User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

phamhienmay

Tôi nhớ... lâu lắm rồi, có biết một giai thoại về Nguyễn Du khi ông xong việc tương tác ở Bộ Ngoại Giao của nhà Thanh bên Tàu, ông đi dạo chơi ở nơi làm đồ sứ nổi tiếng nhất của Bắc Quốc, tỉnh Giang Châu (ta xưng Nam Quốc, gọi nó là Bắc Quốc, từ Huế đi sứ sang Tàu gọi là Bắc Hành, Nguyễn Du có tập thơ nói về "sự vụ" này đặt nhan là Bắc Hành Thi Tập), thợ làm độc bình mời ông đề cho hai câu thơ để chúng khắc làm kỷ niệm, ông cầm bút lên và viết:

"Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là cố tri".

Hai câu đó vừa chữ Hán vừa chữ Nôm, Tàu thấy chữ giống chữ Tàu mà đọc được có vài chữ. Mấy chữ mà bọn chúng đọc được là Yên Hà, Mai, Hạc, Cố Tri... còn lại những chữ kia, chữ Nôm, thì ngọng. Tàu có hỏi Nguyễn Du:

"Nễ nói nễ làm thơ, đây là thơ sao?".

Nguyễn Du gật đầu: "Đúng đó là thơ, thơ Lục Bát, gồm hai câu mỗi "cặp", câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ". Tàu nghe phục lăn ra tới Hoàng Sa luôn và đọc ở đó cái bia đá vua Gia Long năm 1818 ra đây xác lập Chủ Quyền của Nam Quốc.

Chuyện tôi vừa "thụt" lại có ghi trong sử đàng hoàng, không biết sao các "sử da" mình không "nghiên cú" nhỉ?

Ý tôi muốn mở bài viết hôm nay về thơ Phạm Hiền Mây, qua tập Bất Tương Phùng Không Tin do nhà Nhân Ảnh ở San Jose, Mỹ, xuất bản năm 2018, tôi vừa nhận được đầu năm mới, 2019, từ một người gửi ở Tiểu Bang Nevada, cũng Mỹ. Phạm Hiền Mây thì ở Việt Nam, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Hiền Mây, nói theo lối của Xuân Diệu, mới đã: đây là Bà Chúa Thơ Lục Bát Nước Ta! Cả tập thơ Bất Tương Phùng Không Tin toàn thơ Lục Bát dày tới 250 trang, tổng thể là 100 bài rất dài hơi.

Cái nhan đề của tập thơ cũng là thêm thớt vài chữ tựa đề của một bài in trong tập, bài Không Tin mà nội dung bài là... bất tương phùng! Không biết nhan đề này do tác giả "quyết định" hay là do người viết bài tựa, Nguyễn Vy Khanh, có hảo ý làm cho cái tên của cuốn thơ tha thướt ra và tha thiết thêm?

Nhìn chung, tổng quát, tổng thể, sơ khởi, sơ khai... thì đây là một cuốn sách ấn loát Đẹp bởi một nhà xuất bản lộng lẫy như cái danh của nó: Nhân Ảnh, còn nội dung thì chắc là Tuyệt Vời như lời giới thiệu, nhận xét, nhận định, khách quan, chủ quan của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh (sẽ tuyệt vời hơn nhờ bài Bạt của Nguyễn Thị Dư Khánh (ai vậy, thưa không biết, chi biết sơ sơ là Cô Giáo của Phạm Hiền Mây thời Phạm Hiền Mây là học trò ở trường Đại Học Sư Phạm Việt Nam ).

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, tôi có hai cái hạnh phúc: năm ngoái, 2018, nhận tập Lục Bát Tản Thần của Nguyễn Hàn Chung gửi cho từ Texas, Mỹ, năm nay, 2019, nhận tập Bất Tương Phùng Không Tin của Phạm Hiền Mây (do ai) gửi cho từ Nevada. Trước hết là tôi Biết Ơn bạn bè luôn luôn chúc tôi có hạnh phúc, sau là Biết Ơn hai tác giả đều "chuyên khoa" làm thơ Lục Bát, theo cách định nghĩa của Nguyễn Du.

Thơ Lục Bát của Nguyễn Hàn Chung là loại thơ có tư cách Nguyễn Hàn Chung: Nói thẳng, nói thật, nói tuột luốt cái tư duy có trong đầu mình, trong bụng mình, không đụng hàng ai hết... thỉnh thoảng có giống giống chút thôi bởi không dè... người ta (Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Sơn Núi, Bùi Giáng...) lại có tư duy như Nguyễn Hàn Chung, không khéo mà thành Công Duy... (như chữ Tư Sản đã thành Công Sản vậy). Thơ Nguyễn Hàn Chung: Vui và Tuyệt Cú Mèo (dùng chữ Tuyệt Tác thì lễ phép hơn nhỉ?).

Thơ Lục Bát Phạm Hiền Mây... có thể "trùng thanh" nhiều người (toàn bậc thượng thừa) như Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân, Nguyễn Du, Huy Cận, Cung Trầm Tưởng..., có thể "trùng ý" nhiều người (toàn thể ai... hay yêu và hay buồn). Cái tài của Phạm Hiền Mây là làm thơ Lục Bát hay quá và đều tay quá, không chỉ một tập thơ dày cộm này, Bất Tương Phùng Không Tin! Phạm Hiền Mây có một đứa con thật mà có tới ba đứa con tinh thần, và chắc không ngừng ở số ba!

Viết mấy lời này, tôi chỉ muốn nhắc lại ngay, tức thì, câu cổ thi (chắc của Tàu?): Nhất Sinh Đê Thủ Bái Mai Hoa, một đời cúi đầu bái lạy đóa hoa mai! Ồ, Phạm Hiền Mây hay Phạm Hiền Mai? Mây hay mai, giọng miền Nam dễ thương thôi mà... giống như đưa bàn tay thì nói bàn tai, giống như chúc may mắn thì nói mai mắn...

*

Chuyện về Nguyễn Du... tôi nói đại khái (vì nó là giai thoại, nói cho vui).

Chuyện về Nguyễn Hàn Chung, tôi đã có bài viết hơi dài, khen tá lả, mà khen trúng lắm, tôi gửi lên internet thấy đã có nơi post rồi, tức là ván đã đóng thuyền.

Bây giờ tới chuyện Phạm Hiền Mây, không khen là tôi đắc tội (không phải Phạm Hiền Mây đẹp mà tôi ve vãn). Tôi tin nếu Xuân Diệu còn sống thì Xuân Diệu cũng bái phục Phạm Hiền Mây như Xuân Diệu từng làm điều đó với Hồ Xuân Hương, Bà Chúa Thơ Nôm. Dù tôi "phát biểu": Phạm Hiền Mây Là Bà Chúa Thơ Lục Bát, hơi hướng Xuân Diệu, nghĩ có sao đâu? Có thể có người bảo tôi "ninh tinh", thì cứ lý lụn đi nào, coi ai lụn bại, ai thành công. Nếu "kết lụn" thua nghiêng về tôi, tôi sẽ méc Má tôi: tại Má sinh con ở Nam Bộ... phận!

Trong từ điển không có chữ ninh tinh, chỉ có chữ linh tinh, tôi xin ai đọc bài này thảy đều thống nhất tha thứ cho tôi! Thế mới là có văn hóa, phải không ạ?

Tôi không có nhận xét nào thêm để dài dòng về một thi tài độc đáo là Nữ Thi Sĩ Phạm Hiền Mây. Chuyện của Phạm Hiền Mây qua thơ (Tôi chỉ biết thơ, thú thật hổng biết Thơ Ca hay Thi Ca nghĩa là làm sao?). Tôi coi Phạm Hiền Mây như một đóa hoa mai. Nhất sinh đê thủ, rồi. Tôi coi Phạm Hiền Mây là Bà Chúa, tôi nghĩ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn không bắt lỗi tôi. Tôi hoàn toàn và...tất yếu là phục bài Tựa của Nguyễn Vy Khanh viết dẫn vào "thiên đàng" thơ Phạm Hiền Mây. Tôi trân trọng toàn tâm bài Bạt của bà Cô Giáo dạy Phạm Hiền Mây khi Phạm Hiền Mây đi học chữ...

Tôi không còn gì để nói thêm!

Trần Trung Thuần