
(Hình: Đại Việt)
Khi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam thời chiến, Dương Nguyệt Ánh đã tự nói với mình rằng, một ngày nào đó sẽ làm một điều gì đó cho những người lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa đã cứu bà. Từ đó, bà Ánh và đội của mình trong Hải Quân đã chọn cách nghiên cứu việc cách mạng hóa phi đạn của Mỹ như một sự trả ơn.
Tháng Sáu 2025, khi Hoa Kỳ thả 14 quả bom “xuyên hầm” xuống hai địa điểm hạt nhân ở Iran, bà Dương Nguyệt Ánh được nhắc tới không ngừng trong giới khoa học chế tạo vũ khí, bởi mọi thứ đầy sự quen thuộc ùa về.
Bà Dương Nguyệt Ánh, 65 tuổi (2025), là một người tị nạn chiến tranh Việt Nam. Bà đã chạy thoát khỏi Sài Gòn và tìm được một mái ấm cùng gia đình ở Washington. Trong quyết tâm lâu dài muốn đền đáp lại quốc gia đã che chở mình, bà Ánh đã nhận được cơ hội nghiên cứu, chỉ một tháng sau khi các cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11 Tháng Chín năm 2001. Bà Ánh trở thành trưởng nhóm các nhà khoa học quân sự Hoa Kỳ, vốn đã tạo ra một loại thuốc nổ cùng loại với bom xuyên hầm được sử dụng ở Iran trong năm 2025.
Đó là BLU-118/B, một loại bom dẫn đường bằng laser được thiết kế để đi sâu vào những không gian hạn chế như các đường hầm ngầm do Al Qaeda chiếm đóng ở Afghanistan. BLU là viết tắt của Bomb Live Unit, không phải Big, Loud and Ugly, “có lẽ là cách mà những người lính đùa,” bà Ánh cho biết, trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở vùng ngoại ô Maryland.
Quả bom tạo ra một vụ nổ nhiệt độ cao, duy trì, “để những người của chúng ta không phải lùng sục các ngọn đồi hay hang động này bằng chân,” bà nói. Được sử dụng nhiều lần ở Afghanistan, vũ khí do ‘Lady Bomb’ của Hải quân và nhóm của bà phát triển được những người khác ghi nhận là đã giúp rút ngắn cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Trước khi thiết kế BLU-118/B, bà Ánh và nhóm nghiên cứu của bà đang chế tạo một thế hệ thuốc nổ mới “hiệu suất cao, không nhạy cảm”, có thể chịu được lực tác động và sự mài mòn” khi phóng xuyên qua các lớp đá hoặc tường gạch trước khi phát nổ.
Đây là một phần của dòng thuốc nổ được nhồi vào bom xuyên hầm, chính thức là GBU-57 – Massive Ordnance Penetrator, mà Hoa Kỳ đã sử dụng ở Iran. Mười hai quả bom đã được thả xuống địa điểm hạt nhân của Iran tại Fordo, nằm sâu dưới một ngọn núi. Hai quả nữa được thả xuống cơ sở hạt nhân ở Natanz.
Bà Dương Nguyệt Ánh không tham gia vào cuộc tranh luận về mức độ thiệt hại mà những quả bom gây ra cho chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng bà Dương nhấn mạnh rằng, mức độ thành công của quả bom không thể được đo lường được, chỉ từ Washington, Israel hay thậm chí là Tehran.
“Hãy nghĩ về điều đó,” bà nói. “Chúng ta đã tiến vào và ném bom một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất. Không an toàn để cử bất kỳ ai vào cơ sở đó. Tôi nghi ngờ sẽ mất một thời gian dài trước khi có thể thực hiện bất kỳ đánh giá thực tế, trực tiếp nào.”
Nhưng việc đọc kết quả và nhẩm tính về sức công phá của các bom ở Iran, đã gợi lại cho bà Ánh về “những kỷ niệm đẹp về những khuôn mặt và tình bạn,” Bà kể. “Những nhà phát triển vũ khí đó là một cộng đồng nhỏ. Chúng tôi biết nhau và hợp tác rất nhiều. Đó không chỉ là công việc cá nhân của tôi. Mọi thứ đều là làm việc nhóm.”
Bà Ánh không nhớ ai đã đặt biệt danh cho mình là “Lady Bomb – Quý bà Bom,” nhưng khi tin tức về những thành tựu của bà lan rộng, đó cũng là cách mà bà được biết đến trong cộng đồng người Việt di cư ở Hoa Kỳ và nước ngoài.
Ước mơ về cây đũa thần
Hành trình của bà Dương Nguyệt Ánh từ tuổi thơ trong thời chiến ở Việt Nam, rồi đến phòng thí nghiệm phi đạn của Hải quân Hoa Kỳ, như một cuốn phim bắt đầu từ cổng nhà cha mẹ bà ở Sài Gòn vào cuối những năm 1960, khi bà khoảng 7 tuổi. Cha của bà Ánh là một quan chức nông nghiệp hàng đầu trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Anh trai bà là phi công trực thăng cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Bà Dương nhớ lại, ước rằng phải chi bà “có một cây đũa thần, để ban cho anh ấy vũ khí tốt nhất, tiên tiến nhất để anh ấy có thể chiến thắng và trở về nguyên vẹn”. Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong suy nghĩ suốt cuộc chiến dài. Cuối cùng, đứa bé đứng ở cổng đã tự hứa với lòng mình rằng. “Nếu như có cách nào đó, tôi sẽ giúp cho những người lính Mỹ đã tiếp tục bảo vệ tôi và gia đình tôi,” bà Dương nói. “Tôi sẽ cung cấp cho họ những phương tiện tốt nhất để trở về với những người chị em của họ.”
Vào Tháng Tư năm 1975, khi Sài Gòn sắp rơi vào tay quân đội Bắc Việt, anh trai bà Dương và một phi công trực thăng khác đã đưa bà cùng cha mẹ, anh chị em và cả gia đình lớn đến một con tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đang hướng đến Philippines. Họ là những người may mắn. Sau thất bại của Mỹ, hàng triệu người Việt “thuyền nhân” đã cố gắng bỏ trốn sự cai trị của chế độ cộng sản. Liên Hợp Quốc ước tính có tới 250.000 người trong số họ đã thiệt mạng.
Gia đình bà Ánh cuối cùng đã đến thủ đô của nước Mỹ, nơi họ có người thân và một nhà tài trợ là Nhà thờ First Baptist ở Washington, D.C. “Chúng tôi đến đây với hai bàn tay trắng, những người tị nạn nghèo khó, và chúng tôi đã gặp rất nhiều người Mỹ hào phóng và tốt bụng,” bà Dương nói. Sự giúp đỡ hào phóng đã củng cố quyết tâm đền đáp lại những người Mỹ đã chào đón gia đình cô.
Nhà thờ đã sắp xếp cho họ một căn hộ ở vùng ngoại ô Maryland gần đó. Bà Dương lúc đó mới gần 16 tuổi và nói được rất ít tiếng Anh. Nhưng bà là một sinh viên tài năng, và vào năm 1982 đã tốt nghiệp xuất sắc Đại học Maryland với bằng kỹ sư hóa học. Bà nhận bằng thạc sĩ quản lý công từ Đại học American và sau đó theo đuổi một công việc khoa học dân sự cho Hải quân, bị thu hút bởi “những thứ tạo ra tiếng rít và tiếng nổ lớn,” cô nói với nhà báo George Will vào năm 2007.
Đến năm 2001, bà Dương là Giám Đốc Phát Triển Tiên Tiến Đạn Dược Không Nhạy Cảm (Insensitive Munitions Advanced Development tại phân khu Indian Head của Trung tâm Tác chiến Bề mặt Hải Quân (Naval Surface Warfare Center’s Indian Head division), ở Hạt Charles, Maryland. Bà đã bắt đầu nghiên cứu các loại thuốc nổ mà sau đó được sử dụng ở Afghanistan, khi Al Qaeda tấn công Lầu Năm Góc và tòa tháp đôi.
Đại Tá Thomas Ward của Không Quân, một quan chức cấp cao tại Cơ quan Giảm thiểu Mối đe dọa Quốc phòng (Defense Threat Reduction Agency), đã nói với bà rằng “chúng ta sẽ nhanh chóng tiến vào Afghanistan. Chúng ta có thể làm gì càng sớm càng tốt?”
Bà Dương và một nhóm khoa học và kỹ thuật gồm 100 thành viên đã rút gọn công việc kéo dài 5 năm thành 67 ngày, tạo ra một loại thuốc nổ chết người, liên kết bằng nhựa được đổ như bột bánh vào vỏ bom của Không quân. Nhóm đã thực hiện các phép tính và thử nghiệm các bước, cho đến khi họ có 420 gallon thuốc nổ.
Vào cuối những ngày dài trong phòng thí nghiệm, “không ai muốn rời đi,” bà Dương nói. “Tôi phải đuổi mọi người ra ngoài. Bạn không thể mệt mỏi khi làm việc với thuốc nổ.”
Năm 2002, Bộ Trưởng Hải Quân, Gordon R. England, đã trao tặng toàn bộ lực lượng lao động dân sự hơn 2.000 người tại Trung tâm Tác chiến Bề mặt Hải Quân ở Indian Head tấm bằng khen Đơn vị Xuất sắc, một vinh dự thường dành cho các đơn vị quân đội đang tại ngũ. Mỗi ngày sau đó, đội của bà Dương đều đeo huy hiệu ve áo đầy tự hào khi đi làm.
Mặc dù những hậu quả khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam vẫn còn ám ảnh bà lúc đó, cũng như bây giờ, bà Dương cho biết bà không thấy mâu thuẫn giữa bạo lực mà bà từng trải qua và công việc phát triển thuốc nổ có sức công phá đáng sợ của mình. Bà nói, bom công nghệ cao có thể giúp giảm thiểu giao tranh trên bộ và rút ngắn các cuộc chiến.
Bà nói: “Là một nhà khoa học quân sự và một người Mỹ, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là đảm bảo rằng binh lính của chúng tôi trở về an toàn.” “Tôi muốn làm bất cứ điều gì có thể để giúp họ giành chiến thắng.”

GBU-57, loại bom xuyên phá đã tấn công vào Iran (6-2025), hình thành từ nghiên cứu của bà Dương Nguyệt Ánh. (Hình: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ)
‘Đất nước này là một thiên đường’
Bà Dương nghỉ hưu vào năm 2020. Bà và chồng, một người tị nạn Việt Nam đồng hương mà bà gặp ở Đại Học, cũng đã nghỉ hưu với tư cách Kỹ Sư phần mềm cho một nhà thầu Quốc Phòng. Họ sống gần Hagerstown, Maryland, phía Tây Bắc Washington, và có một con gái cùng ba con trai trong độ tuổi từ 29 đến 35.
Bà Dương kể: Khi gia đình xem quảng cáo vé số và những câu chuyện về người trúng số Powerball trên TV, “Tôi thường nói với các con mình, ‘Chúng ta đã thắng rồi, vì chúng ta đang ở đây.’” “Đôi khi cần một người ngoài cuộc để nói, ‘Này, luôn có chỗ để cải thiện, nhưng đất nước này là một thiên đường.’”
Năm 2007, bà Dương đã giành được Huân chương Samuel J. Heyman Phục vụ Nước Mỹ từ Tổ chức Đối tác vì Dịch vụ Công (America Medal from the Partnership for Public Service), một nhóm phi lợi nhuận thúc đẩy lực lượng lao động liên bang hiệu quả và tài trợ các giải thưởng thường niên. Trong một video tri ân, bà đã nói về nỗi đau đớn của mình tại cổng nhà, cuộc thoát hiểm trong gang tấc và cuộc sống mà bà cùng gia đình đã xây dựng ở đây.
Bà nói: “Tôi không bao giờ quên 58.000 người Mỹ, cùng với 260.000 binh lính Việt Nam Cộng Hòa khác đã hy sinh trong cuộc chiến đó.” “Tôi cảm thấy mình nợ cơ hội thứ hai ở Mỹ này là nhờ tất cả những người đó.” Bà Dương đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt, và nhiều người trong khán giả đã khóc.
Năm 2008, bà trở thành người đứng đầu Cục An ninh Biên giới và Hàng hải (Borders and Maritime Security Division) với quyền Thứ trưởng về Khoa học và Công nghệ trong Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security). Tại đó, bà đã thẩm định công nghệ và thiết bị được sử dụng để tăng cường an ninh biên giới và cảng. Bà nói: “Tôi đã chuyển từ tấn công sang phòng thủ.”
Khoảng năm 2013, bà Dương là diễn giả chính tại một hội nghị an ninh nội địa ở một thị trấn biên giới thuộc Arizona. Bà được giới thiệu bằng một bài tóm tắt ngắn gọn tiểu sử của mình, nổi bật với công việc của bà sau vụ tấn công ngày 11 Tháng Chín. Khi hội nghị kết thúc, một người đàn ông đã đến gần và nói với bà rằng anh ta từng phục vụ ở Afghanistan.
Bà nói, điều này rất hiếm. Trong suốt những năm cung cấp các nghiên cứu khoa học cho quân đội, bà hiếm khi gặp binh lính.
Bà nhớ lại: “Anh ấy nói: ‘Cảm ơn bà. Bà đã cứu mạng tôi và cứu mạng cho đồng đội của tôi.’” Bà Ánh đáp lại: ‘Không, tôi mới là người phải cảm ơn anh, vì đã mạo hiểm mạng sống của mình.’”
Họ chia tay trước khi bà Dương kịp biết tên người lính đó. Bà nói: “Lúc đó tôi không nói với ai, vì bạn không khoe khoang về những điều này.” “Nhưng đó là phần thưởng tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể hy vọng. Tốt hơn tiền thưởng, tốt hơn huy chương, tốt hơn thăng chức, một chiến binh đã nói với tôi điều đó.”
Y Nguyên