User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lemailinh
 
Hôm qua, nhà thơ Lê Mai Lĩnh ở Mỹ email cho tôi năm bảy bài thơ nói tôi đọc cho vui cho biết trong thời đại dịch. Đọc rồi tôi thấy buồn vui lẫn lộn.
 
Thí dụ bài thơ “Bỏ Áo Vào Quần” chỉ có bốn câu mà vui đáo để. Bài thơ cho người đọc thấy rõ bụng dạ nhà thơ lính vốn ngay chừ, nghĩ sao viết vậy; không điệu đà, chải chuốt, không uốn nắn, dợt le, hạ bút xuống là chữ nghĩa bình dân ào ra một mạch:
 
Từ hôm nay, em bắt tôi bỏ áo vào quần
Chưa gì, em đã muốn làm bà nội tôi rồi đó
Bỏ áo vào quần, trông cũng đẹp, dễ thương
Cảm ơn em, tôi xin Y Lệnh.
 
Đọc rồi tôi thầm nghĩ có lẽ cái thời ở lính ăn sương rừng rú, uống gió biên thùy nên chàng thi sĩ nhà ta đã quen lè phè, lẹt phẹt, bạ đâu xẹt đó chẳng có chi lo… Cho tới khi biết yêu và may mắn được yêu, dù chưa gì đã bị lệnh lạc của em bắt “bỏ y vô quởn” (bỏ áo vào quần). Tuy ban đầu có thoáng bỡ ngỡ nhưng đối với chàng, đó là một kỷ niệm đẹp trong mối tình dễ thương của lính.
 
Thời chiến tranh nói tới lính là “tiền lính tính liền”, hình như ai cũng biết, người yêu của lính đều biết. Cho nên lời lính hứa nghe bùi tai thì “người tình chín đỏ” cũng phải dè chừng. Bài thơ “Anh Hứa” của lính Lê Mai Lĩnh hung hăng, ngang ngược, bá đạo là một thí dụ:
 
Anh hứa,
Sẽ không tiêu của em một đồng xu nào
Những đồng nhọc nhằn, chắt chiu, góp gồm
Nhưng anh sẽ rộng rãi tiêu đời em
Như đời anh, anh cho em phóng tay thoại thích 
 
Anh hứa,
Sẽ không cầm tay em bao giờ
Sợ chạm phải điều linh thiêng, kỳ diệu
Nhưng anh sẽ bóp nát trái tim của em
Vì anh, không thể làm khác được
 
Anh hứa,
Sẽ không chạm vào thịt da của em
Sợ tan biến, vỡ vụn, khói sương
Nhưng anh sẽ giẫm  nát cõi lòng em
Vì anh nghĩ, anh có quyền làm như thế
 
Anh hứa,
Sẽ nổi gió cho diều em lên cao
Cao tài năng, nhan sắc em lên cao
Nhưng hãy ở lại mặt đất, cùng anh nghe em
Hỡi trái tim nồng, người yêu dấu.
 
Hình như cách nói năng bặm trợn ở đời được thi sĩ lính đưa vào thơ với chủ ý cho khí  thơ thoải mái hơn, dễ chịu hơn và… dễ thương hơn. Ấy vậy mà hơn nửa đời người, kẻ lãng du vốn ngông nghênh, ba trợn, lạng quạng, bon chen, chi li, tính toán, một khi sa vào lưới mộng thì trái tim chàng thi sĩ lính chợt rực lửa đa tình và phải đạo hết biết. Nghĩa là không có gì đẹp cho bằng thi sĩ nhà ta mang trái tim rực lửa đến với ngày sinh của nàng:
 
Hơn nửa đời người, anh mới gặp em
Em mộng đỏ của một thời trái chín
Mà ta, kẻ lãng du suốt đời
Cháy bỏng đời môi khát khao
 
Ngày em ra đời trái đất quay tròn
Tới hôm nay anh đang quay quanh em
Trái đất nói, sẽ có ngày chóng mặt
Và anh nói, cũng có lúc như thế, biết đâu
 
Không dưng gặp nhau rồi mất ngủ
Không dưng gặp nhau về làm thơ
Thưa cô nương, anh sợ cô rồi đó
Quà sinh nhật tặng cô, bài thơ nầy
(Sinh Nhật)
 
Lính chiến là lính đánh giặc trong thời chiến. Còn sau cuộc chiến, lính nào không đi thoát được thì… đi tù. Mà tù ngục dưới chế độ bạo ác là cửa tử. Nhốt chế độ cũ vào phòng kín, nuốt chửng những kẻ bại trận trong bóng tối có khác gì cuộc hủy diệt nhân sinh, văn hóa và đạo đức.
 
Có điều, sau cánh cửa tử kia, thơ lính của Lê Mai Lĩnh lại nổi lên cái giọng tưng tửng, cứ như đùa cợt, bất cần đời, chẳng thèm để ý tới câu cú, ngữ pháp, chấm, phẩy, xuống hàng, … Trong trại tù Z30A, năm 1982, Lê Mai Lĩnh sờ râu ra… thơ:
 
Nơi anh ở bây giờ, dưới chân núi Chứa Chan
Trong một trại tù, rào, tường kiên cố
Nhìn mũi súng, lưỡi lê, như ra điều thách đố
Anh chỉ muốn sờ râu, cười khan.
 
Thật buồn cười cho chòm râu của anh
Có lúc thật đẹp, có lúc xấu tệ
Lúc đẹp, anh soi gương hoài và nhớ em vô kể
Lúc xấu xí, anh cạo liền, không để
 
Trong tù, sờ râu là một cái thú
Như thú nhận thư nhà, thú xem ảnh vợ con
Thú được thăm nuôi và nhận quà đều đặn
Thú Chủ Nhật ở nhà, mộng lớn, mộng con
Trong tù, sờ râu là một cái thú
Cảm ơn râu, cảm ơn râu, cảm ơn râu
Râu đã giúp ta qua cơn thống khổ
Cảm ơn râu, cảm ơn râu. cảm ơn râu
Cảm ơn
Râu.
(Z30A/ 1982)
 
Thi sĩ vốn là kẻ mộng mơ. Lê Mai Lĩnh cũng mơ mộng không kém, đã từng mơ cho mình là một bác sĩ Zhivago, nếu được sống cùng thời.
 
Nếu được sống một thời
Như một thời, Pasternak đã sống
Anh cũng có cho mình, một Zhivago, Doctor
Nếu được/ bị / sống một thời
Như một thời, Pasternak dũng cảm tung hoành ngòi bút
Anh cũng có cho mình, một trời thơ Tình Yêu…
(Em, Partenak Và Thơ)
 
Ta từng biết Doctor Zhivago là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nga Boris Pasternak. Truyện kể về Yuri Zhivago, một bác sĩ y học và là nhà thơ, đã trải qua những cuộc tình éo le với hai phụ nữ trong thời kỳ xảy ra cuộc cách mạng Nga năm 1917.
 
So với Dr. Zhivago thì cuộc tình của Lê Mai Lĩnh cũng éo le đó chớ. Nhưng cái éo le buồn cười mà hay ho của khí thơ trong “Em, Partenak Và Thơ”  lại có chút may mắn hơn:
 
Giữa đời ta, thời bóng xế
Em đến, làm đảo điên đời ta
Cái đã mất, lấy lại được rồi
Cái không còn, hiện hồn trở lại
Cái đã chết, đòi sống lại, phục sinh
Cái dưới đất, chui đầu mà dậy
Cái trên trời, không dưng rớt xuống
Cái ngoài biển, trôi giạt vào bờ
Cái ngủ yên, lồm cồm bò dậy
Cái điên khùng, trở lại cái tỉnh
Cái bất thường, trở lại ngon lành
Nên ta gọi, là em Lara của ta
Cũng phải
Anh đã là Pasternak, của, do, bởi, tại, vì em
Cảm ơn em
Người tình chín đỏ
Cuối đời
Vô song
Sáng nay chép lại bài thơ
Trong quán cà phê đường Lam Sơn
Giữa vị đắng và khói thuốc
Nơi anh đưa em tới
Căn nhà số 13
Để mai sau lỡ có thế nào
Em đổ tại anh chọn số 13 xui xẻo.
Đêm qua lại nữa, một đêm trắng mắt
Em, Pasternak và Thơ
Chập chờn trong anh, giữa cơn mộng tỉnh
Rượu, không uống mà say
Tình, lỡ vương phải chịu
Em hiểu không,
Lòng anh.
 
Có một buổi chiều mưa, thi sĩ lính đi tù về được Em đến thăm mang theo “nụ hôn dịu ngọt” hôn xuống nỗi cô đơn chàng mà chàng ví như “lượng trời ban xuống”. Em đến lúc trời mưa, Em về, trời vẫn còn mưa. Ngồi lại một mình, thi sĩ lính nhà ta mới thấy đời lạ hoắc lạ huơ:
 
Em đi rồi, 
anh ngồi lại một mình
Ngồi lại, 
một mình, 
anh thấy đời đổi khác
Em đi rồi, anh ngồi lại, một mình
Ngồi lại, 
một mình, 
anh thấy đời lạ hoắc 
Cảm ơn em,
Người tình muộn cuối đời anh phải sống
Cảm ơn em,
Người tình dấu yêu cuối đời, anh phải chết.
(Một Chiều Mưa)
 
Hình như từ dạo biết yêu và được yêu, thi sĩ lính Lê Mai Lĩnh mới tẩn mẩn nhìn lại mình thấy mình “Bờm xờm quá, lôi thôi hoài, không được” không giống ai, bèn đi một đường… chải chuốt cho thơm mình, thơm đời:
 
Đã đến lúc anh phải chải lại đời mình
Bờm xờm quá, lôi thôi hoài, không được
Em thấy không, anh yêu đời trở lại
Nghe xôn xao như chim hót ở trong lòng
Anh biết rồi, hạnh phúc là điều có thật
Như anh đang có em để đợi chờ
Như sáng mai này nghĩ về một người lên Đà Lạt
Lòng muốn gởi theo chút ấm làm quà
Sáng mai này có một người đi xa
Trong lòng anh, có một chút gì đọng lại
Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng
Anh nâng niu, nâng niu, suốt buổi 
Chải lại đời mình, em chợt đến
Mười ngón tay, chiếc lược thần kỳ diệu
Giúp anh, em hãy chải đi
Em có chải không, em có chải không, nào.
(Chải Lại Đời Mình)
 
Và hình như từ dạo biết yêu và được yêu, thi sĩ nhà ta phán một câu xanh dờn “Đàn bà là thế giới của thi sĩ. Không có đàn bà trên thế gian này coi bộ thi sĩ khó sống”. Mấy lời chắc nịch này không những Lê Mai Lĩnh nói mà chàng còn hùng hồn chứng minh bằng bài thơ dài sọc “Thi Sĩ Và Đàn Bà”:
 
Tôi 
Lê Mai Lĩnh
Thi sĩ thứ thiệt
Đủ thẩm quyền
Thay mặt lũ nhà thơ trên toàn thế giới
Tuyên bố
Nếu trên thế gian nầy không có người đàn bà
Bọn tui khó sống
Mà nếu không chết
Thì sống vật vờ.., tàng tàng
Như gà nuốt dây thun.. .
Cũng bài thơ trên, thi sĩ mạnh mẽ tiếp hơi:
Nhưng trên thế gian nầy có người đàn bà
Đa phần đều dẹp
Nên tụi tui
Thi sĩ
Sống hùng, sống mạnh
Sống khỏe re
Như con bò kéo xe..
Thưa bạn đọc.
 
Đó là những bài thơ nhà thơ lính Lê Mai Lĩnh tùy hứng gởi cho tôi đọc. Đọc rồi, ngẫm nghĩ tôi có cảm giác từ vui hết biết đến buồn trầm trầm. Tôi nhận thấy ở anh, “chân dung một người lính thi sĩ miền Nam”, có một sự hòa hợp giữa vui và buồn. Sau ngày mất nước, có lần anh tâm sự:
 
Bảy năm làm lính
Tám năm, sáu tháng làm tù
56 năm cầm bút xung phong
Giờ 72, chưa muốn làm một kẻ đào binh
Nhưng xin cho mình cái phép thường niên
Để gối đầu lên địa đàng em và làm thơ tình
Để tìm chút hơi ấm nụ hôn
Để lấy lại hơi thở bình sinh
Cho những ngày trận mạc mới .
Mình không bỏ ngũ
Mình không phản bội anh em
Mình vẫn hiện diện dưới cờ
Mình sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa
Nhưng xin cho mình cái phép thường niên
Mình cần một chút lả lướt
Mình cần một chút bay bướm
Mình cần một vòng tay ôm của một người tình
Mình cần một nụ hôn mặn chát của người yêu
Mình cần một cái liếc mắt sắc như lưỡi dao cạo
Và chấp nhận máu chảy ròng ròng
Mình cần một lời thầm thì, ngọt như mía lau
Để quên đi mùi cay của khói thuốc súng và bom đạn
Mình cần một cái cắn môi của người học trò
Mình cần một đêm trăng mật
Để thấy một tuần là quá thừa cho một người lính trận
Hãy nhớ
Cấp cho mình cái phép thường niên
Để sau ngày hết hạn
Mình sẵn sàng cầm súng lao vào bốn vùng chiến thuật
Mình không đào ngũ
Mình không phản bội anh em
Mình vẫn hiện diện dưới cờ
Mình hứa ..
Nhưng mỗi năm
Hãy cấp cho mình cái phép
Để mình còn là Con Người.
 
(Lê Mai Lĩnh, bút hiệu Sương Biên Thùy, tên thật Lê Văn Chính sinh năm 1942 (khai sinh 1944) tại Quảng Điền, Triệu Phong, Quảng Trị.
 
Nhập ngũ khoá 1/ 68 trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường phục vụ tại tiểu khu Bình Thuận và Tuyên Đức.
 
Đi lính 7 năm. Đi tù 8 năm 6 tháng. Hiện sống tại thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. 
 
Viết văn làm thơ từ năm 16 tuổi như một cuộc rong chơi không có chủ đích.
 
Tác phẩm đầu tiên là Nỗi Buồn Nhược Tiểu, in năm 1963, lúc 21 tuổi. Tới nay đã có 17 tác phẩm vừa riêng vừa chung.
 
Gần 15 năm nghỉ viết, nay tuổi già 80, viết lại, viết như có thánh thần, ma quỷ xúi giục. Viết như điên… )
 
Phan Ni Tấn
 
Nguồn: https://t-van.net/phan-ni-tan-le-mai-linh-chan-dung-mot-nguoi-linh-thi-si-mien-nam/