User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: «Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?»

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai.)

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
«Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!»

Chàng thưa: «Vâng thuyền đông!»
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: «Hay! Hay quá!»
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
«Nam Mô A Di Đà!»

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày.)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
«Mai mới vào chùa trong.»

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
«Mai ta vào chùa trong!»

Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: «Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quán Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!»

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu.)

Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: «Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.»
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây.)

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
«Tặc! Con đường mà ghê!»
Thầy kêu: «Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.»

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng

Tiểu sử Nguyễn Nhược Pháp

nhuocphap

Người đời nhớ đến tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài thơ Chùa Hương nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng người thi sĩ tài hoa ấy là con trai của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và là một cây bút tài năng. Tiếc rằng cuộc đời đoản mệnh, ông vĩnh biệt cõi trần khi mới ở tuổi 24, để lại cho hậu thế một tập thơ mỏng mảnh duy nhất với nhan đề Ngày Xưa...

Hôm qua đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương...” – Mỗi khi đọc lại những câu thơ này tôi lại nhớ tới một kỷ niệm ở Paris, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong quầy bar ở tầng hầm ngôi nhà rất sang trọng tại ngoại ô thủ đô Pháp của TS Việt kiều Nguyễn Văn Tuyên (nay đã thành quá cố), diễn ra một buổi ca nhạc thính phòng của các nghệ sĩ Việt với những người bạn.

Có mặt hôm đó là cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, pianist Hà Ngọc Thoa từ Hà Nội tới; nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ sang; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê cùng con trai và con dâu của ông là nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến, những người Việt cư trú tại Paris...

Đấy là khi nhạc sĩ Trần Văn Khê vừa mới từ bệnh viện về sau một ca phẫu thuật khá nặng nên trông sắc mặt ông còn xanh xao lắm. Ấy vậy mà trong tình bằng hữu, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã đứng dậy, gạt đi mọi nỗi mỏi mệt, hát lại ca khúc do chính ông sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước, bài hát Chùa Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Vốn quen nghe ca khúc rất được phổ biến rộng rãi do ca sĩ Trung Đức phổ nhạc và luôn cảm thấy cấn cá khi cô gái quê của Nguyễn Nhược Pháp được cho “đi đôi guốc cao cao” để leo lên chùa Hương, tôi vừa thích thú vừa kinh ngạc khi thấy thơ Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê chuyển thành ca khúc chuẩn mực và dân gian đến thế: thơ không bị tầm thường đi bởi những câu chữ thêm vào, mà giai điệu bên trong của thơ được phát huy tới mức tối đa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã biểu diễn ca khúc này rất tuyệt vời: khi hát tới những đoạn đò đi, ông đã làm động tác chèo đò thực ngoạn mục, khó mà có thể hình dung được trước đó không lâu ông đã gần như kiệt sức vì ca phẫu thuật. Dường như những câu thơ trẻ trung, nhí nhảnh mà thấm thía của Nguyễn Nhược Pháp đã thổi vào ông thêm sinh khí...

Thực tiếc là ở Việt Nam hôm nay, ít người được nghe bài hát đó của nhạc sĩ Trần Văn Khê! Và cũng thực tiếc là hôm nay ở Việt Nam, chúng ta cũng không biết được gì nhiều về thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, một tài hoa yểu mệnh.

Giỏ nhà ai, quai nhà nấy

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Chàng là con trai của một trong những cây bút có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có quê là làng Phượng Dực, Thường Tín (nay là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông Vĩnh là một nhân vật kỳ thú của làng viết nước ta, còn chưa được hậu thế nhận thức đầy đủ. Con một người nông dân nghèo, sinh ra vào thời nước mất nhà tan, chỉ bằng trí tự thiên phú và lao động đến kiệt sức của mình, ông Vĩnh đã tạo dựng nên được một gia tài chữ nghĩa vô cùng đồ sộ mà ngay cả những người đồng thời, dù không đã đồng quan điểm với ông, cũng phải nể vì.

Ông Vĩnh từng dịch nhiều tác giả Pháp cổ điển sang Việt văn, trong đó có thơ La Fontaine mà bài phổ cập nhất có lẽ là bài Con Ve và con Kiến... Ông dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp, rồi dịch cả những tác phẩm tiếng Hán như Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích sang Pháp ngữ... Ông còn là một nhà báo vào hàng gạo cội của những thập niên đầu thế kỷ XX, người góp công gây dựng nên nền báo chí Việt Nam khi đó. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông Vĩnh “rất trung thực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình, không tùy thời, mà chỉ tùy mình...”.

Trong con mắt của nhiều người đương thời, ông Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương lao đông nghề nghiệp đến quên mình. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khèo, nhờ ông Tụng (bác sĩ, nhân viên đắc lực của Saigon Công thương, chuyên lo chạy tiền vay cho ông Vĩnh – TG) mua cho một mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmác phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua... Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh. Ông viết tin, viết xã thuyết, làm thơ, khảo cứu, phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được....”.

Là một người lao động sáng tạo như thế, lại ở thời nước ta còn theo tập tục phong kiến, dĩ nhiên ông Vĩnh là người đào hoa. Ông có tới ba vợ. Người vợ thứ hai chỉ sinh được một người con là Nguyễn Nhược Pháp. Năm thi sĩ của chúng ta mới lên hai tuổi, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn. Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi mẹ từ đó...

Sống với một người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó. Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu Tú Tài rồi vào Trường Cao Đẳng Luật Khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn thơ báo chí. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn và kịch... Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và trong sáng: chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện!

Hóm hỉnh nhìn đời

Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao có 1,52 m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông... Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm cười, cái miệng như móm. Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với mọi người. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu “rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”.

Người làm sao, thơ làm vậy, tập Ngày Xưa xuất bản năm 1935 của chàng thể hiện rất rõ một phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền và khoáng hậu trong thơ Việt Nam. Đây là tập thơ chỉ có trên dưới chục bài, toàn viết về những gì “vang bóng” từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”.

Bằng con mắt già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống, Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến... Bài Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chàng viết tặng người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như cách hành xử của Mỵ Châu khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với nhau:

Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”.

Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính:

Thủy Tinh năm năm dưng nước bể
Giục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Điểm sáng nhất trong tập Ngày Xưa có lẽ là bài Chùa Hương, thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại: “Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam mô cứu khổ cứu nạn...” rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: “Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc”.

Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói.

Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với có gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy...

Trong tuần ấy, anh góp các bài thơ của mình, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:

- Có nên xuất bản không?
- Nên!
- Nhưng tiền đâu? - Nhược Pháp cười móm mém.
- Xin ông cụ.
- Thôi, tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt rác.
- Đưa bà cụ vậy.
- Ừ, phải đấy!

Một tháng sau, quyển thơ Ngày Xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác.

Nghe nói, sinh thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên là Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của chàng. Người thơ, yêu cũng như sương khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938. Thi nhân đôi khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”


Hoàng Nguyên