User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tamchandungluanhoan
 
Nét Tưng Tửng Trong Thơ Luân Hoán Qua Tác Phẩm "Tâm Chân Dung"
 
Mấy ngày trước tôi có dịp ngồi uống cà phê cùng nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang tại quán cà phê cóc 58 Trần Quốc Thảo, trước 1975 ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học với cái tên thật là Phan Kim Thịnh, tự nhiên ông lại nhắc đến nhà thơ Luân Hoán vì mấy lần gặp trước tôi có nói với ông tôi hiện đang cộng tác với trang Vuông Chiếu và tạp chí Ngôn Ngữ mà anh đang chủ biên. Về nhà tự nhiên muốn viết một chút gì đó về thơ của anh mà từ lâu tôi mãi nấn ná.
 
Tôi biết nhà thơ Luân Hoán từ những năm trước 1975 khi tôi gởi bài cộng tác cùng tạp chí Văn Học của ông Phan Kim Thịnh vì thơ anh xuất hiện thường xuyên trên đó nhưng tôi chưa có dịp quen biết anh, hình như lúc đó anh có chân trong BBT thì phải. Nhiều năm trôi qua từ sau biến cố năm 1975, một thời gian rất dài tôi đã từ bỏ văn chương và chỉ trở lại viết chưa đầy 10 năm nay. Tôi biết và quen anh khi tham gia cộng tác cùng trang Vuông Chiếu sau nầy có thêm tạp chí Ngôn Ngữ. Thơ anh người đọc không lầm lẫn với ai được vì nó rất bình dị, thơ viết ra như nói hay như hơi thở vậy, không màu mè, không dùng chữ cầu kỳ nhưng vẫn làm người đọc thú vị nhất là cái giọng tưng tửng trong nhiều bài thơ.
 
Thật ra cái tưng tửng trong thơ Luân Hoán không chỉ nằm trong tác phẩm Tâm Chân Dung mà nó rải rác gần như trong các tác phẩm thơ của anh, nó biến hóa thiên hình vạn trạng và ở tất cả các thể loại chủ đề: Từ thơ viết về tình yêu, gia đình, quê hương, bạn bè, thời đi lính mà nội dung diễn đạt người đọc khó đoán trước được mạch thơ của anh sẽ chuyển hóa theo một hướng nào. Phần nầy tôi xin để những người am hiểu hơn sẽ viết tường tận về thơ anh, ở đây tôi chỉ đề cập đến tính chất tưng tửng đó trong tác phẩm Tâm Chân Dung của anh thôi.
 
Đối với họa sĩ khi kí họa một nhân vật nào đó ông ta dùng cây cọ kéo từng nét đơn giản chủ yếu khắc họa được cái thần của nhân vật còn trong quyển Tâm Chân Dung, nhà thơ Luân Hoán lại ký họa nhân vật bằng thơ. Nhân vật mà Luân Hoán chọn để ký họa bằng thơ là bạn bè thân quen của anh hoạt động nhiếu mặt trong giới văn nghệ: Họ có thể là họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, điêu khắc, nhạc sĩ, dịch giả... mà anh quen năm nảo năm nào, từ thời xa lắc xa lơ cho đến những bạn văn anh mới biết sau nầy khi đã ra định cư ở nước ngoài, đặc biệt là anh không phân biệt họ là ai, ngày trước có đứng ở hai bên chiến tuyến hay không, hoặc mấy ông văn thi sĩ miền Bắc sau nầy nếu lọt vào... tầm ngắm của anh là anh chơi luôn.
 
Trong suốt tác phẩm ta thấy anh chọn thể loại thơ 5 chữ để diễn đạt. Điều nầy cũng dễ hiểu vì nó ngắn dễ khắc họa tính cách nhân vật hơn. Việc tôi muốn đề cập ở đây là những nét anh kí họa về những nhân vật đó bằng cặp mắt và dòng suy tưởng lạ lẫm và với giọng thơ rất là... tửng tửng. Nói như thế không có nghĩa là anh phóng bút tùy tiện, vẽ hươu vẽ vượn như thế nào cũng được. Tôi nhận thấy trước khi kí họa ai đó anh đã đọc, tìm hiểu về gia thế, hình thể, nghề nghiệp... rất ư là... chuyên nghiệp trong tầm hiểu biết có thể được và với giọng thơ giễu nhại mà chính nhân vật được anh kí họa họ bằng cái lối cà tửng đó cũng phải bật cười bao dung không nỡ giận anh, trái lại còn ngạc nhiên: Quái! Thằng cha Luân Hoán nầy sao tinh ý đến thế kia chứ.
 
Tôi không có bản in sách tác phẩm Tân Chân Dung của anh chỉ có bản PDF được upload lên trang Vuông Chiếu của anh mà thôi nên chỉ biết nó có số trang cũng không khiêm tốn chút nào: Nó dày 443 trang với hàng trăm người được kí họa, hãy xem bút thơ của anh vẽ về họ thế nào nhé:
 
Nhân vật đầu tiên anh hí lộng ngòi bút của mình là nhà thơ Cao Thoại Châu:

rảnh rỗi bưng một bác
phác họa loạng quạng chơi
không mục đích bôi bác
không bốc thổi lên trời
 
vẽ bậy từng nét thật
theo tác phẩm theo đời
chẳng mục đích gì khác
trám giờ trống vậy thôi


Mèn ơi! Thơ tả bạn như thế thì sao không nói là tưng tửng cho được kia chứ.
 
Với Bùi Bảo Trúc được vẽ với một hình thể khá ngộ nghĩnh:

ông cao ráo bụ bẫm
dềnh dành như quan công
nhưng mặt trắng kính cận
kinh thư thuộc nằm lòng?


Với bạn bè thời quân ngũ ở Thủ Đức K 24, K 25 gì đó thì không cần tìm tài liệu anh cũng “phang” ngay những câu 5 chữ có vần có vè rất có hồn về họ nhưng với Bùi Chí Vinh gần như không quen biết chỉ nghe bạn bè nói chơi được thì chơi luôn. Thật cũng hết biết:

khoái thơ ông, phác họa
thay đôi lời cảm ơn
một nguồn thơ hào sảng
cõng đầy đủ vía hồn
 
thật ra đã hỏi trước
Hoàng Lộc, Cao Thoại Châu
đều bảo: “gã chơi được!”
thế là tôi được chơi


Dí dỏm cùng Du Tử Lê. Viết thế nầy thì tác giả “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” chắc cũng chỉ biết cười trừ mà thôi:

ông kém tôi một tuổi
sao bàn chân quá dài
đích nào cũng tới trước
có trừ cái quan tài?


Với Đinh Cường coi bộ nghiêm chỉnh hơn một chút:

lông mày ông khá rậm
nhưng chưa quá huê tình
lòng mắt luôn chứa đọng
cảnh sắc cõi nhân sinh
 
mũi ông thuộc loại đẹp
biểu thị sự thành công
ăn ý cùng môi miệng
thở hít những thật lòng


Viết thế thì ai mà không biết nhà thơ Đỗ Nghê hay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kia chứ:

gói tài hoa lãng mạn
Thư Cho Bé Thư Sinh
Và Những Bài Thơ Khác
lấp lánh ngát chân tình


Với Đỗ Trung Quân ngoài sự ngưỡng mộ còn là sự lo lắng vì thấy nhà thơ đang đùa với lửa:

sự ngưỡng mộ “tăng tốc”
qua Tạ Lỗi Trường Sơn
ông giúp cho tôi lớn
thêm một khúc tâm hồn
 
gần đây phải thú thật
ái ngại khi nhìn ông
xuống đường chống Tàu cộng
không có gậy tầm vông


Chân dung Hạ Quốc Huy lại được anh miêu tả sát sườn luôn:

ông thành danh võ sĩ
vóc gân guốc xương xương
tính ngang ngang lập dị
không quen, nhìn khó thương


Đôi khi câu thơ cũng chùng xuống một chút khi viết về nhà thơ Hoài Khanh:

từ Dâng Rừng, Thân Phận
qua Hương Sắc Mong Manh,
Trí Nhớ Hoang Vu, Khói...
tôi vẫn gặp Hoài Khanh
 
nhà thơ không có tuổi
nhà thơ chỉ có tình
mây trời mang em mất
nên đời còn trái tim


Với đoạn thơ thế nầy thì ai mà không biết anh đang nói đến nhà thơ Lâm Hảo Dũng với bài thơ “Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà” được nhiều người biết đến:
 
sợi khói ông nhớ thương
“Ngày đi...” đành bỏ lại
xót xa lòng vấn vương
làm oằn tâm trí mãi


Và cũng rất chân tình với bạn thơ Lê Vĩnh Thọ khi một thời cùng đứng chân trên tạp chí Văn Học:

ới Lê Vĩnh Thọ ơi
mày trách tao đủ thứ
tao chỉ nhắc nhỏ thôi
vẽ mày, tao nhớ lắm
 
sao chưa thấy gởi qua
những gì mày đã hứa
tao sắp sửa thành ma
chờ tin mày từng bữa


Rồi lại đùa vui cùng cái chết cùng nhạc sĩ Từ Công Phụng:

tôi không nhắc sức khỏe
bởi ông quá tuyệt vời
trời kêu không cần dạ
đất gọi tỉnh bơ chơi
 
soi nhau trên cõi lạ
thấy ra cùng xế chiều
đùa chơi cười một chút
sao nắng trời hắt hiu


Đến cả mình anh cũng tự họa bằng những câu thơ cà tửng thì ta biết anh có chừa ai đâu nhỉ:

vẽ vời đám quen biết
mà không tự vẽ mình
y như giả đui điếc
rõ ràng không thật tình
 
ôm trong bộ dạng đó
lòng đầy đủ sân si
háo danh và háo sắc
mình vái mình, đã lì
 
thơ dỏm và thơ dở
nhưng không xạo bao giờ
có thể thỉnh thoảng giỡn
không lạc hồn vía thơ

.........

Còn rất nhiều câu hay nữa đó nhưng thôi để các bạn tự tìm đọc tập Tâm Chân Dung sẽ khám phá cái ngóc ngách tưng tửng trong thơ Luân Hoán. Kết thúc bài, tôi xin được gởi đến anh lời nhắn gởi chân tình của ông chủ bút tạp chí Văn Học năm xưa: Khi nào Bình có liên lạc với Luân Hoán cho tôi gởi lời thăm ông ấy và gia đình nhiều sức khỏe nghe cùng một cái nheo mắt đầy ý nghĩ. Tôi không biết điều gì ẩn sau cái nheo mắt đó, nhưng chắc anh hiểu phải không anh Luân Hoán?
 
Bên bờ Kênh Tẻ, tháng 11-2020
Nguyễn An Bình
 
Nguồn: https://www.art2all.net/tho/nguyenanbinh/Nettungtungtrongtho-luanhoan.html