.
Trước 1975, miền Nam Việt Nam có nhiều tờ báo dành cho tuổi học trò. Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, Ngàn Thông là ba tờ báo được thế hệ tuổi vừa lớn yêu thích nhất. Một số các nhà văn nhà thơ (bây giờ) thành danh từ chiếc nôi văn học ấy.
Với slogan ”Tuần Báo của Yêu Thương”, tờ Tuổi Ngọc là nơi chúng tôi chập chững đi những bước đầu. Chúng tôi thuở ấy chưa bao giờ gặp mặt nhau nhưng vẫn yêu quý nhau như những chiến hữu thân tình nhất.
Không kể những người chủ biên như chú Duyên Anh, anh Đinh Tiến Luyện, anh Từ Kế Tường, anh Đoàn Thạch Biền, anh Phạm Chu Sa, anh Phạm Thanh Chương… Có rất nhiều cây bút nổi danh khác cộng tác bài vở như nhà thơ Trần Dạ Từ, Nhà thơ Huy Tưởng, nhà văn Nhã Ca, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Phạm Ngọc Lư, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ Mường Mán, nhà thơ Trần Dzạ Lữ v.v… Tôi không thể nào nhớ và kể hết. Ngay cả những bạn cùng thời, những cây viết trong lứa tuổi đôi mươi thời ấy cũng bị quên lãng khá nhiều (xin các bạn đừng buồn, khi đọc những giòng này mong các bạn liên lạc với chúng tôi)
Trong những cây bút chập chững ấy, về văn xuôi, nổi bật nhất là chị Ngọc Minh (Nguyễn thị Minh Ngọc, trong Face Book là Pearl Nguyen). Tôi yêu mến và ngưỡng mộ chị biết bao với cách viết thông minh và du côn du kề quá thể. Chị còn được bao bọc bởi một hào quang mờ mờ ảo ảo của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn với “Thư Về Đường Sơn Cúc” làm trái tim dễ xôn xao của tôi cứ đau nhoi nhói vì thương cảm… (Những ai đã từng trải qua những năm tháng trẻ tuổi sống tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, không mấy ai không biết nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Ông là nhà văn nổi tiếng với những truyện ngắn viết cho tuổi ô mai, học trò vô cùng dễ thương, như các tác phẩm “Hình như là tình yêu”, “Cô bé treo mùng”, “Ở một nơi ai cũng quen nhau”, “Thư về đường Sơn Cúc”, “Hôn lễ”… Ông mất năm 2005)
Về thơ, tôi lại càng không thể nào kể tên cho hết… Trần văn Nghĩa, Nguyễn Liên Châu, Nguyễn Vân Thiên, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đặng Mừng, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Thái Dương, Phạm Khánh Vũ, Tạ văn Sĩ, Trần Anh,Trần Viết Dũng, Nguyễn Man Nhiên, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đỗ Thị Hồng Liên, Thụy Đỗ, Văn Công Mỹ, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Nhật Ánh… nhiều nhiều nữa… và tôi…(tôi là một đứa nhóc nhất, nhõng nhẽo nhất, bị anh Từ Kế Tường complain nhiều nhất: “viết chữ phăng vừa vừa thôi, thợ sắp chữ đọc không ra, in sai thì lại càu nhàu cẵn nhẵn!!!”. Là vì, bạn biết đó, chỉ cần một dấu sắc huyền hỏi ngã in sai thôi là bài thơ trở thành lãng nhách. Từ thời đó, tôi đã vô cùng khó khăn với chữ nghĩa của… bất kỳ ai!)
Lại nói tiếp về bạn Nguyễn Nhật Ánh, bạn có sở trường làm thơ 5 chữ… (gọi bạn, vì bạn ấy chỉ lớn hơn tôi chừng vài tuổi) Nhưng, theo một số… dư luận viên… nhiều chuyện thì thơ bạn không hay bằng thơ 5 chữ của Văn Công Mỹ, Nguyễn Phước Tiểu Di và Phạm Khánh Vũ
(…Ta đứng trên đồi cao
Ngó bốn bề hiu quanh
Thèm ôm hết tình sầu
Ném vào lòng vô tận…
…Đêm qua vầng trăng thanh
Rơi xuống dòng suối nhỏ
Và ngàn năm ngàn năm
Không bao giờ về nữa… Phạm Khánh Vũ)
Chúng tôi, văn kỳ thanh nhưng bất kiến kỳ hình. Những bạn lớn khác, có thể họ gặp nhau đâu đó trong các buổi họp mặt, họp nhóm, hay rủ nhau đi cà phê… nhưng tôi thì chỉ có một nhúm bạn nhỏ nhoi đếm không hết một bàn tay, mà toàn là bạn của chị tôi! Phạm Khánh Vũ, Đỗ thị Hồng Liên, Thụy Đỗ, Quang Minh, Đức Mỹ, Tần Lương v.v… Ai đến nhà cũng… tìm tôi để hỏi: “Em thơ, chị đẹp em đâu?”
Tôi chỉ có hai người bạn là Trần Anh và Nguyễn Man Nhiên (mà tôi cũng nghi nghi là hai người này quen chị tôi trước, từ khi bút nhóm Giao Hữu của họ ra đời).
Có một người tôi chắc chắn là tôi vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ từ thuở nhỏ là anh Trần Văn Nghĩa. Anh làm thơ như thổi từng đám mây sương khói, trong trẻo tuyệt vời… Anh là nhà thơ muôn đời áo trắng. (Không phải nói chứ hồi nhỏ gặp ai tôi cũng khoe: “Chao ơi chiếc răng khểnh/ cô bé cười bao dung…” để rồi lúc nào cũng ráng mà bao dung mặc dù nhiều khi điên tiết rất muốn bung dao!!!)
Nhưng rồi anh Nghĩa cũng giận tôi sau một hiểu lầm nho nhỏ. Anh từ Đà Lạt về gặp một số bạn bè văn nghệ ở Nha Trang… ai đó chỉ nhà tôi cho anh. Anh tìm tới không gặp tôi, anh ném vào thùng thư vài giòng nhẹ hẫng mà đau không tả: “Anh có đến nhà em nhưng không gặp được . Hàng xóm nói em là con ông lớn!”… Ừ thì tôi có thể là con ông lớn, nhưng đó phải đâu là một tội lỗi gì to tát cho lắm để anh dễ dàng phủi đi mối thân hữu bấy lâu! Tôi bèn tìm cách điều tra nguyên nhân dẫn đến hành vi… ác ôn đó, tôi hỏi chận họng Nguyễn Viết Trung (tức Nguyễn Man Nhiên trong Face Book):
- Trung nói gì với anh Nghĩa phải không?
- Không, Trung chỉ kể là mỗi tối tụi Trung đi gác nhân dân tự vệ ngang qua nhà là réo Dung ơi, Dung hỡi để chọc mấy con chó nhà Dung sủa om sòm.
Tôi hậm hực đưa “lá thư” cho Trung đọc, anh chàng phán:
- Ông này đầu óc phân chia giai cấp còn hơn cọng sản, dẹp qua một bên đi!
Nghe lời Trung, tôi dẹp qua một bên với niềm cay đắng và để thất lạc anh đến 36 năm sau…
Tôi không dễ kết giao với những người bạn mới, tôi luôn sẵn sàng đưa tay cho bạn, nhưng đồng thời, trong tôi, một tánh linh trực giác nào đó để tôi lập tức rút tay về trước khi tình cảm bị tổn thương. Tôi sống trong bốn bức tường của một trường Dòng từ Mẫu Giáo đến lớp Mười Hai dù gia đình tôi không theo Thiên Chúa Giáo, Các Soeurs rất thương tôi vì tôi thuộc không sót một bài kinh và không bỏ một buổi lễ nào kể từ khi vào trường… Theo Soeur Hiệu Trưởng, trường Thánh Tâm đã có nhiều học sinh thành đạt về mọi mặt nhưng chưa ai là… nhà văn, nhà thơ và Soeur kỳ vọng vào tôi (Bạn phải chứng kiến cảnh Soeur ôm mấy chục cuốn sách của tôi vào từng lớp, tuyên bố: “Ai mua sách của Thu Dung, Soeur cộng cho 1 điểm hạnh kiểm” thì mới thấy nhói đau khi tôi đã phụ lòng kỳ vọng của Soeur!) Tội nghiệp Soeur, Kỳ vọng ấy đã tan thành mây khói vì biến động lịch sử 30/4/1975.
Để giúp tôi đạt đến ước mơ “Tùy Viên Báo Chí Của Tổng Thống”, Soeur nhốt tôi vào vòng cương tỏa. Học, Học, Học. Viết, Viết, Viết… Tôi biết rằng khi tôi ngồi trong góc của phòng Hiệu trưởng (trước mặt tôi là các bạn bị phạt cấm túc) viết hay đọc, hay học bài… có chị An thư ký quản lý giờ giấc thì Khánh Hòa, Anh Đào, Thanh Duyên, Mỹ Dung đang thong dong ngồi trong rạp ciné, thả hồn cùng Omar Sharif… Kim Huê, Ngọc Huệ, Phan Hạnh lang thang trong vườn cây ăn trái của nhà Ngọc Huệ… và các bạn khác lên Phú Vinh hoặc Thành… ăn bánh ướt! Lớn hơn chút nữa, các bạn biết yêu iếc hẹn hò, riêng tôi vẫn luôn ở một góc phòng khóc cười với những trang vở hoặc vài quyển sách… Tôi mắc nợ muôn đời với chữ!
Một lần tôi hỏi Soeur Hiệu Trưởng: “Tại sao con không hề muốn được đi chơi như các bạn?”
Soeur trả lời rất … siêu hình học: “Bởi con có một niềm đam mê lớn hơn những thú vui trần thế!”
Tháng 8 /75. Soeur cho chị Mùi đến nhà gọi: “ Em lên trường nhận thư và hình. Soeur mới soạn xong vì sắp bàn giao trường cho nhà nước.”
Tôi lên, Soeur giao một hộp carton đầy nhóc thư và hình đã qua kiểm duyệt, thư nào cũng được mở ra, hơn 200 lá thư tôi đọc đến đâu nước mắt chảy ra đến đó… những lá thư làm quen, ái mộ, giận hờn vì không được hồi âm… Soeur hỏi: “con giận Soeur?” Tôi quẹt nước mắt: ”Con không dám, nhưng đó là lý do con bị mang tiếng kênh kiệu lâu nay!” Soeur cười rất hiền: ”Đừng chú trọng lắm đến miệng người thiên hạ. Chúa đã biết con là một đứa bé rất ngoan!” Trời ơi, điều đó chỉ một mình Chúa biết!!! Chúa biết, nhưng tôi thì ôm hận ngàn thu, luôn như con nhím… co ro trước những hành vi độc ác và để bảo vệ mình phải nhọc nhằn bung ra những gai nhọn thù hằn!
Soeur cầm lên một bức thư khác: ”Con xem, người ta nói không sai: Chữ bác sĩ, cậu này mới học năm thứ 2 nha khoa mà đã viết chữ quá xấu”. Tôi nhìn tên, lạy Chúa, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (bây giờ anh đã nổi tiếng lắm rồi) với lá thư làm quen và xin phép phổ nhạc bài thơ “Sinh Nhật Một Loài Nai“ của tôi đăng trên Tuổi Ngọc. Và chắc anh không quên cũng như không giận khi hơn 40 năm sau đọc được lời phân giải muộn màng này…
Vài lá thư nữa từ một địa chỉ KBC nào đó, sau này anh Nguyễn Đăng Mừng nói : “Nó thích thơ em lắm, viết nhiều thư làm quen mà em không trả lời. Nó chết trận rồi!”
Nhiều năm trôi qua, khi tôi bắt tay vào làm tờ Tương Tri cùng vài người bạn ở hải ngoại, thì các anh chị, các bạn thời Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc đã dành cho tôi bao nhiêu là ưu ái, từ những lời khuyên bảo, truyền bí kíp võ công, giao bài vở cho… để muốn làm gì thì làm và sẵn sàng hậu thuẫn… Bởi vậy, tôi chịu nhiều áp lực… Mang tiếng là Tổng Biên Tập oai trấn giang hồ nhưng tôi cứ phải e dè dòm ngó chung quanh mà không dám toàn quyền sinh sát như các Tổng Biên Tập oai phong lẫm liệt khác. Bởi trong tôi luôn có một mặc cảm… phức hợp (ái chà lại giở cái giọng lưu manh giả danh trí thức nữa rồi) là không biết mình có làm gì sai trái… Vì tôi biết, mỗi khi tôi sai có không dưới năm người sẵn sàng sửa lại với… tư cách pháp nhân là cố vấn tối cao (mà tôi luôn kính phục lẫn biết ơn). Đồng thời cũng có không dưới năm người sẵn sàng rình rình ném đá bất cứ một lỗi lầm nào dù chỉ nhỏ như một sợi tơ nhện mong manh (mà tôi luôn không thèm chấp nhất).
Có hai người tôi luôn nghĩ đến với một niềm an ủi ấm áp là anh Nguyễn Tấn Cứ và anh Nguyễn Ngọc Nghĩa… Hai người này mang đến cho tôi những hồi ức ấu thơ. Họ có thể bình thản gọi tôi: “Hi, Nhóc”, rất đơn giản tự nhiên như bốn mươi năm về trước, dù bây giờ, nơi đây, tôi đã thực sự trở thành một Lady chính hẫu
Có nhiều lúc chán nãn buồn phiền vì công việc, vì sức khỏe, vì những ganh ghét chua ngoa, tôi muốn buông tay, nhưng những ánh mắt, những nụ cười, những bàn tay ấm áp đã… ”níu tôi ở lại giữa muôn trùng“ không cho tôi bỏ cuộc.
Tôi yêu quý quân sư quạt mo của tôi cùng với những lời khích bác chê bai tàn tệ làm tôi tức giận, để tôi vùi đầu vào học, học nữa, học mãi (như cái ông Lê văn Ninh quái quỷ nào đó xúi dại, xúi khôn…)
Tôi yêu quý một người bạn khác luôn giấu mặt, giấu tên nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh, sẵn sàng đỡ hết cho tôi những lằn tên bay đạn lạc từ bốn phương tám hướng mà vì lơ đãng tôi cứ để chúng làm tổn thương mình không đáng.
Tôi yêu quý cuộc đời đã độ lượng dành riêng cho tôi những điều ưu đãi.
Mấy hôm nay, trên mạng xôn xao đề cập đến Nguyễn Nhật Ánh cùng lời tâng bốc của một vị Giáo sư Tiến sĩ nào đó, chắc hẳn anh sẽ bật cười (rất lịch sự) trước những lời xưng tụng thô thiển và vô nghĩa. Tự bản thân anh, anh đã biết mình đang đứng ở đâu, cần chi người khác nói!!!… tôi lại nhớ tới anh và cái thời Tuổi Ngọc (anh là người mà bạn có thể chọc tới bến cũng không thèm giận) bởi vậy tôi mới dám viết những lời này.
Bỏ làm thơ (vì thấy thơ mình dở hơn thơ… tụi nó!). Wait and see. Anh chuyển qua viết truyện cho trẻ thơ và thành công quá đỗi. Không ai viết nhiều và bằng một tâm hồn thơ dại được như anh. Không truyện nào của anh mà tôi không tìm đọc và yêu thích.
Tôi có thể rất… trí thức để đọc những danh tác thế giới và gật gù (hoặc giả vờ gật gù) tâm đắc! nhưng có ai thân thiết để tôi tin tưởng hỏi rằng: “Tác giả nào làm tôi mềm lòng nhất khi đọc?”, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: ”Nguyễn Nhật Ánh”! Đừng ai xúi tôi đọc Patrick Modiano, Alice Munro, Mạc Ngôn, Tomas Transtromer, Mario Vargas Liosa v.v… các thứ! Tôi đã và sẽ đọc một số cho giống… những người trí thức khác, nhưng thú thật tôi đã lãng quên chúng nhanh chóng. Hãy cho tôi đọc Bồ Câu Không Đưa Thư, Cô Bé Đến Từ Hôm Qua, Bàn Có 5 Chỗ Ngồi, Thằng Quỷ Nhỏ, Phòng Trọ 3 Người, Buổi Chiều Window, Bí Mật của Tóc Tiên v.v… những tác phẩm nho nhỏ, đơn giản đã đem đến cho độc giả những giây phút thư giãn tuyệt vời… Nhưng đến một ngày đọc “Thiên Thần Nhỏ Của Tôi” thì tôi đã khóc vùi theo từng trang sách và nghĩ thầm tác giả viết cho mình, cho những mất mác mình đang gánh chịu…
… tôi cứ cắm đầu chạy, chạy mãi. Tôi muốn chạy thật xa nơi tôi đã tình cờ biết được câu chuyện về cuộc đời nghiệt ngã của Hồng Hoa, nơi tôi đã biết được toàn bộ sự thật trong sự gắn bó giữa Hồng Hoa với khu vườn của tôi. Hóa ra từ trước đến nay, Hồng Hoa đã cố tình che giấu tôi tâm sự u uẩn của nó. Những nan hoa cửa sổ hình ngôi sao và chiếc cầu thang vòng cung hai mươi bốn bậc mà Hồng Hoa nhắc tới hôm nào chính là những hình ảnh trong ngôi nhà Hồng Hoa sống trước đây và hiện nay tôi đang sống chứ chẳng phải ở nhà một người bạn nào. Và cái hình vẽ nguệch ngoạc trên cây mận kia là do chính bàn tay bé bỏng của Hồng Hoa khắc lên hồi nhỏ chứ không phải ai khác, cũng như không có một ngôi mộ nào khác hơn ngôi mộ trong vườn là nơi Hồng Hoa đã tự tay chôn cất con mèo nhỏ Mi-mi. Vậy mà em đã giấu anh! Tôi tê tái nói thầm và nghe những giọt lệ mằn mặn trên môi.
Và vừa khóc vừa đi, không buồn chùi nước mắt, tôi lang thang qua hết đường phố này đến đường phố khác, lòng thẫn thờ nghĩ đến Hồng Hoa, ngôi sao bé bỏng và bất hạnh của cuộc đời. Anh đâu biết khu vườn của anh chính là khu vườn của em, nơi em bị chiếm đoạt nhưng em vẫn luôn luôn tha thiết quay về, dù là quay về trong lén lút, để say sưa và hồn nhiên đắm mình trong kỷ niệm ấu thơ. Mà em đâu có cần gì to tát, ngôi nhà của em, em không hề nhắc một lời. Nỗi khát khao nhỏ nhoi của em chỉ là được chạy chân trần trên cỏ, được âu yếm vuốt ve một thân cây hay thẫn thờ nhặt trên tay một bông khế rụng. Hẳn ngày xưa em đã sống vui vẻ và vô tư với những niềm vui trong sáng và nhẹ nhàng như thế, cũng như anh những ngày xưa quê ngoại.
Chiều đã tắt nắng nhưng chân tôi vẫn cứ bước, mặc dù tôi không biết mình đang đi đâu. Những ngã tư và những ngã tư. Những hè phố và những hè phố. Tất cả lần lượt trôi qua như ảo ảnh. Trong khu vườn của tôi, hẳn giờ này những chiếc lá đã đi ngủ và những vạt nắng cuối ngày đã bắt đầu rời khỏi ngọn cây cao. Và trong bệnh viện, trên chiếc giường trải drap trắng, trong bộ quần áo trắng, với cánh tay băng trắng, Hồng Hoa hẳn giống như một thiên thần tội nghiệp. Không biết giờ này em đã tỉnh dậy chưa, và khi nhìn thấy những vì sao lung linh bên cửa sổ, em có bâng khuâng nghĩ đến khu vườn đang giãy chết ngoài kia. Và em có bao giờ biết, đối với tôi, em luôn luôn hồn hậu và đáng yêu như một thiên thần, dẫu là một thiên thần vừa gãy cánh chính trong vườn địa đàng của tuổi thơ em.
Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi không nghĩ đến chuyện về nhà… (Trích “Thiên Thần Nhỏ Của Tôi”, Nguyễn Nhật Ánh)
Tôi nhớ ngôi nhà của mình, nơi tôi được sống trong yêu thương hạnh phúc và đành đoạn lìa xa, nơi mà một lần sau buổi học ngoại khóa Báo Chí, Không ai đi đón nên tôi về chung xe với thầy Hải, Thầy Huy Tưởng và Thầy Bửu Ý. Khi xe dừng trước cổng thầy Huy Tưởng nhìn khu vườn rộng, có lối đi là hai hàng Trúc Đào hồng thắm lóng lánh trong mưa đã hỏi, vừa đùa vừa thật: “Có khi nào cô đi lạc trong khu vườn cổ tích này không cô bé?” Thầy Bửu Ý trầm trồ: ”Đẹp quá, như một khu vườn Huế”. Và thầy Hải cười: ”Bởi vậy con nhỏ mới biết làm thơ!”. Bây giờ thầy Hải đã mất, Thầy Bửu Ý còn ở Huế, Thầy Huy Tưởng đang ở Úc và tôi thì ở Mỹ… Những phương trời cách biệt… Nhưng tôi biết, đâu đó, các thầy cô giáo, các anh chị và bạn bè yêu quý luôn bên cạnh, theo dõi, giúp đỡ và gởi gắm vào tôi vài điều kỳ vọng… Nhưng tôi hầu như tuyệt vọng, tôi biết làm sao hơn !!!
…Bạn đọc xong, nói: “Giống như những lời trối trăng khi sắp chết!”.
Ồ không. Đây mới là viết cho những người bạn ở Tuổi Ngọc thôi. Tôi còn phải viết cho những người bạn ở Tuổi Hoa, những người bạn ở Thánh Tâm, những người bạn ở Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải, những người bạn ở Cao Đẳng Sư Phạm Nhatrang và những người bạn ở Tương Tri xong thì mới yên lòng nhắm mắt. Wait and see!!!
Tôn Nữ Thu Dung