Nhà thơ Quách Thoại (1930-1957) tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế (có tài liệu ghi năm 1929). Ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường). Quách Thoại từ nhỏ đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Đoàn Kết, Làm Dân. Trong hai năm 1949-1950, làm Tổng Thư Ký tuần báo Nguồn Sống. Năm 1955, ông viết cho các báo Việt Chính, Người Việt, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi. Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo xuất bản ở Sài Gòn. Quách Thoại mang một tâm hồn thơ mộng, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt. Ông nghiện thuốc phiện rồi bị bệnh lao, phải vào nhà thương Hồng Bàng, không người chăm sóc. Thời gian nằm viện, quá khao khát cuộc đời, không thể nằm chờ chết một chỗ, ông thường trốn bệnh xá ra ngoài lang thang đây đó. Ngày 7/11/1957, ông mất trong hoàn cảnh cô đơn, đến phút chót vẫn “kêu gào muốn sống” (lời Lý Hoàng Phong). Nguồn: https://www.thivien.net/
Trần Thanh Hiệp

Quách Thoại đã chết được một năm.
Quách Thoại đã có một năm để được người ta nhắc nhở tới.
Bởi vì trước một năm đó Quách Thoại đã bị bỏ quên trong cái thân phận một thi sĩ vừa nghèo túng lại vừa đau ốm. Cho đến cái ngày Quách Thoại chết trong một hình ảnh rất khốn nạn như đã có lần chính Quách Thoại đoán trước: chết, trần truồng không cơm áo. Cái chết ấy đối với Quách Thoại dù sao cũng là một giải thoát. Có lúc chúng tôi – một số bạn thân của Thoại – ước mong Thoại chết. Vì sao? Thanh Tâm Tuyền đã giải thích: sự tàn ác của những lòng thương bất lực.
Nhân ngày giỗ đầu Thoại, tôi muốn nói ít nhiều về người bạn quá cố ấy. Nhưng tôi sẽ không nói về cái chết của Thoại sợ bị hiểu lầm rằng tôi muốn đòi hỏi cho Thoại lòng thương xót, điều mà Thoại không bao giờ mong đợi: Những người chết đi là chết đi.
Nhân ngày giỗ đầu Thoại, tôi muốn nói ít nhiều về người bạn quá cố ấy. Nhưng tôi sẽ không nói về cái chết của Thoại sợ bị hiểu lầm rằng tôi muốn đòi hỏi cho Thoại lòng thương xót, điều mà Thoại không bao giờ mong đợi: Những người chết đi là chết đi.
Tôi cũng không nói về cái chết của Thoại dù cái chết ấy là chứng tích của một giai đoạn và một thế hệ:
Có những người đã hát
Những khúc hát hùng ca
Những lực lượng ồ ạt
Đang xây những thành núi cửa nhà
Những buổi chiều bao la
Mà hy vọng chói lòa
Tôi úp mặt khóc òa…
Những khúc hát hùng ca
Những lực lượng ồ ạt
Đang xây những thành núi cửa nhà
Những buổi chiều bao la
Mà hy vọng chói lòa
Tôi úp mặt khóc òa…
Tôi muốn bàn về thơ của Thoại. Những bài thơ Thoại đã làm thật nhiều, nhỏ lệ trong đêm thâu, những bài thơ của mê say, sau khi nhà cháy, và đời trắng hai tay. Những bài thơ chưa được may mắn xuất bản thành tập, dù chỉ là một tập nhỏ. Sự thiệt thòi ấy chúng tôi đã nhiều lần dự tính tìm cách đền bù cho Thoại, nhưng chẳng bao giờ được như ý. Nhưng thơ của Thoại đã có mặt và tiếng nói của Thoại đã vọng lên. Tôi muốn nhắc tới một Quách Thoại không như một người xấu số bạc mệnh mà như một tác giả của một thế giới riêng biệt – Thế giới Quách Thoại – trong vũ trụ của các nhà thơ Việt Nam. Trước đây, thương tiếc Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền đã mượn chủ quan của một người bạn Thoại nói rằng cái chết của Thoại là một cái tang lớn cho văn học trong mười năm trở lại đây.
Theo tôi, để tới kết luận ấy không nhờ đến chủ quan của một người bạn.
Người làm nghệ thuật chân chính nào cũng mang trong mình một thế giới. Thế giới ấy vừa là đối tượng nhắm đạt tới, lại vừa là chủ quan của người làm nghệ thuật. Giữa nó và thực tại bao giờ cũng có sự khác biệt. Có khi vì thực tại được tô điểm thêm bằng một thứ nghệ thuật thỏa hiệp. Có khi lại là một thế giới tân tạo không liên lạc gì với thực tại bởi nó là nơi giải thoát của những nhà nghệ thuật vô trách nhiệm. Có khi là một thực tại đã bị mổ xẻ, đập phá của thứ nghệ thuật chống đối nổi loạn. Nhưng dù sao, nghệ thuật lúc nào cũng thường mang tính chất của một sự phản kháng lớn lao, bi đát và trường cửu để phản kháng lại định mệnh.
Rằng hay thì thực là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào. - (Kiều)
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào. - (Kiều)
Một điều ai cũng nhìn nhận là thơ Quách Thoại rất buồn, ngay cả những khi Quách Thoại vui mừng ca hát:
Thế hệ mới! Mắt sáng ngời tin tưởng
Ta đứng chết bên góc đường
Một phút lòng say chiêm ngưỡng
Ta đứng chết bên góc đường
Một phút lòng say chiêm ngưỡng
Nhưng trong thơ Việt Nam không phải chỉ có riêng thơ Quách Thoại buồn mà thôi. Chúng ta chưa quên cái buồn của thơ Huy Cận ngày hôm qua còn tràn ngập khắp vũ trụ, tan biến vào lòng người, run lên những tiếng than vãn thê lương. Nỗi buồn ấy không của riêng Huy Cận hay của ai mà chỉ là cái ngẩn ngơ của những thứ gì vắng thiếu hay mất đi, thương nhớ một thứ quê hương không xác định.
Người ta cũng có thể nói trong thơ Quách Thoại thấy phảng phất thơ Hàn Mạc Tử và người ta sẽ dễ dàng đặt hai người vào một cảnh ngộ (bị xã hội bỏ quên) để rồi tìm một cách giải thích chung cho thơ hai người. Tôi thấy cái buồn của Quách Thoại có bản sắc riêng và bởi thế thơ Quách Thoại đã dành cho Quách Thoại một chỗ đứng riêng biệt. Quách Thoại không là một Huy Cận hay một Hàn Mạc Tử thời hậu chiến.
Trước hết Quách Thoại đã đi trên những buổi chiều:
Vì tiếng súng cối xay
Đêm sắp tối rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say
… những buổi chiều lỗi lầm
Mà nước Việt tôi
Ôi thôi!
Phải chìm lặng câm
Đêm sắp tối rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say
… những buổi chiều lỗi lầm
Mà nước Việt tôi
Ôi thôi!
Phải chìm lặng câm
Và cũng vẫn trên những buổi chiều ấy, tưởng chừng như những buổi chiều tận thế, Quách Thoại than khóc một loài người trần truồng không Thượng Đế. Kể lại những chuyện thật:
Ôi! Em bé mồ côi
… mẹ nó chết rồi
… cũng vừa lúc đó
Lũ người giày đinh
Đến nhìn em nhỏ
Nói nhau rất rõ
Thằng bé nói cười
Bắn nó chết tươi
… mẹ nó chết rồi
… cũng vừa lúc đó
Lũ người giày đinh
Đến nhìn em nhỏ
Nói nhau rất rõ
Thằng bé nói cười
Bắn nó chết tươi
Và một hôm trong chùa người ta giết nhà sư lớn rồi “chúng ta chôn bây cùng một lỗ“. Hay là một lũ người tự xưng là cùng đinh, đem bắt trói tôi vào cột đình vì người ta gọi tôi là địa chủ. Cũng vẫn lũ người ấy một buổi chiều ở ngoài đồng đã lấp đất chôn một người vẫn còn sống. Cũng vẫn ở ngoài đồng bên một gốc đa, cũng vẫn một buổi chiều, một thây ma nằm chết trần truồng, cổ họng bị bắn toạc, một bà già có con trai, cháu trai toàn giòng họ Việt Nam cả…
Thơ Quách Thoại buồn vì cần phải mô tả thảm cảnh ấy, vì là tiếng nói của thảm kịch thời đại đang giày vò đau đớn nước Việt Nam.
Tôi không muốn nói rằng thực tại ấy chỉ có riêng với Quách Thoại. Việt Nam từ hơn mười năm nay đã viết cho mình những trang sử mới, một sự thay đổi lớn lao đã diễn ra. Người ta bắt gặp những kích thước mới, ngây ngất chiều cao mới chìm xuống chìm sâu mới, thênh thang chiều rộng mới. Tất cả đều biến hình. Nghệ thuật của chúng ta – trong trường hợp này tôi nói riêng về thơ – được tiếp nhận một sức sống mới nên cũng đột biến. Những nhà thơ, địa vị tưởng đã yên ổn trong làng thơ, cũng vội vàng rung lên tiếng mới. Thời đại mở ra một chân trời rực rỡ màu sắc lạ. Không ai chỉ muốn nỉ non kể lể tâm tình mà muốn thét lên những tiếng lớn: người ta mượn tiếng gầm của đại bác, tiếng hô xung phong phá đồn, tiếng kèn đồng xuất trận. Thơ Việt Nam từ mười năm nay đã trở thành một tiếng nói chung của một dân tộc ào ào chuyển mình.
Cũng như nhiều nhà thơ đương thời, Quách Thoại đã mặc cho thơ mình những bộ áo mới. Nhưng Quách Thoại không bắc loa tuyên truyền, không thuyết lý. Quách Thoại đã làm thơ. Và không làm cho riêng mình. Việc đời đã chạy đến đọng ở con người bệnh tật ấy, nhưng rất ham sống và sống hết mực. Để rồi mở thêm cửa ngõ đón chúng ta vào đất lạ. Quách Thoại đã khai phá, đắp thành những con đường có hoa lá cũ nhưng ở toàn thể vẫn phô bày một chút gì mới lạ dẫn chúng ta đi về với Quách Thoại, nhưng kỳ thật là về với con người chung của những con người thời đại. Sự khác biệt giữa Quách Thoại với các nhà thơ đương thời là ở đó. Người ta đã mượn thực tại để hút thêm hơi thở, để được tiếp máu, người ta đã phóng mình lớn cho bằng thực tại. Ngược lại, Quách Thoại đã thu gọn thực tại vào trong lòng mình:
Hỡi linh hồn ta
Chập chờn xao xuyến lửa
Bởi hôm nay ta vừa gặp lại
… tâm linh bỗng nhiên thành vũ trụ vô lường
… nhân loại đi về trong chốn ta
Mất mát gì đâu nơi vô cùng chân ngã
Ta nghe kết thành
Âm thanh bao nhiêu thế giới kỳ lạ giữa sâu xa
Chập chờn xao xuyến lửa
Bởi hôm nay ta vừa gặp lại
… tâm linh bỗng nhiên thành vũ trụ vô lường
… nhân loại đi về trong chốn ta
Mất mát gì đâu nơi vô cùng chân ngã
Ta nghe kết thành
Âm thanh bao nhiêu thế giới kỳ lạ giữa sâu xa
Thế giới ấy chính là cảnh giới mà Quách Thoại âu yếm. Tất cả đã trút bỏ hình hài, siêu thoát thành những bản hợp tấu, chỉ còn âm thanh và màu sắc: đâu biết màu xanh, ấy chính âm thanh. Đọc thơ Quách Thọai, chúng ta nhìn qua những hàng chữ, nghe qua những lao xao của tiếng nói, một bao la yên tịnh. Phải rồi, giá mà Quách Thoại đã chắp cho mình một đôi cánh và bay bổng thật xa, phảng phất chốn trăng sao, thì người thơ ấy đã lạc vào nơi bất sinh bất diệt. Một buổi sáng Quách Thoại nhìn ra cuộc đời:
Ta nghe gió thổi ạt ào
Những người đi
Và tiếng nói lao xao
Những chân bước
Cùng đất cười huyên náo
Nắng chảy đội tuôn trào
Ta bỗng thấy
Những ngày xanh
Trong cặp mắt trong xanh
Dạt dào sóng vỗ đại dương xanh
Những người đi
Và tiếng nói lao xao
Những chân bước
Cùng đất cười huyên náo
Nắng chảy đội tuôn trào
Ta bỗng thấy
Những ngày xanh
Trong cặp mắt trong xanh
Dạt dào sóng vỗ đại dương xanh
Và một buổi chiều:
Những chiều đi không nói năng
Hỡi cuộc đời
Hỡi bình minh ánh nắng
Ôi mênh mang biển không gian
Hỡi cuộc đời
Hỡi bình minh ánh nắng
Ôi mênh mang biển không gian
Quách Thoại đưa chúng ta tới xứ sở của chàng. Xứ sở chứa đựng cả chủ quan lẫn đối tượng. Đường đi không quanh co. Ta chẳng phải cần có thái độ những tín đồ ngoan đạo, hay lòng thâm tín một huyền bí. Bỗng nhiên, chúng ta được đặt vào giữa những âm thanh màu sắc mênh mang xa thẳm. Có lẽ bởi vì chính Quách Thoại đã thấy chân lý ấy vì đã mang nó trong mình mà chẳng cần phải ngơ ngác kiếm tìm hay chỉ trỏ huyên thuyên. Quách Thoại đã đưa tay lên và nắm lấy thiên đường.
Ai cũng biết rằng Quách Thoại đau ốm. Cái thân xác ấy luôn vật vã trên giường bệnh. Mà lại là những giường bệnh xiêu vẹo dưới căn nhà lụp xụp miền ngoại ô – căn nhà sau một đêm bỗng cháy trụi – hay giường bệnh ở một nhà thương thí. Nhưng thơ Quách Thoại chẳng bao giờ cho chúng ta nghe thấy tiếng rên la của bệnh nhân Quách Thoại. Chính ở ngay thiên đường của mình mà Quách Thoại đã úp mặt khóc nức nở. Bởi Quách Thoại còn nặng nợ với chúng ta, Quách Thoại còn muốn nhìn sâu hun hút lòng người. Ở mãi tận trong ấy (hay dưới ấy) có gì?
Đêm sắp tới rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say
… và đồng bào tôi
Đang giết nhau
Người ta đang giết nhau quá mê say
… và đồng bào tôi
Đang giết nhau
Những cảm giác giết nhau ấy Quách Thoại đã không nhìn từ thiên đường, mà đã nhìn thật gần và rất thật. Những lính mang giày đinh bắn chết tươi em bé đang cười vừa mồ côi mẹ hai ngày… Quách Thoại đã kể rành mạch không thêm bớt, không căm hờn hay ghê khiếp. Để chỉ nói một sự thật trống trơn. Chưa hết, còn nhiều đau thương, dường vô kể để Quách Thoại phải kêu lên:
Liệu loài người sẽ quyết định chi đây?
Đêm đã đến, chiều nhân gian hấp hối.
Đêm đã đến, chiều nhân gian hấp hối.
Và Quách Thoại tưởng chừng như nghe réo gọi một chiều tận thế rùng mình cho cái phút lâm chung của loài người trần truồng không Thượng Đế
Thì ra thiên đường của Quách Thoại lại chính là một sân khấu trên đó đang khởi diễn thảm kịch nhân loại mà Quách Thoại muốn nhận hết thảm kịch ấy như một thảm kịch riêng tư. Quách Thoại đã sống con người muôn thủa vì tội lỗi chính nó mà vì cả thần thánh trong nó.
Chúng ta tưởng chừng như Quách Thoại muốn réo lên như tiếng kêu đoạn trường:
Ta úp mặt mình ta khóc nức nở
Cả loài người đang gục đầu than thở!
… Cuồng phong! Cuồng phong! Sóng dậy buồm chìm
Lạc loài kêu xơ xác một đàn chim
Ai hoi hóp đang vùng vằng giữa bể
… vì thương yêu lại xót xa than thở
Tình thi nhân, lòng thủ thỉ lệ mờ
Cảm hồn đau ta viết vội thành thơ
“Ta úp mặt mình ta khóc nức nở”
Cả loài người đang gục đầu than thở!
… Cuồng phong! Cuồng phong! Sóng dậy buồm chìm
Lạc loài kêu xơ xác một đàn chim
Ai hoi hóp đang vùng vằng giữa bể
… vì thương yêu lại xót xa than thở
Tình thi nhân, lòng thủ thỉ lệ mờ
Cảm hồn đau ta viết vội thành thơ
“Ta úp mặt mình ta khóc nức nở”
Giả thử Quách Thoại làm thơ lục bát có lẽ Quách Thoại cho chúng ta nghe thơ Nguyễn Du. Tác giả truyện Kiều cũng chứa chất một thứ thương xót ấy có điều khác với trường hợp Quách Thoại chưa được cá nhân hóa qua một Thúy Kiều.
Quách Thoại không nghi ngờ gì nữa rồi. Loài người (và đặc biệt thời Quách Thoại) đã đau khổ quá rồi. Cuộc đời như một thể xác cưa thân mổ xẻ. Khao khát ánh sáng đến vô cùng. Nên Quách Thoại quỳ xuống:
Mẹ đời ơi! Hồn xác đã bơ phờ
Ta sẽ đến dâng trọn mình tôi tớ
Đẩy xe đời qua hết nẻo hoang sơ
Ta xót xa nhìn thế kỷ mong chờ
Đợi nhân loại trong mùa xuân sắp nở
Ta sẽ đến dâng trọn mình tôi tớ
Đẩy xe đời qua hết nẻo hoang sơ
Ta xót xa nhìn thế kỷ mong chờ
Đợi nhân loại trong mùa xuân sắp nở
Thơ Quách Thoại buồn vì Quách Thoại đau khổ thay cho loài người. Nhưng sự đau khổ ấy không du đến tuyệt vọng và đã ươm mầm tuyệt vọng.
Không! Không! Tôi vẫn còn trông ngóng
Chúng ta đã thấy Quách Thoại cầu khẩn. Quách Thoại muốn rời mắt khỏi sầu thảm khổ não ấy nhìn lên đối điểm của nó. Quách Thoại kêu gọi Chúa Trời và van xin cho mình một lòng tin rằng Thượng Đế mãi mãi vẫn là huyền bí. Quách Thoại còn muốn hy vọng và tin tưởng ở hy vọng ấy. Vì Quách Thoại mang nặng một lòng thương, vì thiên đường của chính mình là lòng thương để tưởng như “đời không có gì là chua cay, không kể gì mình bệnh hoạn khổ sở như kẻ ăn mày…”. Lòng thương ấy, tha thứ cho xã hội đã bỏ quên mình Quách Thoại đã dùng để trấn áp những đau khổ vật chất của một cuộc đời tĩnh vật. Lòng thương ấy, Quách Thoại có thể làm tất cả để tìm thấy:
Loài người ơi! ta chắp cả hai tay
Đầu cúi lạy ta nguyện cầu nhắn nhỏ
Vì khổ đau! ta phải cần xin xỏ
Chút tình thương, buộc chặt giữa người người
Đầu cúi lạy ta nguyện cầu nhắn nhỏ
Vì khổ đau! ta phải cần xin xỏ
Chút tình thương, buộc chặt giữa người người
Vì cuộc đời thiếu tình thương:
Chúng ta phải tạo tình thương
Thành những quả bom
Những quả bom khổng lồ mà trong đó
Tình thương nổ
Tình thương tàn phá những đau khổ
Tình thương xây dựng những thành phố
Tình thương sẽ thành cơ cứu khổ…
Thành những quả bom
Những quả bom khổng lồ mà trong đó
Tình thương nổ
Tình thương tàn phá những đau khổ
Tình thương xây dựng những thành phố
Tình thương sẽ thành cơ cứu khổ…
Bởi hãy còn thương xót nên Quách Thoại còn đứng lại giữa cuộc đời với chúng ta, nghe cuộc đời đi:
Bởi quá vui nên hét lớn ta cười
Giờ cách mạng hôm nay vừa khởi điểm
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi! lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy
Ta sùng kính trời ơi là biết mấy
Suốt trăm năm nô lệ cúi đầu đi
… Ngát màu xanh xanh thẳm của yêu thương
Ta bước tới nắng tương lai đầy ứ
Phố lớn cười, đại lộ hát nghênh ngang
Xã hội đi về, vũ trụ rộn ràng
Nhà mới dựng, gỗ ngói còn thơm lắm
Ai mới kẻ chữ Việt Nam tươi thắm
Giờ cách mạng hôm nay vừa khởi điểm
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi! lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy
Ta sùng kính trời ơi là biết mấy
Suốt trăm năm nô lệ cúi đầu đi
… Ngát màu xanh xanh thẳm của yêu thương
Ta bước tới nắng tương lai đầy ứ
Phố lớn cười, đại lộ hát nghênh ngang
Xã hội đi về, vũ trụ rộn ràng
Nhà mới dựng, gỗ ngói còn thơm lắm
Ai mới kẻ chữ Việt Nam tươi thắm
Quách Thoại ôm lấy sự sống, yêu đời, dù tâm hồn mình than khóc và nhìn thấy cái chết đến sát gót. Giọng hát ấy quyến rũ, không là những lời tự kỷ âm gượng gạo. Quách Thoại thương chúng ta, muốn chúng ta tin ở sự sống. Chính ở lòng thương ấy mà thơ Quách Thoại buồn và buồn một cách khác với thơ Huy Cận hay thơ Hàn Mạc Tử. Huy Cận là những rung động của vũ trụ hòa với lòng người; Hàn Mạc Tử là những cái vật vã của đau khổ. Quách Thoại chính là lòng người.
Khi chúng ta nói thơ Quách Thoại là một thế giới riêng biệt – Thế giới Quách Thoại – chúng ta có thể liên tưởng với một thứ Vô Hạn đối với chúng ta mà hình như Quách Thoại đã đạt tới hai cực điểm. Nhưng Quách Thoại muốn mãi mãi là chúng ta nên chơi vơi ở giữa:
Lòng hữu hạn thương đời vô hạn
Tôi hiểu vì sao Thanh Tâm Tuyền đã nhận rằng thế giới Quách Thoại vây lấy chúng ta. Nhưng bây giờ thì Quách Thoại không có mặt với chúng ta. Một ngày, Quách Thoại đã không còn là chúng ta nữa, như đã hẹn trước: Ta ôm mộng ảo nhập vô cùng. Giữa chúng ta và Quách Thoại chỉ còn có thơ.
Trên kia tôi đã nói không cần phải là bạn cũng có thể nhận thấy cái chết của Quách Thoại là một cái tang lớn cho văn học của chúng ta từ mười năm trở lại đây. Tôi không thiên vị. Thơ Việt Nam từ hơn mười năm nay đã chuyển mình và hóa thân. Tất cả mọi người thơ – dù đã, hay chưa có địa vị – đều bắt đầu đi từ một khởi điểm: cách mạng. Đường thơ chắc còn dài và cũng chưa đi được bao xa. Nhưng các ngánh đã xuất hiện. Trong thơ hiện đại đã thấy có mặt thêm những mật vụ, những cán bộ, những đao phủ. Những người thơ tên tuổi đã mang cả quá khứ của mình để nhúng thơ vào máu. Tôi vẫn thấy cần phải dành sự ca ngợi đối với Quách Thoại, người đã mang trong mình trọn vẹn sự chuyển mình đang thành hình ấy của thơ Việt Nam, từ hình ảnh, tư tưởng cho tới nhạc điệu. Quách Thoại là một cái gạch nối, kết liền chúng tôi với dĩ vãng. Nhưng không phải là tôi quả quyết rằng Quách Thoại đã thành công. Quách Thoại còn chở theo mình nhiều quá khứ tuy đã phóng được mình lên đoạn đường mới tương lai.
Thơ Quách Thoại đang thành mới.
Nhưng Quách Thoại đã chết nửa chừng, chưa đầy ba mươi.
Cho nên sự im lặng của tiếng thơ ấy thiệt thòi nhiều cho văn học, cho nghệ thuật hiện nay của chúng ta. Điều ấy, không ai chối cãi được, dù chẳng phải là bạn của Quách Thoại.
Trần Thanh Hiệp
(1958 – Ngày giỗ Quách Thoại / Tiểu luận và thơ)
(1958 – Ngày giỗ Quách Thoại / Tiểu luận và thơ)
* Chân thành cảm ơn nhà văn Đặng Mai Lan đã gửi bài này cho blog TTNM