User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trietlygiaoduc
Thêm Vài Chi Tiết về Trung Học Tổng Hợp & Đại Học Cộng Đồng
 
Trong bài trước chúng tôi có đề cập đến việc phát triển “Trung Học Tổng Hợp” và “Đại Học Cộng Đồng” trong hệ thống giáo dục của VNCH. Đó là sự áp dụng những thể chế giáo dục thực tiễn mà Hoa Kỳ đã bành trướng thành công ở Hoa Kỳ và ở nhiều quốc gia khác.
 
Và cũng xin ghi nhận lại là loạt bài vừa qua đã viết từ hơn một thập niên trước phỏng theo một Luận Án Tiến Sĩ viết từ năm 1974.
 
Trong phần chánh của bài hôm nay chúng tôi viết thêm một số chi tiết chưa được đề cập đến trong 2 số báo vừa qua.
 
Giáo dục ở Hoa Kỳ có một truyền thống tách rời khỏi Âu Châu. Đa số những cư dân mới đến Mỹ Châu là từ Anh Quốc. Họ mang theo ý tưởng “địa phương tự quản trị” về giáo dục. Ý niệm nầy được củng cố thêm vì sự xa cách và biệt lập trên miền đất mới trên bờ biển Atlantic. Hiếp pháp của Hoa Kỳ không có khoản nào nói đến vai trò của chánh phủ Liên Bang trong công việc giáo dục.
 
Tu chính án lần thứ 10 có ghi là “Tất cả những quyền hạn nào mà Hiến Pháp không giao phó cho Liên Bang, và cũng không cấm các Tiểu Bang, được dành cho các Tiểu Bang hay cho dân quyết định.
 
Lịch sử giáo dục Hoa Kỳ cho thấy rằng chánh quyền Liên Bang đã hoạt động không ngừng để khuyến khích, củng cố, và cổ võ cho những đạo luật Tiểu Bang về những vấn đề giáo dục.
 
Mãi đến năm 1787 Liên Bang tham dự lần đầu tiên vào giáo dục qua “Northwest Ordinance. Các đạo luật tiếp theo như Land-Grant College Act 1862 (cấp đất cho địa phương thành lập đại học); Smith-Hughes National Vocactional Education Act 1917, về hướng nghiệp; và Servicemen’s Readjustment Act (còn có tên là G.I. Bill), 1944, để giúp cho các quân nhân (của Đệ Nhị Thế Chiến) được trợ cấp tài chánh để đi học lại hầu tìm được việc làm; và National Defense Education Act, 1958, cho thấy Liên bang tham dự rất ít vào địa hạt giáo dục. Trên thực tế, theo Hiến Pháp, Liên Bang không có một quyền hạnh hiến định nào về giáo dục. Giáo dục là quyền hạn của Tiểu Bang, và Tiểu Bang ủy quyền giáo dục Tiểu Học và Trung Học cho các Học Khu ở địa phương. Nói khác đi, dân Hoa kỳ đồng ý là giáo dục, cũng như hệ thống công quyền nói chung, là một hệ thống “Địa Phương Phân Quyền” tối đa. Các Học Khu có Hội Đồng Giáo Dục dân cử. Hội Đồng có toàn quyền trong việc quyết định mọi việc liên quan đến Học Khu kể cả việc tuyển lựa hay sa thải, trả lương v.v. cho tất cả nhân viên trong Học Khu. Trong bối cảnh nầy nhiều địa phương thành lập Trung Học Tổng hợp.
 
Về giáo dục bậc Đại Học, trách nhiệm là ở Tiểu Bang. Trong ý niêm phục vụ cho sự bành trướng theo nhu cầu của từng địa phương, nhất là nhu cầu về chuyên viên, các Tiểu Bang thành lập hệ thống Đại Học Cộng Đồng, với mục tiêu khác hơn các hệ thống đại học 4 năm hay cao hơn đã có.
 
Thế Nào Là Một Trung Học Tổng Hợp (THTH)
 
Ở Hoa Kỳ, ý niệm về (THTH) mới được các nhà giáo dục chú ý đến nhiều. Ủy Ban Thích Ứng Giáo Dục ủng hộ chương trình THTH vì nhận định rằng chương trình nầy giúp ích nhiều cho các thanh thiếu niên vì tính cách thực tiễn của nó cho từng địa phương.
 
Năm 1957, ông James Bryant Conant làm một cuộc nghiên cứu thật sâu rộng về THTH của Hoa Kỳ. Ông hòa hợp hai ý kiến đối nhau giữa chương trình luôn thích ứng (thay đổi theo hoàn cảnh) và chương trình có môn học cố định. Ông đưa ra nhận định sau:
 
Chương trình THTH nên có những mục tiêu sau:

(1) Phần giáo dục tổng quát cho tất cả công dân tương lai.
(2) Phần giáo dục “chọn lựa” cho cho những ai muốn học một ngành đặc biệt có thể giúp tìm việc làm ngay khi ra trường.
(3) Phần giáo dục hướng nghiệp cho những ai muốn tiếp tục học cao hơn về nghề của mình ở một bậc Đại Học.
Mực độ tổng hợp của phần (2) và (3) tùy thuộc nơi hoàn cảnh của địa phương nơi THTH đang phục vụ cho dân địa phương.
 
THTH Hoa Kỳ phát triển rất nhanh vì đáp ứng cho nhu cầu thay đổi của các địa phương và do Hội Đồng Giáo Dục (HĐGG) địa phương quản trị.
 
Ở Việt Nam Cộng Hòa, việc thành lập các THTH là kết quả của sự quyết lòng cải tổ và cải tiến giáo dục theo mục tiêu (triết lý) khai phóng của chánh phủ qua hợp tác của Bộ Giáo Dục, hai trường (Phân Khoa) Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và Huế, và phái bộ Cố Vấn Giáo Dục của Đại Học Ohio của Hoa Kỳ.
 
Hai THTH đầu tiên ở VNCH có tên là Trung học Kiểu Mẫu, một ở Huế (1964) và một ở Thủ Đức (1965). Hai trường nầy trực thuộc hai Đại Học Sư Phạm Huế và Saigon theo thứ tự trên. Chương trình học phỏng theo mô hình của THTH-HK. Ngoài các môn kiến thức tổng quát, các trường nầy còn thêm các ngành như Công Kỹ Nghệ (Industrial Arts), Canh Nông, Kinh Tế Gia Đình (Home Economics), Doanh Thương và Hướng Dẫn Giáo Dục (Guidance). Mấy năm sau, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn còn thêm vai trò đào tạo và tu nghiệp giáo chức cho các trường THTH khác của Nha Trung Học. Ngoài ra, phái bộ Ohio cũng tổ chức cho một phái đoàn của Nha Trung Học gồm Giám Đốc Nha và một số giáo chức - mà Nha có ý định đưa về làm Hiệu Trưởng các trường THTH sẽ mở - đi thăm viếng và quan sát nhiều THTH của HK trong thời gian nhiều tháng.
 
Từ năm 1967 đến 1974 có thêm khoảng 15 trường Trung Học phổ thông được đổi thành THTH với sự mở thêm các môn chuyên nghiệp mới. Tuy nhiên các THTH mới nầy vẫn thi bằng Tú Tài theo phương pháp cũ vì chưa có học sinh nào ở các trường mới mở sau, học hết chương trình THTH. Trong khi đó TH Kiểu Mẫu Thủ Đức thì lại được dự kỳ thi Tú Tài Tổng Hợp đầu tiên năm 1972, do chính Trung Học Kiểu Mẫu tổ chức dưới sự giám sát của Hội Đồng Khoa của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.
 
Thế Nào Là Một Community College - Đại Học Cộng Đồng – ĐHCĐ
 
Ở Hoa Kỳ, vào 1902, một Junior College, Đại Học Nhỏ - sinh viên tốt nghiệp sau 2 năm học - được thành lập ở Illinois. Sau nầy nó biến thành Community Junior College, và cuối cùng thành Community College để chỉ rõ mục tiêu là loại College nầy do cộng đồng mà ra và lo phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Mãi đến thập niên 1950 các mục tiêu của Community College trở nên rõ ràng với các yếu tố sau:
 
1- Chương trình học cho ai muốn chuyển tiếp lên Đại Học 4 năm;
2- Chương trình học nghề và hướng nghiệp cho sinh viên đi làm sau khi tốt nghiệp;
3- Cung ứng giáo dục tổng quát cho mọi sinh viên;
4- Cung ứng giáo dục hướng nghiệp và giáo dục tổng quát cho người lớn;
5- Phục vụ cho nhu cầu của địa phương.
 
Điểm cần nhấn mạnh là mọi công dân trong phạm vi phục vụ của trường đều có thể ghi danh theo học, không kể tuổi tác. Sinh viên mới sẽ được các chuyên viên hướng dẫn giúp vào học trình độ thích ứng với nhu cầu của sinh viên.
 
Ở VN: Việc thiết lập các Đại Học Cộng Đồng và Đại Học Bách Khoa
 
Đến đầu năm 1970, ý tưởng Đại Học Cộng Đồng (ĐHCĐ) được giới thiệu ở VN do một công chức kỳ cựu của Bộ Giáo Dục: Gs Đỗ Bá Khê. Ông đã được đào tạo trong hệ thống giáo dục Pháp và đã đi tu nghiệp ba năm ở Universty of Southern California (USC) HK và trở về VN với bằng Ph.D. về Giáo Dục. Chính Luận Án của ông về Đại Học Cộng Đồng và vai trò của ông trong Bộ Giáo Dục sau khi ông trở về VN, mà ý tưởng về việc thành lập các Đại học cộng đồng được bàn cãi sâu rộng, và được chấp thuận.
 
Ngoài 2 ĐHCĐ Tiền Giang và Nha Trang đã nói ở bài trước, vào năm 1973 còn có dự án mở thêm ĐHCĐ Quảng Đà để phục vụ vùng Quảng Nam - Đà Nẵng; và ĐHCĐ Long Hồ (Vĩnh Long). Đặc biệt là còn có một ĐHCĐ tư thục công giáo được khai giảng vào 1973: ĐHCĐ Regina Pacis ở Sài Gòn, dành riêng cho nữ sinh viên công giáo của Trung Học Regina Pacis.
 
Đại Học Bách Khoa- ĐHBK- Polytechnic University Thủ Đức là ĐHBK đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của VNCH mở cửa năm 1973. Tất cả các phân khoa gồm các ngành thực tiễn như Kỹ Thuật, Nông Lâm Súc v.v. đều có cơ sở nằm chung trong khuôn viên (campus) với bộ chỉ huy của ĐHBK. ĐHBK Thủ Đức có mô hình tổ chức giống California Polytechnic State University, Pomona; hay Cal Poly, Saint Luis Obispo của Hoa Kỳ.
 
Chương trình phát triển các THTH, ĐHCH và ĐHBK để phục vụ cho hàng nhiều trăm ngàn quân nhân giải ngũ ở thời hậu chiến khi hòa bình trở lại, đã tan thành mây khói sau khi cộng sản xâm chiếm VNCH.
 
GS Nguyễn Hữu Phước
9-27-2015
 
Xem lại Lịch Sử Giáo Dục Việt Nam 1954-1974 phần 1
 
Ghi Chú:
Tất cả articles dưiới đây đều nằm trong quyển sách mà Dr. Nguyễn Thanh Liêm (cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH làm editor): Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do (Education In The Free South Việt Nam), Nguyễn Thanh Liêm. Nxb Lê Văn Duyệt Foundation, CA, USA.
- Nguyễn Hữu Phước, “Sơ Lược Lịch Sử Giáo Dục Việt Nam 1954-74: Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng”. (Brief History Of Vietnamese Ed. 1954-74: Humanistic, Nationalistic, Opened Minded for Changes).
- Đỗ Bá Khê, “Phát Triển Đại Học Việt Nam Trước 1975” (Development Of Vietnamese University/College In Vietnam Before 1975).
- Nguyễn Thanh Liêm, “Tổng Quát Về Giao Dục Ở Miền Nam Tự Do” (General View of Vietnamese Education In The Free Việt Nam).
- Nguyễn Trung Quân, “Đôi Điều Ghi Nhớ Về Trường Trung Học Tổng Hợp Ở Miền Nam Việt Nam” (Some notes about The Comprehensive High School in South Việt Nam).
- Phạm Văn Quảng, “Việc Chuẩn Bị Chương Trình Trung Học Tổng Hợp” (The Preparation for The Comprehensive High School Curriculum).
 
Dissertations:
 
Nguyễn Hữu Phước, “Contemporary Educational Philosophies In Vietnam, 1954-1974: A Comparative Analysis”. Unpublished Ph.D. Dissertation, School of Education, USC (University of Southern California), 1974. The bibliographic for this thesis is contained in UMI’s Dissertation Abstracts database, the only central source for accessing almost every dissertation accepted in North America since 1861. University Microfilms International, A Bell & Howell Information Company, 300 N. Zeeb Road, Ann Arbor, Michigan 48106.
Vo Kim Son, Selected Problems And Issues Related To The Development Of Public Community Colleges In Vietnam”. Unpublished Ph.D. Dissertation, School of Education, USC (University of Southern California), 1974. The bibliographic for this thesis is contained in UMI’s Dissertation Abstracts database, the only central source for accessing almost every dissertation accepted in North America since 1861. University Microfilms International, A Bell & Howell Information Company, 300 N. Zeeb Road,Ann Arbor, Michigan 48106.