
Đây là cuốn sách tôi canh cánh viết từ bao năm nay. Mối canh cánh làm nặng lòng bởi một bổn phận không hoàn tất, không còn cơ hội, hoàn cảnh để điều chỉnh, làm lại. Đấy là bổn phận của một Người Lính Thua Cuộc, mà nói cho cùng thì không phải từ khuyết điểm của người lính ấy.
Người cộng sản không phải hên may nên đoạt thắng, và chúng tôi những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng không hề thua vì kém chiến đấu. Chúng tôi đã thua trận từ những nguyên nhân vượt khỏi trách nhiệm người lính, quá xa tầm súng và sức chịu đựng của chiếc lưng. Chiếc lưng mang khối nặng ba-lô đã khởi đi từ một thuở rất lâu, những năm sau Thế Chiến Thứ Hai, khi trên thế giới, toàn loài người đang cố gắng chữa trị vết thương, xóa bỏ dấu ấn sự chết.
Từ thời điểm đáng ghi nhớ và cũng đáng nguyền rủa đó, dân tộc Việt Nam, toàn thể những con người sống trên vùng đất chữ "S" vùng Đông-Nam Châu Á bị đẩy vào vũng lửa cuả một cuộc chiến tranh bị hạ nhục, mạ lỵ, vu khống và không cân sức.
Cho dù tất cả các cuộc chiến tranh đều có chung yếu tính sự Ác và Hủy Diệt, nhưng đây là một trong những cuộc chiến tồi tệ nhất cuả giòng sống con người. Cuộc chiến vô ích, dai dẳng, khắc nghiệt nhất của lịch sử dân Việt. Và Người Lính Việt Nam, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gánh chịu phần nặng nề, thua thiệt và đau đớn nhất.
Gần bốn mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, vết thương bị lăng nhục vẫn còn tươi máu. Trên tất cả những vùng đất, thị trấn, xóm làng, thành phố tan tác, loang lổ của khắp miền Nam hôm nay vẫn nguyên độ nóng của dấu bom, miểng đạn, hằng ngày vẫn thấy ra những người tóc ngả màu xám bạc mệt nhọc, mòn mỏi cúi mình trên tập vé số, tì tay lăn chiếc xe phế binh tự chế hoen rỉ bên lề đường đặc lềnh bụi khói mờ mờ che màu cờ đỏ của một buổi đổi thay tàn nhẫn.
Tệ hại hơn, qua Thế Kỷ 21, sau hội nghị Thành Đô 1990, thì không phải màu đỏ sắc máu tươi của lá cờ đảng cộng sản và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với thủ đô Hà Nội mà là màu hồng phấn của Hồng Lâu Mộng, của Đông Phương Hồng của đảng cộng sản và nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung quốc có thủ đô là Bắc Kinh.
Nơi Nghĩa Trang Quân Đội Long Bình Thủ Đức, lũ chó hoang vẫn có thể đào xới, tìm kiếm kéo lê những lóng xương rã mục, Trung Liệt Đài sụp xuống chiếc mái, biến thành nơi tích chứa phân của đơn vị bộ đội cộng sản làm nhiệm vụ khai thác đá và chăn nuôi vùng Tăng Nhơn Phú.
Người lính VNCH và thế hệ con, cháu họ vẫn là đám "ngụy tiện dân" bị xếp hạng thứ "13", trên đứa trộm cắp, giết người lãnh án tù chung thân khổ sai, loại cùng đinh xã hội. Và cuối cùng, ở đây, nơi xứ người, trên đất Mỹ, "những người đi theo diện HO" đã nên thành một giai cấp, một cộng đồng trong lòng một cộng đồng. Một tổng số của tập hợp bị xem nhẹ và coi thường. Chân dung người lính đó từ lâu đã bị ngộ nhận. Hôm nay chúng ta nên viết lại. Phải vẽ lại đúng vóc dáng kỳ vĩ nỗi chịu đựng lặng lẽ đầy bi tráng nầy.
Nhưng không chỉ có thế, vào buổi cuối đời, nơi đất Mỹ, đọc lại những điều đã viết từ 1970, 80 sau 1975, khi đi tù về 1989... Lòng chợt chùng xuống bởi câu hỏi thống thiết: Có Ai đã Khổ đến như thế? Có Ai đã Đau đến như thế?
“Ai” đây là toàn khối người Việt, không phân biệt Bắc/Nam; không phân biệt Cộng Hòa/Cộng Sản. Đấy là những thanh niên, thiếu nữ miền Nam thuộc lực lượng thanh niên xung phong đi đào kinh rạch, móc bùn với đôi tay trần gọi là đi làm công tác thủy lợi; đấy là những thế hệ người vượt biên do công an tổ chức, do công an bán bãi, và nếu sống sót được trên đường chạy trốn sau khi bị phát hiện, tàn sát ngoài biển, trên sông, tấp vào một xóm làng nào đó thì cũng do công an giả dạng đón tiếp, cứu giúp... để cuối cùng bị hiếp (nếu là phụ nữ), giết phi tang sau khi bị trấn lột đến tài sản nữ trang đã nuốt vào bụng, giấu nơi chỗ kín.
Có ai khổ đến như thế với gia đình người chồng thương binh cộng sản, người vợ dũng sĩ diệt Mỹ với con nhỏ bế trên tay, đi bộ hơn trăm cây số từ Lộc Ninh về ngã ba An Xương, Hốc Môn mà mục tiêu cuối cùng là Tòa Thánh Tây Ninh để được có chỗ ngồi ăn xin. Gia đình điển hình của “Bên Thắng Cuộc” nầy được gặp trong buổi tối mưa dầm trên đường Nhị Bình, Hốc Môn không thể do trí tưởng tượng để viết thành văn chương mà là sự thật phải viết đến. Sợ không viết đủ mà thôi.
Nhưng gần bốn mươi năm có đủ điều kiện, cơ sở vật chất và tình thế chính trị, tổ chức đảng và nhà nước gọi là cộng hòa xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội kia lại biến tướng nên thành một tổ chức bạo lực, khủng bố cấp nhà nước với một đội ngũ công an được bố trí xuống từng tổ khu phố, kiểm soát giao thông, gác đường, thâu tiền mãi lộ với những viên sĩ quan cấp tá chỉ huy; sĩ quan công an cấp tướng chỉ đạo nhóm côn đồ giả danh an ninh khu phố đi trấn áp biểu tình người dân khiếu kiện.
Những con người khốn khó hàng chục năm giường trời chiếu đất nơi vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội vì nhà cửa ruộng vườn bị cưỡng chế do kế hoạch phát triển sản xuất lên hàng công nghiệp nặng - Thật sự chỉ để vào tay tập đoàn tư bản đỏ gồm nhóm lợi ích, gồm những “thái tử đảng” mới nổi lên từ thành phố miền Nam được “giải phóng” từ sau 1975; từ đồng bằng Bắc Bộ bị quy hoạch từ đổi mới sau đại hội đảng lần thứ 6, lần thứ 11, 12...
Những đại hội đảng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương đảng: Điều 4 Hiến Pháp là bất di dịch - Đảng lãnh đạo toàn quyền trên vận mệnh Dân tộc Việt. Và cuối cùng, những thế hệ người sinh trưởng, lớn lên sau 1975 cũng dần nếm đòn thù cộng sản do phát biểu tiếng lời yêu nước trước họa xâm lăng hiện thực của Bắc Kinh. Những thế hệ người trẻ được giáo dục theo di huấn của ông Hồ Chí Minh về kế hoạch 100 năm trồng người.
Viết mấy để cho đủ với Phận Người-Vận Nước Việt Nam.
Thế nhưng, dẫu là một thế hệ thất bại nhưng chúng tôi không hề thất vọng như lời thơ của Nguyễn Chí Thiện viết từ đêm tối giữa ngục tù cộng sản:
Ta vẫn Tin đất trời kia chẳng phụ
Công đất vun bồi nuôi dưỡng thân ta
Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái tim lửa sẽ bùng lên vạn ánh
Công đất vun bồi nuôi dưỡng thân ta
Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái tim lửa sẽ bùng lên vạn ánh
Bởi Tin chắc như thế nên cuốn sách được hình thành và Người Đọc hẳn dự phần vào lần cố kết nên Mối Tin Cậy nầy.
Phan Nhật Nam
Sinh nhật 70 tuổi (1943-2013)
Sinh nhật 70 tuổi (1943-2013)
Phận Người – Vận Nước
Phan Nhật Nam
Copyright © 2013 Nhà Xuất Bản Sống – USA
ISBN: 978-1-941848-01-2
Chủ Biên Khánh Hòa
Mỹ Thuật Vũ Đình Trọng
Phát Hành Thái Hoàng
Bìa – Trần Triết
Nguyễn Ngọc Hạnh; The Vietnam Experience; Requiem by
The Photographers Who Died in Viet Nam
and Indochina Internet
Nhà Xuất Bản Sống
Xuất bản tại Hoa Kỳ – 9/2013
Tái bản lần thứ Nhất – 10/2013
Tái bản lần thứ Nhì (có hiệu đính) – 7/2014
15751 Brookhurst St., #225
Westminster, CA 92683
Đặt mua sách: 714-856-4635 * 714-531-5362
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Ấn phí: $25. Bưu phí: $25
Phan Nhật Nam
Copyright © 2013 Nhà Xuất Bản Sống – USA
ISBN: 978-1-941848-01-2
Chủ Biên Khánh Hòa
Mỹ Thuật Vũ Đình Trọng
Phát Hành Thái Hoàng
Bìa – Trần Triết
Nguyễn Ngọc Hạnh; The Vietnam Experience; Requiem by
The Photographers Who Died in Viet Nam
and Indochina Internet
Nhà Xuất Bản Sống
Xuất bản tại Hoa Kỳ – 9/2013
Tái bản lần thứ Nhất – 10/2013
Tái bản lần thứ Nhì (có hiệu đính) – 7/2014
15751 Brookhurst St., #225
Westminster, CA 92683
Đặt mua sách: 714-856-4635 * 714-531-5362
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Ấn phí: $25. Bưu phí: $25
Nguồn:https://uyennguyen.net/2017/04/29/phan-nhat-nam-phan-nguoi-van-nuoc-dan-nhap-viet-tu-trai-tim-lua/