User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Buổi ra mắt sách và mạn đàm về ba cuốn sách của nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi, tổ chức hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Tám, tại nhà sách Tự Lực, Garden Grove, có nhiều văn thi hữu tham dự.
 namsontvc
Nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi trong buổi ra mắt ba tác phẩm của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Ba cuốn sách này gồm “Triều Nguyễn và Công Cuộc Mở Đất Phương Nam,” “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư,” và “Hương Vị Ngày Xưa và Món Ngon Miền Nam.”
 
Với phong cách nói chuyện mộc mạc đơn giản đậm chất Nam Bộ, tác giả đã giải thích từng câu hỏi trong sách rõ ràng mạch lạc khiến không khí trong khán phòng thật sôi nổi, đôi khi làm rõ nghĩa những thắc mắc khá thú vị.
 
Trong tác phẩm “Triều Nguyễn và Công Cuộc Mở Đất Phương Nam,” gồm năm phần, từ lịch sử thuở đầu khi triều Nguyễn bắt đầu mở cõi về phương Nam, cùng những phong tục tập quán pha trộn giữa các vùng miền, từ văn học nghệ thuật cho đến cách ăn mặc, cuộc sống, cách ứng xử, người đọc cảm nhận thấy như có mình trong đó. Cả hình ảnh một đất nước sống động theo chiều dài lịch sử thật thú vị.
 
Ông Mai Tuấn, đại diện nhà sách Tự Lực, chào mừng và đón tiếp những nhà báo, văn thi hữu và những người yêu sách, tham dự buổi ra mắt sách trong tinh thần yêu thương gìn giữ văn hóa Việt Nam.
 namsontvc1
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn chia sẻ về món ngon trong sách ‘”Hương Vị Ngày Xưa và Món Ngon Miền Nam” của nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Nhà báo Phan Tấn Hải giới thiệu đôi nét về tác giả Nam Sơn Trần Văn Chi: “Ông là người trầm lặng, nhưng nếu ‘bắt đúng đài Nam Bộ’ thì sẽ được nghe rất nhiều đề tài quanh Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà nhiều người không thể đọc và nhớ hết được. Tôi nghĩ nếu ở Sài Gòn hay ở miền Tây, chúng ta có thể hình dung nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi sẽ mặc áo bà ba nâu, tóc búi tó, để râu ba chòm, chứ không mặc đồ Tây như ở đây.”
 
Nhà báo Vũ Đình Trọng chia sẻ đôi nét về tác phẩm “Hương Vị Ngày Xưa và Món Ngon Miền Nam,” viết từ năm 2005, với một văn phong Nam Bộ rất lạ được nhiều người yêu mến: “Tác giả viết với văn phong đặc sệt Nam Bộ, nhất là viết về món ngon miền Nam, khiến người đọc có thể ‘ngửi được hương vị của món ngon,’ qua lời viết mô tả của ông. Tuy không cho biết cách nấu, nhưng người viết diễn tả một cảm nhận rất đặc biệt, thèm thuồng đến nỗi phải tìm đến thưởng thức, đó là văn hóa ẩm thực. Bài viết chính là cái tâm của người nấu món ăn qua cách nêm nếm, và món ăn Việt được đi khắp năm châu. Đó là sự thành công của ông.”
 
Trong cuốn “Hương Vị Ngày Xưa và Món Ngon Miền Nam” là cả một kho tàng món ăn ngon miền Nam. Tuy dân dã chân quê nhưng ngày nay đã là một phần ẩm thực Việt, với bao nhiêu loại cá là có bao nhiêu thứ mắm đã theo chân người Việt đi khắp năm châu, như những món mắm đặc sản của miền Lục Tỉnh, từ nước mắm cho đến lẩu mắm,… với danh hiệu “Mắm Phương Nam” rạng danh với những món mắm tuyệt vời của vùng sông nước.
 namsontvc2
Nhà báo Phan Tấn Hải chia sẻ về tính cách Nam Bộ trong tác phẩm của Nam Sơn Trần Văn Chi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nhận xét điểm thích nhất của ông với nhà văn Trần Văn Chi khi nói về món ăn ngon, đặc biệt là món ăn miền Nam, là ông nhận xét và phân tích rất tinh tế.
 
Ông nói vui: “Tôi nghĩ những quán ăn ở Little Saigon nên có cuốn sách ‘Hương Vị Ngày Xưa và Những Món Ngon Miền Nam’ này để làm những món ăn theo khẩu vị độc đáo trong cuốn sách, mỗi tuần một món với khẩu vị khác nhau, có thể sẽ có nhiều thực khách đến thử. Có khi trở thành phong trào ẩm thực theo sách của Giáo Sư Trần Văn Chi.”
 
“Khi biết ông Chi là người gốc Gò Công, tôi có hỏi ông câu ‘Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc bằng gió Gò Công,’ thì ông đã trả lời rồi. Có một kỷ niệm là thời trai trẻ tôi vì ‘phải lòng,’ nên đã đi theo một cô gái Gò Công. Nhưng sau đó thì có thể do số Trời định nên phải chịu cam lòng,” ông Đỗ Quý Toàn chia sẻ tiếp.
 
namsontvc3
Nhà báo Vũ Đình Trọng nói về món mắm Nam Kỳ Lục Tỉnh trong tác phẩm của Nam Sơn Trần Văn Chi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Có nhiều thắc mắc trong buổi ra mắt sách về những chuyện thuộc vùng đất Nam Bộ, như con gái Nha Mân đẹp nhất nhưng sao lại có câu ca dao “Đèn nào cao bằng đèn cầu lộ/ Gái nào ngộ bằng gái Vĩnh Long (hay Vãng Long).” Hoặc khi khen cái gì đó, như món này ngon “số dzách,” nghĩa là gì. Hoặc khá thú vị với thắc mắc vì sao không bao giờ người Việt cúng tổ tiên ông bà bằng món mắm. Hoặc tại sao gọi là gà “xé phay,”… người nghe cảm thấy rất thú vị khi nhà văn Nam Sơn giải thích.
 
Với cuốn “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư,” tái bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ, nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi cho hay được viết từ niềm cảm xúc của quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, và Đỗ Thận hợp soạn, là cuốn sách dạy học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Khi qua Mỹ, ông được người bạn từ Canada đem qua tặng cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” được in lại sau này.
 
Ông chia sẻ: “Suốt đêm đọc lại cuốn sách không ngủ được, với niềm cảm xúc khi nhớ lại hồi xưa mình đi học, những bài học đầu tiên nói lên nỗi lòng của người học trò ngày xưa, từ Luân Lý, Lịch Sử, Địa Lý, Vệ Sinh, Đạo Đức, cho đến Công Dân Giáo Dục. Bộ ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ có ‘Luân Lý Giáo Khoa Thư,’ ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư Tập Đọc,’ dạy từ lớp Dự Bị đến lớp Đồng Ấu cấp Tiểu Học, tất cả là những bài học ngắn, dạy cho từng tiết học đúng 1 giờ học hồi xưa.”
 namsontvc4
Các thi văn hữu có mặt trong buổi ra mắt sách của nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Những bài học ấy nói lên cuộc sống, đời sống của người Việt thời bấy giờ. Đây là cuốn sách dạy học viết bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam, nên học trò và người đọc hiểu thêm về chữ nghĩa tiếng Việt một cách sâu sắc hơn.
 
Nhà văn Nam Sơn tiếp: “Qua Mỹ, tôi viết sách với tựa đề ‘50 Năm Đọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư,’ nhưng khi in sách có nhiều người góp ý tựa sách dài quá, nên được sửa lại là ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư,’ mượn theo ý của một bài ngắn ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư,’ mà nhà văn Sơn Nam viết trong tác phẩm ‘Hương Rừng Cà Mau’ của ông.”
 
Ông bộc bạch: “Bất cứ ai đọc vài bài trong cuốn ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư’ đều thấy có mình ở trong đó, cảm thấy tình cảm quê hương rất tự nhiên không cần tô vẽ gì thêm, như trong bài ‘Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả’ (trang 133), ai đọc cũng hiểu thế nào là quê hương. Nhất là khi qua xứ người mới thấy thú vị chứ nếu ở trong nước thì chắc tôi không viết được như vậy.”
 
“Thật ra cuốn ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư’ này tôi viết từng bài ở trang Văn Học Nghệ Thuật trên nhật báo Người Việt hàng tuần lúc trước. Hồi đó phải viết tay rồi nhờ người đánh máy, sau này tôi tự tập đánh máy rồi gởi bài qua tòa soạn. Đây là cuốn sách đắc ý nhất lần thứ ba được in lại ở Mỹ, có chỉnh sửa lỗi sai sót trong hai ấn bản 2005-2006 và có thêm hình ảnh minh họa theo bài. Điều tâm đắc ở đây là sau khi cuốn sách này, do nhà xuất bản Sống ấn hành 2024, ra đời, nó được một sư cô đọc qua và rất thích nên đã phát tâm dịch sang tiếng Anh. Sư cô đang làm thủ tục đưa qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ để làm tài liệu tham khảo về văn hóa Việt Nam thời đó,” ông nhớ lại.
 namsontvc5
Ông Mai Tuấn, đại diện nhà sách Tự Lực, chia sẻ ý kiến trong buổi ra mắt sách của nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Về bút hiệu Nam Sơn, ông cho hay ông sinh ra ở Gò Công, vùng đồng bằng miền Nam không có đồi núi nhiều, hồi nhỏ khi leo lên núi Bà Đen thì thấy đã là cao rồi nên gọi là núi. Nam Sơn là núi phía Nam, cũng là tên đặt cho cháu ngoại của ông.
 
Trước khi tạm biệt, nhà văn Nam Sơn Trần Văn Chi cho hay: “Có thể tôi không còn sống lâu được nữa, những sách này sẽ mai một. Tôi không dám nói ‘Văn dĩ tải đạo,’ khi viết văn là để đưa đạo đến mọi người, nhưng việc làm này là để đưa những nét văn hóa Việt được chắt chiu lại, để những thế hệ sau biết đến văn hóa Việt Nam như thế nào.”
 
Theo giới thiệu của nhà báo Phan Tấn Hải, nhà văn Trần Văn Chi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử Địa khóa 1964-1968, là Tổng Thư Ký Hội Liên Trường Petrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu, và Phan Thanh Giản trước 1975. Ông là Giảng Viên, Tổng Thư Ký Đại Học Hòa Hảo trước 1975. Hiện định cư tại Hoa Kỳ với bút hiệu Nam Sơn Trần Văn Chi, chuyên biên khảo về văn hóa xã hội, phong tục Việt Nam, văn phong tiêu biểu lối văn “bác học miền Nam,” với khoảng 10 đầu sách đã xuất bản.
 
Văn Lan/Người Việt
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/nha-van-nam-son-tran-van-chi-ra-mat-3-tac-pham-van-hoc-mien-nam-tai-little-saigon/#google_vignette