User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Royal Hue1

Lâu nay tôi sử dụng quyển Đồng Khánh dư địa chí tỉnh Khánh Hòa bằng chữ Hán. Đây là quyển sách được chép tay, có tất cả 20 trang chữ Hán. Quyển Đồng Khánh dư địa chí tỉnh Khánh Hòa là 1 trong 25 quyển của bộ Đồng Khánh dư địa chí. Bộ Đồng Khánh dư địa chí tổng cộng 2832 trang giấy lệnh hội (khổ 38 x 27cm) kèm theo 314 bản đồ khổ lớn, mỗi quyển chép riêng từng tỉnh, tất cả 25 tỉnh tính từ Cao Bằng vào đến Bình Thuận (lục tỉnh Nam Kỳ thuộc Pháp nên không chép).

Năm 2003 Nhà xuất bản Thế Giới- Hà Nội cho dịch và xuất bản bộ sách này. Bộ sách được in thành 3 tập. Trên cùng của trang bìa 3 tập sách là 5 chữ Hán: Đồng Khánh địa dư chí, bên dưới là 5 chữ Quốc ngữ: Đồng Khánh địa dư chí (nguyên văn bản chữ Hán là: Đồng Khánh dư địa chí).

Ban biên tập bộ sách Đồng Khánh địa dư chí gồm: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The.

Rất tiếc Đồng Khánh địa dư chí xuất bản nhưng chỉ giới thiệu đến độc giả 19 tỉnh từ Thừa Thiên trở ra Bắc, phần còn lại 6 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận vì có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên chưa đến tay độc giả được! Đảng ta, Nhà nước ta luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không hiểu vì sao lại không dám cho ra mắt độc giả tập sách của 6 tỉnh còn lại!

Phiên âm địa danh từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ

Có một người quen gởi cho tôi qua hộp thư E-mail bản dịch Đồng Khánh địa dư chí tỉnh Khánh Hòa có ghi số trang từ trang 1626 – 1639 và bản chữ Hán Đồng Khánh địa dư chí tỉnh Khánh Hòa đã được đánh vi tính có số trang từ 1640 – 1650 (Trên đầu mỗi trang sách góc bên trái ghi: Đồng Khánh địa dư chí, góc bên phải ghi: Tỉnh Khánh Hòa). Tuy không thấy trang bìa cũng như tên nhà xuất bản, nhưng chúng ta cũng có thể ước đoán những trang sách này của nhà xuất bản Thế giới- Hà Nội đã cho in và chưa được phép công bố rộng rãi với độc giả.

Trong bản dịch Đồng Khánh địa dư chí, khi phiên âm các địa danh xã, thôn tuy không sai nhưng có vài địa danh không trùng hợp với thổ âm vùng đất Khánh Hòa. Ví dụ chữ “Dũng” ở Khánh Hòa gọi là “Dõng”, chữ “Thái” ở Khánh Hòa gọi là “Thái” chứ không gọi là “Thới”…

Một số dị biệt về địa danh xã, thôn  giữa bản dịch Đồng Khánh địa dư chí và cách gọi ở Khánh Hòa:

Đỉnh Thạnh/ Đảnh Thạnh; Phù Thiện/ Phò Thiện; Vũ Cạnh/ Võ Cạnh; Vũ Dũng/ Võ Dõng; Vũ Kiện/ Võ Kiện; Mỹ Kha/ Mỹ Ca; Hợp Mỹ/ Hiệp Mỹ; Khánh Hợp/ Khánh Hiệp; Thới Thông/ Thái Thông; Đường Lệ/ Đường Đệ; Bích Đàm/ Bích Đầm; Bình Thới/ Bình Thái; Tuân Lễ/ Tuần Lễ; Trung Dũng/ Trung Dõng; Phú Cương/ Phú Cang; Vinh Hòa/ Vinh Huề; Tứ Chiếng/ Tứ Chánh; Ninh Thới/ Ninh Thái; Đàm Vân/ Đầm Vân; Thạnh Mính/ Thạnh Danh; Bạch Hà/ Bá Hà; Thủy Đàm/ Thủy Đầm; Đàm Môn/ Đầm Môn; Di Sự/ Nhĩ Sự; Điềm Tĩnh/ Điềm Tịnh; Nghi Phượng/ Nghi Phụng; Phượng Cương/ Phụng Cang… (Đỉnh Thạnh, Phù Thiện, Vũ Cạnh…là phiên âm của của Ban Biên tập; Đảnh Thạnh, Phò Thiện, Võ Cạnh… là cách gọi ở Khánh Hòa)

Ngoài ra trong bản dịch Đồng Khánh địa dư chí cũng có một số sai sót như: tổng Vĩnh Phước (huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh)  6 xã, thôn nhưng khi ghi chỉ ghi 5 xã là Bình Lộc, Đảnh Thạnh, Lễ Thạnh, Phước Thành, Phò Thiện và dịch giả có chú thích là thiếu 1 thôn.

Nếu dịch giả chịu khó tra cứu thêm trên bản đồ Đồng Khánh dư địa chí huyện Phước Điền thì sẽ phát hiện thôn bị thiếu. Đó là thôn Minh Lương (sau đổi thành Phước Lương, nay thuộc xã Diên Thọ huyện Diên Khánh). Ngoài ra trong tổng Vĩnh Phước còn thiếu 1 xã, đó là xã An Định.

Trong bản dịch Đồng Khánh địa dư chí, phần tổng Trung huyện Vĩnh Xương ghi: xã Vĩnh Xương. Trong bản chữ Hán chép tay tôi đang sử dụng ghi: Thủy Xương xã. Ở Khánh Hòa chỉ có huyện Vĩnh Xương chứ không có xã Vĩnh Xương. Thủy Xương nay là một trong các thôn của xã Suối Hiệp huyện Diên Khánh.

Một số địa danh bị biến âm

Một số địa danh theo dòng thời gian đã bị biến âm. Từ “Quan” trong địa danh Quan Đông ở xã Ninh Đông- Ninh Hòa vào thời Gia Long nếu viết theo chữ Hán thuộc bộ “Miên” 5 nét và phát âm là “Quan”. Thời Đồng Khánh chữ “Quan” được đổi sang bộ “Môn” 11 nét và cũng đọc là “Quan”. Trong vài thập niên trở lại đây, tên Quan Đông khi viết chữ Quốc Ngữ đã trở thành “Quang Đông”.

Địa danh Thạnh Mỹ (nay thuộc xã Ninh Quang) được người dân quen gọi là “Thanh Mỹ”, cho dù trên cổng Làng Văn hóa ghi: “Làng Văn hóa thôn Thạnh Mỹ”.

Địa danh Lễ Cam (nay thuộc xã Ninh Phú –Ninh Hòa) vào thời Gia Long có tên là thôn Suối Nước, thuộc thuộc Hà Bạc, huyện Quảng Phước. Sau đó đổi thành thôn Lễ Cam. Chữ “Lễ” viết theo chữ Hán thuộc bộ “Dậu”, 13 nét có nghĩa là: Nước ngọt từ suối chảy ra. “Lễ tuyền” là suối nước ngọt và “Cam tuyền” cũng có nghĩa là suối nước ngọt. Lễ Cam có nghĩa là nước ngọt từ suối chảy ra. Địa thế thôn Lễ Cam một bên là đầm nước mặn Nha Phu, một bên là dãy núi Hoa Đằng (Hòn Hèo) hoặc còn gọi là núi Phước Hà. Địa danh Lễ Cam được rút ra từ câu ngạn ngữ xưa: “Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị lễ cam”(chẳng phải xạ hương,long não thì cũng là trầm hương, đàn hương; chẳng phải rượu ngon[ quỳnh tương] thì cũng là nước ngọt[ lễ cam]). Hiện nay gọi là Lệ Cam (ở đình Lệ Cam chữ “Lệ” viết theo nét chữ Hán thuộc bộ “Lộc” 8 nét. Lệ có nghĩa là đẹp đẽ, mỹ lệ. Tên Lệ Cam khi đọc lên nghe êm tai nhưng lại không có nghĩa gì cả!).

Hiện nay ở xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh vẫn còn tồn tại một địa danh và khi ghi trên văn bản là: Đồng Trăng. Từ năm 2015 một cây cầu kiên cố bắc qua sông Cái và biển hiệu lại ghi: cầu Đồng Trăn. Vậy giữa Đồng Trăng và Đồng Trăn thì địa danh nào chuẩn nhất. Theo Địa bạ Gia Long năm 1811, tổng Thượng, huyện Hoa Châu (năm 1832 bỏ huyện Hoa Châu nhập chung vào huyện Phước Điền) có 7 xã thôn: thôn Đá Lộ (trong địa bạ Gia Long, phía Đông thôn Đá Lộ giáp thôn Mỹ An- nay là thôn Lễ Thạnh. Phía Tây thôn Lễ Thạnh hiện nay là thôn Cẩm Sơn. Phía Tây thôn Cẩm Sơn có đèo Đá Lửa. Vậy Đá Lộ có phải là Cẩm Sơn không?); thôn Đồng Dài (chưa xác định được vị trí); xã Đồng Dài (chưa xác định được vị trí); xã Đồng Trăn (nay thuộc xã Diên Đồng); thôn Na Cai (tục gọi là Nhà Gai, nay thuộc xã Diên Lâm); xã Phú Lộc Thượng (sau đổi thành Phú Cốc, nay thuộc xã Diên Lâm); xã Xuân An Thượng (sau đổi thành Xuân Lâm, nay thuộc xã Diên Lâm). Chữ Trăn viết theo nét chữ Hán thuộc bộ “Mộc” 10 nét. Trăn có 3 nghĩa 1: cây trăn; 2: bụi cây; 3: bùm tum, vướng vít. Khi những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng Đồng Trăn thì ở đây có rất nhiều cây Trăn cho nên mới có địa danh Đồng Trăn.

Địa danh Điềm Tịnh (nay thuộc xã Ninh Phụng- Ninh Hòa). Trên mặt chữ Hán khi phiên âm sẽ là Điềm Tĩnh chứ không phải Điềm Tịnh. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu  có tất cả 4 chữ cùng đọc âm “Tĩnh” nhưng viết nét khác nhau và 6 chữ cùng đọc âm “Tịnh” nhưng viết nét khác nhau. Chữ “Tĩnh” trong Điềm Tĩnh thuộc bộ “Thanh” 8 nét và chữ “Tĩnh” không thể đọc âm “Tịnh”. Nhưng ở Khánh Hòa những chữ “Tĩnh” thuộc bộ “Thanh” đều phát âm “Tịnh”. Đình Ninh Tịnh xã Ninh Phước ghi chữ Hán là Ninh Tĩnh nhưng dân vẫn đọc là Ninh Tịnh!

Địa danh Thạnh Danh (Ninh Diêm- Ninh Hòa): Nếu một người khách lạ biết đọc chữ Hán, khi đến thăm đình Thạnh Danh sẽ đọc là Thạnh Mính đình. Chữ “Danh” trong chữ Hán, nếu bên trên có bộ “Thảo” sẽ đọc là “Mính” và “Mính”  có nghĩa là đọt chè (trà) non. Thời Pháp thuộc ở Sài Gòn có tờ báo mang tên “Nông cổ mính đàm” (Uống chè [trà] bàn chuyện làm ruộng và buôn bán). Trong Đại Nam nhất thống chí tỉnh Khánh Hòa soạn thời Duy Tân, phần viết về Phủ trị Ninh Hòa, dịch giả đã dịch: “Sau nhân biến cố dời qua xã Thạnh Mính tổng Phước Hà…”(Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11, Tỉnh Phú Yên& Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1964, trang 69). Tại sao ghi là Thạnh Mính nhưng khi phiên âm lại là Thạnh Danh? Đây là một điểm lạ trong ngôn ngữ và dân làng Thạnh Danh đang tìm lời giải đáp của các nhà ngôn ngữ học.

Thay đổi địa danh

Đại đa số địa danh xã, thôn đều có sự thay đổi theo dòng thời gian. Ví dụ  xã Toàn Thạnh của huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa đổi thành Mỹ Thạnh rồi lại Mỹ Hiệp; xã Phước Toàn của huyện Quảng Phước đổi thành Phước Đa

Riêng địa danh có chữ “Hoa” đều biến mất sau năm 1841 khi vua Thiệu Trị lên ngôi( tên mẹ vua Thiệu trị là Hồ Thị Hoa) nên các xã, thôn ở Khánh Hòa có chữ Hoa vào thời Gia Long đều đổi tên. Ví dụ thôn Hoa Diêm đổi thành Ngọc Diêm (nay thuộc xã Ninh Ích –thị xã Ninh Hòa); xã Hoa An đổi thành Nghiệp An sau đổi thành Nghiệp Thành (nay thuộc xã Diên Bình- huyện Diên Khánh) ; thôn Hoa Nông đổi thành Phú Nông (nay thuộc xã Vĩnh Ngọc- thành phố Nha Trang)…

Còn những xã, thôn có chữ An đều được đổi vào thập niên 60 của thế kỷ XIX. Ví dụ: thôn An Cang đổi thành Phú Cang; xã An Lương đổi thành Hiền Lương; xã Vạn An đổi thành Vạn Thiện; thôn Vĩnh An đổi thành Vĩnh Phú; xã Bằng An đổi thành Bằng Phước; xã An Ấp đổi thành Phong Ấp; xã An Hòa đổi thành Xuân Hòa; xã An Phụng đổi thành Nghi Phụng, xã An Thành đổi thành Bình Thành; xã Phước An đổi thành Phước Lí; thôn Tuân An đổi thành Tuân Thừa; xã Xuân An đổi thành Điềm Tịnh (Tĩnh); xã An Lộc đổi thành Thiên Lộc sau thành Đắc Lộc; xã Xuân An thành xuân Phong; xã Đại An đổi thành Đại Điền(sau phân thành tứ thôn Đại Điền: Đại Điền Đông, Đại Điền Trung nay thuộc xã Diên Điền và Đại Điền Nam, Đại Điền Tây nay thuộc xã Diên Sơn); xã An Lộc đổi thành Bình Lộc sau thành Bình Khánh; xã An Thành đổi thành Phước Thành sau thành Phước Tuy; xã Bình An đổi thành Đảnh Thạnh; thôn Minh An đổi thành Minh Lương sau thành Phước Lương; xã Mỹ An đổi thành Lễ Thạnh; xã Phụ An Thành Tứ Chánh đổi thành Phò Thiện;xã Hội An đổi thành Hội Phước; xã Đại An đổi thành Đại Hữu (nay thuộc xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh); xã Vĩnh An đổi thành Vĩnh Cát; xã An Thạnh đổi thành Cư Thạnh; xã Đông An đổi thành Thủy Xương; xã Phước An đổi thành Phước Hải; xã Thái An đổi thành Thái Thông, xã Vĩnh An đổi thành Vĩnh Điềm…

Xã Phú An Thượng (nay thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh) vào thời Gia Long thuộc tổng Trung, huyện Phước Điền, sau đó được đổi thành xã Thanh Ninh. Vào thời Đồng Khánh (1886-1888), xã Thanh Ninh thuộc tổng Ninh Phước. Sau đó được đổi từ Thanh Ninh sang An Ninh. Dòng lạc khoản trên bức hoành “An Ninh đình” bằng chữ Hán treo ở đình An Ninh ghi: “Hoàng triều Khải Định cửu niên xuân cát nhật phụng tạo”. Khải Định cửu niên là năm 1924. Do chưa tiếp cận các văn bản Hán Nôm ở thôn An Ninh hiện nay, cho nên chưa thể xác định được thời điểm đổi tên từ Thanh Ninh thành An Ninh.

Riêng xã An Định không có trong Đồng Khánh dư địa chí. Trong địa bạ Gia Long năm 1811, xã An Định thuộc tổng Thượng, huyện Phước Điền. Tổng Thượng gồm có 8 xã thôn: An Định (nay thuộc xã Diên Phước); xã An Lộc (sau đổi thành Bình Lộc rồi Bình Khánh, nay thuộc xã Diên Hòa); xã An Thành (sau đổi thành Phước Thành, rồi Phước Tuy, nay thuộc xã Diên Phước); xã Bình An (sau đổi thành Đảnh Thạnh, nay thuộc xã Diên Lộc); xã Lương Triều ( địa danh này mai một từ lâu, chỉ biết phía bắc và phía đông giáp với xã An Định); thôn Minh An (sau đổi thành Minh Lương, rồi Phước Lương, nay thuộc xã Diên Thọ); thôn Mỹ An (sau đổi thành Lễ Thạnh, sau năm 1975 đổi thành Sơn Thạnh, nay thuộc xã Diên Thọ); xã Phụ An Thành tứ chánh (sau đổi thành Phò Thiện, nay thuộc xã Diên Phước).

Địa danh An Định vẫn duy trì từ xưa tới nay. Đình làng An Định vẫn còn, nằm cách Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa không bao xa về phía tây nam và có 3 đạo sắc phong của triều Nguyễn. Địa chỉ Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa hiện nay là: thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh. Do chưa tiếp cận các văn bản Hán Nôm trong vùng An Định, cho nên không biết trong thập kỷ 60 của thế kỷ XIX địa danh An Định có bị thay đổi như các xã thôn có mang chữ “An” trong tỉnh Khánh Hòa hay không? Nếu như không có thay đổi, thì đây là một trường hợp ngoại lệ ở Khánh Hòa đáng để chúng ta nghiên cứu thêm!

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa những địa danh thôn xã có gắn liền với chữ “An” chưa đếm hết trên đầu ngón tay!

Vấn đề nghiên cứu địa danh xã thôn qua các thời kỳ rất là phức tạp, cần phải đi thực địa và đọc được các văn bản Hán Nôm, có như vậy mới giảm bớt đi sự sai sót trong nghiên cứu.

Nguyễn Văn Nghệ

05/2016