User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Toàn đã nhìn thấy ông Già ngồi tại góc hành làng lầu một, lần đến làm thiện nguyện Tết năm con ngựa. Đến thăm viện dưỡng lão lần này nhân dịp Thanhsgiving, Toàn vẫn thấy ông Già ngồi chỗ cũ, như vậy, gần một năm qua rồi, không lẽ ông Già vẫn ngồi ở đó, bất động. Nhưng theo như lời cô y tá chăm sóc cho mấy người ở lầu một này thì vài ba ngày ổng mới ra ngồi như vậy. Ông Già thích ngồi trên chiếc ghế có thể đong đưa, cái ghế người miền Bắc gọi là “ghế chao, bằng mây” - chỉ khác một điều là chiếc ghế của ông Già được làm bằng gỗ - chiếc ghế đó do các con ông mua tặng ông – từ khi có nó, ông hay ra ngồi bên ngoài hành lang, nhìn xuống khu vườn phía dưới. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, mọi người có thể lầm ông là một người Nam Mỹ hay một người da đỏ. Nhưng ông là người Việt Nam.

Cô y tá cho Toàn biết:
- Ổng mới ở đây chừng một năm nay, nhưng sau Giáng Sinh này ổng không còn được ở đây nữa. Có lẽ ổng sẽ trở về với gia đình.
Toàn ngạc nhiên:
- Sao vậy... bộ ổng có gia đình ở gần đây hả.... Mà... hình như cô mới nói là ổng sẽ không được ở đây nữa... tại sao thế hả cô.
- Tại ổng đánh người... đánh người ở chung phòng. Lẽ ra ổng bị trục xuất liền khi sự việc xảy ra, nhưng con ổng đã xin cho ổng được ở lại cho đến hết cuối năm, để gia đình còn thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho ổng mới đón ông về được, cũng còn hai mươi ngày nữa chứ mấy. Nể gia đình ông, ông được ở lại, nhưng phải chuyển phòng. Mấy người con ổng đã lo cho ông ở phòng riêng, một mình một phòng, không va chạm, nhưng chắc là buồn. Cũng từ khi chuyển phòng, hàng ngày ổng thường hay ra hành lang ngồi như vậy. Ổng bảo, ngồi nhìn mông lung, ngồi im suy nghĩ, ổng mới cảm thấy dễ chịu.
- Mà... sao ổng đánh người.
- Đúng ra không phải lỗi của ông ấy. Ông kia, ông ở cùng phòng với ông, đùa nhây, ổng chịu không nổi mới sinh chuyện.
- Như thế ổng đâu có lỗi gì.
- Ông nói đúng, nhưng ban giám đốc đã quyết định rồi, họ không muốn bị chú ý vì những chuyện không đâu. Hơn nữa... kỷ luật... rất... rất... kỷ luật ông ạ.
Toàn ngần ngừ một chút rồi nói với cô y tá:
- Tôi biết cô bận, nhưng nếu có thể, cô dành cho tôi ít phút được không.
Cô y tá vui vẻ:
- Dạ được, tôi cũng vừa mới xong phần việc buổi sớm mai. Giờ này, tôi được nghỉ để dành cho bữa ăn sáng của tôi.
Toàn mừng rỡ:
- Nếu thế thì may quá. Vậy tôi mời cô dùng điểm tâm, mình sẽ vừa ăn vừa nói chuyện, chắc cô không từ chối.
- Tôi nhận lời. Nhưng viết gì thì viết, nhà báo đừng đưa tên tôi vào chuyện đấy nhé. Tôi không muốn bị phiền hà, rắc rối.
Toàn cười:
- Tôi hứa. Sẽ không có một chữ nào đả động đến cô. Cô yên tâm.

Hai người vừa ăn sáng, vừa nói chuyện. Không cần Toàn đặt câu hỏi, cô y tá kể:
- Tôi sẽ chỉ nhắc đến những điều tôi biết, những chuyện đã xảy ra giữa hai ông già mà thôi.... lúc đầu ông Huấn và ông người Ấn Độ được xếp ở chung phòng. Hai ông có vẻ tương đắc. Ông Huấn được con cháu vào thăm gần như mỗi tuần. Ổng còn có một cái Laptop để hàng ngày đọc tin, gửi thư cho bạn bè, và nhất là còn xem được phim truyện. Phim truyện ổng ít khi xem, nhưng ông hay xem mấy DVD quay lại cảnh xưa người cũ nơi quê nhà, nơi ổng đã sinh ra, đã sống ở đó. Lúc đầu ông người Ấn Độ cũng thường xem ké và thích mấy phim phong cảnh, du lịch miền Bắc của ông Huấn lắm, chắc vì tò mò, vì phong cảnh đẹp, lạ. Nhưng rồi ông Huấn hay xem đi xem lại mấy cuốn DVD đó, nhất là cuốn của người em ổng tự thực hiện, gửi từ Việt Nam qua cho ông, cuốn DVD ghi lại hình ảnh về ngôi nhà, về gia đình ổng sống trước đây, đâu vào những năm của thập niên 1940, 1950 ở miền Bắc Việt Nam, ông Ấn Độ thấy nhàm, tìm lời khích bác, châm biếm.... ông Già đã giữ ý, chỉ coi lại mấy cuốn DVD ấy khi ông Ấn Độ đã ngủ, không những thế, ông còn không mở tiếng. Nhưng ông Ấn Độ vẫn khó chịu, vẫn cằn nhằn. Rồi một lần, đã khuya, hai ông to tiếng cãi nhau, y tá trực đã dàn xếp một lần, nhưng một lúc sau lại nghe ông Ấn Độ hét lên kêu cứu. Khi mọi người chạy đến, thấy ông Ấn Độ ôm đầu, ôm vậy thôi, chứ chẳng có vết máu, vết bầm gì. Lúc ấy, ông Già đã ra ngồi trên chiếc ghế của ông. Hỏi mãi ổng mới chịu nói cho biết là ông Ấn Độ đã vứt bỏ cuốn DVD của ông mất rồi. Vì vậy ổng mới dùng cái muỗng ăn đánh ông ta. Qua lời chị bạn trực đêm hôm đó, hình như ông Ấn Độ cố làm cho to chuyện.

- Thế có tìm thấy cuốn DVD của ông Già không.
- Ngay lúc ấy ông Security cũng đã giúp tìm, nhưng có lẽ đêm tối, nên không tìm ra. Mờ sáng hôm sau ông Già đích thân đi tìm, ông thấy cuốn DVD đã bị xe cán bể.
- Cán bể à.
- Cán bể. Vì để trong hộp, xe chạy qua, cuốn DVD bị cán thành hai ba mảnh. Thế là ông Già như nổi điên, đánh ông Ấn Độ lần nữa.
Đến giờ cô y tá phải trở lại với công việc, nên Toàn tìm gặp ông Già. Toàn chào ông Già:
- Cháu chào bác. Mới... buổi sáng bác đã ra ngồi ngoài hành lang. Bác không thấy lạnh hay sao hả bác.
Ông Già hơi sững người. Mãi ông mới hỏi Toàn thay cho lời chào lại:
- Ủa, cậu biết tiếng Việt hả.
Toàn cười, hóm hỉnh:
- Dạ thưa bác cháu biết tiếng Việt, vì cháu là người Việt Nam mà bác.
Ông Già nhìn Toàn chăm chăm:
- Vậy mà... tôi tưởng cậu là một ông Mỹ chứ. Thấy cậu không có vẻ người Việt bao nhiêu.
Toàn cười:
- Bố cháu giống bác, mẹ cháu là người Đức bác ạ. Vì thế... vì thế... vì thế...

Ông Già:
- Tôi hiểu. Mà không ngờ cậu nói tiếng Việt rành nhỉ.... chả bù với mấy đứa cháu bác, suốt ngày chúng chỉ nói tiếng Mỹ, nó bảo nó không thích tiếng Việt vì khó quá. Có lúc chúng nó còn hỏi tôi ông nói cái gì thế, cháu không hiểu ông muốn gì.... thế có chán không.
Toàn vẻ hãnh diện:
- Cháu thạo tiếng Việt Nam là nhờ bố mẹ cháu đấy bác ạ. Nếu bác gặp mẹ cháu, hay nghe mẹ cháu nói chuyện qua điện thoại bác sẽ nghĩ mẹ cháu lai hay là người Việt Nam.
Ông Già:
- Bộ mẹ cháu cũng biết tiếng Việt hả cháu.
- Dạ, bố mẹ cháu lấy nhau năm 1970, rồi về Việt Nam sống. Trong khi bố cháu đi làm, mẹ cháu chăm sóc cháu và đi học. Mẹ cháu học đại học tiếng Việt.. ồ ... ồ.... không phải bác ạ.... Mẹ cháu học văn khoa. Đúng rồi văn khoa. Rồi xảy ra năm 1975 bố mẹ cháu mới về lại Đức.... Có lẽ cháu gặp may, nói thạo tiếng Việt, vì cháu ở Việt Nam đến năm năm tuổi, được chơi, được tiếp xúc với mấy đứa bạn người Việt, rồi lại được bố mẹ cháu chỉ dạy thêm nên cháu mới rành tiếng Việt đấy bác ạ. Trong khi mấy đứa cháu của bác sanh ra và lớn lên ở đây, học và tiếp xúc với bạn, với thầy cô giáo, nên chúng quen với tiếng Mỹ. Cháu tin rồi sẽ ... rồi chúng sẽ nói giỏi như cháu. Ở đây, chúng không quen với tiếng Mỹ, làm sao chúng học hành và làm việc được hở bác.
Ông Già cười buồn:
- Ừ. Cháu nói đúng.
 
Toàn nhìn ông Già ngập ngừng một chút, rồi ngỏ ý mời ông:
- Cháu.... cháu muốn mời bác ra ngoài, đi ăn chút gì đó.
Ông Già:
- Thôi đừng đi. Bác mời cháu vào phòng bác uống trà. À, cháu có thích uống trà, có biết uống trà không.
- Dạ cháu biết uống trà, trà xanh.
- Vậy là được rồi. Bác mời cháu uống trà xanh. Mấy đứa nhỏ mới đi Đài Loan về cho bác. À, bác có cả bánh đậu xanh nữa.... Ngập ngừng một chút, ông Già tiếp... kể ra uống trà gần buổi trưa cũng kỳ. Nhưng... thôi được.
Toàn vui mừng vô cùng, nghĩ, đúng như ông bố mình vẫn nói: “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, mình tâm sự với ông Già, ổng có vẻ có cảm tình với mình, chắc là khai thác được ở ổng nhiều điều thú vị đây. Toàn kiên nhẫn ngồi đợi ông Già pha trà, bóc bánh. Cũng may Toàn đã ăn sáng, không những thế mà còn ăn điểm tâm đến hai lần, nên phải uống trà buổi trưa, chắc cũng không bị khó chịu, không bị cồn ruột.
Trong khi chờ trà ngấm, ông Già nói:
- Ở đây buồn quá cháu ạ. Mình còn làm việc được, bỏ phí thời giờ uổng quá. Gần một năm ăn ở không, chẳng ra làm sao cả.
Toàn cười, lựa lời:
- Theo cháu, khi có tuổi cũng nên nghỉ ngơi, bác ạ. Mình không muốn ở yên một chỗ, thì đi đây đi đó, đi du lịch chẳng hạn.
- Đủ cả rồi, cháu ạ. Có thể nói không năm nào là không đi thăm các nơi. Ít thì cũng một tuần, mười ngày. Thường thì nửa tháng, ba tuần. Đi đủ các nơi rồi. Đi khắp các vùng Âu Á.... đi bằng máy bay, tàu thủy, xe hơi. Chỉ duy có Việt Nam, chỉ duy có miền Bắc Việt là bác chưa một lần trở lại mà thôi.
 
 
- Sao thế hả bác.... thì... thì có trở lại, bác cứ coi như mình đi du lịch vậy.
Ông Già cười buồn:
- Không đơn giản như vậy đâu. Rồi đến một lúc nào đó, đến một tuổi nào đó cháu sẽ hiểu, sẽ rõ lời bác nói.
Biết chắc phải có điều gì đó, mà chưa phải là chỗ thân tình, chỗ tin cẩn nên ông Già chưa chịu nói rõ, Toàn đành lặng thinh, đành bỏ qua. Vì sợ làm phật lòng ông Già, ông sẽ giận, sẽ “thủ khẩu như bình”. Mình sẽ bị kẹt, sẽ không khai thác được ở ông những điều cần thiết cho bài phóng sự của mình. Im lặng một lúc khá lâu, Toàn đã thấy sốt ruột, đã thấy bồn chồn, chợt ông Già lên tiếng:
- Tự bác đòi vào đây, dù lũ con bác không chịu. Cả bà ấy nữa.
Toàn không thể giữ im lặng mãi:
- Dạ... dạ... sao thế hở bác.
Giọng ông Già vẻ ngậm ngùi:
- Bác vẫn nhớ lời của cha ông là “sống phải theo thời... phải tùy thời”. Vậy mà vẫn không tránh khỏi va chạm với con cháu. Mấy đứa con lớn của bác đều lấy vợ, lấy chồng người mình. Riêng thằng Út, vợ nó là người bản xứ. Cháu biết rồi đấy, với chúng nó không ai hơn chúng nó... Đừng nói gì đến bố mẹ, ngay như với con của chúng nó cũng vậy. Chúng đi làm về, thấy con cái chạy lại quấn quýt, chúng cũng chỉ hello, halla, xoa đầu, vỗ đít mấy cái rồi thôi. Vậy mà cứ thử đụng vào chó mèo của chúng mà xem... chứ đừng nói gì đến chuyện nói đụng chạm đến vợ nó. Bác vốn bị dị ứng với lông chó. Mỗi lần con chó nào đến gần là người bác bị ngứa, bị nổi từng vệt đỏ ửng, giống như bị trái dạ, mề đay vậy. Thế mà lần nào về thăm vợ chồng bác tụi nó cũng mang chó theo. Nó bảo đi chơi để chó ở nhà một mình, con chó buồn, tội nó. Vì thế nó phải mang theo. Đúng ra, vợ nó có một người bà con ở cách nhà bác một con đường. Mỗi lần ghé thăm bố mẹ, tụi nó thường gửi chó ở nhà người bà con. Nhưng lần đó, gia đình bà con của vợ nó đi du lịch cả nhà, nên nó phải mang con chó đến nhà bác. Lúc đầu nó để con chó ngoài vườn sau, gần trưa, trời trở lạnh, lại mưa, vợ nó bèn cho chó vào nhà, thế là con chó chạy lung tung, một lúc, thấy bác nằm ngủ trưa, nó phóng ngay lên giường, rúc vào người bác nằm. Đang ngủ ngon, chợt thấy động đậy, thấy ngứa, mở mắt ra, nhìn thấy con chó nằm trong lòng mình, bác nổi quặu, hét ầm lên, rồi đẩy con chó ra. Được một lát, con chó lại leo lên nằm bên. Lần này không bình tĩnh nổi, bác co chân đạp một cái, con chó rớt xuống đất, sủa inh ỏi. Cả hai vợ chồng nó từ dưới nhà chạy lên. Khi biết con chó bị đuổi, thằng chồng hét lên bảo:
 
- Tại sao bố lại nhẫn tâm với con chó như vậy.
Bác chỉ lên mặt nệm:
- Người nó dơ thế kia, mà nó leo lên giường tao.
- Chút xíu mà cũng xử tệ với nó.
- Nó dơ, tao chịu không nổi. Bộ mày quên là tao bị dị ứng với lông chó hay sao.
Nó hét:
- Dị ứng... có chết đâu mà đánh nó. Hừ, lại còn chê nó dơ... có dơ bằng nghề chài lưới của bố không mà bố ác độc thế.
Nghe ồn ào, đã có mấy người trong nhà chạy lên phòng bác đứng nhìn. Khi hiểu chuyện, mẹ nó đã la nó, nhưng nó vẫn hét:
- Ổng chê con Milou dơ... mẹ xem... bộ nghề thuyền chài của ổng sạch lắm chắc, người ổng sạch lắm chắc.
Nghe thằng con nói thế, nhắc lại nghề cũ của bác, bác không bình tĩnh được nữa, thẳng tay tát nó mấy cái:
- Đúng, nghề thuyền chài của tao dơ. Tao có dơ, mới có tiền nuôi mày ăn học được như ngày hôm nay, mới có cái đổ vào mồm mày đấy.
Bà mẹ nó la mắng nó, trong khi con chị đẩy vợ chồng nó ra khỏi phòng bác. Chuyện đến đấy tưởng là xong, vì lời can ngăn của mọi người, nhưng không, mọi người chợt nghe tiếng còi xe cảnh sát. Bà con dâu út của bác đã gọi cảnh sát báo có chuyện bạo hành trong gia đình. Cảnh sát bắt bác vì bà con dâu nói bác hành hạ thú vật và đánh chồng nó. Cảnh sát còng tay dẫn bác đi mặc những lời phân trần của mọi người trong gia đình.
 
Họ bắt bác sau khi hỏi bác có đánh đập chó và đánh người như lời thưa hay không. Bác xác nhận và không nói gì hơn vì chán nản đến cùng cực. Bác bị tạm giam tại trụ sở cảnh sát khoảng ba bốn tiếng gì đó, thì được gọi ra. Bác bất ngờ khi thấy bố mẹ của đứa con dâu và vợ chồng nó đang đứng chờ. Thấy bác, cả hai ông bà bước lại ôm lấy bác với lời xin lỗi. Bác rất lúng túng trước thái độ của ông bà sui. Có lẽ hiểu được tâm trạng bác lúc đó. Ông sui chỉ nói vắn tắt:
- Thôi về.
Ổng vừa dứt lời, thì điện thoại của thằng con bác reo vang. Nghe xong, nó nói với mọi người:
- Mẹ con mời mọi người về nhà. Mẹ con đã nấu phở xong rồi.
Đến khi xe về tới trước cửa nhà, thằng con bác mới ấp úng:
- Con sai rồi. Tụi con sai rồi, bố đừng buồn nghe bố.
Đứa con dâu nắm lấy tay bác dìu đi:
- Daddy. Con thật bậy... thật bậy mà.
Bác cười:
- Không sao. Chuyện qua rồi... đừng nhắc đến nữa.
Toàn ngắt lời ông Già:
- Như vậy là tốt đẹp quá rồi... sao .... sao... bác lại vào đây.
 
Ông Già cười buồn:
- Không hẳn như vậy đâu... bác vào đây vì muốn tránh trước... có thể sẽ có chuyện xảy ra nữa. Có thể là bác cố chấp. Đã có người bảo bác như vậy. Có lẽ họ đúng. Nhưng, bác nghĩ mình nên tránh trước là hơn.... mỗi thế hệ, mỗi dân tộc có một lối nghĩ, một phong tục tập quán khác, cháu à.
Toàn nhìn ông Già, phân vân tự hỏi ổng đúng hay sai. Toàn tính hỏi tới, nhưng rồi lại đổi ý:
- Thế... trước ở quê nhà bác... bác.... biết về nghề cá hả bác.
Ông Già cười:
- Có biết cá mú gì đâu.... nếu gọi là biết về nghề cá, thì chỉ là những lúc rỗi rảnh, xách cần đi câu... thế thôi.... Nhưng sau khi di tản năm 1975, tình cờ được đưa về vùng chuyên khai thác cá biển, nên khi được người bảo trợ, nhất là được ông Mục sư hỏi về nghề nghiệp của bác, bác nói ngoài nghề lính, gia đình bác có làm nghề đánh cá biển nên bác biết về đánh bắt cá, chỉ có điều lâu rồi, từ khi vào quân đội, bác không còn gắn bó với nghề, không biết còn nhớ không.
Nghe bác nói vậy, mọi người, nhất là ông Mục sư rất mừng, bảo:
- Không sao, sẽ hướng dẫn cho bác quen với tàu bè, với cách đánh bắt cá mới để có thể theo kịp mọi người. Đang tứ cố vô thân, bác khai đại vì chợt nhớ đến lời các cụ thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, muốn mau có đời sống được yên ổn, mình nên theo nghề biển... chứ đừng nói đến chuyện làm giàu.... còn rừng, ở vùng biển lấy đâu ra.
Toàn cười:
- Cháu phục bác thật.
Ông Già:
- Chữ nghĩa khó như thế, mình còn học được huống hồ học nghề.... Khi mình sanh ra, đã ai biết được nghề gi, việc gì đâu.... Thế là theo nghề đánh cá. Cũng may được mọi người thương, tận tình giúp đỡ, chỉ dạy.
 
Trong lúc bác theo tàu, thì bà vợ được nhận vào chân rửa chén bát, dọn dẹp trong nhà máy đóng đồ hộp, cũng có đồng ra, đồng vào.
Toàn ngập ngừng:
- Sao bác gái không làm... không làm... ở... nhà máy... hả bác.
- Bả còn có một bàn tay thôi cháu ạ.... hồi còn ở trại tỵ nạn, chờ được thanh lọc, bả làm cho một quán bán điểm tâm... cũng của bà con mình đấy, loay hoay thế nào, bả bị cái máy cắt thịt nghiền đứt bàn tay trái, nên khi được đi định cư, mới phải làm việc dọn dẹp. Thế là cả hai vợ chồng đều kiếm được tiền. Riêng bả còn gặp may nữa là nhờ nhà thờ cho mượn cái máy may cũ, bả còn kiếm thêm bằng việc sửa chữa quần áo cho bà con, trong làng chài. Đúng ra lúc đầu nhà thờ có ý làm giúp, làm miễn phí cho những người cần vá víu, sửa chữa quần áo cũ, quần áo rộng. Ngoài công việc chính hàng ngày, còn thời giờ, bả tình nguyện làm việc sửa chữa ấy. Vì trước bả có nghề may, nên làm đẹp hơn mọi người, vì vậy được bà con cần sửa đồ, tự động đưa tặng đồ ăn hay tiền, thế là lại thêm một khoản, dù cũng không nhiều nhặn gì. Dần dần bác thạo nghề đi biển. Đời sống gia đình bác bắt đầu ổn định. Điều vợ chồng bác hài lòng nhất là các con đều học hành thành đạt, nên người. Nhưng trong cái vui, vẫn có cái buồn đi theo. Mấy đứa lớn thì không sao, riêng thằng út, bắt đầu “có chuyện”. Nó thường hay thắc mắc, căn vặn sao bác không làm việc giống bố mẹ bạn nó, mà lại làm biển, bắt cá. Giảng giải thế nào cũng không được. Nhiều hôm đi biển hai ba ngày, có khi mười ngày nửa tháng mới về đến đất liền, mệt muốn đứt hơi, thấy nó hỏi mãi một ý, bác đâm quạu với nó. Thế là nó hờn dỗi, vùng vằng bỏ đi biệt mấy ngày mới thấy mặt. Rồi mọi chuyện cũng êm. Vợ chồng bác cũng yên tâm phần nào. Nhưng rồi tuổi ngày một cao, không đi biển đánh bắt cá như trước được nữa, bác đổi qua bắt tôm, bắt ghẹ. Làm công việc đánh bắt mới thâu nhập không nhiều, nhưng tụi nhỏ đã học xong, đã có gia đình cơ ngơi riêng, nên bác không phải cực như trước, nhất là có thời giờ giúp các con trông nom chăm sóc mấy đứa cháu nội ngoại.
 
 
Nhận thấy ông Già đã bắt đầu có vẻ cởi mở thân thiện, Toàn đánh bạo hỏi:
- Bác cho cháu hỏi một câu.
Ông Già:
- Muốn hỏi gì, cứ hỏi. Cháu đừng ngại.
Toàn cười, ngập ngừng mãi mới dám nói:
- Cháu... cháu thấy mấy người miền Bắc thường rất thích ăn thịt chó, vậy mà bác lại bị dị ứng với chó... thế... như thế, bác không biết ăn thịt chó hả bác.
Ông Già cười:
- Ăn chứ, ăn nhiều nữa là khác.
- Vậy mà bác lại bị dị ứng với lông của nó.
- Ừ, kể cũng lạ. Bác nghĩ có lẽ chó bên này được chăm sóc kỹ, được tắm rửa, cắt móng... hóa chất nó làm mình bị dị ứng hay sao ấy.... mà bác chỉ bị dị ứng với lông chó thôi, mèo lại không sao... Bác sĩ gia đình của bác cũng thắc mắc như cháu, ổng bảo muốn rõ nguyên nhân phải làm một loạt thử nghiệm mới có thể kết luận được... Bác bỏ qua luôn vì nghĩ chỉ bị dị ứng ngứa ngáy khó chịu chứ không nguy hiểm gì, giờ mình làm thử nghiệm lại tốn kém.
- Bộ bảo hiểm họ không trả hả bác.
- Họ chỉ trả một phần, còn mình phải chịu một phần cháu à.
Toàn:
- Cháu nghĩ cũng nên làm thử nghiệm bác ạ.... khi tìm ra nguyên nhân, chữa trị cũng dễ.
- Tụi con bác cũng nói thế. Nhưng mình già rồi... bệnh không nguy hiểm... cũng kệ. Ngứa ngáy một chút cũng chẳng sao... mà đâu có phải lúc nào cũng bị ngứa... bị suốt ngày đâu.... chỉ khi nào con chó lại gần.
 
Trước khi Toàn ra về, ông Già ngập ngừng một chút, rồi nói:
- Mình nói chuyện cả buổi, mà bác vẫn chưa biết tên cháu, và nhất là mục đích của cháu đến đây ngày hôm nay.
Toàn hơi bị bất ngờ trước câu hỏi của ông Già, nên ngập ngừng:
- Dạ.... dạ... cháu tên Toàn... nhân tiện đến lấy danh sách các bác ở đây để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, thấy bác ngồi ngoài hành lang buổi sớm nên đến chào bác... bác ạ.
Ông Già thoáng nhìn Toàn vẻ nghi ngờ, nhưng cũng không hỏi thêm gì:
- Bác cám ơn cháu... còn bác... cháu gọi bác là bác Huấn.
Toàn làm bộ như mới được biết tên ông Già, chứ không phải đã biết từ trước, khi nói chuyện với cô y tá:
- Vâng... vâng... vâng. Cháu cám ơn bác.
Sau lần nói chuyện cùng ông Già, tự nhiên Toàn có cảm tình với ông. Và, ông Già cũng rất quý mến Toàn. Gần đến ngày ông Già phải rời viện dưỡng lão, Toàn gọi cho cô con gái của ông và bà Già cho biết Toàn sẽ đưa xe đến lo dọn đồ và đón ông. Gia đình không cần bận tâm. Toàn nói với họ, Toàn ở trong nhóm thiện nguyện của thành phố, và nhóm đã cử Toàn và mấy người khác đến giúp ông Già, gia đình không phải lo chuyện phí tổn.
Mọi thứ đồ đạc áo quần của ông Già không có bao nhiêu, nên thay vì phải mướn xe, Toàn mượn xe Truck của người quen là đủ.... Khi xe về đến nhà, theo chỉ dẫn của ông Huấn, Toàn định cho xe de vào gần cửa garage để dễ chuyển đồ, nhưng người con gái của ông cho biết phải vòng xe qua con đường nhỏ bên cạnh. Ông Huấn ngạc nhiên:
- Bộ đổi nhà hả con.
Người con gái ông Huấn:
- Dạ không... chỉ có Bố... mẹ mua nhà mới cho Bố đấy, Bố ạ.
Ông Già cười:
- Chà, mẹ bây giàu quá nhỉ... tiền ở đâu mà mua nhà vậy.
Cô gái:
- Bí mật, rồi Bố sẽ rõ.
 
Cô con gái ông Huấn lên ngồi bên cạnh ông, chỉ cho Toàn vòng xe lại phía hông căn nhà. Cô nhảy xuống, mở khóa, kéo cổng hàng rào. Ông Huấn nhìn kỹ, thì ra đó là khoảng vườn phía sau căn nhà chính, khoảng đất trước kia có căn nhà kho, chứa đồ lặt vặt, khá rộng.... Bây giờ một căn nhà mới được cất thay căn nhà kho, quanh nhà là một vườn đủ loại hoa: hồng, thược dược, bông giấy, lựu, đào và hồ cá Koi.
Nghe tiếng động, bà Huấn mở cửa nhà đón ông. Bà vừa cười vừa nói:
- Nhà mới của ông đấy.
- Bày vẽ chi cho tốn tiền. Cứ để tôi ở tại căn phòng cũ là được rồi.
Cô con gái:
- Bố mẹ sẽ ở đây, không sợ bị quấy rầy. Thật yên tĩnh.
Ông Già hỏi:
- Tiền ở đâu mà xài sang quá vậy.
- Tụi nhỏ... mấy đứa nó lo cho ông đấy.
Ông Huấn hỏi bà:
- Bộ bà bị... thất nghiệp rồi hả.
Bà Huấn:
- Tôi vẫn còn đi làm mà, thất nghiệp hồi nào.
Ông Huấn:
- Không, ý tôi muốn nói nghề... quản gia... của bà ấy.
Bà Huấn cười:
- Làm sao thất nghiệp nổi... nhưng giờ tôi xuống hàng phụ tá rồi. Chánh quản gia là con Phụng, ông ạ.
 
 
Ông Huấn:
- Ủa, sao vậy.
Bà Huấn:
- Tại con Phụng nó thương tôi già cả... vất vả... Nó bảo mẹ vẫn còn làm ở trường cộng đồng, dù chỉ dạy may quần áo, về nhà lại phải lo cơm nước, lo hò hét tụi nhỏ thì quá cực. Nên, nó giúp.
Ông Huấn:
- Ừ, cũng phải.
Bà Huấn:
- Hàng ngày, tôi sẽ vẫn qua bển lo cho tụi nhỏ, lo chuyện cơm nước. Đến bữa, sẽ mang cơm về cho ông.
Ông Huấn:
- Khỏi, để tôi qua bển ăn. Ăn một mình buồn chết, lại giống như ở viện dưỡng lão.
Phụng cười:
- Con hoàn toàn đồng ý với bố. Bây giờ về nhà rồi, chuyện gì cũng phải có ông có bà mới đúng.
Bà Huấn:
- Sẵn dịp, mời cậu và mấy người ở lại dùng cơm với chúng tôi. Cơm gia đình ấy mà.
Phụng:
- Cậu không được từ chối đấy nhé. À, cậu... cậu.
Toàn:
- Em tên Toàn. Vâng em nhận lời... còn mấy người kia họ phải về để kịp giờ làm. Họ làm ca chiều.
Sau khi chỉ cho mấy người giúp việc đi theo Toàn chỗ để tạm mớ đồ đạc của ông Già mang về, Phụng nói:
- Đặc biệt vì hôm nay có khách con dọn cơm ăn ở đây để mọi người được tự nhiên, được thong thả, không bị bọn nhỏ làm ồn.
Nói rồi, Phụng và bà Huấn theo cửa nhỏ trước sân, đi qua căn nhà chính, để ông Già ở lại tiếp Toàn.
 
 

Bước vào trong nhà, ông Già không giấu được vẻ xúc động, căn nhà dành cho ông không thiếu một chút tiện nghi nào, chỉ không có bếp. Điều khiến ông ứa nước mắt là trên màn hình Tivi khổ lớn đang chiếu cảnh Hà Nội cũ, cảnh căn nhà cũ, những cảnh trong cuốn DVD của ông đã bị xe cán bể. Ông Già bước đến bên ghế sofa, rồi khuỵu xuống.
Dù chưa biết rõ nội dung cuốn DVD cũ, nhưng nhìn thái độ ông Già, nghe tiếng kêu thảng thốt của ông, Toàn cũng đoán hiểu ông Già vui mừng, xúc động ra sao. Toàn giữ yên lặng để ông Già có thể trở về với dĩ vãng, trở về với những ngày trai trẻ, trở về với những ngày thơ ấu của ông.... Toàn cũng chợt thấy lòng mình ngậm ngùi khi nghe từ màn hình vang lên tiếng hát của người nam ca sĩ với bản nhạc Hướng Về Hà Nội... cho dù, với Toàn, Hà Nội như một miền đất xa lạ nào đó... miền đất trong trí tưởng.

Hoàng Trúc Tâm