User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

trannnahntong

Triều đại Trần Nhân Tông (1247-1308), đời Vua thứ ba của nhà Trần, là thời cực thịnh và là giai đoạn hiển hách nhất trong lịch sử Việt Nam. Với những công thần, danh tướng, hiền tài trung liệt và dũng cảm (như: Thái Sư Trần Quang Khải, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Thánh Dực Quân Phạm Ngũ Lão, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Tiến Sĩ Nguyễn Thuyên, Văn Hào Trương Hán Siêu, Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi…) triều đại Trần Nhân Tông đã để lại di sản vẻ vang cho đời sau với công nghiệp văn hóa và quân sự lừng lẫy qua 2 lần đánh thắng giặc Mông Cổ lúc ấy đang tung hoành vó ngựa trên khắp hai châu lục Âu - Á.

Đặc biệt được nhắc đến trong thời kỳ trị vì của Vua Trần Nhân Tông là tinh thần dân chủ qua 2 cuộc Hội Nghị Bình Than năm 1282 (Luận Kế Quốc Phòng) và Hội Nghị Diên Hồng năm 1284 (Trưng Cầu Dân Ý) để triều đình cùng tướng sĩ và dân chúng quyết chiến với giặc. Những địa danh lừng lẫy chiến công như bến Vân Đồn, Chương Dương, Hàm Tử, sông Bạch Đằng, thành Thăng Long v.v... vẫn muôn đời khắc ghi trong tâm khảm của người dân Việt như những kỳ tích chống ngoại xâm. Khi giặc tan, nước yên, Vua Trần Nhân Tông trao lại vương quyền cho con là Trần Anh Tông để sống đời tu sĩ khổ hạnh.

Ngài là một trong ba vị Sư Tổ sáng lập thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông có thể được tóm lược qua các nguyên tắc đạo đức và hành động sau: Lấy dân làm gốc. Xuất thân dân dã. Vua Trần Nhân Tông lên kế vị Phụ Hoàng Trần Thánh Tông năm 1279. Dù ngồi trên ngai vàng, Ngài không bao giờ quên lãng cội nguồn của mình. Ngài thường nhắc nhở ý thức về nguồn cho các đại thần khai triều và con cháu: "Nhà ta vốn là dân hạ bạn, đời đời ưa chuộng việc hùng dũng... xâm hình rồng vào đùi để tỏ ra không quên gốc."

Tinh thần "dân vi quý" của Vua Trần Nhân Tông được chính sứ giả của nhà Nguyên là Trần Phụ ghi nhận như sau: Mỗi người dân Đại Việt còn xâm trên ngực chữ "Nghĩa di quyền phụ, hình vu báo quốc" (Vì việc nghĩa mà liều thân, vì ơn nước mà báo đền). Điều này cho thấy dưới đời vua Trần Nhân Tông, quân dân đều một lòng tụ tập quanh một ông vua có căn cơ là gốc dân. Mẫu mực lãnh đạo Vua Trần Nhân Tông là một mẫu mực lãnh đạo anh minh, biết nghe lời can gián trung trực, trọng đãi hiền tài và quyết đoán đại sự.

Câu chuyện về lời khuyên "Không hàng giặc" của Trần Quốc Tuấn, hoặc quyết định xá tội cho Trần Khánh Dư là những thí dụ được lưu truyền với sự khâm phục của hậu thế. Dưới triều của Ngài (và sau đó, các đời vua kế tiếp) anh hùng, tuấn kiệt lũ lượt kéo về giúp nước như trẩy hội. Đời Trần Nhân Tông được coi như "đỉnh cao của các Vương triều Việt Nam", không những chỉ vì các công nghiệp chính trị và quốc phòng mà còn về cả văn hóa và kinh tế.

Vua Trần Nhân Tông còn là một nhà cách mạng tiên phong trước nhiều thế hệ khi Ngài cải tổ bộ máy hành chánh và thúc đẩy nền kinh tế giúp cho dân giàu nước mạnh. Vua quyết định bỏ các thủ tục quan liêu, giảm bổng lộc của các quan chức và ngay cả đặc quyền của Hoàng gia để xả kho cứu đói và hạ thuế cho dân trong thời hậu chiến. Với một bộ máy triều đình nặng nề và tốn kém; từ Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, Nội mật viện, đến các Bộ, các Cục (Nội thư hoả cục, Chi hậu cục…), các Đài (Ngự sử đài), các Viện (Khu mật viện, Hàn lâm viện, Thẩm hình viện, Quốc sử viện, Thái y viện...) v.v… khiến nhà Vua phải thốt lên: “Sao một nước bé bằng bàn tay mà phong nhiều quan thế!"

Biểu tượng hòa giải: Ý thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết dân tộc trước nạn ngoại xâm thường trực từ phương Bắc, Vua Trần Nhân Tông luôn quan tâm và áp dụng chiến lược "nâng thuyền là sức dân, lật thuyền cũng do dân". Vì vậy, sau cả 2 lần chiến thắng quân Nguyên, Ngài đều xóa án cho những người "lỡ theo giặc" - để tạo điều kiện cho họ đoái công chuộc tội - ngoại trừ những kẻ phản quốc, giết dân. Sử ghi rằng khi bóng quân xâm lược Mông Cổ không còn trên đất Nam, triều đình bắt được một chiếc tráp đựng các sớ biểu hàng của một số quan. Số là lúc quân giặc đang mạnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, có thông đồng với chúng để cầu lợi. Triều thần muốn mở tráp ra để trị tội, nhưng Vua Trần Nhân Tông và Thánh Tông Thượng Hoàng nghĩ xa đến sự hoà giải dân tộc nên sai đem đốt cả tráp đi cho yên lòng mọi người và cùng nhau xây dựng lại đất nước. Duy chỉ những người thực sự đầu hàng và hợp tác với giặc mới bị trị tội.

Lý tưởng nhân văn Vua Trần Nhân Tông được tôn xưng như một vị minh quân không phải chỉ vì khả năng lãnh đạo kiệt xuất hoặc tinh thần hòa giải dân tộc sáng ngời mà còn vì lý tưởng nhân văn cao rộng của một bậc đại trí, đại nghĩa. Hai câu chuyện sau đây thể hiện những đức tính đó của Ngài.

Chuyện 1: Sau chiến thắng của quân ta ở Tây Kết (Khoái Châu, Hải Hưng), tướng giặc là Toa Đô bị trúng tên chết và Ô Mã Nhi phải trốn chui xuống thuyền về Tàu. Khi các tướng thắng trận đưa đầu Toa Đô về nộp, Vua Trần Nhân Tông thấy người dũng kiện mà lại hết lòng với chúa, nên xúc động mới than rằng: "Làm bầy tôi nên như người này" rồi cởi áo ngự bào đắp vào đầu Toa Đô, sai quân dùng lễ mai táng cho tử tế.

Chuyện 2: Sau cuộc chiến, kinh thành Thăng Long bị tàn phá nặng nề đến mức nhà Vua không còn nơi để sinh hoạt và thiết triều mà phải tạm trú ở Lăng Thị Vệ. Dù vậy, chính sách ưu tiên của Ngài không phải là xây dựng cung điện hoặc củng cố triều đình mà là các biện pháp an dân. Vua xuống chiếu đại xá cho thiên hạ. Nơi nào bị địch đốt phá thì tha tô ruộng và tạp dịch toàn phần, các chỗ khác thì xét miễn giảm theo thứ bậc khác nhau. Chính sách khéo léo và có tầm nhìn xa này, thể hiện một tinh thần thương dân và tư tưởng nhân bản sâu xa trong thời đại quân chủ lúc ấy (coi Vua như con Trời).

di chuc

Di sản đời đời: Ngày nay, trước hiểm họa mất nước cận kề, dân Việt mới hiểu thấu giá trị tâm huyết của di sản Trần Nhân Tông từ hơn 8 thế kỷ trước. Di huấn của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông về chủ quyền dân tộc:

"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng, họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên, cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta thấy tới chuyện khác lớn hơn. Tức là, họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần, họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên, các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu."

Lưu Dân - Tóm Lược