Có những buổi chiều cuối thu, sương mù phủ xuống âm u khắp núi rừng Kỳ Sơn, Quảng Nam, một mình đi giữa hàng lau bạc trắng. Cái tĩnh mịch hoang vắng của đất trời, cơ hồ chỉ cần một tiếng chim kêu cũng đủ làm giao động cảnh trí mênh mông của buổi chiều thêm hiu quạnh. Những giây phút lắng đọng tâm tư như thế, tôi thường hay nhớ đến bài thơ Mầu Cây Trong Khói của Hồ Dzếnh, đã được Dương Thiệu Tước phổ thành ca khúc Chiều:
Lời thơ của Hồ Dzếnh như một định mệnh theo tôi đến suốt đời. Tôi đã thuộc duy nhất bài hát này, khi còn lẻ loi một mình ở rừng núi Thượng Đức. Đại Lộc. Ái Tử. Trên Phá Tam Giang. Hay buổi chiều lang thang ven những ngọn đồi Đà Lạt. Và cuối cùng ở những con đường dưới chân núi Kỳ Sơn ở quê nhà.
Nhà thơ Hồ Dzếnh, thân sinh ông là ông Hà Kiến Huân, người Quảng Đông, có thể vì sinh kế nên lưu lạc đến Việt Nam, và đã sang một chuyến đò duyên nợ với cô lái tỉnh Thanh Hóa. Sau những ngày hạnh phúc bên nhau, Hồ Dzếnh đã ra đời, và không ngờ lớn lên đã trở nên một nhà văn, thơ xuất sắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Mặc dù Hồ Dzếnh sinh trưởng trên xứ sở Việt Nam, nhưng trong tâm tưởng lúc nào ông cũng mơ về một quê hương đầy bản sắc thơ mộng. Những hình ảnh mây trắng ngàn năm trên Lầu Hoàng Hạc vẫn còn bay lãng đãng. Những thảm cỏ non nơi cánh đồng Anh Vũ vẫn ngút ngàn kiêu sa. Vẫn những hàng liễu buông đầy lãng mạn trên Tây Hồ soi bóng:
Cõi thơ của Hồ Dzếnh thể hiện cái thế giới đầy tình yêu thương chân thật, như hạt ngọc lấp lánh kết tinh từ đời sống ấu thơ, đầy những bất hạnh nghèo khó, nhưng không thiếu những cảnh tượng hồn nhiên, thơ mộng, bao dung, như biển trời. Hồ Dzếnh đã tâm sự: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo...”. Những lời trân quý ông dành dâng tặng đến Người là Mẹ ông. Có lẽ suốt chuỗi đời ấu thơ, ông sống trong vòng tay trìu mến của Mẹ, nên ông yêu kính Mẹ vô cùng. Chính vì ông yêu Mẹ nên ông ca tụng hình ảnh những người con gái Việt Nam, suốt một đời thủy chung tận tụy vì chồng con:
Hoa Xuân Đất Việt
Hồ Dzếnh bước vào làng văn, thơ từ năm 1937, với một số bài gởi đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ Nhật, Tạp San Mùa Gặt Mới. Những tác phẩm đã xuất bản như Quê Ngoại (Thơ 1943), Hoa Xuân Đất Việt (Thơ 1946), Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (Truyện 1942), Cô Gái Bình Xuyên (1946), Chân Trời Cũ (Truyện 1942). Văn của Hồ Dzếnh trong sáng nhẹ nhàng, tình cảm chân thật gần gũi, ấm cúng như một hạnh phúc bình dị quen thuộc quanh đời sống thôn dã, nồng thắm quê hương. Về thơ Hồ Dzếnh cấu trúc những sáng tạo sâu sắc, mới lạ, chan chứa trữ tình, thể hiện một hồn thơ chân thành, tuyệt đẹp và độc đáo. Trong hai tập thơ Quê Ngoại và Hoa Xuân Đất Việt, được nhà văn Mai Thảo nhận định: “Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thiên nhiên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới, một tập thơ cỏ non lả lả, một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật, có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh là cái trạng thái ngu ngơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê Ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sức sống như một vươn tới, cái vóc dáng của tình yêu như một kín trùm dào dạt. Dẫu cho lỡ cả thiên đường, thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Hồ Dzếnh không làm thơ đâu. Thơ đã có, đâu đó, trên mây, trên cành, trong nước chảy dưới chân cầu, trong không khí, thơ một thuyền đầy, thơ một chuyến lớn chở Hồ Dzếnh đi vào thênh thang tiếng nói...”
Hồ Dzếnh, ông là một nhà thơ khí khái không quỵ ngã trước mọi áp lực của thời thế, ông cố vượt qua mọi giông bão cuộc đời, tạo thế đứng lẫm liệt của một cây thông giữa bạt ngàn lau lách, nên ông đã giữ được niềm quý trọng của quần chúng nuôi hoài những cảm tình qua cõi thơ trong sáng, tình người, đầy hồn nhiên, thơ mộng của ông.
Khi thi sĩ Bùi Giáng còn lang thang nơi trần thế, mỗi lần đọc đến những bài thơ lục bát của Hồ Dzếnh, Bùi Giáng biểu tỏ niềm mến phục chân tình qua nhận xét “chẳng khác giải Ngân Hà lấp lánh nhớ nhung trên bầu trời Văn Học Việt Nam”:
Bùi Giáng đã không ngượng ngùng mà thẳng thắn phát biểu: “Ta phải cố quên mấy bài lục bát của Hồ Dzếnh thì mới đủ can đảm làm thơ. Nhưng mỗi phen đang giữa cơn chịu khó liên trì mà chợt sực nhớ tới cái bài Phút Linh Cầu của Hồ Dzếnh thì ối thôi! Ối thôi! Chẳng còn thể nào tiếp tục công việc gì nữa cả... Linh hồn bỗng nhiên xô ùa máu me chạy tuột đi hướng khác vô phương nắm cầm lại... Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm bất cứ trong thi ca cổ kim một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương...”
Thái độ khiêm cung của Thi sĩ Bùi Giáng đã làm cho chúng ta liên tưởng đến Thi hào Lý Bạch, khi qua chơi lầu Hoàng Hạc, đọc bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, giật mình chỉ viết nên hai câu:
Ngoài những bài thơ trứ danh đã đan cử ở trên, riêng tôi vẫn còn yêu thích những giòng thơ tích lũy tình yêu thánh hóa, ươm đầy ảo vọng tương lai, mâu thuẫn nội tâm của Hồ Dzếnh, chất ngất những hoài nghi:
Nếu thời gian không làm phai nhạt kỷ niệm êm đềm thơ mộng của thi nhân thì không gian đâu có tạo cho nhân thế phải hận sầu vì chia ly xa cách! Chủ đích mọi chuyện xảy ra đều do cái tâm tạo thành. Tình yêu chân chính thừa khả năng vượt qua không - thời gian và lúc nào cũng thể hiện bản chất trong sáng mới mẻ đầy cảm xúc sáng tạo:
Ý tưởng nối kết của giòng luân lưu tâm thức từ nghìn xưa cho đến ngàn sau như một hóa thân tiền kiếp, hiện tượng chỉ có được nơi các bậc Chân Tu Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta chỉ là những hạt bụi biến hóa vô thường, mắc xích nghiệp chướng luân hồi qua từng kiếp sống. Thời gian qua từng sát na đã là sự đổi thay trùng trùng duyên khởi. Cuối cùng rồi mọi người cũng phải chọn cho mình chuyến đi vào cõi hư vô tuyệt mù.
Nhà thơ tài danh Hồ Dzếnh đã nằm xuống vĩnh viễn ngày 13-8-1991, khi tuổi thọ vừa 75. Sau khi được tin ông ra đi, Hà Nội đã rầm rộ mang đầy hoa đến phúng điếu, đăng tin trên khắp nhật báo, tạp san văn học, cùng với những bài viết ca ngợi Hồ Dzếnh như một thiên tài của Đất Nước. Trong lúc ông còn sống, chỉ là một công nhân thợ đúc thép Gia Lâm tầm thường, nghèo khổ, ngày ngày đi về căn gác nhỏ, thầm lặng như một tội đồ, không một ai thương tiếc.
(Trích Tuyển Tập Giữa Trời Hoa Bay)
Thái Tú Hạp