User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
bt17
 
Cuộc chiến tranh Việt Nam có thể nói là một trong những cuộc chiến có thời gian khá lâu trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới có thể lấy từ khởi mốc đầu tiên từ năm 1955 và kết thúc năm 1975. Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, người Mỹ đích thân nhảy vào Việt Nam tham chiến bên cạnh quân đội VNCH để chống lại quân đội của MTGPMN và Bắc Việt Nam. Tất cả những vũ khí tối tân nhất thời ấy của cả hai phe do Mỹ và Liên Xô đứng đầu đã tuôn vào Việt Nam và được người Việt sử dụng để “nã” vào nhau. Phe nầy đưa “Giáo” mới thì phe kia lập tức đưa ra “Mộc” mới để đối chọi với nhau (Mâu và Thuẫn). Xác chết cơ bản vẫn là người Việt mà nhiều nhất là thanh niên hai miền Nam Bắc.

Cao điểm của sự bắn giết, chết chóc là những năm 1968 và 1972. Thanh niên hai miền Nam Bắc tiếp tục theo lệnh của chính quyền mỗi bên bị (được) đưa vào lò lửa chiến tranh đang… thiếu củi!

Thân phận tuổi trẻ thời ấy bấp bên, không hy vọng đến ngày mai. Họ khao khát hòa bình đến cháy bỏng và thể hiện vào những giai điệu của văn học nghệ thuật và nhất là thơ ca… Một nhạc sĩ đã nổi lên giữa giai đoạn này như một hiện tượng đó là Trịnh Công Sơn với dòng nhạc phản chiến. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy dẫu đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc đã rời xa bè bạn để ra chiến trường không ai là không thuộc một vài câu trong những bản nhạc thuộc Ca Khúc Da Vàng lúc ấy? Tôi tin chắc những bạn thanh niên cùng thời ngày ấy ở miền Bắc chắc cũng “lén lút” biết được vài bài của nhạc sĩ họ Trịnh này!

Thanh niên miền Nam kể cả những người đã vào lính rồi dường như rất hồn nhiên với cuộc đời. Ai học cứ học, ai đến tuổi phải đi lính thì đăng lính ở các Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Đương nhiên cũng có những anh chàng sợ chết, thấy cái vô lý, phi nghĩa của cuộc chiến mà né tránh, trốn tránh bằng lý do này hoặc lý do nọ. Tôi không phê phán ai trong họ kể cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tìm cách trốn tránh!

Tôi cũng không a dua phe này phe nọ để gắn cho ông là thuộc phe này phe nọ, thuộc diện “hai mang”, “ba mang” gì đó. Tôi chỉ thấy ông ta có lý khi nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhân sinh quan của một nhà triết học hiện sinh… Tuổi trẻ thời chiến tranh ấy thật sự có tồn tại hay không tồn tại? Và người ta buộc phải hiện sinh để… tồn tại!

Ông ta nhìn cuộc chiến với thân phận của một con người, một con người Da Vàng nhược tiểu trong bàn cờ thế giới. Những người trẻ tuổi thời ấy trong tay là những súng đạn bom mìn của các cường quốc đối thủ của nhau để rồi chẳng hận thù gì nhau lại lao vào bắn giết nhau để rồi xác thân của họ phải phơi mình trên những ruộng đồng, trên những đồi cao cỏ cháy, trên những kênh mương rạch, trên những hố hầm, trên những nóc nhà thành phố…

Thời ấy nghe những bản nhạc trong Ca Khúc Da Vàng, ai cũng chiêm nghiệm điều này, cũng cảm thấy rờn rợn khi hàng ngày nhìn những chiếc Trực Thăng, những chiếc xe Hồng Thập Tự mang những xác người trai trẻ băng vội qua thành phố để cuối cùng dừng chân trong Nhà Vĩnh Biệt… Bạn bè tôi ngày xưa còn bé từng “đánh trận giả” với nhau cũng nhiều thằng phải nằm vĩnh viễn ở những Nghĩa Trang Quân Đội buồn cô quạnh! Chúng không còn có dịp “cười ngóac miệng”: Ê! tao trúng đạn rồi! Đạn ở đây là những trái bời lời được bắn ra từ những chiếc ống thụt thì làm sao mà giết chết mấy thằng “lính oắt con” được chứ! Còn sau này chúng tôi sẽ hứng những viên đạn sáng bóng, những viên đạn đồng đen, những quả mìn định hướng, những khẩu pháo phản lực chống tăng… thì chỉ Poncho thay áo quan về đất…

Nhắc lại một chút kỷ niệm của cuộc chiến lùi xa gần 40 năm không phải để khơi lại hận thù, thương đau mà tôi muốn nhắc lại những hoài niệm của một thế hệ thanh niên trong những năm binh lửa của đất nước. Lớp trẻ sau này sinh ra lớn lên trong hòa bình, được hưởng thụ cuộc sống đầy đủ hiện nay trên những mất mát thương đau của lớp người trai trẻ lúc trước, thậm chí có người ra đi đã trên dưới nửa thế kỷ mà xác thân bị vùi lấp nơi nào đó trên đất Mẹ mình cũng không tìm thấy!

Thật ra thanh niên học sinh thời đó trong miền Nam không hề bị giáo dục sự hận thù bao giờ, không hề bị kích động để đấu tranh chống lại ai bao giờ. Chúng tôi được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, một đạo đức tiếp nối truyền thống của dân tộc, của cha ông, được giáo dục đã làm người công dân thì phải có nghĩa vụ với đất nước, phải hiếu thảo với cha mẹ, tử tế với bạn bè… Lớn lên đã là người công dân, đến tuổi phải ra chiến trường âu cũng là “hy sinh đền nợ nước” vậy!

Tản mạn đôi điều, muốn trở lại nhìn nhận một chút thân phận những người trai trẻ thời ấy mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói hộ với chúng ta qua bản nhạc sau:
 

Tình Ca Người Mất Trí – Trịnh Công Sơn

Tôi có người yêu chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới.
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng mình cháy như than.
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay, dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người.
Tôi có người yêu chết trận AShau
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo.
Tôi có người yêu chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ…

Hoài Nguyễn
Nguồn: FB Hoài Nguyễn