User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
phitruongphanthiet
 
Với Biển Mặn thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xứng đáng được người Phan Thiết tự hào, ca ngợi và vinh danh mãi mãi!
 
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sanh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại làng Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận. Cái chất biển mặn và cá mắm của Phan Thiết đã là sự hãnh diện mà Trần Thiện Thanh luôn khoe công khai, tự hào trong những bài nhạc của ông.
 
Biển Mặn là một tuyệt phẩm tuyệt đỉnh tình quê.
 
Với tôi, chỉ ba đoạn nhạc sau đủ để đúc tượng Trần Thiện Thanh đặt giữa Phan Thiết rồi:
 
"Tôi thức từng đêm
Thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng
Mẹ là mẹ trùng dương
Gào than từ bãi trước ghềnh sau
Tuổi trời qua mau
Gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi."
 
Ba đoạn cuối thì làm người nghe muốn rớt nước mắt vì tình yêu thương của anh lính chiến VNCH với Phan Thiết:
 
"Miệt mài đời trai
Vượt truông dài che khuất biển xanh
Đẹp tựa trong tranh
Gót bùn lầy cho lúa thêm xanh."
 
"Tôi là một người lính Bộ Binh 24 tuổi, ba tháng quân trường bốn năm chiến đấu chưa lập gia đình nhưng chỉ mới có người yêu. Tôi muốn trả lời chung cho những người hay hỏi: "Tại sao tôi yêu cuộc đời chinh chiến như... yêu chính bản thân tôi?"
 
bienman
 
Đó là lời giới thiệu của chính tác giả tác giả Trần Thiện Thanh in trên trang bìa của bản nhạc Biển Mặn xuất bản vào năm 1966 có hình vẽ khuôn mặt của anh lính trẻ.
 
Có phiên bản là "...3 tháng quân trường, 4 năm chiến đấu, chưa lập gia đình nhưng mới có người yêu lúc vừa tái đăng đánh giặc."
 
Bài nhạc có những câu vô cùng xúc động về tình yêu quê nhà của người lính trẻ măng ở vùng duyên hải:
 
"Cao ngất Trường Sơn
Ôm ấp tình thương nước ra sông nguồn."
 
Một anh lính động viên, là một trí thức vì chiến cuộc ra đi, khi chưa biết yêu là gì:
 
"Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi
Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai."
 
Những đoạn sau tác giả cũng chưa có yêu cô gái nào hết, có thể chỉ mới để ý mà chưa có hứa hẹn gì, tất cả là hình ảnh đẹp của Phan Thiết với cảnh biển xanh dừa lộng mà thôi!
 
"Người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi
Lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu
Vùng hoang vu bóng dừa bờ cát dài
Gió lên từng chiều vàng nàng xõa tóc trên biển xanh
Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa
Lúc màu xanh biển mặn đục sắc mây
Bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình
Như màu xanh biển tình trong ngày trời xinh rất xinh."
 
Kết bài nhạc Trần Thiện Thanh cũng ngoáy trở về Phan Thiết bằng câu "Mồ hôi thành biển mặn trên môi".
 
Tuyệt vời làm sao! Phan Thiết đẹp quá! Người lính chiến dạt dào quá!
 
Năm 1968 Trần Thiện Thanh viết Rừng Lá Thấp cũng là một tuyệt phẩm để đời. Bài hát vinh danh người bạn thân là Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến Vũ Mạnh Hùng trong trận đánh Mậu Thân 1968 khi bảo vệ Cầu Bình Lợi.
 
“Tặng anh hùng mũ xanh chiến trường Bình Lợi."
 
Bài hát mở đầu bằng những lời da diết dạt dào tình cảm của người lính chiến:
 
"Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người vui chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu."
 
Chú ý, Nhật Trường tự hát bài này, câu "Tôi là người vui chinh chiến dài lâu" chứ không ca sĩ sau này hát thành "Tôi là người đi chinh chiến dài lâu."
 
Vui khác đi.
 
Chúng ta đếm được 2 chữ "giặc" trong bài hát, tác giả kêu là giặc thẳng thừng. Cùng với Trúc Phương và Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nêu đích danh đó là giặc.
 
"Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên" của những "người giết giặc trên cầu."
 
Trần Thiện Thanh viết về Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị 1972 trong Người Ở Lại Charlie có những câu tình cảm tha thiết bất tử:
 
"Ngày anh đi, anh đi
Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ,
tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ."
 
Đó là tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư hoà cùng tình yêu quốc gia san hà xã tắc. Nhạc của VNCH tình cảm tràn trề, không có kiểu quên mình kiểu lên gân rất thiếu thực tếcủa Bắc Việt.
 
Trần Thiện Thanh có một bài nhạc vàng thiệt hay, nghe hoài không chán, nhạc lính:
 
"Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo treillis
Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây."
 
Xưa nay lính chiến thì hay thơ từ về nhà, gởi mẹ gởi cha, gởi người yêu, lá thơ từ chiến trường là nó, có khi lá thơ đượm mùi thuốc súng, thậm chí mùi máu của anh lính từ tiền đồn,
 
Cầm trong tay lá thơ của lính có khi người thân khóc ngất vì đó là lá thơ cuối cùng của con em mình.
 
Trần Thiện Thanh nhắc chữ áo trây di (Treillis). Áo Treillis lá áo lính trận, là áo tay cánh, vải dày thô và thường có màu xanh hoặc đen. Áo này rất nóng nếu mùa hè, nhưng giữ ấm cho lính trong đêm biên thùy, đụng mưa thì ướt như chuột lột.
 
Tôi có đọc được một cô vợ lính, cô hồi tưởng về mùi áo lính Treillis của chồng, cô nói cả đời cô không bao giờ quên được mùi áo lính, cái mùi cô yêu quý, trân trọng.
 
Trong nhạc vàng có khái niệm "KBC". KBC là Khu Bưu Chính.
 
Khu Bưu Chính là một bộ phận chuyên về nhận và chuyển phát thơ từ, điện tín của quân lực VNCH. Chữ KBC gắn bó với người lính VNCH suốt thời quân ngũ.
 
Ngày đầu một năm là bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được ký tên Anh Chương viết năm 1967, tức là trước Mậu Thân chỉ một năm.
 
Nhạc Xuân, nhạc Tết Miền Nam của chúng ta phần đông có hơi hám người lính chiến VNCH ở trong đó, lý do rất đặc biệt, nó xuất phát từ sự quan tâm của hậu phương ra tiền đồn ngày Tết, cũng như sự da diết yêu nhà, thương mẹ, nhớ vợ con nhưng quyết giữ vững trận địa của chính người lính ngày đó.
 
"Ngày đầu một năm.. có mẹ già trông ngóng tin con
Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới
Lòng già thầm mong ước người con sẽ giống anh hùng
Chúc cho năm này, lập đầu công con về thăm nhà."
 
Thương lắm người lính Việt Nam Cộng Hòa!
 
Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ rất thương lính, ông sáng tác những bài nhạc về lính chiến VNCH, nhiều bài nhân vật thực tế luôn, thí dụ anh hùng mũ đỏ Nguyễn Văn Đương, anh hùng Charlie Nguyễn Đình Bảo..
 
Chuyện Tình Mộng Thường hay "Tình Thiên Thu" là một ca khúc nổi tiếng, mà nghe tên bà Mộng Thường hoài đâm ra quen.
 
"Tưởng là chết đi
Nhưng không anh lại về
Anh lại về, anh lại về."
 
Trong bảy ngàn đêm cuộc chiến Nam Bắc, đôi vai của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã gánh gồng trách nhiệm Quốc Gia nặng nề và can đảm.
 
Trong binh pháp sẽ hiểu, khi bạn chủ động tấn công chiếm đất và bình định cai trị đối phương sẽ dễ dàng hơn khi bạn phải đứng một chổ và phòng thủ đối phương tràn xuống bằng biển người.
 
Việt Nam Cộng Hòa sai lầm trong chiến thuật khi cứ gồng mình đẩy lùi hơn 3 triệu người chấp nhận “sanh Bắc tử Nam” từ bên kia Bến Hải tràn qua.
 
Bao lớp trai hùng ra chiến trận, băng mình trong đêm sương lạnh ngoài miền hỏa tuyết, địa đầu và để lại một tư thế hiên ngang cho con cháu ngàn đời sau.
 
"Tại sao tôi yêu cuộc đời chinh chiến như yêu chính bản thân tôi?"
 
Trần Thiện Thanh có những câu gần như là ai cũng thuộc, vô cùng xúc động về tình yêu quê nhà của người lính trẻ măng ở vùng duyên hải.
 
Nhạc lính của Trần Thiện Thanh là một di sản lớn, ông say mê viết, trân trọng viết không bút mực nào tả xiết tưởng nhớ và tri ân những người lính đã bỏ cả tuổi xuân, máu xương cho mảnh đất này.
 
Trần Thiện Thanh còn vô số bài nhạc hay, trong sáng, ý nghĩa, da diết và tinh anh.
 
Cám ơn đất Phan Thiết, xứ Vạn Thuỷ Tú muối mặn gió nồng mùi nước mắm đã sanh ra một Trần Thiện Thanh!
 
Nguyễn Gia Việt
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Lê Bích Phượng