User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Tính theo tuổi tây thì Má đúng 86 tuổi hôm nay (17/10/2015). Với quỹ thời gian không còn nhiều, Ba lại qua đời, rời xa Má đã tám năm nhưng bà chọn lối sống ở một mình, không dọn về ở chung với đứa con nào dù lũ con tha thiết mời gọi và “dọa” sẽ đưa Má vào viện dưỡng lão nếu như bà chờ yếu thêm mới chịu về nhà chúng tôi ở. Bà bảo “quen tự do trong căn nhà , muốn làm gì thì làm, không lệ thuộc, e ngại ai, chẳng hạn mở phim tập coi suốt đêm cũng chẳng sao, TV mở lớn cỡ nào thì cũng “who cares”, thích ăn ngủ lúc nào cũng được không làm phiền đến ai cả”. Làm vườn, nấu ăn, dọn dẹp hay giặt giũ đều tự làm. Bà lại chăm sóc sức khỏe rất kỹ lưỡng, ăn uống và tập thể dục điều độ nên trông bà còn khỏe nhiều so với số tuổi. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là may mắn và cảm ơn Má đã tự chăm sóc bản thân, không nhờ cậy ai, chứ nếu không thì ít nhất phải có một đứa con nghỉ làm để chăm sóc bà. Tuy là nghĩ thế nhưng đứa con nào cũng cảm thấy áy náy, lỗi đạo làm con vì thương cảnh bà cô quạnh, thui thủi một mình trong căn nhà còn đầy hình bóng cùng kỷ niệm của người chồng. Mỗi lần sinh nhật hay giỗ Ba, bà đều đích thân đi chợ và nấu những món mà Ba hằng ưa thích trước kia, dù các con có thể nấu thay. Bà nói “Các con nêm nếm không hợp khẩu vị của Ba đâu!” Những việc bà làm khiến chúng tôi vô cùng xúc động và thương bà hơn. Với tám đứa con ở lân cận mà chẳng đứa nào sớm hôm chăm sóc cho mẹ già, bởi thế mỗi lần Má gọi điện thoại nhờ làm việc này việc kia thì đứa nào cũng sốt sắng và thay phiên nhau thăm viếng.

Má khoe từ hồi Ba mất đi, Má lại thấy khỏe hơn, tinh thần vững vàng hơn, bà tham gia hội cao niên một Úc, một Việt, mỗi tuần hai lần đi chơi và chẳng bao giờ muốn ở nhà trong hai ngày đó chỉ trừ khi bị bịnh. Có lần nhìn tấm hình Má đứng lên phát biểu ý kiến chi đó trước đám đông của hội cao niên, Má cười khi chúng tôi hỏi chuyện gì ”à, có cô điều hợp viên chuyển công tác nên nhóm người Việt cử má làm đại diện nói lời chia tay và đưa quà kỷ niệm đó mà” “Má không ngại nói tiếng Anh sao?” một đứa con buột miệng hỏi. Má tỉnh bơ “ngại gì, Má soạn trước rồi mà, bộ không nhớ Má đã hỏi con mấy từ khó rồi sao?” Một người bạn cao niên trong nhóm khi tình cờ gặp ở chợ đã khen trước mặt chúng tôi ”Má giỏi lắm nghe, dạn dĩ và nói tiếng Anh hay lắm, lẽ ra bà phải đi học thêm rồi ra làm thông dịch viên mới phải” Bà cười sung sướng ”già rồi, biết chừng đó đủ rồi, để việc đó cho mấy đứa này nè” Ông cậu út tôi cũng đã tròn xoe mắt khi thấy Má “xổ” tiếng Anh với mấy người hàng xóm của cậu khi Má qua Mỹ  thăm cậu cách đây gần chục năm. Nghe mà vui và hãnh diện biết bao về người mẹ của mình.

Biết nói gì về Má đây, một người mà nhìn bên ngoài cũng bình thường như bao nhiêu phụ nữ khác, từ tốn, ung dung nhưng lại rất cương quyết, có cá tính mạnh mẽ.

Hồi còn sinh thời, thỉnh thoảng Ba khen “Má thông minh lắm, có trí nhớ rất dai”. Nghe kể lại Má luôn đứng nhất nhì trong lớp và ngay cả lúc mới qua Úc theo học các lớp Anh văn, Má cũng chẳng kém ai, còn những truyện hay thời xưa như “Tam Quốc Chí” dài thòng, lắm nhân vật vậy mà bà kể vanh vách, chứ đừng nói chi những chuyện gần đây. Phim tập và tin tức thời sự là những chương trình Má vô cùng yêu thích, có người hàng xóm quý Má nên nối qua Satellite chương trình tiếng Việt cho bà, thế là bà xem được hết những chương trình đang chiếu tại Việt nam và biết khá nhiều thông tin bên quê nhà để chia sẻ với chúng tôi. Những kiến thức bà có được do theo dõi và nhớ dai đã làm một số các bạn tôi nể phục khi gặp gỡ và nói chuyện với bà và còn có người xin được làm con nuôi của bà vì ái mộ.

Lúc xưa, vì xã hội luôn trọng nam khinh nữ, ông bà Ngoại cũng không ngoại lệ cho nên chỉ có các cậu là được tiếp tục việc học còn các dì và Má tôi đều phải ở nhà lo việc nội trợ sau khi vừa học xong tiểu học, dù có năn nỉ xin học tiếp thì cũng chỉ có câu trả lời “nhà không đủ tiền”. Không bỏ cuộc, Má đã tự thi vào ngành y tá và lấy được học bổng toàn phần, nhờ đó ông bà Ngoại không còn lý do gì để cấm cản. Má học xong, nhưng chỉ làm việc có vài năm sau khi lập gia đình rồi ngưng vì những đứa con lần lượt ra đời, chức vụ Ba ngày càng thăng tiến, Má chỉ biết lo việc nội trợ và thỉnh thoảng cùng Ba đi dự những buổi xã giao cần thiết mà thôi. Tuy nhiên tôi biết Má vẫn canh cánh trong lòng nỗi nuối tiếc không có phương tiện để tiếp tục việc học lúc trẻ, khi thỉnh thoảng bà chép miệng than “nếu ông bà Ngoại cho má học tiếp thì chắc hẳn không thua dì M đâu" (dì M là bạn học khóa y tá chung với Má đã tiếp tục học lên cao, được du học bên Pháp và hành nghề Bác Sĩ bên ấy).

Trở thành nội tướng trong nhà, mọi điều phải lo toan sắp xếp vì Ba bận công vụ vắng nhà thường xuyên. Cứ vài ba năm lại có sự vụ lệnh thuyên chuyển, Ba phải đi trước để nhận nhiệm sở và thi hành công vụ, má ở nhà tất tả lo thu vén, bán các đồ đạc, đóng thùng những đồ mang đi, rồi mới cùng con cái dọn đến chỗ ở mới. Tôi chưa hề nghe bà than van về những bận rộn, sắp xếp đó… ngược lại Má lại là người rất thân thiện, dễ giao tiếp nên dù di chuyển nhiều nơi, Má làm quen, thích ứng với hoàn cảnh xã hội rất nhanh. Lúc đó, tôi chưa biết nhiều về tính cách của Má, nhưng bây giờ khi đã lập gia đình, lo cho con cái, bươn chải với đời, tôi mới nhận ra rằng tôi cần phải học hỏi nơi Má nhiều điều, nhất là vấn đề giao tiếp và xử sự. Do có quan hệ làm ăn, một người bạn hỏi mượn tiền trong thời Ba vắng nhà sau năm 1975, từ chối không được mà cho mượn thì cả nhà chắc chắn phải nhịn đói (8 đứa con chưa ai đi làm, em út tôi mới 5 tuổi) Má trả lời nhẹ nhàng “được chị ạ, nhưng cho tôi vài ngày để đi cầm căn nhà”, người bạn đánh khẽ vào tay Má “chị này, sao lại làm thế, chị có dư thì tôi mới hỏi mượn chứ!” rồi cười xòa ra về. Sau năm 1975, họp tổ dân phố, có một số người đề nghị không lập sổ mua gạo, nhu yếu phẩm cho những gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, Má chỉ ngồi im viết biên bản, không biểu lộ gì cả (Má bảo không hiểu sao mỗi khi đi họp thì người tổ trưởng luôn chọn Má làm thư ký buổi họp) thì bà tổ trưởng dân phố tự động lên tiếng “không được, bà H – tên Má tôi – gia đình đông con nhỏ, không cho mua gạo thì cả nhà chết à”, cuối cùng Má tôi vẫn được mua trong khi có những bà thường dân giàu có lên tiếng xin xỏ lại bị từ chối. Má luôn dạy dỗ chúng tôi là ở hiền gặp lành, và ác lai ác báo sẽ ứng nghiệm ngay trong đời này chứ không cần phải chờ kiếp sau đâu. Đúng như vậy, gia đình tôi dù ở trong hoàn cảnh khó khăn thời đó nhưng vẫn có những may mắn đến tới không ngờ - dù đã “ngã ngựa” - cũng là nhờ Má tôi luôn thông cảm, hiểu biết và xử sự có tình với mọi người chung quanh. Má quyết định việc gì cũng sáng suốt và nhanh lẹ, lại sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho những ai gặp khó khăn, hoạn nạn hơn mình. Khi Ba cằn nhằn, trách móc thì Bà lờ đi và quay sang dạy bảo các con “người ăn thì còn, con ạ”.“Còn” ở đây là còn ân tình, còn báo đáp mà không phải mong chờ “còn” từ người mình giúp mà có thể là từ những người khác sẽ giúp mình sau này. Với ý tưởng đó nên mỗi khi có thể giúp đỡ ai, Má đều sẵn lòng. Và chúng tôi gặp nhiều may mắn trong đời sống có lẽ cũng nhờ phước đức từ bà chăng?  Hiện nay, dù chỉ lãnh tiền trợ cấp cao niên, lại sống một mình, nhiều chi phí phải trả nhưng bà vẫn cố nhịn tiêu xài để còn chút ít gửi về cho bà con nghèo hằng năm ở quê nhà.

Ai cũng nói Má có số nhàn nhã, sung sướng nhưng ngẫm lại có thật là nhàn nhã, sung sướng không khi với tuổi này lẽ ra phải được con cái phụng dưỡng hằng ngày thì ngược lại ngay cả những trang trải cho ngày gặp lại Ba, Má cũng đã sắp xếp sẵn sàng để các con không cần phải lo lắng hay tị nạnh với nhau về những chi phí đó. Má tôi là thế đó! Biết còn từ nào để diễn tả đầy đủ tính cách và tấm lòng của Má tôi!

Mới tuần rồi, khi đưa Má đi lễ, bà lại nhắc những việc phải làm khi bà nằm xuống, lòng tôi như thắt lại, nghẹn ngào không nói nên lời. Má ơi, chúng con mong Má luôn vui khỏe để sống thêm nhiều năm nữa bên con cháu.

Chúc Mừng Sinh Nhật Má, 17 tháng 10

 
Hồ Diệu Thảo
17/10/2015