User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ngày 25- 6- 2006, tại địa chỉ số 2532 Monte Lindo Ct., San Jose, CA 95121, tôi gặp Võ Thạnh Văn trong cuộc họp bầu Ban Chấp Hành Văn Bút VN Hải Ngoại Trung Tâm Tây Bắc Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 2006-2008, nhà thơ Võ Thạnh Văn đắc cử chức vụ Tổng Thư Ký. 
 
Từ ấy, tôi hân hạnh biết Võ Thạnh Văn sinh năm 1948, tuổi Mậu Tý, người ấp Tân Xuân, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Văn hữu là một ứng cử viên sáng giá đa tài: một nhà thơ với bút hiệu Phù Hư Dật Sĩ (còn có bút hiệu khác như Uyển Ngữ, Trường Thương, PhươngThiên Hoạt Kích), vừa là nhiếp ảnh gia chuyên săn ảnh nghệ thuật, và là cựu Sĩ quan Phi công trong Quân lực VNCH, đã từng du học Hoa Kỳ hai năm (1971-1972) trong chương trình huấn luyện Phi công Phản lực cơ Chiến đấu. Tốt nghiệp, về nước, lái máy bay Chinook CH 47 (Cargo Helicopter), phục vụ Phi Đoàn 237/SĐ3/KQ & Phi Đoàn 247/SĐI/KQ.
 tubuoinhanve
 
Cựu phi công Võ Thạnh Văn đã dùng phương pháp ẩn dụ gửi gắm quảng đời hào hùng chim bằng sải cánh trong bầu trời lồng lộng, hướng về rừng núi ngút ngàn… Đấy, chí làm trai trong thời chiến đã theo tiếng gọi non sông là thế, còn Nhà thơ Võ Thạnh Văn trong quảng đời ở Hải ngoại thì sao?
 
Xin thưa,
 
Ngày 11- 3- 2007, Đặc San Bình Định Bắc Cali, phát hành lần thứ 6, Nhà thơ Võ Thạnh Văn góp bài Tình Sử Một Anh Hùng Danh Tướng, thể thơ 5 chữ, gồm 188 câu, chia làm 46 khổ. Tác giả viết trọn tiểu sử Đại Đế Quang Trung vừa chi tiết vừa gọn ghẽ, bắt đầu từ lúc dấy nghiệp ở Tây Sơn Bình Định, đánh Nam dẹp Bắc, diệt Xiêm phá Thanh, thống nhất giang sơn, đẹp duyên Ngọc Hân, cho đến lúc Nhà Vua băng hà. Xứng đáng là vị anh hùng dân tộc gói trọn trong 4 câu mở đầu:
 
Dũng mãnh tựa lôi hổ
Tướng lệnh như chuông đồng
Hô quân rền sấm nổ
Giặc cỏ khiếp oai rồng
 
Mùa hè năm 2007, Tuyển tập Bút Hoa 4 của Trung Tâm Văn Bút Tây Bắc Hoa Kỳ phát hành, Văn hữu Võ Thạnh Văn dự đăng Thi phẩm Ngăn Cách, thơ 5 chữ, gồm 480 câu, chia làm 120 khổ thơ, nhưng vì khuôn khổ tuyển tập có giới hạn nên chỉ đăng 240 câu cuối. Thi phẩm Ngăn Cách mang màu sắc triết lý, đề cập thân phận kiếp người chỉ vì tầm tay quá ngắn “lạc xa tầm với” mà biết bao ước vọng vuột khỏi tầm tay và chìm trong cơn lốc xoáy của định mệnh:   
 
Cách nhau đường chim bay
Mà lạc xa tầm với
Cơn mơ vừa chín tới
Đã chìm trong gió xoay
 
Có thể nói Thi tập “Ngăn Cách” (480 câu thơ 5 chữ) là tiền đề của bộ “Kinh Vô Thường”(Quyển Thượng & Hạ gồm 10000 câu thơ lục bát, sách dày 1562 trang), là tiền thân của “Ngỡ Mắt Môi Xưa” (480 câu thơ 4 chữ, dày 400 trang). Nói một cách khác, những tác phẩm của Văn hữu Võ Thạnh Văn là một chuỗi mắt xích, một hệ thống triết lý, mang tính chiến lược, tác phẩm trước là nguyên nhân của tác phẩm sau, và tác phẩm sau là hệ luận của tác phẩm trước.
 
Ngoài 3 tác phẩm nêu trên, Nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ còn có các tác phẩm sau đây:
1/ Tác phẩm đã in, có 5 thi phẩm:
 
– Những Dấu Chân Lưu Đày, Quảng Nam, in Roneo, xuất bản 1964;
 
– Ánh Sao Đêm, Quảng Nam, in Roneo, xuất bản 1965 (hai thi phẩm này bị thất lạc trong trận lụt lớn năm 1964 và 1965);
 
– Kinh Vô Thường, Quyển Thượng, từ Cát Bụi 1 đến 5, gồm 5000 câu lục bát, sách dày 786 trang, Nxb Hồng Đức, 2016;
 
– Kinh Vô Thường, Quyển Hạ, từ Cát Bụi 6 đến 10, gồm 5000 câu lục bát, sách dày 776 trang, Nxb Hồng Đức, 2016; 
 
– Mặc Niệm, 100 bài thơ rời, dày 220 trang, Nxb Nhân Ảnh, xuất bản 2020.
 
2/ Tác phẩm dưới dạng CD, có 9 thi phẩm:
 
Diễn ngâm do nhóm Hồng Vân, Ngô Đình Long, Thúy Vinh… thực hiện: 
 
 Gọi Hồn Cố Quận (2000);
 
– Núm Rún Chưa Lìa (2000);
 
 Ru Cuộc Tình Xa (2000);
 
– Ngỡ Mắt Môi Xưa (2022);
 
– Hẹn Buổi Ta Về (2002);
 
– Hịch Sông Núi (2004);
 
– Hận Nam Quan (2004);
 
 Hồn Bản Giốc (2005);
 
– Trường Sa Huyết Hận (2005).
 
3/ Tác phẩm đang dàn trang (layout), có 9 tác phẩm:
 
– Khắc Thơ Trên Đá (thi tập, có một số bài đã phổ biến từ 1975-1985);
 
– Đoạn Trường Hư Thanh, gồm 5000 câu lục bát, dày 800 trang (1989);
 
– Võ Thạnh Văn Toàn Tập I, 500 bài thơ, dày 1250 trang (1990);
 
– Quảng Ngãi Địa Linh Nhân Kiệt, đang dàn trang (1975-1995);
 
– Những Người Bạn Vong Niên, Văn Xuôi, 350 trang;
 
– Thường Tụng, gồm 1000 câu lục bát ,hoàn tất 2010;
 
– Nhật Tụng, gồm 1000 câu lục bát, hoàn tất 2010;
 
– Dạ Tụng, gồm 1000 câu lục bát, hoàn tất 2012;
 
– Đại Tụng, gồm 1000 câu lục bát, hoàn tất 2012.
 
4/ Tác phẩm đang truy lục, có 2 tác phẩm: 
 
– Võ Thạnh Văn Toàn Tập, gồm 2500 bài thơ, chừng 1250 trang (1992);
 
– Kinh Vô Tự, 5000 câu thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt, đang truy lục (1987-2000).
 
5/ Tác Phẩm chưa hoàn chỉnh, cần biên soạn, hoặc biên tập, có 2 đề tài:
 
– Thần Thoại, Điển Tích Thế Giới, khởi thảo 1985, biên soạn dở dang, tạm ngưng vì thiếu tài liệu tiếng Việt;
 
– 25 Bài Ca Bình Bắc, cần biên tập cho hoàn chỉnh, đã phổ biến vài bài (1987-2005). 
 
Về văn nghiệp Võ Thạnh Văn, không những miệt mài sáng tác, biên soạn gần 30 tác phẩm. Nhà thơ miền Núi Ấn Sông Trà, còn hăng say tham gia trong các hội Văn Học Hải ngoại:
 
– Phụ tá Nội Vụ Thi Đàn Lạc Việt;
 
– Tổng Thư Ký Văn Bút VN Hải Ngoại Trung Tâm Tây Bắc Hoa Kỳ;
 
– Nhóm Chủ Trương Tạp Chí Nguồn;
 
– Nhật báo Investment Business Daily (IBD);
 
– Nhật báo Marin Independent Journal (JJ).
 
Với thi phẩm “Ngỡ Mắt Môi Xưa,” ngay từ cái đầu đề của thi phẩm, Nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ đã báo cho ta sẽ đi vào một không gian chập chờn, một nội dung loáng thoáng như giấc chiêm bao. Vì “ngỡ” mang hàm ý sự kiện không xác thật có thể xảy ra trong 3 tình huống: tưởng là, cho là hiện tượng như thế đó trong khi sự thật không phải vậy; hoặc cảm xúc lấn át suy xét nên đã lầm nghĩ là thật… Ngoài ra, “ngỡ” còn là một sự việc có thật nhưng xảy ra quá bất ngờ nên không dám tin. Nhưng với Người Tình Trong Mơ của Võ Thạnh Văn là hiện tượng thuộc trong 2 tình huống đầu; vì “Ngỡ” đi liền với “Mắt Môi Xưa” chứng tỏ “Người tình” là có thật trong dĩ vãng, đã hút hồn Tác giả, đã tràn ngập vào ký ức, và giờ đây hình nét ấy tuôn trào trong mơ tưởng, chập chờn trong hiện tại khiến tâm hồn Tác giả rơi vào trang thái nửa mê nửa tỉnh. 
 
Ngỡ Mắt Môi Xưa là thiên trường thi có 480 câu thơ bốn chữ, gom lại 120 khổ thơ (mỗi khổ 4 câu), và kết thành 12 đoạn (mỗi đoạn có 10 khổ). Dựa vào nội dung, hoặc chủ đích, chúng tôi tạm đặt tiểu đề cho 12 đoạn thơ:
 
01/ Mơ thấy em về (Đoạn 1/12: khổ thơ 01 đến 10)
 
02/ Ta đi tìm em (Đoạn 2/12: khổ thơ 11 đến 20)
 
03/ Say tình trong mơ (Đoạn 3/12: khổ thơ 21 đến 30)
 
04/ Từ ngày em đi (Đoạn 4/12: khổ thơ 31 đến 40)
 
05/ Nhớ trăng dậy thì (Đoạn 5/12: khổ thơ 41 đến 50)
 
06/ Tương tư vào thơ (Đoạn 6/12: khổ thơ 51 đến 60)
 
07/ Vu quy tình sầu (Đoạn 7/12: khổ thơ 61 đến 70)
 
08/ Qua khung cửa hẹp (Đoạn 8/12: khổ thơ 71 đến 80)
 
09/ Thơm hương Vệ Đà (Đoạn 9/12: khổ thơ 81 đến 90)
 
10/ Một thuở đón đưa (Đoạn 10/12: khổ thơ 091 đến 100)
 
11/ Giai nhân trong mộng (Đoạn 11/12: khổ thơ 101 đến 110)
 
12/ Như còn như mất (Đoạn 12/12: khổ thơ 111 đến 120)
 
Thiết tưởng, việc bình giải và cảm nhận từng câu thơ, từng khổ thơ đã có rất nhiều vị cao kiến từ Nhà giáo, Nhà biên khảo, Nhà bình luận, Nhà văn, Nhà thơ… phân tích, đánh giá, nhận định chính xác. Nếu chúng tôi có bàn đến nữa cũng chỉ bằng thừa. Vì vậy, trong phạm vi bài này, chỉ nêu lên vài nhận xét ở những khía cạnh khác.
 
A – Về thể thơ và hành văn:
 
Thể thơ 4 chữ rất quen thuộc trong Thi ca Bình dân, lời văn mộc mạc, dễ đọc, dễ nhớ. Lối thơ này tràn ngập trong các bài vè (Hay bay hay liệng, Là hoa chim chim, Xuống nước mà chìm, Là hoa bông đá, Làm bạn với cá, Là hoa san hô, Ở Hán sang Hồ, Là hoa bông khách…); trong sắc bùa (Thợ mộc! Thợ mộc, Đẽo bào ky cúc, Chạm trổ tối ngày, Khéo léo chân tay…); và thỉnh thoảng có mặt trong ca dao lịch sử (Ấn vàng kiếm bạc, Nguyễn Nhạc trời trao, Mũ áo đại trào, Ai vô rừng cấm, Thấy tấm biển đề: “Nguyễn Huệ vi tướng, Nguyễn Nhạc vi vương” Đồn đại bốn phương, Tây Sơn dấy nghĩa…)
 
Nhưng cũng với thể thơ này, qua bút pháp của Nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ – Võ Thạnh Văn, một phù thủy ngôn ngữ, đã biến lối thơ 4 chữ có một chỗ đứng xứng đáng trong thi ca bác học qua các pháp thuật sau đây:
 
a/ Tận dụng phương pháp tiệm tiến và phép tu từ học trong miêu tả, nhằm mục đích tăng cường khả năng trình bày, thuyết phục: Đơn cử Đoạn 1/12: Mơ thấy em về, khổ thơ thứ 3/120, câu thơ 11/480 khi tả dung nhan người tình từ xa chỉ thấy hình dáng của bờ môi, đôi má:
 
ta thấy em về
trong cơn mê tỉnh
má môi tròn trĩnh
ứa nắng chiều quê
 
nhưng sang khổ thơ thứ 4, giai nhân đã đến gần, cảm nhận cả hương sắc, và hình dạng chi tiết: 
 
ta mơ thấy em
má môi mọng chín
đôi tay phong kín
như búp sen đêm
 
Lồng trong tiệm tiếm, Võ Thạnh Văn còn dùng phép tỷ dụ hình tượng “búp sen đêm” để tả đôi tay đẹp căng đầy nhựa sống của Người tình. Hoa sen, ban ngày xòe cánh ra hấp thụ ánh sáng và tinh hoa của đất trời, về đêm khép cánh tròn trĩnh để ấp ủ hương thơm. Vậy lối tỷ dụ của Tác giả có khả năng miêu tả vừa dung nhan, tâm trạng, tính cách, và cả hương sắc nữa.
 
b/ Dùng phương pháp so sánh xuyên qua các nhân vật nổi tiếng trong sự tích, lịch sử, và điển cố làm biểu tượng để mô tả vẻ đẹp cao quý của Người Tình Trong Mơ của Võ Thạnh Văn, thể hiện qua các khổ thơ 15, 16, 17, 18:
 
– Đề cập đến đức hy sinh, chấp nhận gian khổ, lòng can đảm vượt mọi rào cản, để đạt thành quả của tình yêu. Tác giả mượn chuyện dân gian “Trần Minh Khố Chuối” được cải biên thành tuồng cải lương Bên Cầu Dệt Lụa. Trong đó, hai nhân vật chính là tiểu thư Quỳnh Hoa, theo tiếng gọi của con tim đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa, chấp nhận làm nghề canh cử để có tiền giúp Trần Minh, một thư sinh nghèo xác xơ, nhưng bền chí học hành, sau đã đỗ Trạng nguyên. Qua bút pháp vừa gãy gọn vừa súc tích, chỉ cần 4 chữ “bến sông, đập sợi” cũng đủ nhắc đến sự tích này đế sánh với Người Tình Trong Mơ: 
 
ta qua bến sông
tìm người đập sợi
 
– Khi tả nhan sắc nghiêng thành đổ quách của Người tình, Tác giả nhắc đến tình sử của nàng Tây Thi Gái Việt (thuộc thị tộc U Việt trong nhóm Bách Việt) ở làng Trữ La (nay thuộc huyện Chư Ký, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, nước Tàu), cũng chỉ có 4 chữ “Trữ La, dệt lụa” đã gói tròn cốt truyện:
 
ta đến Trữ La
tìm người dệt lụa
 
– Đề cao đến tiết hạnh của Người tình, tác giả sánh vào tấm gương Tiết phụ Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam):
 
ta qua Nam Xương
tìm người tiết phụ
vách loan bóng rũ
thấp thoáng chân tường
 
Với 4 chữ “bóng rũ, chân tường” đã bao gồm đủ cả câu chuyện về “Người con gái Nam Xương” (Nam Xương Nữ Tử Truyện 南昌女子傳), trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), về lòng thủ tiết, thay chồng nuôi con, không ngờ bị hiểu lầm, nàng quyết quyên sinh để giải oan, và đã cảm hóa lòng chồng. Tấm gương thủ tiết và quả cảm của người phụ nữ Nam Xương, khiến người đời kính phục đã lập miếu thờ, ngày đêm nhang khói, khiến vua Lê Thánh Tông khi đi ngang qua đã cảm tác bài thơ Miếu Nàng Trương (trích cặp trạng và luận):  
 
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
 
Lại nữa, để cạn lời ca tụng cái đẹp và lòng chung thủy của Người tình, Nhà thơ Võ Thạnh Văn đề cập đến mối tình người đẹp Ngu Cơ và người hùng Hạng Võ, trước sau vẫn một lòng, tình cảm gắn bó không thay đổi. Theo chính sử, năm 202 trước Công nguyên, thành Cai Hạ của Hạng Võ bị liên quân của Lưu Bang, Hàn Tín và Bành Việt vây chặt rồi dùng kế tâm lý chiến làm cho quân Sở ỏ trong thành đào ngũ hầu hết. Trong tình thế tuyệt vọng, Ngu Cơ vẫn một lòng sống chết có nhau với người yêu. Hạng Vũ thốt lên: “Hán đã chiếm Sở rồi sao!” Ngu Cơ chia sẻ nỗi đau buồn của chồng, cùng nhau uống cạn ly rượu cuối cùng và đồng hát một bài hát mà người đời sau đã gọi là “Cai Hạ Ca” (垓 下 歌). Võ Thạnh Văn đã gói tròn kết cuộc tình chung thủy ấy trong 4 chữ “đẹp giọt rượu đưa” để ví với Người Tình Trong Mơ:
 
ta vượt nghìn xưa
tìm về cai hạ
thép gươm trướng lạ
đẹp giọt rượu đưa
 
B – Lời văn gọn ghẽ, thi tứ hàm súc. Đơn cử, Đoạn 3/12: Say tình trong mơ, khổ thơ 21/120, Tác giả đã viết: 
 
ta thấy người về
mây nghiêng nắng xế
hình lan bóng quế
chập chờn cơn mê
 
Chỉ có 4 chữ “hình lan bóng quế” (câu thơ 83/480) đã nói lên vẻ đẹp “sắc nước hương trời,” đến nỗi mây phải nghiêng mình né tránh, ánh nắng không dám chiếu thẳng, vì bản thân giai nhân là “hình lan bóng quế.” Và “Lan” và “Quế” lấy từ chính sử qua hai sự kiện: 
 
Với “hình Lan”đề cập đến  Đại mỹ nhân Nguyên phi Ỷ Lan, nguyên là cô gái hái lá dâu ở làng Siêu Loại, đứng tựa vào gốc cây lan khi xa giá vua Lý Thánh Tôn đi ngang qua. 
 
Với “bóng quế” đề cập đến sự kiện các vua nhà Lý dùng hôn nhân chính trị để ổn định bờ cõi, tức gả công chúa cho các tù trưởng dân tộc thiểu số, với mục đích ràng buộc họ. Chính sách này đã mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà vua đến vùng miền núi xa xôi, vùng biên giới phía Bắc và Tây Bắc, biến các tù trưởng thành những phò mã trung thành, làm phên dậu vững chắc cho triều đình. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã có ít nhất 9 công chúa gồm: Bình Dương (平 陽; năm 1029), Kim Thành (金 城; 1036), Trường Ninh (長 寧; 1036), Ngọc Kiều (1058), Khâm Thánh (欽 聖; 1082), Diên Bình (延 平; 1127), Thiều Dung (韶 容; 1144), Thụy Thiên và còn một công chúa nữa không rõ tên mang sứ mệnh chính trị làm dâu vùng sơn cước [1].
 
Các công chúa sinh ra và lớn lên nơi kinh thành tráng lệ, ngày lên xe hoa là vĩnh viễn lưu đày nơi rừng núi hoang vu. Và dân chúng đứng hai bên đường, tiễn công chúa về miền thượng du với các tù trưởng, họ không khỏi ngậm ngùi xúc động, đã mượn hình ảnh cây quế ghi lại tình cảnh ấy qua ca dao: 
 
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo [2].
 
Phù hợp với câu ca dao trên, cây quế phân bố ở các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào CaiYên Bái, Lai Châu, Sơn La (mọc nhiều nhất các tỉnh có dấu gạch dưới).
 
C/ Về giá trị Tư tưởng và Triết lý trong Ngỡ Mắt Môi Xưa:
 
Đọc đến đoạn 8 và 9, trong các khổ thơ 80, 85, 89/120, bắt gặp những tư tưởng lớn của Công Giáo, Phật Giáo, và Ấn Độ Giáo mà Nhà thơ Võ Thạnh Văn đã đem vào Tác phẩm một triết lý sống làm kim chỉ nam cho bản thân và cho cả Người tình. 
 
Em có hiểu không
cô đơn từng niệm
cơn đau mầu nhiệm
trổ nụ hoa tâm
 
Vì Chúa Jesus Christ đã kêu gọi: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” (Matthew: 7:13-14, trích Kinh Thánh Tiếng Việt,  1925), được Nhà thơ Võ Thạnh Văn mượn ý để nói với Người tình; đúng hơn là con người Phù Hư Dật Sĩ thực tại nói với Người tình năm xưa: “em đã hiểu chưa” hãy “qua khung của hẹp”để chúng ta “tình còn thơm đẹp”và mãi mãi “phảng phất hương xưa” (đoạn 8/12, khổ thơ 80/120).
Chưa hết, triết lý sống trong thi ca Võ Thạnh Văn, còn chịu ảnh hưởng của Phật Giáo nhập thế, tìm về kinh kệ để thoát khỏi đau buồn, nhưng là lối giải thoát tích cực vì hướng về “khuê đẩu” là biểu tượng soi sáng văn chương và học thuật của nền văn hóa Á Đông nói chung, hoặc văn hóa Việt Nam nói riêng, để cống hiến cho đời:
 
ta học làm thinh
suốt mùa tịnh khẩu
đêm nhìn khuê đẩu
tụng rã lời kinh
 
Con người vốn yếu đuối không thoát khỏi quỹ đạo của định mệnh. Thật vây, “đời là bể khổ” (lời Phật dạy); nhưng con người nhờ có đức tin vào tôn giáo đã xoa dịu nỗi ưu phiền. Sự mầu nhiệm ấy tỏa ngát hương thơm qua lời kinh Lăng Già là một trong những kinh Đại Thừa, chiếm một vị trí quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa và cả trong văn học Phật Giáo Thiền: 
 
buổi đọc lăng già
sau đồi tuyết rụng
từng trang nhật tụng
thơm ngát hoàng hoa
 
Hoặc kinh Vệ-đà, hay Phệ-đà là cỗi gốc của đạo Bà La Môn và là suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Trong kinh phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ: 
 
ta thấy mây qua
về thay áo thụng
đọc kinh dạ tụng
thơm hương vệ đà
 
Vì thế, trong thi phẩm Ngỡ Mắt Môi Xưa, có phần ảnh hưởng các học thuyết của các tôn giáo lớn trên thế giới, pha trộn để hình thành một triết lý sống, tác giả quan niệm rằng cuộc tình dang dở là cuộc tình gắn bó nhất. Tình duyên càng trắc trở càng tăng sự nhớ nhung xa cách, và sự tiếc núi không nguôi. Hình ảnh Người tình càng khắc sâu vào ký ức, lúc nào cũng mơ tưởng hình ảnh ấy chờn vờn hiển hiện, trong các khổ thơ 01, 02, 03, 04/120, và tiếp diễn ở những khổ thơ sau đây:
 
[05]
ta thấy em qua
bước chân kiêu dị
thiên kiều bá mị
hài ngọc rụng hoa
 
[06]
em có biết không
tóc xưa lộng gió
một thời còn đó
phượng đỏ bờ sông
 
[07]
gió thoảng qua song
ngỡ em về vội
thang lầu nắng dọi
từng vạt hồng trong
 
[08]
tình vẫn tóc xưa
chùm môi chín tới
tay dài lóng với
vời vợi cơn mưa
 
[09]
ta qua hẻm quen
nghe mùi hương lạ
phấn thơm cỏ lá
son lạnh màu trăng
 
[10]
trở giấc liễu trai
còn nồng da thịt
bóng đêm mờ mịt
thoang thoảng quỳnh mai
 
Thế thì, Người tình tuy xa mà gần, tuy không mà có, tuy mất mà còn mãi mãi trong tim. Hồ Dzếnh, trong bài thơ Ngập Ngừng, cũng có hai câu để đời: 
          
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề.
 
Nói tóm lại, cuộc tình trắc trở không hẳn là sự bất hạnh hoàn toàn, bởi tạo hóa có sự đền bù, âu cũng là duyên may: 
 
– Thứ nhất, nếu tình duyên xuôi chèo mát mái thì hạnh phúc cũng chỉ kéo dài trăm năm là cùng, nhưng với duyên tình trắc trở, là cơ hội cho Thi nhân gửi gắm tâm sự vào thi ca để mối tình lý tưởng sống mãi với thời gian.
 
– Thư hai, như đã nói trên, bởi trong con người của Võ Thạnh Văn có sẵn mạch thi ca ẩn tàng, khi gặp chất xúc tác là nẩy mầm, vươn cao, cành lá sum sê và đơm hoa kết trái. 
 
Loài ốc trai ở đáy biển nếu rủi bị một hạt cát lớn lọt vào cơ thể, gây đau buốt cơ thể. May thay, loài trai có khả năng tiết ra chất vôi xà cừ, khi có vật lạ xâm nhập, tất gây nên kích ứng, chất này bao quanh hạt cát, xoa dịu vết đau. Rồi  chất vôi ấy tạo thành các lớp đồng tâm càng ngày càng dày lên và lớn dần làm nên viên ngọc trai quý giá. Nếu cuộc đời con trai suôn sẻ, thì chất vôi xa cừ dù có sẵn trong cơ thể cũng không có cơ hội tiết ra, thì làm sao có được viên ngọc quý cống hiến cho đời. 
 
Với Võ Thạnh Văn cũng thế, nếu cuộc tình đạt như ý nguyện, thì dù trong con người của họ Võ có sẵn mạch thi ca, cũng chỉ sáng tác vài trăm bài thơ rời là cùng. Đằng này, Thi sĩ Võ Thạnh Văn, bút hiệu Phù Hư Dật Sĩ, đã sáng tác gần 30 thi phẩm trường thiên, tính ra có đến 19.000 câu thơ lục bát, trên 6.000 câu thơ 4 và 5 chữ, không tính các bài thơ rời. Phải rồi, bởi duyên số trắc trở “lấy nhau chẳng đặng”Người Tình Lý Tưởng đã vuột khỏi tầm tay, vết thương lòng luôn luôn rỉ máu, triền miên nỗi niềm mến thương tiếc nuối:
 
Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.
(Ca dao)
 
Cũng chính vì “thương hoài ngàn năm” mà hình ảnh Nguời Tình Lý Tưởng tồn tại mãi trong ký ức, lúc nào cũng ẩn hiện chập chờn, kích thích chàng thi sĩ hào hoa xuất thần những vần thơ tuyệt mỹ, làm nên sự nghiệp thi ca đồ sộ, và có một chỗ đứng xứng đáng trong nền thi ca Việt Nam.
 
San Jose, ngày 9 tháng 7 năm 2023
Đào Đức Chương
(Cựu Giám học Trường Trung học Công lập Đệ Nhị cấp Đào Duy Từ – Bình Định)
 
chuongvan
Ngày 12- 7- 2023, Võ Thạnh Văn lái xe từ Sacramento đến San Jose thăm tôi, sau nhiều năm bặt tin, nhờ có Facebook chúng tôi được tái ngộ.
 
Ghi chú
 
[1] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, Kỷ Nhà Lý, đã chép các cuộc hôn nhân của công chúa với các tù trưởng miền sơn cước:
* Quyển II: 
– Tờ 19a, dòng 9: Công chúa Bình Dương và Phò mã Thân Thiệu Thái (966-1066), châu mục Lạng Châu (Lạng Sơn). 
– Tờ 24b, dòng 5: Công chúa Kim Thành và Phò mã Lê Tông Thuận, châu mục Phong Châu (Phú Thọ).
– Tờ 24b, dòng 6: Công chúa Trường Ninh và Phò mã Hà Thiện Lãm, châu mục Thượng Oai.
* Quyển III: 
– Tờ 11a, dòng 2: Công chúa Khâm Thánh và Phò mã Hà Di Khánh, châu mục Vị Long (Chiêm Hóa và Tuyên Quang).
– Tờ 16a, dòng 8: Công chúa Ngọc Kiều và Phò mã họ Lê, châu mục Chân Đăng (Hà Giang).  
– Tờ 17b, dòng 7: Công chúa (không nêu tên) và Phò mã lang Dương Cảnh Thông. 
– Tờ 25a, dòng 9: Công chúa Diên Bình và Phò mã Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương (Thái Nguyên, Bắc Giang). 
* Quyển IV: 
– Tờ 4b, dòng 2: Công chúa Thiều Dung và Phò mã lang Dương Tự Minh (năm 1144, vua Lý gả thêm Công chúa này), và được giao cai quản các khe động dọc theo biên giới phía Bắc về đường bộ. 
– Tờ 6b, dòng 2: Công chúa Thụy Thiên về châu Lạng.
[2] Câu ca dao này và câu “Con vua lấy thằng đốt than, Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo” ám chỉ việc các Công chúa Nhà Lý bị gả bán cho những tù trưởng miền thượng du Bắc Kỳ, được sát nghĩa hơn là sự kiện Trần Anh Tông gả Huyền Trân cho Chế Mân. 
Về cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa nhà Trần gả cho vua Chiêm là Chế Mân có 3 câu ca dao khác: 
– Đường về Vijaya (Bình Định), kinh đô Đồ Bàn Chiêm quốc, trước cảnh Ải Vân đèo cao rừng rậm, Công chúa Huyền Trân (玄 珍 公 主) ngoái nhìn quê hương thì đã ngút ngàn vời vợi:
Chiều chiều mây phủ Ải Vân,
Chim kêu vượn hú, gẫm thân em buồn.
 Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) chết, theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua băng thì các hậu phải lên giàn hỏa chết theo. Nhờ Nhập nội hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung lập kế cứu thoát:
Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa thoát giàn hỏa thiêu.
Giữa trời biển bao la, Trần Khắc Chung (陳 克 終) tư thông với Công chúa, hải trình kéo dài cả năm trời mới về đến Thăng Long. Công chúa xinh đẹp như hoa, nhưng duyên số bị vùi dập đến hai lần, khiến lòng người thương cảm:
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
 
Nguồn: https://nghiathuc.com/2023/07/17/gioi-thieu-tac-gia-va-tac-pham-ngo-mat-moi-xua-dao-duc-chuong32/