User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

             Thơ ôm chồng vở bước lên thềm nhà, định mở cánh cửa sắt thì chợt thấy phía dưới thấp có hai bàn tay nhỏ xíu của một đứa trẻ  nắm chặt hai chấn song và một đôi mắt tròn xoe đang ngước lên nhìn nàng. Nhận ra thằng Đức, Thơ nhoẻn miệng cười rồi biểu nó đứng xê qua một bên để cô mở cửa bước vào. Thằng nhỏ mới lên bốn, da trắng như trứng gà bóc và cặp mắt đen lay láy. Nó giống thằng cha nó như khuôn đúc. Nhưng là một thằng cha tệ hết sức nói. Mỗi lần nhìn thấy thằng Đức là Thơ lại bùi ngùi, thương cảm  cái số phần long đong của mẹ nó..
 
            Nhớ lại thời đó, lúc Thơ còn là một con bé mới lên mười một mười hai gì đó, đang học lớp nhì trường tiểu học Phong Mỹ. Đây là một cái làng thật trù phú nằm dọc theo con sông Tiền Giang, cách thị xã Cao Lãnh mười hai cây số. Mẹ của Thơ, bà năm Tú theo người em gái đi buôn gạo tuốt trên miệt Kontum. Thơ ở nhà với ông Năm và vợ chồng người anh trai. Chị dâu Thơ có tiệm may rất đông khách và dạy thêm vài ba cô học trò. Một hôm bà Năm từ Kontum về, dẫn theo một đứa con gái nhỏ. Trên khuôn mặt choắt cheo với đôi gò má cao hiếm thấy, cặp môi rộng vảnh lên vì hàm răng hô chìa, một cái sẹo dài vắt trên gò má trái cộng với cặp mắt xếch sáng quắc khiến ai nhìn cũng cảm thấy hơi sờ sợ.
 
 
            Bà Năm Tú kể với mọi người rằng, cách đây một tuần, ở cửa hàng bà mở chung với người em trên Kontum, hai hôm liền có một bà cụ đâu cỡ trên dưới sáu mươi, vấn khăn đen, người gầy nhom, mặc áo bà ba màu nâu cũ kỹ. Bà này đi qua đi lại trước cửa hàng nhiều lần, mắt lấm lét ngó vô, nhưng rồi lại đi thẳng.  Tới  trưa ngày thứ ba, thấy chỉ có một mình bà Năm ngồi đó, bà cụ quyết định bước vào. Tuy nghe hỏi  muốn mua gì, nhưng cụ chỉ đứng yên, ấp a ấp úng không ra lời. Bà Năm hiểu bà ta có điều khó nói nên ra dấu mời bà ngồi. Bà cụ bỗng nấc lên khóc. Hai dòng nước mắt chảy ròng ròng trên đôi gò má nhăn nheo. Thấy vậy bà Năm kêu  cô cháu ra coi hàng thế rồi mời bà cụ vô phía trong nói chuyện, kẻo có người vô mua đồ thấy bà cụ khóc thật bất tiện. Ngồi xuống ghế rồi bà cụ bèn kéo vạt áo lau nước mắt, nhìn người đối diện với cặp mắt cực kỳ bi thảm, cụ nói:
            - Thưa bà, thật không dám giấu. Mấy hôm nay tôi đã mạn phép  hỏi thăm vài người ở chung quanh đây. Được biết bà là người nhân hậu, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ kẻ khốn cùng... Nói tới đây bà ta ngừng lại, thăm dò  phản ứng của bà Năm. Thấy chủ nhà vẫn yên lặng lắng nghe, bà cụ an tâm nói tiếp... Thưa bà, hôm nay tôi mạo muội đến đây là để nhờ bà cứu giùm con cháu ngoại của tôi...
            Bà Năm không giấu được sự ngạc nhiên:
            - Cứu cháu của cụ?
            - Thưa vâng. Ngoài bà ra tôi không thấy ai có thể cứu được nó. Giọng bà ta bỗng sũng nước, tôi xin cắn cỏ ngậm vành lạy bà cứu giùm cháu. Nói xong bà cụ đứng phắt dậy, chắp hai tay xá bà Năm lia lịa. Bà Năm Tú hết hồn, cũng vội đứng lên nắm  tay bà cụ già kéo ngồi lại xuống ghế, rồi ôn tồn nói:
            - Thiệt tình nãy giờ tôi chẳng hiểu gì hết trơn. Nếu cụ giải thích rõ ràng hơn  coi  tôi có thể giúp cụ được chút nào hay không.
 
            Bà cụ hít vô một hơi thật dài như để lấy lại bình tĩnh, miệng nở một nụ cười héo hon:
            - Bà tha lỗi cho. Tôi già cả quá nên đâm ra lẩn thẩn. Bây giờ tôi xin thưa với bà tại sao tôi đến đây năn nỉ  bà cứu giùm đứa cháu mồ côi bất hạnh của tôi. Chuyện là như thế này... Lúc còn ngoài Bắc, quê tôi ở Nam Định, Tôi có hai mụn con, một trai một gái. Chồng tôi qua đời sớm nên tôi phải tần tảo, mò cua bắt ốc nuôi con.  Có lẽ cái dĩ vãng đau thương hiện về  mãnh liệt quá nên bà cụ lại giọt vắn giọt dài, thổn thức không thôi!.. Con gái tôi lấy chồng sớm. Chồng nó là trai trong làng. Cháu mồ côi từ bé và cũng nghèo như chúng tôi. Được cái chúng nó thương nhau lắm. Rồi con gái tôi mang thai. Của đáng tội, tuy bụng mang dạ chửa nhưng nó cũng phải làm quần quật suốt ngày. Chồng thì đi làm thuê làm mướn. Đôi khi phải sang làng khác cày cấy cho người ta để kiếm cái ăn. Những lúc đó tôi thường qua thăm cháu. Nhà chúng tôi cách nhau chỉ độ vài trăm thước. Hôm đó, cháu có mang đâu độ chừng gần tám tháng, cơm chiều xong tôi mang sang cho cháu rổ khoai mới đào buổi trưa. Thấy trong nhà tối om om, tôi cất tiếng gọi thì nghe có tiếng rên yếu ớt từ trong buồng vọng ra. Tôi vội vàng xuống bếp đốt chiếc đèn dầu mang vào buồng. Nói tới đây gương mặt bà cụ lộ đầy nét đớn đau, giọng trở nên nghẹn ngào, làm như câu chuyện vừa xảy ra ban nãy... Bà ơi, cháu nằm trên chõng tre, đầu tóc rối bù, hơi thở yếu ớt, phần hạ thể bê bết máu. Hồn bất phụ thể, tôi hỏi cháu vì sao ra nông nỗi? Cháu cố gắng thều thào bảo rằng bị té khi leo lên chiếc ghế để cố hái mấy quả khế xanh ngoài vườn. Cháu định kho khế với mấy con cá vừa câu được lúc xế chiều. Không ngờ cái ghế đó bị long chân, chồng cháu để sau hè định sửa mà chưa kịp. Nó định kho cá cho thằng chồng chiều nay về ăn cơm. Chẳng mấy khi câu được mớ cá ngon. Lúc té thì không sao, nhưng lúc đang nấu cơm bỗng nổi lên đau bụng. Cháu bỏ đi nằm, tưởng sẽ hết. Nào ngờ càng lúc càng đau dữ, rồi bắt đầu ra huyết...
 
            Cháu kể đến đó thì thằng chồng về tới.  Không kịp giải thích, tôi vội vàng bảo nó chạy đi mời bà mụ ngay.  Bà ấy tới, rờ rẫm bụng cháu một lúc thì nói đứa bé sắp ra. Sau khi mẹ nó đau chết đi sống lại, tới gần sáng đứa nhỏ mới chịu chào đời! Nó là con Xíu bây giờ đó. Nó bé xíu xiu, đỏ hon hỏn như con chuột con. Bà ơi, mẹ nó ra máu nhiều quá, nhà nghèo không được tẩm bổ, nên chỉ ba tháng sau là nhắm mắt theo hầu các cụ. Tôi đã mất chồng, bây giờ lại mất thêm đứa con gái nên  buồn tưởng chết đi dược bà ạ. Nhưng còn đứa bé và thằng con trai. Vì thế mà tôi ráng nguôi ngoai, đem cháu ngoại về nuôi. Tôi bảo thằng rể về ở chung để tôi lo cơm nước cho nó luôn. Tội nghiệp con Xíu, cứ phải  xin bú thép khắp xóm. Được cái ai cũng  thương nên con bé không thiếu sữa. Nó như biết thân nên rất dễ nuôi, cứ ăn rồi ngủ chả khóc lóc gì cả. Nhưng có điều khiến tôi buồn vô hạn là thằng con trai tôi cứ đổ tội tại thằng anh rể lười, không chịu sửa cái chân ghế nên chị nó mới bị té chết. Từ đó nó cứ nhìn thằng kia với cặp mắt thù hằn! Đi ra đi vào cứ đá cái bàn, đạp cái ghế. Thằng anh rể chịu không nổi lại đâm ra cãi nhau.
 
            Hơn nửa năm sau,  một lần đi sang làng bên gặt mướn nó không về nữa. Tôi nghe nói có một bà góa nạ dòng nào đó, thấy nó trai trẻ sung sức, đã dụ nó ở luôn bên đó. Sau này thỉnh thoảng có về, nó dắm dúi cho bà cháu vài đồng gọi là rồi  lại biệt tăm. Thôi thì bà cháu đành bữa cháo bữa rau mà sống. Thằng con trai cũng bỏ mẹ lên tỉnh kiếm việc làm. Được cái lâu lâu gặp người quen lên trên đó nó cũng gửi chút ít về cho mẹ. Lúc con Xíu còn ẵm ngửa, mặc kệ nắng nôi, đi mót lúa, đi bắt cua bắt ốc tôi cũng phải địu con cháu sau lưng. Đến lúc nó vừa biết đi lẫm chẫm  là tôi đã đặt nó trên manh chiếu rách, rồi buộc một chân vào cột nhà. Cho mấy miếng giẻ để cháu chơi, xong là chạy ù ra đồng kiếm con cua con ốc về ăn. Lắm khi về trông thấy nó nằm ngủ khì như con chó con, thương lắm bà ạ!
 
            Cứ thế cho đến năm con Xíu được năm tuổi thì thằng con tôi đăng lính. Hai năm sau nó cưới vợ. Cô này lớn hơn nó hai tuổi, có cửa hàng xén ngoài chợ. Người ngợm phốp pháp do ăn hàng như mỏ khoét, tính tình lại đanh đá chua ngoa. Thằng con nhắn năm lần bảy lượt tôi mới dẫn con Xíu lên tỉnh thăm chúng nó một lần. Con dâu hỗn hào, không bao giờ gọi tôi một tiếng mẹ mà cứ gọi là bà già nọ bà già kia. Tôi có phàn nàn thì thằng con lại gạt phắt bảo kệ nó, hơi nào u để ý! Trước cặp mắt soi mói của con dâu, bà cháu tôi ráng lắm cũng chỉ ở chơi được hai ba hôm là về làng. Nhưng khi chúng nó có đứa con đầu lòng thì thằng con tôi nhắn mẹ lên trông cháu cho vợ nó ra ngoài cửa hàng.
 
            Nói bà thương, khi nhìn thấy thằng cháu nội tôi cũng yêu quá nên đành dắt con Xíu lên tỉnh ở luôn với vợ chồng nó. Có chúng tôi rồi là con dâu tôi cho con bé người làm nghỉ việc. Nó bảo nhà nhỏ không chứa đủ ngần ấy người. Từ đó tôi thì lo cơm nước, giặt giũ, con bé Xíu thì trông em, quét nhà... Làm cực đến đâu tôi cũng không ngại, chỉ khổ con dâu tôi là đứa đáo để, cay nghiệt có một không hai trên đời. Những cái lườm, cái nguýt, những lời bóng gió, chì chiết của nó khiến tôi đau đớn lắm bà ơi. Trong bữa cơm, bà cháu tôi không dám gắp những miếng ngon. Đôi khi con Xíu chỉ ăn cơm chan canh hoặc rưới tí nước cá kho. Khi đứa cháu thứ hai chào đời thì bà cháu tôi càng vất vả hơn. Con Xíu bế em vẹo cả hông! Mà hễ em khóc là bị tát lệch cả đầu. Sau này thằng con tôi đổi đi những tỉnh xa, nên bà cháu  có muốn trở về quê cũng không được... Rồi  với làn sóng di cư vào Nam, gia đình chúng tôi theo sư đoàn 22 đổi lên xứ này được gần hai năm nay. Lên đây con dâu tôi xoay ra nghề bán gà vịt làm sẵn. Con Xíu  phải thức dậy từ  ba bốn giờ sáng, phụ với mợ nó nhóm lửa, bắt nước sôi, cắt tiết rồi nhổ lông hàng mấy chục con gà, con vịt. Xong xuôi nó còn phải gánh ra chợ. Bà nghĩ coi, một đứa bé mới mười ba, mười bốn tuổi đầu mà làm việc như tôi đòi, chẳng những không được xu nào mà chỉ nhận được những cát tát, cái đá, cái đạp, những câu mắng chửi tục tằn. Có lần bị đổ oan là ăn cắp tiền, con Xíu tức quá cãi lại. Thế là sẵn cầm con dao trong tay, mụ  ta chém bừa vào mặt con bé, máu tuôn xối xả! Thằng con tôi càng ngày càng sợ vợ nên cũng chẳng dám la rầy. Lần đó con Xíu định bỏ nhà trốn đi, nhưng thấy tôi khóc dữ quá nó đành cắn răng ở lại...
 
            Bà Năm nghe đến đây cũng thấy động lòng trắc ẩn, xót xa cho thân phận đứa trẻ chưa quen. Bà đứng lên rót mời người khách ly nước trà để giấu niềm cảm xúc. Bà cụ sau khi cám ơn, uống một hơi hết ly nước như để dằn nỗi thống khổ xuống tận đáy lòng... rồi kể tiếp:
            - Nhưng chuyện xảy ra mới đây khiến tôi lo lắng không yên. Cách đây ba hôm, trong khi đang làm gà, con Xíu đau bụng phải đi cầu, vì tối hôm trước nó ăn me chấm mắm ruốc nhiều quá. Mụ mợ dâu thấy con bé cứ đi cầu hoài bèn chửi mắng ỏm tỏi. Mụ ta sợ trễ phiên chợ sáng, mấy gian hàng bên cạnh giựt hết khách quen. Con bé từ khi bị mang vết sẹo trên mặt đã căm thù bà mợ thấu xương, bữa nay đang đau bụng lại bị chửi nên không dằn được, dấm dẳng trả lời lại. Thế là mụ ta vớ khúc củi cạnh đó bổ đại vào đầu con nhỏ. Con bé bất ngờ né không kịp, lãnh nguyên khúc củi vô đầu rách một đường dài, máu chảy ướt cả mặt rồi ngã xỉu bên cạnh bếp lửa. Mụ mợ dâu thấy vậy đâm hoảng, chạy lên nhà gọi chồng thức dậy đưa con Xíu vô nhà thương. Cả hai khai với Bác sĩ là con bé bị trượt chân ngã vô đống củi nên bị tét đầu! Bà xem có phải là thứ đồ vô lương tâm hay không? Nói xin bà tha lỗi, chứ con dâu của tôi đúng là thứ đáng bị voi giày ngựa xé mà!
 
            Bà Năm nghe đến đây cũng phải đồng ý là con mụ nọ đúng là thứ độc hơn... vịt Xiêm lai, hơn cả rắn hổ Chúa!. Bà gật  gù ra vẻ biểu đồng tình và khuyến khích bà cụ kể tiếp. Bà cụ thấy bà Năm tỏ ý thông cảm sâu xa với mình bèn hăng hái tiếp tục:
            - Tôi biết cả cái chợ Kontum này chỉ có hai bà là người từ trong Sàigòn ra. Tôi lại thấy hai bà thường thay phiên nhau về dưới đó cất hàng. Vì thế hôm nay tôi đánh liều đến đây cầu xin bà rủ lòng thương, giúp đỡ giùm...
            Bà Năm cắt ngang:
            - Nãy giờ nghe cụ kể tôi xúc động lắm, nhưng tôi không biết phải giúp con cháu gái cụ cách nào đây?
Bà cụ hấp háy cặp mắt kèm nhèm, có lẽ vì chúng  đã quá vất vả trong việc làm chảy ra không biết cơ man nào là giọt nước mắt đau thương:
- Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy bà. Bà cố gắng nghĩ hộ...
Bà Năm tay chống cằm, tư lự vài phút, bỗng mắt sáng lên:
- Tôi có cách rồi. Tôi sẽ đem cháu cụ về quê của tôi. Dưới đó tôi còn nhà tôi với hai đứa con. Xa xôi như vậy chắc con cụ không kiếm ra nó đâu.
Bà cụ đang buồn, nghe vậy cũng mừng như bắt được vàng, giọng run lên vì cảm động:
- Phúc đức quá. Cứ coi như tôi cho đứt bà đứa cháu gái của tôi. Cho nó về hầu hạ gia đình bà tôi thật yên tâm. Nếu còn ở lại đây, tôi chắc có ngày nó sẽ mất mạng vào tay cái con dâu trời đánh của tôi. Thật không biết nói sao để cảm tạ cái ân đức này!
 
            Nói xong bà cụ đứng dậy chắp tay định vái nữa, nhưng bà Năm đã lanh tay kéo cụ ngồi xuống, nói bà cụ đừng ngại, cứu một người bằng xây mấy kiểng chùa. Sau đó hai người bàn tính một hồi và đồng ý để con Xíu ở nhà thương thêm ít bữa. Một buổi tối sắp hết giờ thăm nuôi, bà cụ sẽ ngồi xích lô tới đậu sẵn trước cổng, con Xíu đi ra và họ sẽ tới thẳng tiệm bà Năm. Bà giấu con bé trên căn gác lửng sát nóc nhà. Hai hôm nữa mới có chuyến xe vận tải lên bỏ hàng và bà Năm sẽ theo chuyến xe này về Sai Gòn, mang theo con Xíu. Trong thời gian hai bữa này cả nhà cực kỳ hồi hộp. Nhứt là không hiểu vì cớ gì mà một người đàn ông trung niên cứ lảng vảng trước cửa tiệm! Bà Năm đã cẩn thận dặn bà nội con Xíu không được tới gặp nó. Mặc dầu sáng sớm mai mới khởi hành chuyến trở về Sàigòn, nửa đêm bà Năm nhờ cô cháu đứng canh chừng coi có người nào lảng vảng gần đó không mới vội vàng cho con Xíu leo vô nằm chờ sẵn trong thùng xe, mà tài xế Long đã cẩn thận cho đậu phía sau hè. May mà người tài xế này rất thân với chị em bà Năm nên mới dám nhận chở con Xíu...
            Chuyến đi trót lọt, ba hôm sau con bé được bà Năm dẫn về tới Phong Mỹ. Nó đã thoát khỏi nanh vuốt của bà  mợ, độc không thua gì rắn hổ mang! Bà Năm đổi tên cho nó là Hoa. Bà nói hy vọng từ đây cuộc đời con nhỏ sẽ tươi đẹp như cái tên mới của nó.
            Lạ người, lạ cảnh, lại nhớ bà ngoại nên cả tháng trời con nhỏ ngơ ngơ ngáo ngáo như người mất hồn. Hơn nữa cả chợ ai cũng tò mò muốn biết mặt con nhỏ "Bắc Kỳ", nên hàng ngày nhà của Thơ không bao giờ vắng khách tới chơi. Con Hoa cảm thấy vô cùng khó chịu trước những cặp mắt soi mói, những lời bình phẩm rất ư là tự nhiên của dân làng. Nó có cảm tưởng như mình là một con vật trong sở thú! Nó chưa hiểu tâm tánh của người dân Nam Kỳ, nhứt là ở thôn quê. Họ thiệt thà chất phác, nghĩ gì nói nấy, nhưng thâm tâm không ác chút nào.
 
 
            Hoa hơn Thơ ba tuổi nên Thơ gọi bằng chị, xưng em. Bà Năm có kể hoàn cảnh của Hoa cho cả nhà nghe, nên Thơ thấy thương người bạn mới thật tình. Về đây không phải thức khuya dậy sớm, làm việc cực nhọc như trước. Mỗi sáng nó quét dọn nhà rồi ra chợ mua đồ ăn sáng cho mọi người. Trưa chiều cũng chỉ lo phụ nấu hai bữa cơm, rửa chén, dọn dẹp rồi ẵm em đi chơi. Được ăn ngủ no đủ nên chỉ một năm sau là Hoa đã lột xác hẳn. Con nhỏ bắt đầu trổ mả. Da dẻ trắng trẻo mịn màng, mái tóc đen mun óng ả. Nó mập mạp hơn xưa nên cái miệng bớt hô. Đặc biệt là hai hàm răng trắng muốt. Gánh nước hàng ngày cũng là một môn thể thao tốt nên năm lên mười sáu Hoa có một thân hình nẩy nở căng tràn sức sống. Cô nàng lại có một cái tướng đi hết sức đặc biệt: nẩy bộ ngực căng tròn, chắc nịch ra phía trước và cặp mông  tròn trịa cong vêu ra sau coi thiệt khêu gợi. Nó còn tỉa gọn cặp lông mày vốn rậm đen để tăng thêm nét đẹp cho cặp mắt sắc như dao. Tụi con trai ở chợ cũng bắt đầu buông lời chọc ghẹo. Ở đây, nó cảm thấy yên tâm và hạnh phúc. Tuy vậy, thỉnh thoảng cái dĩ vãng đau thương vẫn còn hiện về ám ảnh.  Nhiều đêm Hoa giãy giụa, miệng ú ớ hoặc bật khóc nức nở trong mơ khiến Thơ phải lay nó dậy!
 
            Cách nhà Thơ một căn, sát mé sông là tiệm lu hũ, cà ràng, nồi niêu, chén bát...  của chú thím Tám Di. Chú thím có ba người con, thằng trưởng nam tên Dư. Không biết vì lý do gì, lúc mới chào đời Dư cũng bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn nó càng thay đổi kỳ cục. Mái tóc như rễ tre, mọc tràn lan xuống tận ót như lông một con khỉ. Nó phát âm không rõ ràng nên người ta phải chú ý và đoán thêm mới biết nó muốn nói gì. Tuy hơi dị hợm nhưng Dư cũng có một trái tim biết rung động y chang những chàng trai khác. Cậu ta để ý yêu con Hoa. Phía sau hè nhà Dư là bến sông, mỗi ngày Hoa đều phải xuống đó khi thì để giặt đồ, khi thì rửa chén, gánh nước. Anh chàng Dư canh me người trong mộng, thấy nàng bưng rổ chén hay thau đồ xuống là cậu ta chàng ràng ở đó cả buổi để nói chuyện, tuy rằng mười câu của cậu nói, người đối diện hiểu chưa tới năm câu! Thường thường cậu còn mời con Hoa cái bánh cam, gói bánh bèo, hoặc ổi, xoài, cóc... Hoa đâu có ngờ  Dư  thương mình nên bao giờ cũng vui vẻ nhận. Cho đến một hôm, cơm chiều xong tự nhiên thấy vợ chồng chú Tám Di tới chơi. Ba của Thơ cũng mời trà nước đàng hoàng. Nói chuyện trên trời dưới đất một hồi, thím Tám mới mở lời xin hỏi con Hoa cho thằng Dư. Thím nói thằng nhỏ năm nay cũng hai mươi rồi. Tuy nó không được khôn lanh bằng anh em cùng trang lứa, nhưng hiền lành, siêng năng lắm. Nếu con Hoa chịu ưng thằng Dư, chú thím sẽ mở cho tụi nó một tiệm chạp phô.
 
Sau khi được "ráp bo" lời cầu hôn của "thằng" Dư, Hoa  giẫy nẩy:
            - Thôi, con không chịu  lấy thằng khờ đó đâu. Coi nó ghê thấy mồ!
            Chị dâu của Thơ háy:
            - Mày ngu lắm. Ba má nó giàu. Họ sẽ cho mày cái tiệm, làm bà chủ khỏe re. Tao hỏi mày, ở cái chợ này có đứa nào mới mười bảy tuổi mà được làm bà chủ tiệm chưa, hả con khờ?
            Hoa vẫn giữ vững lập trường:
            - Em không cần cái tiệm. Em ưng nó rồi sau này đẻ ra một lũ con giống nó thì chết!
            Chị dâu Thơ bực mình hứ cái cốc:
            - Thây kệ mày. Tao muốn cho mày sướng nên mới khuyên, mày hổng chịu thì thôi. Mai mốt khổ đừng có than trời trách đất, hối hận nọ kia.
 
Chị dâu Thơ đâu có biết cái con Hoa "ngu đần" đã thương thầm thằng Hiếu, con trai út chú chệt Lường chủ tiệm thuốc bắc cách nhà Thơ năm căn. Số là ba má Thơ  nhận nuôi con Hoa như một đứa cháu chớ không phải người làm, nên không trả lương. Mỗi dịp Tết có lì xì và hai bộ quần áo mới. Tiền tiêu vặt thì Hoa tự kiếm lấy. Vì vậy tối tối con nhỏ nhận gánh nước mướn cho nhiều gia đình ở chợ để kiếm chút đỉnh tiền dằn túi. Trong số đó có gia đình chú Lường. Chú người Tàu nhưng thím người Việt. Thằng Hiếu cũng mười bảy tuổi, rất đẹp trai. Thím Lường cưng thằng con trai út như vàng như ngọc, có món ngon vật lạ gì cũng để dành cho cục cưng, vì vậy mà cậu ta cao lớn, tràn trề sinh lực. Bình thường thím giữ rịt thằng con trong nhà. Ngay từ nhỏ thím đã không cho nó tắm sông sợ chết đuối, không cho trèo cây sợ té gãy tay gãy chân. Lớn lên một chút cũng không cho đi tụ tập với bạn bè sợ sanh tật hút thuốc, uống rượu. Tóm lại, thím bảo vệ thằng con như người ta giữ gìn viên ngọc quý. Tối ngày nó lúc thúc ở nhà giúp cha  xắt thuốc và học hốt thuốc. Ba lần một tuần Hoa gánh nước cho nhà chú Lường. Hiếu gặp Hoa thì đôi khi cũng trửng giỡn vài ba câu vô thưởng vô phạt. Nhưng cái mã đẹp trai của cậu ta đã làm con tim của Hoa rung động bồi hồi. Mỗi lần chạm mặt Hiếu là Hoa toe toét cười, cốt khoe hai hàm răng trắng như ngà. Những cái chớp, cái liếc mắt đầy ý nghĩa. Nhưng Hiếu là trai mới lớn, lại bị mẹ giữ rịt trong nhà nên còn rất ngây thơ vô tội. Cậu không hiểu những "si nhan" mà con nhỏ si tình cố ý gởi cho cậu.
 
Tới một buổi tối kia, Hoa đang gánh nước thì trời bỗng đổ mưa, nhưng nó vẫn tiếp tục gánh tới nhà chú Lường. Từ hai bữa nay thím Lường đi Châu Đốc nuôi chị thằng Hiếu mới sanh, nên khi Hoa đập cửa sau, chính thằng Hiếu ra mở. Thấy trời còn mưa lại biết thím Lường đi vắng, con nhỏ mừng lắm, hỏi rằng nó có thể ở lại chờ mưa dứt hay không. Lẽ dĩ nhiên thằng Hiếu không đành từ chối. Con Hoa õng ẹo đi tới đi lui. Nó cố ý để phía bên mặt có vết thẹo chìm vào bóng tối của cây đèn ống khói. Bộ quần áo ướt dán chặt vào người khiến những đường cong hiện ra lồ lộ dưới ánh đèn. Hiếu ngây người ra nhìn bộ ngực căng tròn của con Hoa phập phồng dưới làn vải ướt. Tim nó bắt đầu nhảy thình thịch. Hiếu chưa bao giờ nhìn thấy cơ thể một người đàn bà hấp dẫn như vậy nên buột miệng:
            - Đẹp quá!
            Con Hoa ỡm ờ:
            - Thiệt không?
            Hiếu bối rối:
            - Thiệt!
Tuy biết chú Lường ở nhà trên, nhưng con Hoa cũng đưa mắt nhìn về hướng đó cho chắc ăn, rồi đột ngột cầm tay thằng Hiếu đặt lên ngực mình. Cậu ta hết hồn muốn rút tay lại, nhưng con Hoa giữ chặt cứng, miệng cười cười như muốn nói bình tĩnh đi. Có gì mà sợ!
Lần đầu tiên mới "bị" tiếp xúc với cơ thể một đứa con gái, thằng Hiếu vụng về lắm và mắc cỡ nữa. Nhưng cái cảm giác mềm mại và ấm áp khiến nó cảm thấy thích thú nên dần dần trở nên bạo dạn. Con Hoa thấy cu cậu muốn tiến thêm thì cười thành tiếng, rồi nhẹ nhàng hất tay thằng Hiếu ra, cúi xuống quảy cặp thùng không bước ra ngoài, sau khi ném lại lời hứa hẹn:
            - Mốt gặp!
             Hiếu chỉ biết đứng đực mặt ra nhìn theo bóng con Hoa. Tuy chẳng có chút cảm tình riêng gì với nhỏ này nhưng nó cũng thấy rạo rực, nôn nao. Nghĩ tới cái hẹn sắp tới cậu ta bỗng cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn lên...
            Hoa tuy thương thằng Hiếu nhưng cũng biết khôn, chỉ cho cậu ta hun hít, vuốt ve chút đỉnh mà thôi. Hơn nữa trong nhà dù gì cũng còn chú Lường, tuy giờ đó chú chỉ ở nhà trên đọc sách thuốc. Mỗi tối con Hoa đều thì thầm kể cho Thơ nghe chuyện nó với thằng Hiếu. Thơ dặn chị Hoa phải coi chừng thím Lường. Bả có tiếng là dữ tợn ở chợ này đó. Con Hoa chỉ cười. Tình yêu vốn mù lòa!
 
            Thím Lường trở về nhà sau một tháng nuôi con gái nằm chỗ bên Châu Đốc. Vậy là hai đứa hết cơ hội gặp mặt. Con Hoa bứt rứt lắm. Nó nghĩ mãi, sau cùng phải nhờ Thơ viết mấy chữ hẹn trưa mai, sau mười hai giờ sẽ gặp thằng Hiếu ở trong cái đồn lính bỏ hoang. Đây là một cái đồn lính địa phương quân nằm phía sau dãy phố chợ, cách hai nhà chừng trăm thước. Lính dời về đồn mới đặt dưới kinh sáng cho tiện việc giao thông. Thiên hạ hay ngủ trưa sau bữa cơm, nên hẹn giờ đó không sợ gặp ai. Con Hoa phải mất hai đồng Thơ mới chịu giả bộ tới tiệm chú Lường mua táo tàu rồi kín đáo nhét bức thơ vô tay thằng Hiếu...
            Hai đứa lén lút gặp nhau đâu được hai, ba lần như vậy. Một buổi trưa, Thơ đang còn lơ mơ trên giường thì có tiếng ồn ào trước cửa. Thơ vội vàng chạy ra thì cha mẹ ơi, bàn tay thím Lường đang ngoay mớ tóc dài đen mượt của con Hoa! Thím lôi đầu con nhỏ vô trong tiệm may, miệng la lớn:
            - Anh Năm đâu rồi. Làm ơn ra đây coi con ngựa bà này dụ dỗ thằng con của tui đây nè.
            Con Hoa phần đau đớn, phần nhục nhã với mấy cô học may trong tiệm, nước mắt nước mũi tèm lem, luôn miệng năn nỉ:
            - Đau quá. Thím làm ơn thả con ra đi.
            Thím Lường trợn mắt, nghiến răng trèo trẹo:
            - Thả mày ra hả con dịch vật? Tao còn muốn đánh cho mày lọt... trứng ra tao mới hả giận. Mày dám dụ dỗ con trai tao là mầy tới số rồi đó con ơi!
            Đúng lúc đó ông Năm từ trên gác đi xuống. Thấy thím Lường còn gịt đầu con Hoa, ông nhỏ nhẹ:
            - Chuyện đâu còn có đó. Tui xin thím vui lòng buông tóc con Hoa ra rồi mình nói chuyện sau. Coi chừng  gãy cổ nó đa.
            Thím Lường buông tay không nắm tóc, nhưng xô đầu con Hoa một cái thiệt mạnh khiến con nhỏ té nhủi xuống đất. Nó lồm cồm ngồi dậy rồi lủi ra nhà sau. Thím Lường phân bua:
            - Tui nể anh lắm mới không đánh cho nó một trận. Thứ đồ trôi sông lạc chợ mà dám thậm thụt với thằng con của tui. Anh Năm có biết hôn, nó hẹn hò tò tí với thằng Hiếu ở trong bót kia kìa. Tui thấy buổi trưa thằng Hiếu cứ lén lút đi đâu đó, nên rình theo bắt được tại trận. May mà tụi nó mới chờn vờn chớ chưa đi tới cái "chiện" kia. Con ngựa bà này tính dụ con tui để moi tiền chớ gì. Tui nói thiệt, hạng nó chưa đáng xách dép cho thằng con của tui, chớ đừng nói tới lấy nó! Anh phải cấm con quỉ cái đó không được gặp thằng Hiếu nữa. Nếu không, tui mà bắt được sẽ cạo đầu khô tô dầu rái nó đó. Liệu hồn! Ờ quên, mấy lần trước tụi nó có làm gì không thì tui hổng biết, rủi mà sau này nó có bầu tui cũng đách thèm nhận đâu nghen. Cho mấy người hay trước!
 
            Nói xong bà ta ngoe ngoảy bỏ về. Đám đông bu trước cửa nãy giờ cũng giải tán. Ông Năm lắc đầu thở dài ngao ngán, đi xuống bếp kiếm con Hoa. Ông thấy nó ngồi trên chiếc chõng tre, gục đầu khóc rấm rứt. Thơ ngồi bên cạnh mặt mày buồn thiu. Ông nhẹ nhàng khuyên nhủ con Hoa đừng tơ tưởng tới cái thằng Hiếu công tử bột đó nữa. Ông cũng nhắc tới lời hăm dọa nẩy lửa của thím Lường rồi nói: - bà nầy dám nói dám làm lắm đa bây!
            Chị dâu của Thơ còn tố thêm:
            - Xí, chê thằng Dư ngốc nghếch. Ham cái mã đẹp trai mới ra nông nỗi! Tao đã nói tố nào theo tố nấy, nồi nào úp vung nấy mà mầy đâu có thèm nghe. Người ta nói củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài. Mầy ham mấy đứa đẹp trai để về làm mọi cho nó hả? Đồ ngu!
Hoa nghe chưởi càng đau lòng, khóc hù hụ. Buổi chiều con nhỏ bỏ cơm. Thơ nói sao nó cũng lắc đầu, nói buồn quá nuốt không vô... Những ngày sau đó Hoa ở lỳ trong nhà không dám vác mặt đi đâu hết. Cả cái chợ nhỏ bằng bụm tay này ai cũng biết chuyện nó "dụ dỗ" thằng Hiếu. Dĩ nhiên là nhờ cái đài "vô tuyến truyền miệng" của thím Lường! Thằng Hiếu có thương yêu gì con Hoa đâu. Nó là trai mới lớn, như con mèo đói  bỗng nhiên có một cục mỡ ngon lành, thơm tho bày sờ sờ trước miệng như vậy bộ ngu sao không xực liền. Vì vậy nó vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra...
 
            Bà Năm về thăm nhà nghe kể chuyện này cũng la con Hoa một trận. Nhưng sau đó nhờ có chuyện vui nên cũng bỏ qua. Bà nói với chồng:
            - Nhờ trúng mấy xe gạo liên tiếp, bây giờ  tui đã mở một tiệm gạo riêng. Chắc phải nhờ tới ông lên phụ, chớ mướn người làm không tin được. Hơn nữa con Thơ sắp lên Trung học. Trên đó có trường Sơ tốt lắm. Con Hoa cũng đi theo mình luôn.
            Hoa nghe tới đó tái xanh mặt mày:
            - Con trở lên đó rủi gặp lại mợ con...
            Bà Năm cười, trấn an:
            - Mày khỏi lo. Cậu mợ mày đổi xuống Bình Định rồi. Mấy tháng trước bà ngoại mày có ra chợ từ giã tao. Bả cũng khỏe. Nghe nói mày lớn xộn, bình yên bả mừng lắm.
Một tuần sau ông bà Năm Tú dẫn Hoa và Thơ trực chỉ Kontum. Nơi đây không xa lạ với Hoa, nhưng là cả một thế giới lạ lẫm đối với Thơ. Những ngọn núi xanh lam bao phủ bởi lớp mây mù buổi sớm, giòng sông Dakbla ôm gọn cái thành phố nhỏ xinh, hàng phượng vỹ đỏ rực nghiêng mình soi bóng trên giòng nước bạc... đã làm cô nhỏ ngẩn ngơ. Cô thấy thương mến ngay cái thành phố mà cô sẽ sinh sống.
 
            Ông bà Năm thuê một căn nhà gạch sạch sẽ khang trang trên đường Cường Để. Ông bà một phòng, Hoa Thơ một phòng. Căn nhà trống bên cạnh làm kho chứa hàng hóa. Chủ nhà có trại mộc nằm cạnh kho hàng. Muốn đi tới nhà cầu công cộng dành cho hai dãy nhà cho thuê, mọi người phải đi ngang qua trại mộc. Ở trại này, ngoài ông chủ đứng tuổi và hai cậu con trai đã lập gia đình, còn có hai người thợ trẻ gọi ông chủ bằng chú. Sang mười chín tuổi. Cậu ta nhỏ thó lại mắt hí, mỏ nhọn. Tuy ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều là Sang tắm rửa, diện quần áo láng cóng, đầu xức brillantine bóng nhẫy... nhưng vẫn không phát tiết được một ly ông cụ cái gọi là sang trọng nào cả! Trái lại Hưng, một thanh niên hăm hai tuổi, cường tráng, cao lớn trắng trẻo, ăn nói lại duyên dáng hấp dẫn. Cậu này không lúc nào vắng con gái tới kiếm. Suốt ngày trại mộc ồn ào tiếng cưa, đục, bào, đóng đinh... lẫn tiếng cười đùa vui vẻ của đám thợ trẻ. Đám thợ ăn và ngủ luôn ở đây.
 
 
            Suốt sáu căn nhà cho thuê, ngoại trừ mấy đứa còn  lóc chóc như Thơ, con Hạnh con chú Tịnh ở dãy nhà sau mới lên mười, con Yến con chú Sơn lên mười hai... chỉ có Hoa là lớn.
            Sau vụ xộn xộn ở Phong Mỹ, bà Năm đã nhiều lần cảnh cáo con Hoa. Bà khuyên nó phải biết chọn mặt gởi vàng. Đừng bước lên những vết chân cũ mà khổ. Bà còn bắt nó mỗi lần cần đi nhà vệ sinh thì phải chịu khó đi bọc dãy phố phía sau, đừng đi tắt ngang qua trại mộc. Dưới mắt bà, mấy thằng con trai ở đó thuộc thành phần nguy hiểm cần tránh xa. Hoa nghe tới đâu thì vâng dạ tới đó. Hơn nữa vết thương lòng còn mới quá, chưa hết rỉ máu, cô còn lòng dạ nào nghĩ tới đàn ông con trai. Nghe vậy bà Năm cũng yên tâm. Công chuyện buôn bán  khiến bà mệt nhoài, sức đâu mà lo thêm nữa. Nó lớn rồi, cũng biết có thân thì phải lo...
 
...Thơ không hiểu sao lúc này anh Sang cứ rề rề theo làm quen với nhỏ hoài. Anh còn tặng cho Thơ cái gùi nhỏ xíu rất xinh mua của những người Rahdé từ trong làng Thượng đem ra bán. Rồi anh hỏi thăm Thơ về chị Hoa. Con nhỏ thiệt thà biết gì nói nấy. Cho đến một hôm Sang nhờ Thơ đưa cho chị Hoa một bức thơ. Dĩ nhiên bức thơ có kèm thêm bọc kẹo mè xửng trả công cho người đưa. Chị Hoa nhờ Thơ đọc giùm, vì từ nhỏ cô làm gì có cái may mắn cắp sách đến trường. Té ra là một bức thơ tình. Hoa nghe xong bèn cầm lá thơ xé cái rẹt. Thấy Thơ trố mắt nhìn, Hoa nhếch mép cười khinh bỉ:
            - Cái thằng mặt chuột  mà cũng bày đặt tán người ta. Ai mà thèm!
            Thơ nghĩ thầm chị chê anh Sang mặt choắt, còn cái thẹo trên mặt chị thì tính sao? Đúng là chồn chê chuột hôi! Con nhỏ nghĩ vậy thôi chớ đời nào dám nói ra miệng. Sang theo Hoa mấy tháng liền, bỗng một ngày đẹp trời cậu ta đụng mặt Hoa và Thơ trên đường từ chợ về, Thơ chào nhưng cậu ta mặt lạnh như tiền, ngó lơ chớ không vồn vã như trước (?!)
 
            ... Rồi Thơ để ý, nhiều đêm giựt mình thức dậy không thấy Hoa đâu hết. Sáng ra có hỏi thì Hoa trả lời rằng tối qua đau bụng phải đi  cầu. Thơ nêu thắc mắc:
            - Sao chị đau bụng hoài vậy?
            Hoa tặc lưỡi:
            -Ừ kỳ ghê, cái bụng của chị lúc này hay trở chứng lắm!
            Và từ cái sự đau bao tử, Hoa đột nhiên mắc chứng ói mửa. Ăn món gì là lát sau ói thốc ói tháo ra hết! Bà Năm thấy vậy biểu đi khám Bác Sĩ thì Hoa thối thác:
            - Không sao đâu dì. Ít bữa là con khỏi.
            Nhưng có điều kỳ lạ là Thơ thấy cái bụng của chị Hoa hình như bị chướng lên. Ở chung phòng nên cái chuyện thay quần áo trước mặt nhau là thường. Một buổi sáng Thơ còn nằm nướng trên giường, Hoa đứng thay áo gần đó. Cô đứng nghiêng nên Thơ thấy cái bụng của Hoa lum lúp chớ không xẹp lép như trước. Lúc này vào mùa đông, ban ngày Hoa mặc áo lạnh rộng thùng thình nên Thơ không để ý. Con nhỏ kêu lên:
            - Ủa, bụng của chị...
            Chưa dứt câu, cái miệng của Thơ đã bị Hoa bịt lại. Cô nói nhỏ:
            - Đừng nói lớn rủi dì nghe được thì chết chị...
 
            Nói tới đây Hoa bỗng nhào xuống ôm chặt Thơ, nghẹn ngào khóc:
            - Thơ ơi, chị có bầu rồi!
            - Hả!? Chị có bầu với anh Sang? Thơ thảng thốt hỏi.
            - Không , không phải Sang. Là anh Hưng!
            Thơ không hiểu gì hết. Chưa bao giờ nó thấy anh Hưng nói chuyện với chị Hoa. Chuyện gì mà rắc rối vậy cà? Con nhỏ chợt nhớ:
            - Thôi em biết rồi. Mấy đêm chị nói đi cầu là tới trại mộc phải không?
            - Ừ. Hoa thút thít. Anh Hưng nói sẽ thưa với chú ảnh tới nhà mình hỏi cưới chị. Mà cả tháng rồi cũng không thấy nhúc nhích gì hết. Chị có thúc thì ảnh lại hẹn. Thơ ơi, chị khổ quá. Không biết tính sao bây giờ! Anh Hưng dặn chị đừng cho ai biết... Dì mà hay chắc chị chết quá!
            Nhưng Thơ nghĩ không lẽ mẹ sẽ giết chị Hoa? Hơn nữa  bà là người rất yếu lòng và nhứt là cái bí mật to lớn như vậy làm sao Thơ giữ cho nổi?!
 
            Tối đó cơm nước xong, bà Năm đang ngồi đếm  số tiền thâu được trong ngày thì Thơ xề xuống bên cạnh, ngập ngừng một hồi rồi lấy hết can đảm báo tin Hoa có bầu. Bà Năm không tin ở lỗ tai mình, hầm hầm biểu Thơ kêu con Hoa lên cho bà hỏi. Con nhỏ đang rửa chén, nghe Thơ biểu lên gặp má thì phát run như người lên cơn sốt rét. Thơ phải thì thầm chị can đảm lên. Chịu má chưởi một hồi rồi thôi.
            Trước sự dại dột to như cái đình này, bà Năm cảm thấy ngao ngán cách gì. Bà hiểu rằng với cái bản tánh mềm như bún thiu trước mấy thằng đàn ông đẹp trai của Hoa, thì nếu không "hư" vào tay thằng Hưng, nó cũng sẽ rơi vào tay một thằng khác. Huống hồ thằng này vừa bảnh trai lại vừa đĩ miệng! Sau khi chưởi cho một trận trời long đất lở và kiểm chứng đàng hoàng, bà Năm sai Thơ ra trại mộc nói riêng với Hưng tới gặp bà có chuyện cần.
            Hưng tới với bộ dạng khép nép. Mặt hơi hoảng hốt khi thấy Hoa ngồi đó, cặp mắt đỏ hoe. Cậu ta không chối đã có "quan hệ thân mật" với Hoa từ mấy tháng nay, nhưng về chuyện cái bầu thì hắn không dám bảo đảm là... của hắn! Hoa nghe câu nói này thì òa lên khóc. Vừa khóc vừa thề bán mạng rằng giọt máu đó đích thị là của Hưng. Hắn chỉ ngồi im, miệng mím lại có vẻ suy tư!. Bà Năm biết thằng lưu manh này tính chạy làng đây. Tuy giận tím gan, nhưng bà ráng dằn xuống, ôn tồn nói:
           - Theo tui biết thì từ khi ở nhà này, có nghĩa là cả năm rồi, con Hoa chỉ quen có mình cậu. Vậy thì không thể nghi ngờ nó có bầu với người nào khác. Tui biết cậu cũng không muốn  chuyện này xảy ra. Nhưng bây giờ lỡ rồi, cậu cũng nên gánh phần trách nhiệm. Nghe nói phải gánh trách nhiệm, Hưng mở miệng định nói gì đó. Bà Năm đoán biết hắn muốn phản đối nên khoát tay ra dấu bảo im... Nói thiệt, tui coi con Hoa như cháu ruột trong nhà. Bề gì tui cũng nuôi nó bốn, năm năm nay. Bây giờ nếu hai đứa tính ăn đời ở kiếp với nhau thì cậu về thưa lại với chú của cậu. Tui sẽ đứng ra tổ chức một bữa tiệc thân mật đãi hai bên. Cậu đi kiếm mướn một căn nhà nho nhỏ. Tui sẽ cho con Hoa một số vốn, coi như của hồi môn - Bà khôn ngoan nói ra một con số không tệ - Nếu chịu khó làm ăn, hai vợ chồng khá lên mấy hồi. Thôi bây giờ cậu về suy nghĩ cho kỹ. Nhớ  là phải giải quyết chuyện này sớm sớm, chớ cái bụng con Hoa không chờ được lâu!
 
            Hưng chào bà Năm ra về sau khi đã ném cho Hoa một cái nhìn không được âu yếm  gì cho lắm. Hoa ngước mắt  nhìn theo, mặt rầu rĩ! Thơ tức tối:
            - Sao ảnh kỳ quá vậy?
            Bà Năm hằn học:
            - Đàn ông vậy đó. Ăn vụng đã rồi chùi mép chớ sao. Có hao mòn gì đâu?  Cái con đần độn này,  tối ngày chỉ thích đâm đầu vô ba cái chuyện rắc rối!
            - Con sợ lắm rồi dì!  Hoa cúi đầu nói nho nhỏ.
            Không biết có phải nhờ số tiền bà Năm hứa cho Hoa "thơm" quá hay không mà hai bữa sau Hưng đưa chú tới xin cưới con Hoa. Bà Năm tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ đãi hai gia đình, coi như hợp thức hóa đứa con trong bụng. Sang ngồi ăn, không nói gì, chỉ thỉnh thoảng nhếch mép cười. Nụ cười đầy vẻ bí hiểm, mỉa mai! Hoa thì sung sướng lắm, nói cười luôn miệng khiến Thơ cũng vui lây. Họ thuê nhà gần Chùa Cổ Sơn Môn. Trong khi chờ  khai hoa nở nhụy, Hoa hằng ngày vẫn tới phụ bán hàng với bà Năm. Cuối tháng bà trả tiền công như một người giúp việc. Hoa khoe với Thơ là hai vợ chồng hạnh phúc lắm. Anh Hưng rất chiều chuộng chị vv...và ...vv...Thơ mừng cho chị, tuy thỉnh thoảng vẫn bị nụ cười khó hiểu của Sang ám ảnh.
 
            Rồi thằng Đức ra đời. Nó giống Hưng như khuôn đúc. Bây giờ thì cậu ta hết đường chối. Thằng nhỏ trắng trẻo dễ thương, chỉ ăn rồi ngủ. Hoa như bơi trong hạnh phúc. Sau khi sanh thằng Đức, Hoa ở nhà nuôi con. Lúc thằng nhỏ được đâu một năm thì gia đình bắt đầu nổi sóng. Hoa không kể lể gì hết, nhưng mỗi lần cô ẵm con tới chơi Thơ lại để ý thấy Hoa tiều tụy đi một chút. Một hôm không kềm nổi, Thơ hỏi thẳng chắc là có chuyện gì rồi phải không? Hoa cúi gằm mặt không trả lời, hai hàng nước mắt chảy dài.
            - Lại anh Hưng? Thơ hỏi gằn.
            Hoa không nói chỉ gật đầu. Thơ hít một hơi mạnh như ráng dằn cơn tức đang trào lên.
            - Ảnh làm gì chị?
            - Mấy tháng nay ảnh kỳ lắm. Chị nghi anh Hưng có người khác rồi Thơ à! Ảnh cứ đi vắng hoài. Chị hỏi thì ảnh nói đi nhậu nhẹt với bạn. Số tiền dì cho chị hồi đám cưới đó, chị cũng đưa anh Hưng cất. Tháng rồi chị hỏi lấy lại một ít để mua đồ, thì ảnh nói là số tiền đó một phần ảnh lỡ thua bài, một phần cho bạn mượn làm ăn! Chị nghe mà thiếu điều muốn xỉu luôn. Chị khóc quá trời, trách ảnh không thương chị, không thương con thì ảnh nói chị coi trọng đồng tiền hơn ảnh. Từ bữa đó, anh Hưng ra mặt hắt hủi chị. Có đêm ảnh không thèm về nhà!
            - Thôi được, để em điều tra vụ này cho chị. Thơ hứa.
 
            Rồi Thơ đi kiếm Sang "mặt chuột". Thì ra, từ lâu Hưng vẫn bồ bịch với một cô chiêu đãi ở quán Chiều Tím. Cô ta đẹp sắc sảo và "ngón nghề" thì hết biết luôn! Hưng mê cô ả lắm, muốn cưới làm vợ, nhưng ông chú nhứt định phản đối. Cô ta chài Hưng không được thì đi cặp bồ với người khác. Hưng đang thất tình thì Hoa dẫn xác tới. Chính Hoa là người liếc mắt đưa tình với Hưng trước. Cậu ta nghĩ là chơi qua đường chớ không ngờ Hoa lại dính cái bầu. Hưng lấy Hoa vì số tiền bà Năm cho, mà cũng vì bị ông chú ép. Ông không muốn cậu ta bỏ rơi giọt máu của mình. Hưng dùng số tiền của vợ để níu kéo cô bồ cũ. Mướn nhà cho cô ả, sắm sửa đủ thứ còn sang trọng hơn nhà của mình. Cô  ta cứ làm eo làm sách  để moi tiền của Hưng. Vì vậy số tiền Hoa gởi, trong vòng một năm đã đội nón ra đi không hẹn ngày trở lại!.. Hiện tại Hưng sống hầu như công khai với cô đó. Sang kể xong, cay đắng kết luận:
            - Thơ thấy không, hồi đó anh thương cô Hoa là thương thiệt tình. Tại cổ chê anh xấu xí, ham người đẹp trai nên mới có ngày hôm nay! Nhưng dầu sao anh cũng không mong cổ khổ.
            Hoa và Hưng cãi nhau một trận kịch liệt. Hưng đổ lỳ nói thẳng là tôi chưa bao giờ thương yêu cô cả. Tại "họ" ép tôi cưới cô. Từ đây tôi muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Cô  tuyệt đối không được ghen tương, hạch hỏi. Nếu không chịu thì chia tay.

            Hoa ráng chịu đựng thêm vài tháng rồi cũng phải chia tay với thằng chồng đểu cáng. Hết tiền, Hoa không biết làm sao đành ôm con tới khóc với bà Năm. Bà thương hại bỏ tiền ra mở cho Hoa một cái sạp bán cơm ở góc chợ, tại ngã tư Lê Thánh Tôn- Trình Minh Thế. Khúc đường đó thiên hạ qua lại tấp nập. Nhờ bà Năm truyền nghề nên Hoa nấu ăn rất ngon. Sườn nướng, thịt kho cứ là thơm lừng cả góc phố... Người ăn tại chỗ, kẻ mua đem về nườm nượp. Chỉ vài tháng là Hoa trả vốn lại cho bà Năm. Cô lần lần cũng nguôi ngoai chuyện cũ. Nụ cười đã nở lại môi... Trong đám người ăn thường trực ở đó có một anh đạp xích lô tên Minh, tuổi độ hăm sáu hăm bảy gì đó. Anh ta từ Quảng Ngãi lên kiếm sống ở đây. Người khá tầm thước chỉ tội đen đúa vì suốt ngày đạp xe ngoài đường. Anh chàng còn độc thân, làm được bao nhiêu tiền, phần lớn gởi về quê giúp đỡ cha mẹ già. Một anh nữa là trung sĩ Tâm, từ Nha Trang đổi lên. Tâm cỡ ba mươi tuổi, cao lớn, trong bộ đồ nhà binh, với cái cánh gà trên vai, anh ta khá thu hút đối với phái nữ. Tâm không giấu rằng vợ mình "khuất núi" khi có ai hỏi tới. Cả hai người đều có tình ý với Hoa. Nhưng ai chiếm thượng phong thì mọi người đều đoán được. Dĩa cơm của Trung sĩ Tâm bao giờ cũng " phong phú" hơn  của những người khác. Có bữa còn được cô chủ đãi thêm chai bia 33. Còn chuyện "à la ghi" cuối tháng mới tính tiền là thường.

Lâu lâu chàng về Nha Trang thăm nhà, Hoa nhắc liền miệng và đếm từng ngày, coi bộ nhớ nhung dữ lắm. Nhưng nói thiệt, sao Thơ vẫn thấy có cảm tình với cái vẻ trầm trầm hiền lành của Minh hơn là cái bộ mặt nhơn nhơn, nụ cười đểu đểu của trung sĩ Minh. Nhưng con tim nó có những lý lẽ riêng của nó, Hoa bỏ ngoài tai những  ý kiến "kém xây dựng" của Thơ! Rồi cũng tới giai đoạn chàng Trung sĩ bảnh trai dọn về ở chung với mẹ con Hoa. Bà Năm nhắc nhở rằng thằng này ở xa tới, mình không biết gốc gác, coi chừng bị gạt. Hoa chỉ cười nói Dì đừng lo, ảnh thương con lắm. Lần nầy con chắc là chọn không lầm người đâu. Cô còn mua cho Tâm chiếc xe gắn máy để thế chiếc xe đạp cà tàng. Hoa được mọi người gọi là bà trung sĩ khoái chí cười híp mắt. Cô hạnh phúc lắm. Chỉ có điều mỗi lần Tâm về Nha Trang thăm nhà, cô ngỏ ý muốn theo cho biết đều bị anh ta khéo léo tìm lý do để cản. Hoa chỉ còn nước mua cả đống quà cáp cho anh ta đem về biếu cha mẹ. Có khi còn nhét thêm tiền để anh tiêu dọc đường. Tâm từ chối lấy lệ rồi cũng nhận... Hoa mặc cảm mình là đàn bà có con nên cũng không dám đòi hỏi nhiều. Cô thấy hạnh phúc với những gì Tâm đem đến, không hề thắt mắc những chuyện khác. Thơ tò mò hỏi sao anh Tâm chưa đưa chị về ra mắt ba mẹ ảnh thì Hoa cười, nhưng giọng nói không giấu được chút ngậm ngùi:
            - Anh Tâm nói cứ để từ từ. Ba mẹ ảnh còn cổ lắm. Nếu biết chị đã có chồng trước sợ ông bà không chịu. Thôi, tại chị thương ảnh quá nên cũng đành! Vậy Thơ còn biết nói sao?!

            ...Sáng chúa nhựt tự nhiên Thơ thèm ăn cơm tấm bì nên sai Lệ, con nhỏ người làm, xách dĩa ra sạp cơm của Hoa mua. Lát sau Lệ về nói bữa nay chị Hoa không dọn hàng. Thơ cau mày tự hỏi không biết Hoa đau hay có việc gì? Uống xong ly sữa chocolat, Thơ lấy xe đạp chạy lên nhà Hoa. Thơ gõ cửa, đợi một hồi không thấy tiếng trả lời, liền xô thử. Cánh cửa chỉ đóng chớ không khóa. Thơ bước vô nhà,  cảnh tượng hoang tàng trước mắt khiến Thơ khựng lại. Cái radio móp méo nằm lăn lóc dưới đất. Mấy chiếc ghế chỏng gọng mỗi nơi một cái. Bộ salon bị rạch lằn ngang lằn dọc lòi cả mousse ra ngoài. Mấy tấm hình chụp Hoa- Tâm và thằng cu Đức cười toe toét  hôm Tết, được treo trang trọng trên vách, bây giờ cũng nằm nát tan dưới gạch. Thơ vừa kêu chị Hoa vừa chạy vội vào buồng ngủ. Hoa nằm bất động trên giường, hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà, mái tóc đẹp đẽ hôm nào giờ đây đã bị cắt nham nhỡ, mặt mày bầm tím. Thằng Đức ngồi bên cạnh mẹ, trên mặt còn lộ nét sợ hãi. Thấy Thơ nó khóc òa, miệng kêu dì Thơ... dì Thơ. Thơ bước tới ngồi xuống giường, cầm tay Hoa hỏi dồn dập:
            - Chuyện gì mà ghê gớm vậy? Ai cả gan tới đây phá nhà chị?  Anh Tâm đâu?  Vừa nghe tới tên Tâm là Hoa bật ngồi dậy, hai con mắt như tóe lửa:
            - Đừng nhắc tới cái tên dơ bẩn, khốn nạn đó nữa.
            - Anh Tâm dơ bẩn, khốn nạn... Thơ nhắc lại như cái dĩa hát bị rè, không hiểu gì cả.
            - Ừ. Em biết ai tới đây đập phá hay không? Chính bà vợ của anh Tâm. Bả từ Nha Trang lên đây mấy bữa nay rồi. Hèn gì hắn nói bị cấm trại không về được. Té ra...!

            Thấy nét mặt ngơ ngác của Thơ, Hoa cười cay đắng:
            - Em không ngờ phải không? Chị lại càng ngu hơn! Tối qua chị vừa dọn hàng về tới nhà, chưa kịp tắm rửa thì có tiếng gõ cửa. Chị vừa mới mở, thấy ba người đàn bà lạ mặt, chưa kịp hỏi gì hết thì họ đã xô chị vô trong. Bà trẻ nhứt, chỉ độ hăm sáu hăm bảy tuổi, đứng giữa nhà, chống nạnh quai nồi, hô lên:
            - Phá tan tành cái tổ quỷ này đi chị em. Có gì tui chịu!
            Vừa nói bà ta vừa ra tay đập phá. Chị muốn cản thì bị hai người kia ôm chặt lại. Tấm hình chị và anh Tâm với thằng Đức treo trên vách bị bà ta giựt xuống, vừa ngắm vừa cười gằn:
            - Cha, mùi quá há! Vậy mà mỗi lần về thăm nhà cứ than khổ với tui. Ổng tả cảnh Kontum như là một xứ rừng rú, khỉ ho cò gáy, toàn là người Mọi cà răng căng tai! Tóm lại đời sống ở cái tỉnh đìu hiu hút gió này chẳng có gì hấp dẫn hết, nếu không muốn nói là buồn chán lắm lắm! Ai mà ngờ đã có người thế tui nuôi nấng, săn sóc ổng tận tình bấy lâu nay. Trời ơi là trời! Tui ngu ngốc cứ ở lại nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng nay ốm mai đau cùng với hai đứa con của ổng. Công lao cực khổ đó ổng trả cho tui bằng cách lập tổ uyên ương, sống phè phỡn với người đàn bà khác như vầy đây nè. Đồ đoản hậu!

Nói rồi bà ta liệng khung hình xuống gạch bể tan nát. Chị tức tối hỏi mấy người là ai. Bà ta cười một tràng rồi quắc mắt nhìn chị:
            - Là ai hả? Tao là vợ của thằng chồng hờ của mày đó, con đĩ ngựa!
            Nói rồi còn chạy vô bếp lấy con dao ra rạch nát bộ salon. Bả còn cầm dao chỉ vô mặt chị chưởi:
            - Tao nói cho mày biết, tao lấy ông Tâm đã bảy năm nay, có hai mặt con rồi. Nếu mày không buông tha cho ổng, tao sẽ tặng thêm  cho mày một cái thẹo nữa cho đủ cặp. Xí, tưởng Hằng Nga giáng thế gì cho cam. Ổng chỉ lợi dụng được cơm no bò cưỡi mà thôi! Mở mắt ra đi. Nè mấy chị, để cho chắc ăn, tui xin luôn mái tóc của con đĩ này về làm kỷ niệm. Cho nó tởn tới già luôn!
            - Lúc đó  chị mới biết bà ta là vợ anh Tâm. Chị như bị rơi từ trên trời xuống! Nhưng nói gì để bào chữa đây? Đúng là chị đã vô tình giựt chồng người ta. Chị chỉ còn nước ngậm câm, lấy mắt nhìn. Thằng cu Đức sợ hãi khóc om sòm mà chẳng ai thèm để ý! Mấy người đó đi rồi, chị đau khổ quá chẳng thiết dọn dẹp gì hết. Thơ ơi, sao cái đời của chị nó xui xẻo, nó khốn nạn tới như vậy hả Thơ? Trời ơi, chị muốn chết phứt đi cho rảnh nợ!

            Chị Hoa không khóc lóc um sùm như những lần trước. Chị ngồi dựa lưng vô vách, cặp mắt thất thần nhìn vào khoảng không, hai dòng lệ âm thầm chảy dài xuống má. Trước nỗi tuyệt vọng vô biên này, Thơ cũng không biết dùng lời gì để an ủi. Cô thở dài, ẵm thằng Đức ra nhà sau rửa mặt mũi, rồi ra nhà trước xếp dọn lại bàn ghế cho ngay ngắn. Quét miểng kiếng tung tóe trên nền nhà. Buổi trưa Thơ chở thằng Đức về nhà cho nó ăn cơm. Lần này bà Năm giận quá, nghe xong hứ một tiếng:
            - Ủa, chuyến này nó chắc ăn lắm mà! Nè từ nay đừng có đứa nào nhắc tới chuyện con Hoa  nữa à nghen. Tao ngán tới cổ rồi. Chưa thấy ai ngu như cái con này!
Hoa nằm vùi cả tuần lễ như người bị bịnh nặng. Không buồn ăn uống nên người gầy xọp. Thơ phải đem thằng Đức về nhà săn sóc. Cô biết lần này Hoa cần một thời gian dài mới có thể trở lại bình thường. Anh chàng Tâm đợi vợ về Nha Trang rồi mới dám mò tới thăm Hoa. Nghe mấy người kia kể lại Hoa bị vợ hắn đánh ghen một trận tơi bời, hắn ta cảm thấy mình có trách nhiệm phần nào. Nhưng vừa thấy mặt anh ta là Hoa đã đuổi như đưổi tà. Cô tuyệt đối không muốn nhìn mặt hắn nữa. Cô liệng hết quần áo Tâm ra đường, đòi lại chìa khóa nhà. Thấy Hoa quyết liệt quá, anh ta đành xin lỗi lần chót rồi đi ra. Hoa như nhớ chuyện gì, gọi giựt ngược Tâm lại:
            - Anh làm ơn giải thích cho tôi điều này. Tại sao anh nói với tui là vợ anh chết trong khi bả còn sống sờ sờ ra đó?
            Tâm quay lại nhìn người đàn bà đã hết lòng yêu thương hắn:
            - Anh có gạt em bao giờ đâu. Em nhớ lại đi. Anh chưa bao giờ nói vợ anh chết, chỉ nói bả khuất núi. Thành phố này được bao bọc bằng hai ba rặng núi. Vợ anh ở tuốt dưới Nha Trang, không phải khuất phía bên kia núi là gì?

            Trước cái luận điệu sặc mùi láu cá này Hoa tức tím ruột nhưng không cãi được, chỉ biểu lộ sự khinh bỉ qua cặp mắt và cái bĩu môi dài thậm thượt. Đàn ông, ôi đàn ông!!!
Hoa ở riết trong nhà, gặm nhấm nỗi đau cả tháng trời. Rồi cũng phải nguôi ngoai để sống mà nuôi con.  Mái tóc nham nhở được Thơ cắt tỉa lại cho gọn ghẽ. Nhìn vào gương, Hoa cười buồn:
            - Hy vọng với mái tóc ngắn chị sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Thơ thấy sao?
            - Em thấy chị hợp với tóc ngắn. Coi chị trẻ ra. Nhưng từ nay chị phải thận trọng, đề cao cảnh giác hơn mới được. Em nói thiệt, tại chị cứ lựa chọn những cái ngoài tầm tay nên mới khổ! Những người thương chị thiệt tình cứ bị chị chê ỏng chê eo!
            Hoa thở dài sườn sượt:
            - Bộ Thơ tưởng chị muốn khổ hay sao? Tại cái số của chị...
           - Số khỉ gì. Thơ cắt ngang. Những người trời cho có sắc đẹp, đàn ông cũng như đàn bà, phần đông tánh họ rất ích kỷ. Họ chỉ muốn được nâng niu chiều chuộng.  Họ thấy đó là điều tự nhiên. Người đời vốn chuộng  cái đẹp. Nhưng cũng phải cân nhắc chớ. Đây nè, nói đâu xa. Hiện tại em có hai người theo đuổi. Anh Thức học trên em hai lớp. Nhà ảnh khá giả, ảnh  không đẹp trai, nhưng tánh tình ngay thẳng, trung hậu. Anh Lâm cùng lớp với em, nhà nghèo nhưng đẹp trai như tài tử Vân Hùng và miệng mồm rất lanh lợi. Em phải tự hỏi tại sao Lâm theo đuổi em, một con nhỏ nhan sắc tầm thường, học hành cũng không có gì xuất sắc? Có phải tại nhà em có tiền? Em nghĩ nếu lấy Lâm, nội cái chuyện ghen  không cũng đủ mệt đừ! Hạnh phúc ở đâu?  Anh Thức chọn em là vì ảnh thương em thiệt tình. Bộ em khùng hay sao mà muốn thả mồi bắt bóng để theo anh Lâm? Chị có hiểu ý em không?

             Hoa dọn lại hàng cơm. Cô cũng phải làm mặt dày với những ánh mắt chế riễu, những lời cười cợt mỉa mai của đám bạn hàng ngoài chợ. Họ đàm tiếu chán rồi cũng thôi. Trung sĩ Tâm và cả chiếc xe gắn máy cùng biến mất một lượt khỏi cuộc đời của Hoa. Cô dửng dưng không thèm tiếc. Anh Minh đạp xích lô lại tiếp tục tới ăn cơm. Anh ta vẫn tự nhiên, làm  như không biết chuyện Hoa bị đánh ghen. Anh ta khen kiểu tóc mới làm Hoa trẻ hơn xưa. Buổi chiều, anh ta xin được chở mẹ con Hoa, cùng nồi niêu soong chảo về nhà không lấy tiền. Ngược lại Hoa không tính tiền bữa cơm chiều. Với những kinh nghiệm xương máu vừa qua, bây giờ cô nhìn anh chàng đạp xích lô này với con mắt khác. Cô tự cười mình trước kia mù quáng không thấy cái răng khểnh thiệt dễ thương mỗi khi Minh cười. Rồi những lời lẽ rất thiệt thà chất phác của anh ta cũng khiến Hoa từ từ quên đi cái tướng tá đen đúa, ốm nhom ốm nhách của Minh. Hơn nữa anh thiệt tình rất thương thằng cu Đức. Hoa thấy cuộc đời cô đã bớt đen tối. Bây giờ cô chưa nghĩ ngợi gì tới chuyện chồng con. Nếu hai người coi nhau như đôi bạn thân thì tốt rồi. Thơ thấy Hoa bắt đầu nguôi ngoai chuyện cũ và đối xử rất tốt với Minh thì mừng lắm. Thơ không tin trên đời này có người suốt đời chỉ gặp chuyện không may. Hoa khổ từ lúc lọt lòng. Có lý nào ông Trời đối xử bất công mãi với một người. Thơ hy vọng nếu Hoa có bước đi bước nữa thì Minh chính là người thích hợp.

            ...Trời se lạnh. Tết sắp đến nên ai cũng náo nức sắm sửa. Minh cố gắng đạp xe không ngừng. Anh muốn kiếm một món tiền kha khá đem về quê sửa lại căn nhà cho bố mẹ. Trận lụt vừa qua làm hư hại nặng nề. Chuyến này anh cũng muốn thưa với bố mẹ anh chuyện của Hoa. Anh định ra giêng trở lên sẽ ngỏ ý với cô. Anh sẽ năn nỉ một trong hai người lên Kontum để đứng làm chủ hôn. Có vậy Hoa mới không nghi ngờ thiện chí của anh. Sau này cả hai làm ăn khá sẽ sang một cái kiosque trong chợ, mở một quán ăn nho nhỏ. Với tài nấu nướng của Hoa, với sự phụ giúp  đắc lực của anh, họ khá mấy hồi. Sau nữa sẽ kiếm sang một căn phố để mở tiệm ăn hẳn hòi. Họ sẽ...

 

Miên man với viễn ảnh huy hoàng trong tương lai, Minh không thấy chiếc xe Jeep từ con đường ngang phóng qua với tốc độ khá nhanh. Xe chở đầy nhóc lính Thám Báo. Họ vừa nhậu ở Câu Lạc Bộ Dakbla ra. Hai bên đều thắng không kịp. Chiếc xích lô móp méo hất Minh bay xuống đường. Đầu đập vô chân cột đèn điện bằng bê tông...
 

Tiểu Thu