User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
imagessach
 
Tôi vừa được nhà văn Duy Nhân tức Nguyễn Đức Đạo trao tặng tập truyện “Trọn Đời Yêu Thương”. Sách dày 336 trang với trang bìa được trình bày thật đơn giản nhưng nội dung rất súc tích. Tập truyện gồm có 29 bài văn xuôi và 7 bài thơ. Lời văn bình dị dễ hiểu, phong cách viết văn cho thấy bản tính của tác giả Duy Nhân là chân thật và thẳng thắn. Đây là một tập truyện ngắn mà tác giả đã kể về cuộc đời mình và những người thân giống y như một cuốn hồi ký.
 
Cuộc sống lúc thiếu thời của tác giả Duy Nhân thật khó khăn, vất vả nhưng tác giả đã không ngừng phấn đấu từ một cậu bé miền quê để vươn lên thành một nhà khoa bảng. Ngoài công tác chuyên môn của một chuyên viên Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, tác giả còn đọc sách, viết văn và làm thơ. Khi về già, tác giả có một đam mê đặc biệt là nhiếp ảnh. Tác giả đã đi khắp mọi miền, đặc biệt về Việt Nam, để săn lùng những danh lam thắng cảnh đưa vào ống kính.
 
Cũng như mọi thanh niên trong hoàn cảnh nước nhà đang có chiến tranh, tác giả Duy Nhân  được động viên gia nhập quân ngũ để thụ huấn khóa 1/72 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và được phân bổ về Tiểu Đoàn Địa Phương Quân 472 đi chiến đấu ở các mặt trận tại tỉnh Vĩnh Bình. Rồi sau đó, khi bị đổi về một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân khác ở tỉnh Kiến Tường thì tác giả Duy Nhân lại tiếp tục đi “hành quân liên miên, toàn những trận đánh lớn.”
 
Khi cộng sản xâm chiếm miền Nam, tác giả cũng bị tù “cải tạo” đi lao động khổ sai nhưng không hề than vãn, oán trách hay hận thù mà coi đây như là một thử thách nên tác giả vẫn cứ làm thơ:
 
“Trời sinh ra với tâm hồn nghệ sĩ
Chốn lao tù, ta vẫn cứ làm thơ
Yêu làm sao, áng mây trắng trên trời
Mà mơ đến những bến bờ vô định…”
 
Tất nhiên khi ra tù dưới chế độ mới, tác giả không thể nào được tuyển dụng vào cơ quan chính quyền nhưng may mắn được giới thiệu vào làm việc tại Liên Hiệp Xã thành phố là một cơ quan không có tính chất chính trị, chuyên quản lý các hợp tác xã và tổ hợp tiểu thủ công nghiệp. Thế mà đã có người nghĩ sai là tác giả đã cộng tác hay hợp tác với chính quyền mới.
 
Vì ra tù quá sớm không đủ điều kiện đi định cư ở Mỹ theo diện HO nên tác giả đã được người em vợ bảo lãnh sang sống ở Chicago trong 23 năm qua cùng với gia đình đều nhập quốc tịch Mỹ và được hưởng mọi quyền hạn cùng phúc lợi xã hội. Tại đây tác giả đã tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng và các cuộc họp mặt thân hữu. Tác giả sống rất hòa đồng, cởi mở và vị tha nên được nhiều người quý mến.
 
Cuộc đời của tác giả gặp được nhiều may mắn mà tác giả coi như một phép lạ: Từ một đơn vị tác chiến nguy hiểm, tác giả được điều động về làm việc tại Tòa Hành Chánh tỉnh mà tác giả thắc mắc không biết do đâu. Sau này tìm hiểu, tác giả mới biết trên một chuyến xe đò, tình cờ ngồi gần và trò chuyện với một cụ già là một chức sắc Cao Đài khiến cụ này mến mộ và ghi vào sổ tay tên Nguyễn Đức Đạo với số quân rồi chính cụ này đã gởi gắm tác giả cho Trung Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Vĩnh Bình nên mới được như vậy. Tác giả nghĩ rằng cứ ở hiền làm lành thì sẽ có quới nhơn phù hộ! Tác giả còn tin vào số mệnh: Sau khi chấm dứt nhiệm vụ ở Tòa Hành Chánh tỉnh thì tác giả được điều động về làm Trưởng Ban Một của một Tiểu Đoàn tại Ao Bà Om rồi ông Tỉnh Trưởng mới lại ra lệnh thuyên chuyển tác giả về tỉnh Kiến Tường mà tác giả tự hỏi tại sao Tỉnh Trưởng của tỉnh này lại có quyền thuyên chuyển thuộc cấp qua tỉnh khác? Tác giả viết: “Chuyện xảy ra đã mấy chục năm nhưng khi nghĩ tới, tôi vẫn còn thắc mắc vì cho tới nay, chưa có ai lý giải được cho tôi.”
 
Bỗng vào một ngày cuối năm, tác giả được lệnh trình diện Tiểu Khu Kiến Tường để nhận Sự Vụ Lệnh về Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu đang cần những Sĩ Quan có trình độ Đại Học Luật Khoa hoặc Quốc Gia Hành Chánh. Sau một thời gian ngắn phục vụ nơi đây, tác giả lại được biệt phái trở về nhiệm sở cũ là Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Như vậy, tác giả đã gặp từ may mắn này đến may mắn khác. Đúng là con người cũng có số như giày dép!
 
Tác giả đã trọn đời yêu thương gia đình, dòng họ, bạn hữu, đồng loại, đồng bào và quê hương đất nước. Tác giả viết: “Khi nhớ về Việt Nam thì tôi nhớ đến những người thân của tôi còn ở đó. Tôi nhớ bà ngoại tôi, ba tôi, anh hai tôi, ba vợ tôi là những người đã mất.” Viết về người cha, tác giả đã thổ lộ: “Từ Sài Gòn, ba được xe của hãng đưa rước đi làm hàng ngày. Mỗi sáng, tôi ra mé lộ trước nhà canh đúng giờ xe chạy ngang qua để xem coi có trông thấy ba tôi không. Khi xe chạy ngang qua, ba tôi thường thẩy xuống cái gói đồ ăn mà má tôi đã làm sẵn cho anh em tôi.”
 
 
Viết về mẹ và bà ngoại, tác giả rất đau buồn mà nói rằng: “Mẹ tôi đã mất khi tôi mới mười một tuổi.” và “Ông Trời vẫn còn thương nên thay vào vị trí của Mẹ, đã cho tôi có Bà Ngoại” Tác giả cũng không quên nhắc đến Cậu Út Tám: “Lúc bốn, năm tuổi tôi thường bị Cậu Tám bắt nhốt vào nhà tắm giữa đêm khuya. Mặc cho tôi gào thét, kêu la cách nào, Cậu Tám vẫn không mở cửa.” Bà Ngoại lại rầy Cậu: “Mày làm nó sợ, lớn lên nó bị tâm thần, nó khật khùng thì làm sao?”Nhắc đến ba của vợ, tác giả viết: “Ông là người kỹ lưỡng, khó tính, rất hoài cổ, yêu thương con cháu, luôn mang nặng trong lòng một tâm tư phiền muộn, nhất là trong những ngày tháng cuối đời. Là con rể nhưng tôi có nhiều thời gian gần gũi với ông, hiểu ông hơn những chàng rể và cô dâu khác, kể cả những người con của ông.” Đặc biệt về tình yêu thương người anh cả, tác giả Duy Nhân đã nhắc lại những kỷ niệm: “Khi cần tắm giặt, anh tôi dẫn mấy đứa em xuống suối trước nhà, tha hồ đắm mình trong dòng nước trong veo, mát rượi.” và “Cũng tại dòng suối này, hai anh em tôi đi hái rau, xúc tép, bắt những con cá nhỏ trong những đám rong rêu hai bên bờ, thỉnh thoảng cũng bắt được những con rắn bông súng, đem về kho mặn thành một món ăn ngon lành.” và “Trong đời, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết của người thân nhưng chưa lần nào cảm thấy mất mát và đau khổ nhiều bằng cái chết của anh Hai tôi.”
 
Còn đối với người vợ thân yêu thì:
 
“Anh muốn em còn nét ngây thơ
Muốn em tựa cửa đứng mong chờ
Mỗi chiều gió lộng, hoàng hôn xuống
Đôi mắt sầu dâng ngập ý thơ
                  
Anh vẫn nhớ hoài đôi mắt em
Nhớ hàng châu ngọc đọng sau rèm
Một trời thương nhớ màu xanh biếc
Mây có ngừng trôi trong mắt em?”                                                                        
 
Tác giả Duy Nhân rất hãnh diện về các con cháu của mình: “Con trai tôi cũng thừa hưởng cái gen của ông nội là hiền lành quá đỗi!” Còn các cháu nội ngoại Allison, Brandon, Charlie và Emma đều là những đứa trẻ thông minh, giỏi giang và có nhiều tài năng đặc biệt. “Allison tự tin, xách vợt ra sân thi đấu tennis với các bạn cũng như đĩnh đạc ngồi vào chiếc dương cầm biểu diễn trước công chúng.” Brandon “thường một mình múa võ và nói I’m powerful và làm ra vẻ như sẵn sàng vào cuộc.” Khi thành ông nội của Charlie, tác giả mừng ra mặt:
 
“Cháu mình nối dõi tổ tông
Bảy mươi sáu tuổi còn mong nỗi gì”
 
Và 
 
“Charlie, cháu của nội ơi
Sao con giống nội quá trời con ơi
Với vầng trán rộng thảnh thơi
Sẽ nên nghiệp lớn, rạng ngời nhà ta”
 
Charlie hay tò mò, táy máy các thiết bị, máy móc trong nhà và rất thương mến em Emma.
 
Tác giả Duy Nhân cũng không quên đem lòng yêu thương đến các bạn hữu như mỗi lần có ai đau ốm đều đến thăm viếng và an ủi cũng như giúp đỡ khi hữu sự. Đối với bạn hữu, tác giả Duy Nhân có quan niệm:
 
“Cuộc đời rồi cũng phù vân
Sờ lên đầu bạc đa phần trống trơn
Hơi đâu tính chuyện thiệt hơn
Cùng chung ngồi lại sau cơn giận hờn”
 
Trong niềm đam mê nhiếp ảnh, mỗi năm Duy Nhân về Việt Nam một hoặc hai lần và đã kết bạn với những người cùng sở thích cả nam lẫn nữ thuộc mọi lứa tuổi để cùng nhau đi chụp hình những danh lam thắng cảnh như làng gốm Bát Tràng, làng văn hóa-du lịch Lũng Cẩm ở Hà Giang, khu du lịch Hoàng Liên Sơn, trung tâm nghỉ dưỡng trên vịnh Nha Trang, bãi biển Sầm Sơn, vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang thuộc vùng Tây Bắc, hang Pác Bó, thác Bản Giốc, Phan Rang, miền Tây Nam Bộ v.v…
 
Với những bài viết như “Việt Kiều Về Quê”, “Trưởng Công An Phường”, “Hợp Tác Xã”, “”Ông Chủ Tịch”, “Khẩu K54 Trong Hộc Bàn”,  “Văn Hóa Và Cải Cách”, “Chữ Nghĩa Của Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người” và “Người Không Nhận Tội”, tác giả Duy Nhân đã nói lên cảm nghĩ của mình về bản chất của chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam. Tác giả viết: “Hai mươi năm sống dưới chế độ mới có tên gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam một thời gian tương đối đủ để cho tôi hiểu chế độ này về mọi mặt từ xã hội đến kinh tế, văn hóa, chánh trị v.v…”
 
Trong truyện “Sân Khấu Cuộc Đời”, tác giả đã diễn tả cái hệ lụy của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn suốt hai mươi năm.
 
Nói tóm lại như lời mở đầu của tác giả “mong sao các em, các con và các cháu tôi sẽ đọc, hiểu mà không quên ông bà, tổ tiên, cội nguồn, gốc rễ của mình, nhất là các cháu của tôi đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ”. Đây cũng là điều mong muốn đối với tất cả giới trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Và đây là các bài viết mà những người cùng thế hệ với tác giả nên đọc để ôn lại lịch sử nước nhà và suy nghĩ đâu là chánh, đâu là tà!

Phan Lục

Nguồn: https://vietbao.com/a319016/doc-tron-doi-yeu-thuong-cua-duy-nhan