User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Dịch từ nguyên bản bằng Anh Ngữ The Peace Movements in South Vietnam in Mid-1960s của Đỗ Văn Phúc Trình bày tại Hội Thảo 2017 mang tên Năm 1967: Sự Tìm Kiếm Hoà Bình, Do Viện Nghiên Cứu về Hoà Bình và Tranh Chấp thuộc Trung Tâm Việt Nam Trường Đại Học Texas Tech tổ chức vào hai ngày 28, 29 tháng 4, 2017.

Các Phong Trào Hoà Bình tại Miền Nam Việt Nam Vào giữa Thập Niên 1960
 
A.- Dẫn Nhập
 
Kính thưa quý vị,
 
Tôi xin phép vài phút để tự giới thiệu về mình. Tôi là Đỗ Văn Phúc, cựu sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, xuất thân từ trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị năm 1969, phục vụ ba năm chỉ huy cấp đại đội tác chiến tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh, sau đó làm trưởng phòng Phòng Chính Huấn thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân.
 
Tôi tốt nghiệp Cử Nhân Chính Trị Học tại Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, Kỹ Sư Điện Tử tại Đại Học Texas ở Austin và Cao Học Quản Trị Công Nghiệp tại Đại Học Kỹ Thuật Quốc Gia ở Fort Collins, Colorado.
 
Tôi phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng từ năm 1992 và hiện là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ. Tại các Hội thảo và Hội luận do Trung Tâm Việt Nam tổ chức, tôi đã có 2 lần đọc tham luận và 1 lần là diễn giả chính. Ngoài ra, tôi đã nhiều lần được các đài truyền hình Hoa Kỳ và Việt Nam phỏng vấn. Đáp lời kêu gọi của Trung Tâm Việt Nam, lần này, tôi sẽ trình bày về đề tài “Các Phong Trào Hoà Bình Tại Miền Nam Việt Nam Trong Thập Niên 1960”
 
Do nhiều sự ngộ nhận và tin tức ngụy tạo, lịch sử Chiến Tranh Việt Nam đã bị viết lại một cách sai lạc bởi nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam và đã được dạy theo cách sai lạc đó trong hơn nửa thế kỷ tại Việt Nam và ngay cả tại Hoa Kỳ. Lịch sử, lẽ ra phải được nghiên cứu theo cách nhìn của nhiều phía đã tham gia cuộc chiến để ít nhất, gần gủi hơn với sự thật.
 
Với kinh nghiệp phục vụ trong 9 năm từ tác chiến đến văn phòng, tôi mong muốn được soi rọi vào thời kỳ hỗn loạn đen tối khi mà sự tuyên truyền của Cộng Sản ngự trị trong các khuôn viên đại học và cả trong tập thể Phật Giáo Việt Nam.
 
Có nhiều yếu tố đóng góp vào sự thất bại trong chiến tranh Việt Nam, mà quan trọng nhất là phong trào chống chiến tranh tại Mỹ và Nam Việt Nam. Nó đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách của Hoa Kỳ và công luận quốc tế.
 
Bản tham luận này chỉ nhìn vào các phong trào hoà bình tại Nam Việt Nam vào những năm giữa thập niên 1960. Họ là ai? từ đâu mà có? và những phong trào này làm lợi cho ai?
 
Để soạn bài tham luận này, tôi đã dựa trên những tài liệu có giá trịvà khả tín. Tôi thành thật cáo lỗi về nhiều danh xưng Việt ngữ trong bài có thể gây những khó khăn cho quý vị.
 
B.- Những Phong Trào Hoà Bình tại Nam Việt Nam
 
Năm 1967, khi chiến cuộc ở miền Nam leo thang, thì cũng là lúc mở màn các phong trào hoà bình rầm rộ tại Mỹ và miền Nam Việt Nam đòi hỏi chấm dứt chiến tranh.
 
Các phong trào này làm ngơ trước sự kiện rằng chính miền Nam Việt Nam mới là nạn nhân của cuộc xâm lăng của Cộng Sản từ miền Bắc. Tại Mỹ, họ đòi chính phủ Mỹ phải rút quân và ngưng sự yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hoà trong khi đó ở miền Nam Việt Nam, các sư sãi và sinh viên với sự thúc đẩy của các thành phần Cộng Sản, đã tổ chức những cuộc biểu tình chống chính phủ khắp nơi trên toàn quốc.
 
tuthieuthichquangduc14 
Chưa bao giờ mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản thỏa mãn hơn lúc này. Họ tính rằng đã đến thời cơ để mở ra cuộc tấn công cuối cùng nhằm thôn tính miền Nam.
 
Đó là lý do mà họ đã khai pháo cuộc Tổng Tiến Công-Tổng Nổi Dậy vào dịp Tết Mậu Thân mà đã gánh thảm bại với hàng chục ngàn binh sĩ Việt Cộng bị tiêu diệt cùng lúc hàng ngàn thường dân vô tội bị chết oan ức do sự dã man của họ.
 
Trước khi đào sâu vào vấn đề, chúng thử điểm qua vài nét chính về lịch sử chiến tranh Việt Nam.
 
Từ 1954 đến 1960: Theo điều khoản của Hiệp Định Geneve, quân Pháp đã rút khỏi Việt Nam, nhưng hàng chục ngàn cán bộ Cộng Sản được để lại nằm vùng ở miền Nam. Họ trà trộn trong dân chúng các vùng nông thôn hay xâm nhập vào guồng máy công quyền. Họ thực hiện cuộc chiến du kích, là bước đầu trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
 
Từ 1960 đến 1968: Đại Hội lần thứ 2 của Đảng Cộng Sản cuối năm 1960 ra lệnh thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Từ đây, họ tiến hành bước thứ hai của cuộc chiến tranh nhân dân. Đó là sự phối hợp giữa cuộc chiến du kích và bán quy ước. Cộng Sản thúc đẩy chiến tranh trên ba mặt trận: Quân sự, chính trị và binh vận; mà họ gọi là ba mũi giáp công.
 
Các hoạt động chính trị (mũi thứ hai) nhắm vào việc tranh thủ nhân tâm trong đó có kèm các biện pháp khủng bố để ngăn ngừa dân chúng hợp tác với chính quyền. Đối tượng của mặt trận này là tập hợp các trí thức, sinh viên học sinh, tiểu thương, các tu sĩ vào những tổ chức chính trị.
 
Năm 1968: Cho rằng thời điểm đã đến, Cộng Sản mở cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân đánh vào các đô thị khắp miền Nam như là bước cuối cùng để thắng lợi. Nhưng họ đã tính toán sai lầm và gánh lấy thảm họa. 80% lực lượng của họ bị tiêu diệt, các hạ tầng cơ sở bị lộ diện.
 
Sau đó, Cộng Sản Hà Nội chuyển quân chính quy ồ ạt qua đường mòn Hồ Chí Minh với số lượng hàng chục ngàn binh sĩ mỗi tháng. Cùng lúc, họ thành lập các phong trào đấu tranh trong các thành phố lớn để gây rối loạn, hỗ trợ cho cuộc đàm phán tại Paris.
 
1.- Tình hình chính trị rối loạn sau cuộc đảo chính 1963.
 
Đầu thập niên 1960, những rối loạn do phong trào chống đối chính quyền đã làm cho tiềm lực quân sự sa sút. Hoa Kỳ bắt đầu xem Tổng Thống Ngô Đình Diệm như một trở lực của nền dân chủ, và là mối đe dọa cho quyền lợi của người Mỹ. Vào tháng 8 năm 1963, Tổng Thống Kennerdy ra lệnh cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge triệt hạ Tổng Thống Diệm đưa đến cuộc đảo chính do các tướng lãnh cầm đầu, đã thảm sát vị nguyên thủ quốc gia.
 
Sau đảo chính, miền Nam Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng khi các tướng lãnh tranh giành đấu đá nhau. Chỉ trong vòng 3 năm, đã có tới 4 nội các được dựng lên và hạ xuống. Người dân mất hết niềm tin vào chính phủ trong khi ngoài mặt trận, tinh thần binh sĩ sa sút. Các tu sĩ Phật Giáo và tập thể sinh viên, tự coi mình đã thành công trong việc lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa họ trở thành một lực lượng chính trị rất hùng mạnh. Họ tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng lần này núp dưới chiêu bài Hoà Bình cho Việt Nam.
 
2.- Cộng Sản tăng cường hoạt động quân sự – Miền Nam ở bên bờ sụp đổ – Hoa Kỳ gửi quân tham chiến.
 
Năm 1963 đánh dấu một bước chuyển hướng trong hoạt động quân sự của Việt Cộng từ du kích, chuyển qua bán qui ước. Họ tung ra các cuộc tấn công vào các tiền đồn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa để đánh giá khả năng của quân miền Nam. Trận Ấp Bắc thuộc tỉnh Định Tường vào Tháng Giêng 1963 là trận mở màn quan trọng của Việt Cộng khi họ sử dụng một quân số lớn để thử thách quân đội miền Nam. Hoa Kỳ lại có lý do để đưa quân bộ chiến vào miền Nam khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã tỏ ra bối rối. Lợi dụng tình hình phức tạp sau cuộc đảo chính, Việt Cộng gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự khắp miền Nam tạo ra các tổn thất càng ngày càng tăng của quân Nam. Miền Nam đứng trước bờ vực của sự suy sụp.
 
Vào tháng 2 năm 1965, Việt Nam đón nhận những đơn vị tác chiến đầu tiên của Nam Hàn. Kế đó, sau biến cố Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8, 1964; ngày 8 tháng 3, 1965, Tổng Thống Johnson gửi 3500 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào Đà Nẵng.
 
Lúc đó tổng số quân của Việt Nam Cộng Hoà là 567,246 người bao gồm quân chính quy, quân địa phương, Cảnh sát và các lực lượng bán vũ trang. Năm 1963, từ 15 ngàn cố vấn quân sự Mỹ, đã tăng lên 23,310 năm 1964, rồi 200 ngàn năm 1965 và 400 ngàn năm 1966.
 
Quân địch (Việt Cộng) vào năm 1960 có khoảng 40 ngàn quân và 80 ngàn du kích. Theo ước tính của Bộ Quốc Phòng Mỹ thì quân số Việt Cộng là 200 ngàn cộng với 39,175 cán bộ chính trị trong đó có hàng ngàn quân chính quy từ Bắc đưa vào trong những năm trước đó. Đơn vị chính quy Bắc Việt đầu tiên gồm 3 trung đoàn với khoảng 5000 lính đã xâm nhập miền Nam vào cuối năm 1964.
 
Về tổn thất nhân mạng, năm 1964 có 216 lính Mỹ và 7457 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1965 tăng lên 1928 quân Mỹ và 11,241 lính Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1966, con số tăng lên đến 6143 Mỹ và 11,953 Việt Nam Cộng Hoà và tăng gấp đôi vào năm 1967 với 11,513 lính Mỹ và hơn 20 ngàn quân Việt Nam Cộng Hoà. Con số tổn thất nhân mạng của Việt Cộng thì nhiều gấp 10 lần số tổn thất của đồng minh. Tuy thế, công luận Mỹ choáng mắt trước sự tổn thất của quân đội Mỹ. Họ mất kiên nhẫn và đánh giá rằng phía đồng minh đã thất bại.
 
Trong bối cảnh đó, các phong trào hoà bình tại Mỹ và Việt Nam phát triển mạnh.
 
Bài tham luận này chỉ đề cập đến các phong trào ở Nam Việt Nam mà thôi.
 
3. Sự hình thành của các phong trào hoà bình tại Nam Việt Nam
 
3.1. Các phong trào Phật Giáo
 
Người ta cho rằng có 80% dân số Việt Nam là tín đồ Phật Giáo. Sự thật không phải vậy. Tín đồ Phật Giáo chỉ chiếm khoảng 15% đến 20% dân số. Đại đa số người Việt Nam thờ cúng ông bà. Họ đến chùa như một thói quen cũng như vào lễ Chúa Giáng Sinh, họ cũng tấp nập kéo nhau đến các nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Mark Moyar đã nhận xét:
 
“Người ta lầm lẫn khi cho rằng miền Nam Việt Nam là một nước theo Phật Giáo. Với dân số 15 triệu, chỉ có chừng 3 đến 4 triệu là tín đồ Phật Giáo trong đó chỉ khoảng một nữa là tín đồ chăm chỉ”. (trang 752)
 
Không như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo Việt Nam không được tổ chức chặt chẽ. Mãi đến năm 1964 họ chưa có một hệ thống giáo phẩm để lãnh đạo. Mỗi ngôi chùa là một đơn vị, có một vị sư cầm đầu với vài chục tín đồ. Việc tu hành cũng đơn giản, chỉ cần cạo đầu, khoác lên tấm áo nâu sồng là đã trở thành một vị sư. Đó là lý do giải thích tại sao Việt Cộng dễ dàng xâm nhập vào hàng ngũ tu sĩ để nắm lấy vai trò lãnh đạo.
 
Phật Giáo đã tố cáo chính phủ Ngô Đình Diệm ngược đãi và đàn áp họ. Đây là điều không đúng sự thật. Tổng Thống Diệm, tuy là người Công Giáo thuần thành, đã giúp đỡ nhiều cho Phật Giáo. Đa số thành viên chính phủ là Phật giáo đồ. Trong thời gian ông cầm quyền, có hàng chục ngàn ngôi chùa được xây dựng hay được tu bổ. Tổng Thống Diệm đã hiến cho Phật Giáo miếng đất rộng, thuận lợi để xây dựng Việt Nam Quốc Tự mà sau này trở thành trung tâm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
 
Tổng Thống Diệm là một người đạo đức. Ông yêu nước thương dân và đã cống hiến cuộc đời cho quyền lợi đất nước và an sinh của đồng bào. Ông sống một cuộc sống thanh bạch và giản dị như tác giả Geoffrey Shaw miêu tả trong cuốn The Lost Mandate of Heaven:
 
“Một ngưòi đi tìm quyền lực không phải cho tham vọng cá nhân mình mà là để cống hiến cho Thượng Đế và những đồng bào mà ông ao ước được phục vụ họ. (trang 36)…
 
Tổng Thống Diệm không bao giờ có thể tấn công Phật Giáo như người ta kết án ông. Căn bản đạo lý Khổng Mạnh nơi ông là sự tôn vinh cha mẹ và tổ tiên không thể cho phép ông xúc phạm đến Phật Giáo, là tôn giáo mà cha mẹ ông bà của ông tin theo”. (trang 39)
 
Phật Giáo Việt Nam ở miền Nam có hai chùa lớn là Ấn Quang và Xá Lợi, ở miền Trung có hai chùa Từ Đàm và Bảo Quốc. Phái Phật Giáo Ấn Quang là thành phần hiếu chiến đã thúc đẩy các phong trào chống đối chính phủ. Chùa Ấn Quang trở thành bản doanh của các nhà sư tranh đấu như Thích Trí Quang, Thích Trí Thủ, Thích Đôn Hậu… Nơi đây, các sư gặp gỡ các lãnh tụ sinh viên chống chính quyền để soạn thảo kế hoạch. Họ cũng cất giữ vũ khí và các tài liệu tuyên truyền dùng trong các cuộc bạo động.
 
Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà từng bắt giữ nhiều Phật giáo đồ tại chùa không hề có giấy tờ căn cước. Điều đó cho phép suy diễn rằng cán bộ Cộng Sản đã xâm nhập vào các chùa này.
 
Tuy vậy, phong trào đấu tranh của Phật Giáo chỉ là phần nổi của tảng băng sơn mà chìm bên dưới là những mưu đồ lớn do Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy nhằm lật đổ chính quyền. Đó là những kế hoạch gây rối loạn, lót đường cho những chiến dịch tấn công quân sự để chiếm trọn miền Nam.
 
Phong trào Phật Giáo trở thành một lực lượng mạnh trong những năm sau đó. Họ xuống đường, đem bàn thờ ngăn cản trên các đường phố. Đặc biệt vào năm 1965, Phật Giáo đã đi quá xa ra khỏi phạm vi tôn giáo để trở thành một đoàn thể áp lực chính trị.
 
3.1.1. Con người hành động: Thích Trí Quang
 
Năm 1966, Thích Trí Quang đang ở cố đô Huế để dẫn đầu phong trào chống chính phủ. Cơ quan cảnh sát và tình báo Việt Nam Cộng Hoà có những tài liệu về mối liên hệ của ông ta với cán bộ Cộng Sản. Người ta tin rằng phong trào Phật Giáo là một thành phần trong các mặt trận của Cộng Sản bao gồm cả phong trào sinh viên và các hoạt động quân sự.
 
Vào thời chiến tranh kháng Pháp, Trí Quang hoạt động chung với Cộng Sản. Người anh của ông ta là một viên chức trong chế độ Cộng sản tại miền Bắc. Trong thời gian có phong trào Phật Giáo, người anh này chỉ huy các hoạt động điệp báo ở miền Nam.
 
Tại các thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Trí Quang cho thành lập Ủy Ban Đấu Tranh với sự hỗ trợ của Đoàn Thanh Niên Quyết Tử. Nhóm Thanh Niên Quyết Tử này được tranh bị với dao găm, gậy gộc và cả súng trường tịch thu của Nhân Dân Tự Vệ. Họ được phân công tuần tiễu các khu phố, dọ thám tin tức, bảo vệ các bàn thờ mà họ đã đem xuống lòng đường. Có thể nói, ba tỉnh cực Bắc miền Nam đã nằm trong sự kiểm soát của nhóm Phật Giáo đấu tranh.
 
“Những người Phật Giáo tranh đấu di chuyển theo đội hình quân sự dưới sự điều khiển bằng còi và trống. Họ thiết lập công sự phòng thủ để chống lại quân đội. Rõ ràng là những người Phật Tử không thể tự mình phát triển các chiến thuật như thế!” (Moyar, trang 759)
 
Nhưng không phải các tín đồ Phật Giáo đều đồng ý với phong trào ngoại trừ những người theo Trí Quang mà càng ngày càng tỏ ra cuồng tín. Họ không ngần ngại thi hành những sự khủng bố nhằm gieo rắc sự sợ hãi như bọn Cộng sản thường làm. Đã có nhiều cuộc chạm trán giữa lực lượng Quyết Tử Phật Giáo với thanh niên Công Giáo mà kết quả có hàng chục người chết. Họ còn đụng độ cả với lực lượng Cảnh Sát. Trong một cuộc biểu tình vào cuối tháng 11 năm 1964, đám Phật Giáo quá khích này càng trở nên hung hãn, bạo động. Họ dùng gạch đá, gậy gộc để đánh lại Cảnh Sát.
 
Sau này, khi xảy ra vụ Tết Mậu Thân 1968, những thành viên quan trọng trong đám thanh niên Phật Giáo lộ nguyên hình là những tên lãnh tụ trong Lực Lượng Thanh Niên Sinh Viên Giải Phóng Huế. Theo tài liệu của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, những lãnh tụ cao cấp của Phật Giáo thân cận với Trí Quang đã hoạt động trong hàng ngũ Việt Cộng. Có thể kể ra Thích Huyền Quang, Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo cùng với người phụ tá là Trần Đinh. Nhiều nhà tình báo nghi ngờ rằng Trí Quang là điệp viên nhị trùng vừa làm việc cho Việt Cộng vừa làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA.
 
“Những người Phật Giáo đấu tranh đã có những hoạt động chính trị không phù hợp với bản chất truyền thống của Phật Giáo. Có nhiều bằng chứng để suy đoán rằng các lãnh tụ Phật Giáo tranh đấu là cán bộ của Cộng Sản (Moyar, trang 749).
 
“Vào năm 1963, thúc giục các tín đồ Phật Giáo tìm sự hỗ trợ của Việt Cộng để chống lại Tổng Thống Diệm. Các phương pháp vận động chính trị của Trí Quang rất giống với phương pháp của Cộng Sản. Các phương pháp này đi quá xa so với những phương thức từng áp dụng trong Phật Giáo. Sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam năm 1975, họ đã đề nghị cho Trí Quang một chức vụ tại Huế. Trí Quang không hề lên tiếng chống đối chế độ mới trong khi những tu sĩ từng có thành tích hoạt động chính trị thì bị chế độ giam cầm”. (Moyar, trang 756)
 
Khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà tái chiếm cố đô Huế, Thích Đôn Hậu đã chạy theo đám tàn quân Cộng Sản váo tận vùng núi rừng Trường Sơn để sau 1975, trở thành một Đại biểu Quốc Hội của Cộng sản Việt Nam.
 
3.1.2. Thích Nhất Hạnh với chiêu bài Hoà Bình
 
Năm 1942, Nhất Hạnh vào tu ở chùa Từ Hiếu (Huế). Bảy năm sau, ông trở thành thiền sư. Năm 1956, ông là chủ nhiệm tờ báo ‘Phật Giáo Việt Nam’ là cơ quan ngôn luận định kỳ chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ông thành lập trường Đại Học Vạn Hạnh và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại Sài Gòn. Hai trường này về sau trở thành lực lượng chính của phong trào hoà bình đã gây nhức đầu cho chính phủ thời đó.
 
Vào tháng 4, 1965, sau khi quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam, Hội Sinh Viên Vạn Hạnh đã ra một bản kêu gọi hoà bình trong đó ghi: “Đã đến lúc hai miền Nam và Bắc Việt Nam cần tìm một phương cách chấm dứt cuộc chiến để đem lại cuộc sống thanh bình cho dân chúng trong tình thần tương trọng”. Sư nữ Thích Chân Không, người thân cận với Nhất Hạnh khi đó đang cầm đầu Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đã bị viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh tố giác là cán bộ Cộng Sản nằm vùng. Từ đó trở đi, các thành viên của trường luôn bị tấn công và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội phải chật vật kiếm tài chánh riêng.
 
Năm 1966, trong chuyến đi Mỹ, Nhất Hạnh đã trình bày bài tham luận với nhan đề “Sự Tái Sinh của Phật Giáo Việt Nam” trong một buổi hội luận tại Đại Học Cornell để cổ vũ cho phong trào hoà bình. Ngày 1 tháng 6, 1966, ông đưa ra tuyên bố 5 điểm của nhóm Phật Giáo Ấn Quang trong đó yêu cầu Hoa Kỳ (1) chấm dứt ngay tức khắc các hoạt động quân sự và (2) rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, (3) chấm dứt dội bom miền Bắc, (4) giúp thành lập một chính phủ dân sự và (5) tái thiết miền Nam.
 
Tại Mỹ, Nhất Hạnh nhận được sự ủng hộ của Martin Luther King là người sau đó đã lên tiếng công khai về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. King cũng đề nghị cho Nhất Hạnh được giải Nobel Hoà Bình, nhưng bị ủy ban chấm giải từ chối. Ngày 2 tháng 6, Nhất Hạnh ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ. Tại đây, ông lên án Hoa Kỳ và Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà là kẻ gây ra những bất hạnh mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu.
 
Qua năm 1967, Nhất Hạnh xuất bản cuốn sách nhan đề ‘Hoa Sen Trong Biển Lửa’ để đề cao vai trò đóng góp của Phật Giáo và kết án Việt Nam Cộng Hoà cùng Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chiến trái nghịch với nguyện vọng của người dân Việt Nam. Trong trang 52, ở dòng 20 đến 22, Nhất Hạnh ca tụng Hồ Chí Minh như một anh hùng dân tộc.
 
Nhất Hạnh cho rằng chính người dân miền Nam đã thành lập Mặt Trận Giải Phóng để chống lại sự can thiệp của Mỹ. Theo ông, Mặt Trận Giải Phóng không có liên hệ gì với Cộng Sản Bắc Việt. Ông đổ thừa cho chính sách độc tài của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã thúc đẩy người dân miền Nam gia nhập vào Mặt Trận.
 
Khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không chấp thuận cho ông về nước, Nhất Hạnh đã chạy qua Pháp và nắm quyền lãnh đạo phái đoàn Hòa Bình của Phật Giáo Việt Nam cho đến khi chiến tranh kết thúc. Mặc dù những đóng góp của ông vào sự sụp đổ của miền Nam, chính phủ Cộng sản cũng từ chối không cho ông về nước vì họ cũng coi ông là công cụ của đế quốc Mỹ. Phía Mỹ, thì cơ quan CIA đã gọi ông là một bộ óc của Thích Trí Quang.
 
Chúng tôi không có bằng chứng cụ thể nào để cáo buộc Nhất Hạnh là người của Cộng sản. Nhất Hạnh và các đệ tử của ông tự nhận họ là những người trung lập. Nhưng chúng ta đều biết ông ta đã mù quáng trước thực tế hiển nhiên mà trở thành những kẻ có cảm tình với Cộng sản. Trong bài nói chuyện nhan đề “Chất chứa sự phẫn nộ” đọc tại nhà thờ Riverside ở New York này 25 tháng 9, 2001, Nhất Hạnh đã nói về sự đau khổ của người dân Việt Nam là trách nhiệm của Hoa Kỳ và Đồng Minh, mà không hề có lời nào nói đến trách nhiệm của Cộng Sản.
 
“Tôi có thể hiểu thấu đáo nỗi đau khổ của nhân dân Việt Nam. Mà không chỉ người Việt Nam, mà cả người Mỹ nữa cũng cam chịu khổ đau do chiến tranh Việt Nam gây ra. Những thanh niên Hoa Kỳ được đưa đến Việt Nam để giết chóc và bị giết cũng cam chịu nỗi đau mà còn tiếp diễn cho đến hôm nay. Cả gia đình, cả đất nước cũng chịu khổ đau. Nguyên nhân khổ đau của dân tộc Việt Nam không phải do những người lính Mỹ, mà do chính sách thiếu khôn ngoan, những sự hiểu lầm. Đó là nỗi sợ hãi ngự trị ngay trong căn bản của chính sách”
 
Cũng trong bài nói chuyện trên, Nhất Hạnh đã dựng đứng câu chuyện thảm sát tại Bến Tre để lừa gạt dân chúng Hoa Kỳ như sau:
 
“Các bạn thân, … Trong thời gian chiến tranh Việt Nam đã có nhiều bất công mà hàng ngàn người bị giết; trong đó có bạn bè của tôi, các đệ tử của tôi… Một lần, tôi nghe chuyện thành phố Bến Tre, nơi có ba trăm ngàn dân cư, đã bị Không Quân Mỹ thả bom chỉ vì có vài du kích Cộng Sản trong thành phố đã bắn lên phi cơ. … thành phố bị tiêu hủy. Người phi công đánh bom sau đó đã nói rằng họ phải hủy diệt thành phố Bến Tre để cứu vãn tình hình. Tôi rất giận về chuyện này”
 
Bài này đã được tờ báo New York Times đăng nguyên 1 trang kèm hình ảnh của Nhất Hạnh.
 
Sự thật là không hề có chuyện Bến Tre bị thả bom, và dân số Bến Tre lúc đó chỉ khoảng 70 ngàn người. Trong suốt chiều dài cuộc chiến, quân lực Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh chưa hề thả một trái bom vào các thành phố, trừ trường hợp ở Huế trong trận đánh Tết Mậu Thân hoặc một thành phố Quảng Trị đã hoang tàn và không còn dân cư.
 
3.2. Mặt trận sinh viên và thanh niên
 
Thông thường, Cộng Sản thành lập hai loại hình tổ chức để tiến hành đấu tranh: một loại hợp pháp để đấu tranh công khai, và loại kia thì tổ chức bí mật, nằm trong bóng tối. Các tổ chức hợp pháp của sinh viên quy tụ những sinh viên thực thụ nhưng lại do những cảm tình viên Cộng sản hay các tên nằm vùng nắm vai trò lãnh đạo. Bọn nằm vùng thì thường kín đáo để tuyên mộ cảm tình viên. Phía sau hậu trường là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (cánh tay mặt đắc lực của Đảng Cộng Sản) lèo lái tất cả. Những sinh viên Cộng Sản đã giữ vai trò lãnh đạo Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trong liên tiếp 4 nhiệm kỳtừ 1966 đến 1970.
 
Trong thời gian 1963 và cả thời gian tiếp theo sau đó, phong trào sinh viên đã đi đôi với phong trào Phật Giáo trong các cuộc đấu tranh chống chính quyền. Thời đó, dù đã thâm nhập vào Tổng Hội Sinh viên, nhưng Đoàn Thanh Niên Cộng Sản chưa đủ nhân lực để hoàn toàn nắm vai lãnh đạo. Tại Huế năm 1964, Thích Trí Quang thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do Bác Sĩ Lê Khắc Quyến làm chủ tịch. Sau đó, thành lập thêm Lực Lượng Thanh Niên Học Sinh Sinh Viên Cứu Quốc để cầm đầu các thanh niên trong hàng loạt những hoạt động khủng bố tại Huế và Đà Nẵng. Lực lượng này sau cải danh thành Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Quyết Tử rồi sau cùng là Lực Lượng Học Sinh Sinh Viên Giải Phóng Huế. Đến thời điểm này thì do chính các cán bộ Cộng sản nắm quyền. Xin kể ra vài tên quen thuộc như: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Văn Giàu, Nguyễn Thị Đoan Trinh… Đám Cộng Sản này trong Tết Mậu Thân, đã là những hung thần, đao phủ đã hành quyết không gớm tay hàng ngàn thường dân vô tội tại Huế.
 
3.2.1. Quá trình lớn mạnh của Phong Trào Sinh Viên Cộng Sản
 
Cộng Sản luôn đặt nặng việc xây dựng các phong trào thanh niên trong diễn trình cách mạng của họ vì giới thanh niên đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng mà họ coi là đúng. Thanh niên dấn thân và hành động dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí. Vì thế, rất dễ khích động và lợi dụng họ.
 
Trong chiến tranh chống Pháp, năm 1949, Cộng Sản thành lập tổ chức Sinh Viên Nội Thành để rải truyền đơn và tổ chức các cuộc đình công, bãi khoá. Đến năm 1950, thì thành lập nhóm cán bộ đặc trách sinh viên vụ. Họ tập trung thanh niên sinh viên vào các làng mạc ngoại ô Sài Gòn để huấn luyện.
 
Năm 1961, Đại Hội lần thứ 2 của Đảng Lao Động (tức Đảng Cộng Sản) chấp thuận 3 mục tiêu trong đó có mục tiêu giải phóng miền Nam. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập để khởi phát cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam. Một bộ phận của Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam được đưa vào chiến khu Dương Minh Châu để hình thành Trung Ương Cục Miền Nam, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc chiến. Đảng Lao Động cũng cho thành lập đứa con là Đảng Cách Mạng Nhân Dân Miền Nam để ngụy hoávai trò của mình và lừa gạt nhân dân và quốc tế. Kế đó là Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Hồ Chí Minh, một đứa con không khác gì Đoàn Thanh Niện Cộng sản Hồ Chí Minh ở ngoài Bắc. Hai đoàn thanh niên này là cánh tay mặt của hai đảng (Lao Động Việt Nam và Cách Mạng Nhân Dân Miền Nam) quy tụ những thanh niên từ con em đảng viên, từ giai cấp nông dân, hoặc lựa chọn từ thành phần sinh viên. Họ là đội tiền phong và nhân lực dự trữtương lai của đảng.
 
Trung Ương Cục Miền Nam được xem là phái viên của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã xác nhận trong một văn thư đề ngày 27 tháng 1, 1961:
 
“[sự thành lập Đảng Cách Mạng Nhân Dân miền Nam] chỉ là một sự thay tên… Nó đúng ra là một bộ phận của Đảng Lao Động Việt Nam. Nó được đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy Ban Trung Ương Đảng do Chủ Tịch Hồ Chí Minh cầm đầu”.
 
Từ năm 1960, Võ Văn Kiệt lúc đó Thành Ủy Sài Gòn Gia Định, ra lệnh thành lập Ban Vận Động Học Sinh Sinh Viên Sài Gòn – Gia Định quy tụ học sinh trung học và sinh viên đại học. Bọn này được đưa đến các trại huấn luyện trong rừng sâu để được dạy về các nguyên tắc hoạt động bí mật của cách mạng. Theo cuốn sách ‘Theo Nhịp Khúc Lên Đàng’ do Nhà Xuất Bản Trẻ phát hành năm 2000, ở trang 19, viết:
 
“[Đoàn Thanh Niên Cộng Sản] còn ở tình trạng chưa đủ trưởng thành để tung ra các chiến dịch độc lập dối mặt với “ngụy quyền Sài Gòn” trong chiến dịch 1963 của Phật Giáo. [Vì thế,] Đảng Ủy đã ra lệnh họ phải thâm nhập hoà mình vào trong nhóm gây rối của Phật Giáo.”
 
Ngày 1 tháng 9, 1961, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Giải Phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập. Đến khoảng 1965 – 1967 có sự ra đời của Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng Đặc Khu Sài Gòn-a Định. Từ năm 1967 đến 1972, Thành Đoàn Sài Gòn-Gia Định ra đời làm nòng cốt cho Đảng Nhân Dân Cách Mạng. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, các tổ chức thanh niên Cộng Sản tham gia trực tiếp cả ba mặt trận: xung kích vũ trang, chính trị, tuyên truyền vũ trang và hoạt động chống đối công khai. Họ là những thành viên nòng cốt trong các phong trào Phật Giáo và sinh viên.
 
3.2.2 Các khuôn mặt nổi bật
 
Năm 1968, Việt Cộng thành lập một mặt trận trong thành phố mang tên Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam mà trong tuyên ngôn, họ kêu gọi thành lập một miền Nam độc lập, không liên kết. Tháng 6, 1969, Liên Minh này sáp nhập vào Mặt Trận Giải Phóng để hình thành Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Có nhiều bằng chứng rõ rệt về sự trao đổi lãnh đạo giữa các nhóm sinh viên và nhóm trí thức trong phong trào hoà bình.
 
Tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 9, 1964, Nguyễn Văn Hiếu, tổng thư ký Mặt Trận Giải Phóng đã nói rằng: “Vấn đề chính trị là sức mạnh căn bản của nhân dân miền Nam Việt Nam và cũng là nhược điểm căn bản của kẻ thù (tức chính quyền Việt Nam Cộng Hoà)”.
 
Sau năm 1968, chúng ta nhìn thấy sự phát triển bùng nổ của hàng tá các tổ chức dưới bóng dù của Mặt Trận Giải Phóng. Mặc dù mỗi tổ chức đưa ra các mục tiêu khác nhau, nhưng tất cả đếu nhắm vào việc kêu gọi Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà chấm dứt các hoạt động quân sự mà không bao giờ đả động đến bọn Việt Cộng Nam hay Bắc là những thủ phạm chính gây ra chiến tranh.
 
Điều này như là trói tay một phe (Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ) trong khi để cho phe kia rảnh tay hành động mà đánh gục đối phương.
 
Trần Bạch Đằng, người thủ lĩnh chóp bu của các phong trào sinh viên.
 
Trần Bạch Đằng là một nhân vật thủ đoạn và nguy hiểm nhất đứng sau lưng các tổ chức thanh niên và sinh viên. Năm 1941, khi mới 17 tuổi, Đằng đã tham gia kháng chiến để hai năm sau được kết nạp vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông ta leo dần lên đến vai trò lãnh đạo cao nhất của đảng tại sài Gòn và là thành viên trong Hội Đồng Chủ Tịch của Mặt Trận Giải Phóng.
 
Quyền hạn và trách nhiệm của ông ta bao trùm nhiều lãnh vực như vận động trí thức, thanh niên, sinh viên, người gốc Hoa. Ông cũng là trưởng ban Ban Tuyên Huấn và là thủ lãnh của Đoàn Thanh Niên Cách Mạng Nhân Dân Sài Gòn Gia Định.
 
Trong biến cố Mậu Thân 1968, khí đó là Thường Vụ Đảng Cộng sản tại Sài Gòn, Đằng là người vẽ ra kế hoạch tấn công và là người chỉ huy chiến dịch ở vùng Sài Gòn. Sau Mậu Thân, Đằng được thăng chức là Bí Thư Đảng Ủy Sài Gòn Gia Định.
 
Trần Bạch Đằng có công rất lớn trong việc tuyển mộ, huấn luyện, tổ chức thành phần sinh viên và trí thức vào các phong trào thanh niên và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Ông cũng có công trong việc vận động các chính trị gia và tu sĩ miền Nam vào các tổ chức gây rối để phá hoại sự ổn định trong cuộc sống tại các thành phố lớn cũng như tung ra chiến dịch tuyên truyền để lừa bịp, gây sự ngộ nhận trong cộng đồng thế giới. Trần Bạch Đằng rất giỏi khi núp dưới chiêu bài vãn hồi hoà bình cho miền Nam Việt Nam.
 
Huỳnh Tấn Mẫm và Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn
 
Mẫm được Nguyễn Văn Chí (bí danh Sáu Chí) tuyển mộ hoạt động bí mật lúc mới 15 tuổi. Hai năm sau, anh ta gia nhập Hội Liên Hiệp Thanh Niên Giải Phóng Sài Gòn-Gia Định.
 
Năm 1960, với tư cách Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, Mẫm lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính phủ. Qua năm 1965, Mẫm được kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cách Mạng.
 
Năm 1971, anh cầm đầu cuộc gây rối đốt phá hàng trăm chiếc xe quân sự của Mỹ ngay trước ống kính của các phóng viên ngoại quốc. Anh từng bị chính phủ bắt giữ 11 lần và được thả ra năm 1973 khi Hiệp Định Paris được ký kết. Sau đó, anh ta lại tiếp tục cầm đầu các phong trào đấu tranh và lại bị bắt cho đến ngày 29 tháng 4, 1975 mới được Dương Văn Minh thả ra sau khi ông tuyên bố đầu hàng.
 
Huỳnh Tấn Mẫm là một bằng cớ sinh động về việc xâm nhập của Cộng Sản vào các phong trào sinh viên.

Năm 1976, Mẫm được nhận là thành viên Ủy Ban Trung Ương Đoàn Thanh Niên tại Sài Gòn và là Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Sài Gòn. Anh được Việt Cộng chọn để bầu vào khoá 6 Quốc Hội bù nhìn.
 
Lê Hiếu Đằng, một nhân vật nổi của phong trào sinh viên
 
Đằng là một đảng viên Cộng Sản từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng hoặc các đoàn thể ngoại vi của đảng, hoặc các chức vụ trong chính phủ trong bóng tối như: Phó tổng bí thư Ủy Ban Trung Ương của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam, phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Sài Gòn, tổng bí thư Hội Đồng Cách Mạng Nhân Dân Sài Gòn-Gia Định. Trong thời gian có phong trào hoà bình của sinh viên, Đằng là thành viên của Ủy Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn.
 
Trước khi qua đời vào năm 2014, Đằng bày tỏ sự bất mãn đối với Đảng Cộng Sản và đã tuyên bố từ bỏ đảng tịch.
 
3.3. Thành phần trí thức
 
3.3.1. Ngô Bá Thành và Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống
 
Bà Ngô Bá Thành, phương danh là Phạm Thị Thanh Vân, tự nhận mình là người đại diện cho lực lượng thứ ba. Bà thành lập Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống vào năm 1970 và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khác để yểm trợ phong trào hoà bình. Bà còn là thành viên của Chủ Tịch Đoàn của Hội Đồng Trung Ương của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
 
3.3.2. Trịnh Đình Thảo và Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Hoà Bình Cho Việt Nam
 
Năm 1955, Trịnh Đình Thảo đã là chủ tịch danh dự của Phong Trào Hòa Bình tại Sài Gòn, là một tổ chức chống đối sự có mặt của Hoa Kỳ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông tham gia Mặt Trận Giải Phóng ngay khi mặt trận vừa được thành lập. Năm 1968, Thảo được gửi ra mật khu để thành lập Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam mà ông là chủ tịch đầu tiên.
 
Vào tháng 6, 1969, Thảo là phó chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Cũng trong năm này, ông dẫn đầu phái đoàn của Liên Minh thăm viếng miền Bắc và được Hồ Chí Minh tiếp kiến tại Hà Nội.
 
Sau 1975, Ông là đại biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Sản và là thành viên của Chủ Tịch Đoàn Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc.
 
3.3.3. Hiện tượng Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
 
Trong thập niên 1960, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nổi tiếng. Nhạc của ông được ưa chuộng cho đến nhiều thập niên về sau. Đó là những bản nhạc gợi đến ước vọng hoà bình của người dân Việt Nam. Từ âm điệu cho đến lời ca dễ đi vào lòng các tầng lớp quần chúng, đặc biệt là giới sinh viên, thanh niên thành thị, và ngay cả với những người lính chiến đấu. Nhạc Trịnh Cộng Sơn phải được truyền đạt qua giọng ca đặc biệt của Khánh Ly.
 
Trịnh Công Sơn đủ thông minh để che giấu lập trường chính trị khi ông chẳng lên án phe nào trong cuộc chiến. Ngay chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cũng không hề cấm hát nhạc của ông trong khi phe Cộng Sản thì tận dụng nhạc này để làm công cụ tuyên truyền cho phong trào phản chiến.
 
Sau khi chiến tranh kết thúc, Trịnh Công Sơn ở lại Việt Nam và hợp tác với chế độ Cộng sản; còn Khánh Ly thì vượt biển ra hải ngoại hát phục vụ cộng đồng tị nạn Cộng Sản cho đến gần đây, bà trở về Việt Nam với ảo tưởng tìm lại vinh quang đã mất. Nhưng chỉ gặp thất vọng não nề.
 
3.4. Các nỗ lực hoà bình của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà
 
Sau hàng năm dài chiến tranh tang tóc, người dân Việt Nam đều mong muốn có hoà bình dù với bất cứ giá nào. Miền Nam đã không khởi động cuộc chiến. Người dân miền Nam cũng như chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đều muốn có hoà bình ổn định để xây dựng đất nước. Nhưng người miền Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng để chống lại xâm lăng từ miền Bắc.
 
Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chính phủ Ngô Đình Diệm đã có kế hoạch dinh điền, lập ra những khu trù mật từ năm 1959 nhằm bảo vệ người dân vùng nông thôn tránh khỏi sự quấy nhiễu của du kích Cộng Sản. Nơi đây, họ được sự bảo vệ của quân đội để sinh hoạt và lao động bình thường trong những điều kiện do chính phủ hỗ trợ như trường học, nhà thương, cung cấp nông cụ, hạt giống và ngay cả nguồn điện.
 
Đến thời Đệ Nhị Cộng Hoà, khi ông Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống; ngày 3 tháng 9, năm 1967, ông đã đề ra 3 mục tiêu chính: (1) Vãn hồi hoà bình, (2) xây dựng dân chủ và (3) cải tạo xã hội. Khi nói về hoà bình Tổng Thống Thiệu đã nhấn mạnh rằng ông hứa sẽ “mở rộng cửa cho hoà bình, và để ngõ nó.” (Lamb, 2001, Internet).
 
Nhưng dưới mắt truyền thông tả khuynh Mỹ, Tổng Thống Thiệu cũng là một trở lực cho hoà bình. Tổng Thống từng nói với báo chí rằng hoà bình thực sự không thể có khi mà quân đội Cộng sản vẫn còn hiện diện trên đất miền Nam và hàng ngày đe doạ nền an ninh của miền Nam. Theo ông:
 
“Chúng tôi chống lại bất cứ thứ hoà bình nào mà đòi miền Nam phải khuất phục, giao miền Nam cho Cộng sản… Một khi có được sự bảo đảm về một hoà bình công chính, thì sẽ chẳng có trở ngại nào cả”.
 
(1:08 phút)
 
Tại Hội Đàm Paris, phía Việt Nam Cộng Hoà chỉ đòi hỏi các lực lượng Việt Cộng và Bắc Việt phải rút hết ra khỏi lãnh thổ miền Nam, như Hoa Kỳ cũng đã triệt thoái hết quân đội của họ. Tuy nhiên, Hiệp Định Paris đã được ký kết trái với nguyện vọng của nhân dân miền Nam.
 
4. Lực lượng nào nấp sau phong trào hoà bình?
 
Chiến tranh tiếp diễn, chúng ta mới thấy mục tiêu của những người Cộng sản và thân cộng không phải vì hoà bình mà là sự chiến thắng của Bắc Việt. Các phong trào hoà bình tại Mỹ cũng như tại miền Nam Việt Nam chỉ đòi hỏi Hoa Kỳ và đồng minh chấm dứt chiến đấu trong khi vẫn yểm trợ các nỗ lực quân sự của Bắc Việt và Việt Cộng. Chính những lãnh tụ Phật Giáo đã làm lợi cho Cộng Sản.
 
“Từ tháng 11 năm 1963 cho đến tháng 7 năm 1965, phong trào Phật Giáo quá khích là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn chính trị tại miền Nam. Trong khi những lãnh tụ Phật Giáo tựcho rằng họ đại diện cho quần chúng giáo đồ để tranh đấu cho tự do tôn giáo thì sự thật, họ chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ nhoi mà lại muốn dành quyền lực chính trị. Dựa vào những thủ đoạn và bạo lực của đám đông để gây rối chính quyền, các tu sĩ Phật Giáo đã thực hành những hình thái hoạt động chính trị ngược lại với truyền thống của Phật Giáo Việt Nam. Có nhiều bằng chứng cho thấy vài vị lãnh đạo Phật Giáo là cán bộ Cộng Sản.” (Moyar, 2004, p. 749)
 
Chính Geoffrey Shaw cũng viết trong chương mang tựa đề “Cuộc Khủng Hoảng Phật Giáo năm 1963”:
 
“… Có những tài liệu từ phía Bắc Việt cho hay rằng ông [Thich Tri Quang] đã làm việc chung với cán bộ Cộng sản trong các chiến dịch chống lại Thực dân Tây Phương”. (Shaw, 2015, p. 197)
 
Hai tác giả phía Cộng sản là Ho Son Dai and Tran Phan Chan, trong một bài phỏng vấn cũng phát biểu “Các ông William Colby, Lindsay Nolting, và Tướng Nguyễn Khánh, đều cho rằng dù thiếu bằng chứng, họ vẫn tin rằng Thích Trí Quang là một cán bộ Cộng sản.” (Ho, 1994, p. 364)
 
Một người thân tín nhất của Trí Quang là Bác Sĩ Lê Khắc Quyến trong thời gian Mậu Thân 1968 đã lộ diện khi ông là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng thành phố Huế trong thời điểm Cộng quân chiếm đóng cố đô.
 
Trong cuốn sách “Ác Mộng Việt Nam” (Our Vietnam Nightmare), tác giả Marguerite Higgins đã trích lời cố Tổng Thống Trần Văn Hương nói về Thích Trí Quang như sau:
 
“Ông ta nói năng như một người Cộng sản. Những điều ông ta làm đều có lợi cho Cộng sản. Các bạn Mỹ muốn phải có bằng chứng tuyệt đối! Chúng tôi có bằng chứng việc Trí Quang đã tiếp xúc với các lãnh tụ Cộng sản gần Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Nhưng Trí Quang giải thích rằng ông ta đủ khả năng thuyết phục người Cộng Sản trở thành tín đồ Phật Giáo. Ấy thế mà cũng có người tin ông ta”. (p. 261)
 
Từ năm 1963 đến 1966, rõ ràng Thích Trí Quang đã lãnh đạo phong trào liên tiếp chống đối bất cứ chính quyền nào tại miền Nam và đã gây tổn hại cho công cuộc chiến đấu chống Cộng Sản.
 
Còn về phong trào sinh viên, trong phần trước, chúng tôi đã nói đến mối quan hệ của họ với các đảng viên Cộng Sản như thế nào rồi. Có thể nói rằng hầu hết các nhân vật trong phong trào hoà bình là các thành viên Cộng Sản.
 
Họ rất giỏi trong các thủ đoạn. Họ có kinh nghiệm sách động quần chúng, tổ chức đoàn thể để sử dụng đúng chỗ, đúng lúc trong việc đấu tranh. Phong trào hoà bình chỉ là phương tiện để đánh lừa thế giới. Sau khi chiến thắng, chính những người Cộng Sản tuyên bố rằng họ đã thắng không phải tại các chiến trường, mà thắng ngay tại trên đất Mỹ.
 
Nói thẳng ra, họ đã chiến thắng đối với công luận Hoa Kỳ.
 
C. Kết luận
 
Các phong trào hoà bình, dù thân cộng hay không thì cũng do sự đạo diễn của Cộng Sản để dùng như công cụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu chiếm đoạt miền Nam. Đó là những mục tiêu làm suy yếu tiềm lực của quân dân miền Nam và làm cho Hoa Kỳ rút lại sự yểm trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã thành công!
 
Người Việt Nam đã trả một giá quá đắt cho hoà bình đó. Sự chấm dứt chiến tranh quả có làm ngưng tiếng súng, không còn những cái chết bất ngờ bởi các loại vũ khí. Nhưng cả nước sau đó lại rơi vào tình trạng cực kỳ đen tối do đói khát, hơn một nửa dân số bị ngược đãi, một phần tư triệu người bị lùa vào các trại tập trung, bị giam giữ tra tấn hàng chục năm. Các quyền tự do bị tước đoạt. Hàng trăm ngàn người mất đất, mất nhà và nửa triệu người bị chôn vùi dưới đáy biển sâu khi trên đường tìm tự do.
 
Hơn 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản vẫn còn bị liệt vào các nước nghèo với lợi tức trung bình theo đầu người là 4000 đô la mỗi năm tức chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia có cùng điều kiện phát triển trong vùng.
 
Và điều quan trọng nhất là đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay đã quy phục Trung Cộng. Một ngày không xa, Việt Nam sẽ trở thành một phần lãnh thổ của Trung Hoa!
 
Để kết luận, tôi xin mượn câu nói của cố Tổng Thống Ronald Reagan:
 
“Chấm dứt một cuộc chiến không phải là điều đơn giản như ngưng lại sự chém giết và kéo nhau ra về. Bởi vì cái giá hoà bình sẽ là hàng ngàn năm tăm tối cho nhiều thế hệ người Việt về sau”.
 
 
Đỗ Văn Phúc
 
Tài liệu tham khảo
 
Sách và các bản tham luận
Bạch Diện Thư Sinh. Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà (University Battlefront: Nationalist vs Communist Students in the Republic of Vietnam). USA: Hoang Sa Bookshop, 2014.
Bui, Diễm & Chandoff, David. In the Jaws of History. Boston, MA: Houghton Mifflin Company, 1987.
Hassler, Alfred. Saigon, U.S.A. New York, NY: R. W. Baron, 1970.
Higgins, Margarite. Our Vietnam Nightmare. NY: Harper & Row, 1965, Harper & Row.
Ho, Son Dai & Tran, Phan Chan. Lịch Sử Sài Gòn-Chợ Lớn- Gia Đinh Kháng Chiến (History of the Resistance in Saigon-Cholon-Giadinh), 1945-1975. Hồ Chí Minh City: Publishing House, 1994.
Lacouture, Jean. Vietnam: Between Two Truces. NY: Random House, 1966.
Lamb, David. Nguyen Van Thieu, 78; S. Vietnam’s President. Los Angeles Times, 2001.http://articles.latimes.com/2001/oct/01/local/me-52050
Moyar, Mark, Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War Volume 38, Issue 4 October 2004, pp. 749-784
Nguyen Van Hiếu. Special War – An Outgrowth of Neo-Colonialism.Peking: Foreign Language Press, 1965.
Shaw, Geoffrey. The Lost Mandate of Heaven. San Francisco, CA: Ignatius Press, 2015.
Vietnam Veterans for Factual History. Indochina in the Year of the Dragon – 1964. TX: Radix Press, 2014.
Vietnam Veterans for Factual History. Indochina in the Year of the Snake – 1965. TX: Radix Press, 2015.
Wiest, Andrew. Vietnam’s Forgotten Army. NY: New York University Press, 2008.
Một Số Văn Kiện Của Đảng Về Chống Mỹ, Cứu Nước, Tập II (1954–1965). Hanoi: Su That, 1985.
Theo Nhip Khúc Lên Đàng, Hồ Chí Minh: Tre Publisher, 2000.
Internet
Thai, A. Thich Nhat Hanh – A KP Agent in Monk’s Robe, 2012. http://vn-buddhist.blogspot.com/2013/02/thich-nhat-hanh-kp-agent-in-monks-robes.html
Tran, Chung Ngọc. Thiền Sư Nhất Hạnh (Zen Master Thich Nhat Hanh), 2007. http://sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt006a.php
Thich Nhat Hanh, A Public Talk by Thich Nhat Hanh at the Riverside Church, New York. 2001.
http://www.thezensite.com/ZenTeachings/Essence_of_compassion.html
Wikipedia. Huynh Tan Mam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%E1%BB%B3nh_T%E1%BA%A5n_M%E1%BA%ABm
Phạm Cố Quốc. Thiền Sư Nhất Hạnh là ai (Who is the Zen Master Nhat Hanh)
http://www.motgoctroi.com/DienDan/Dd_Tongiao/TsNhatHanh_laai.htm
Cambridge University Press. Poltical Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War.
http://www.vietnamwar.net/
______________________________
Contact:
Michael Peavey Do
16204 Viki Lynn Pl.
Pflugerville, Texas 78660
Tel: (512) 800-7227
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Webpage: www.michaelpdo.com
Đỗ Văn Phúc Các Phong Trào Hoà Bình tại Miền Nam Việt Nam giữa Thập Niên 1960​Page 15
Den 3. mai 2017 kl. 16.25 skrev Ton That Son