những loại thực phẩm được người ta mua nhiều hơn trước là loại đã nấu sẵn, đóng gói trong những tô những khay ăn xong rồi vất, hoặc những loại thức ăn không cần tới muỗng nĩa mà cứ cầm trên tay hoặc lấy tay nhón lên ăn cho tiện. Vậy, đâu còn lý do cần đến chiếc bàn ăn nữa nếu chúng ta càng ngày càng chuộng những món ăn đóng gói sẵn và chỉ việc cho vào máy nướng vi ba vài phút là có ngay một bữa ăn vội vàng cho xong để còn làm việc khác.
à quên luôn cả cách nấu. Những người trẻ lớn lên sau này, có mấy ai biết nấu nướng ra sao? Không còn bàn ăn, không còn những bữa cơm thân mật đầm ấm. Tiện giờ nào chúng ta ăn giờ nấy, và dĩ nhiên là ăn một mình. Ôi, cuộc sống cô đơn dường nào.
Chúng ta cứ ngỡ là đang sống trong một thời đại văn minh hơn bao giờ hết. Đời sống xã hội tưởng là tiến bộ vượt bực sẽ mang lại một đời sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Nhưng sự thực là cuộc sống của chúng ta phần nào bị thoái trào từ ngay trong những sinh hoạt tưởng là hết sức bình thường.
Huy Lâm